Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Phương Tây bất lực, Hoa kỳ lúng túng trước đà tiến của IS

Đăng ngày:

Gần một năm sau cuộc tấn công chớp nhoáng vào Mossoul , thành phố lớn thứ 2 của Irak, giữa tuần qua lá cờ đen của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiếp tục được cắm ở Ramadi, cách phía tây thủ đô Bagdad hơn một trăm km. Gần như cùng lúc, tại Syria, thành phố Palmyra cũng như đồn biên phòng với Irak trước đó do quân đội của chế độ Bachar al Assad kiểm soát cũng bị thất thủ. IS giờ đây kiểm soát một vùng đất trải rộng qua lãnh thổ hai nước Irak và Syria. Một lần nữa thế giới, đặc biệt là phương Tây, phải sững sờ trước đà tiến quân của lực lượng tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo.

Khói súng bốc lên tại một góc thành phố Ramadi, Irak, ngày 15/05/2015.
Khói súng bốc lên tại một góc thành phố Ramadi, Irak, ngày 15/05/2015. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Ngay lập tức nhiều câu hỏi đặt ra trong dư luận báo chí, giới chuyên gia cũng như chính giới ở phương Tây : Tổ chức thánh chiến này còn tiến tới đâu ? Liên quân đã đánh giá quá thấp tổ chức Nhà nước Hồi giáo chăng ? Chiến lược tấn công IS của Liên quân phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đã cho thấy giới hạn nếu không muốn nói là thất bại ?

Bất chấp chiến dịch không kích của liên quân vẫn diễn ra thường xuyên đôi khi cấp tập tại Irak và Syria, lực lượng thánh chiến Hồi giáo Sunni do Abou Bakr al Baghdadi lãnh đạo, tiếp tục mở rộng lãnh địa chiếm đóng và đang tiến rất gần đến mục tiêu thành lập một vương quốc Hồi giáo nằm vắt ngang hai phần lãnh thổ Syria và Irak. Thậm chí một số người, đặc biệt trong cộng đồng thiểu số những người Hồi giáo theo Sunni tại Irak , còn cảm thấy tổ chức thánh chiến này đang tạo dựng được một Nhà nước với cơ cấu chặt chẽ hơn cả chính phủ Irak hiện nay.

Nhà phân tích Úc, David Kilcullen từng là một trong những cố vấn của tướng David Petraeus, trong các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Irak trong những năm 2007-2008, nhận định : « Để hiểu cho đơn giản, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã hoặc đang trở thành cái mà nó đang muốn đó là : một Nhà nước ». Chừng nào mà Washington và các đồng minh còn chưa thay đổi chiến lược thì mối đe dọa của tổ chức này sẽ chỉ càng thêm trầm trọng, theo chuyên gia Kilcullen. Ông giải thích thêm :

« Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiến đấu như một Nhà nước. Lực lượng của nó có 250 nghìn chiến binh, trong đó nòng cốt là các cựu thành viên đảng Bass ( đảng của Saddam Hussein, và thậm chí còn có cả các cựu binh của al Qaida. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo có một tổ chức thống nhất và một cơ cấu phân cấp bậc do các cựu sĩ quan lực lượng chính quy của Saddam Husein chỉ huy . Các nước phương Tây tất nhiên rất chú trọng đến việc tiêu diệt IS, nhưng ở đây không phải là cuộc chiến chống nổi dậy mà là một cuộc chiến tranh quy ước chống lại một thực thể Nhà nước và mục tiêu phải là tiêu hủy IS với tư cách là một Nhà nước ».

Kiểm soát lãnh thổ ; có lực lượng quân sự và an ninh ; có tổ chức quản lý đời sống hàng ngày (trường học, bệnh viện, thuế, pháp luật, dịch vụ tập thể), như vậy tổ chức thánh chiến này đã hình thành những cơ sở của một Nhà nước thực thụ. Các nguồn thu nhập tài chính của nó rất rộng rãi, từ những giếng dầu, các khu lọc dầu cho đến đất đai trồng trọt. Tổ chức này cũng biết tận dụng cả một bộ máy tuyên truyền có hiệu quả. Trên mạng xã hội, IS tung lên các video được dàn dựng tinh xảo phô trương các chiến binh thánh chiến đang huấn luyện và được trang bị vũ khí hiện đại. Những hình ảnh tạo sự khác biệt với hình ảnh của quân chính quy Irak.

Trả lời câu hỏi của RFI, với việc chiếm được Palmyra ở Syria và Ramadi ở Irak, phải chăng tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang trên đà đạt tới mục tiêu thành lập Vương quốc Hồi giáo ? Tiến sĩ sử học Frédéric Pichon, một chuyên gia về Syria nhận định :

Đúng là như vậy nếu chúng ta nhìn vào tổng thể vùng lãnh thổ mà IS tiến quân trên vùng sa mạc Syria cùng với việc kiểm soát dần tỉnh Anbar và chiếm Ramadi. Cũng cần phải thận trọng khi nói đến chiến lược của IS. Có điều chắc chắn đó là đà tiến quân về phía Tây của IS hiện rất mạnh với tầm ngắm là Syria và Damas.

Thực tế cho thấy rõ là Liên quân quốc tế đã thất bại trong trận chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chiến lược không kích ngay từ đầu đã tỏ ra không có hiệu quả trong việc ngăn chặn đà tiến của IS. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo giờ là một tác nhân lớn, đó là điều mọi người đều đồng ý. Vấn đề đặt ra hiện nay là để xem các phản ứng thế nào từ Iran, từ Hoa Kỳ cũng như phản ứng của Pháp. Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố « cần phải ngăn chặn khủng bố », nhưng dường như Pháp cũng không muốn mở không kích vào quân IS tại Syria.

Vụ Palmyra thất thủ cho thấy tình hình ngày càng đặt chúng ta trước sự lựa chọn khó khăn : Liệu chúng ta có còn muốn chế độ Damas hiện nay sụp đổ hay là, ngược lại hành động để ngăn chặn các địch thủ của Damas. Đến giờ Pháp vẫn chưa có sự lựa chọn nào, đặc biệt trên mặt trận ngoại giao. Tôi nghĩ cần có sự thay đổi, nhưng đến giờ mới chỉ là qua lời nói.

RFI : Hoa Kỳ vẫn từ chối đưa quân trực tiếp tham chiến trên bộ. Liệu với tình hình hiện nay việc tung quân tham chiến trên bộ là điều tất yếu nếu muốn giành chiến thắng trước IS ?

Việc từ chối tham chiến trên bộ của Mỹ là hoàn toàn có thể hiểu được sau những thất thế của quân Mỹ ở Irak và ở Afghanistan trong những năm gần đây. Tôi không nghĩ là thời gian tới nguyên tắc « không đổ quân trên bộ - no boots in the ground » trong chiến lược của Mỹ vẫn sẽ không thay đổ. Vấn đề đặt ra là họ sẽ dựa vào ai ở thực địa chiến trường. Tại Irak, Mỹ có thể dựa vào lực lượng người Kurdistan, đôi khi họ cũng có thể dựa vào lực lượng dân quân của hệ phái Shia hay thậm chí cả lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran. Tại Syria, người ta có thể lựa chọn giữa lực lượng nổi dậy ôn hòa đang được hình thành, nhưng lượng này đến nay vẫn còn yếu, hoặc có thể dựa vào những đơn vị quân đội Syria đang chiến đấu chống IS. Tất cả việc này rất phức tạp, nhưng rõ là đến lúc phải có sự lựa chọn.

RFI : Với Syria có nên chăng phải thay đổi bằng cách đối thoại trực tiếp với Bachar al Assad ?

Tôi nhắc lại là đã bốn năm qua người ta vẫn muốn nhanh chóng bỏ qua tác nhân đối thoại này, trong khi chính quyền Syria vẫn còn tồn tại, đừng quên rằng đó là Nhà nước đầy đủ. Chắc chắn một Nhà nước có đầy đủ cơ cấu chính trị và quân đội như ở Syria hiện nay vẫn tốt hơn. Vì phương tây đã không thể thành công trong việc dựng lên một cơ cấu đối lập đủ tin cậy. Ngoài ra còn có tổ chức cực đoan al Norsa vừa ủng hộ một số nhóm đối lập nhưng đồng thời cũng liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Quả thực theo ý kiến tôi, dù gì cũng phải tính đến hai nhân tố lớn là Nhà nước và quân đội Syria.

Hoa Kỳ chưa thể làm gì hơn

Hoa Kỳ và các đồng minh từ tháng 8 năm 2014 đã tiến hành gần 4000 đợt không kích nhằm vào quân thánh chiến IS tại Irak và Syria. Chi phí cho chiến dịch này đã lên tới 2,11 tỷ đô la. Hoa Kỳ cũng đã huấn luyện cho gần 10 nghìn quân đội chính quy Irak, 7000 đã hoàn thành khoá huấn luyện chỉ còn lại 3000 đang tiếp tục. Bên kia biên giới Irak, chương trình huấn luyện cho lực lượng nổi dậy ôn hoà do người Mỹ đảm nhiệm cũng đã bắt đầu được triển khai. Hiện tại có khoảng 3000 quân nhân Mỹ có mặt tại Irak với vai trò cố vấn quân sự. Những cố gắng và tiền bạc của Mỹ đang có nguy cơ trở nên vô ích. Vì thế mà sau sự kiện Palmyra và Ramadi rơi vào tay quân thánh chiến, những ánh mắt lo ngại đổ dồn về phía nước Mỹ, mong chờ một sự thay đổi chiến lược của chính quyền của Obama.

Đà tiến của đội quân thánh chiến IS đã gây hoài nghi tại Washington về hiệu quả chiến lược vốn chỉ dựa vào quân đội Irak để giành lại đất của IS với sự hỗ trợ của không kích. Ngay trong chính quyền Obama, đã xuất hiện những tiếng nói hoài nghi bắt đầu cảm thấy cần phải xét lại chiến lược mà Hoa Kỳ đang theo đuổi tại Irak cũng như đối với Syria.

Nhà báo Phạm Trần tại Washington cho biết phản ứng của chính giới Mỹ sau vụ Palmyra và Ramadi liên tiếp rơi vào tay quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo :

06:16

Nhà báo Phạm Trần từ Washington

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.