Vào nội dung chính
NGA - ANH - SYRIA

Nga, Anh đồng ý tái khởi động đàm phán về Syria

Hôm nay 26/05/2015, theo AFP, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt đồng thuận trong việc tái khởi động đàm phán về hòa bình tại Syria, trong bối cảnh phe thánh chiến Nhà nước Hồi giáo liên tục giành được nhiều thắng lợi quân sự.

Al-Rahman corps and the Islamic Union for Recruiting the Levant demonstrate their skills during a military training in Marj Al-Ashari, eastern Ghouta of Damascus May 22, 2015. Picture taken May 22, 2015.
Al-Rahman corps and the Islamic Union for Recruiting the Levant demonstrate their skills during a military training in Marj Al-Ashari, eastern Ghouta of Damascus May 22, 2015. Picture taken May 22, 2015. REUTERS/Mohammed Badra
Quảng cáo

Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh, nhân cuộc điện đàm của Tổng thống Nga để chúc mừng ông Cameron tái đắc cử, lãnh đạo hai nước đã đồng ý thảo luận về việc « tìm ra một giải pháp cho nội chiến tại Syria, và đặc biệt để ngăn chặn đà thắng thế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ». Các cố vấn an ninh của hai phía sẽ gặp nhau để bàn về việc tổ chức đàm phán.

Trước đó, ngày 22/05, tại Riga, theo AFP, Tổng thống Pháp đã kêu gọi « chuẩn bị » một vòng đàm phán mới tại Genève để tìm kiếm một « giải pháp chính trị » cho Syria. Tổng thống François Hollande đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng hàng đầu của nước Nga trong tiến trình này.

Các nỗ lực đàm phán cho hòa bình tại Syria cho đến nay đều không mang lại được giải pháp cho cuộc nội chiến - bùng nổ sau các đàn áp của chính quyền nhắm vào đối lập, kéo dài từ bốn năm nay -, khiến ít nhất 220.000 người chết, hơn một triệu người bị thương và hơn 10 triệu người bị chiến tranh ảnh hưởng. Vòng đàm phán thứ nhất, gọi tắt là « Genève I », chấm dứt vào đầu năm 2012, với kết quả là một thỏa thuận chính trị, nhưng không được áp dụng. Đàm phán « Genève II » tháng 2/2014 cũng thất bại.

Hiện tại, Syria bị chia cắt thành nhiều khu vực. Các lực lượng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo chiếm được nhiều vùng đất với khoảng từ 10% đến 15% dân số Syria, trong khi đó chính quyền Damas chỉ còn kiểm soát được 22% lãnh thổ, với từ 50 đến 60% dân số (theo số liệu của Đài Quan sát Nhân quyền Syria và ước tính của chuyên gia Pháp Fabrice Blanche).

Theo nhiều nhà quan sát, chính quyền Syria đang tiến đến chỗ chấp nhận sự chia cắt lãnh thổ trên thực tế, với việc hầu hết các vùng đất miền nam, miền đông và miền bắc nằm trong tay hoặc của phe nổi dậy ôn hòa, hoặc của lực lượng thánh chiến Mặt trận Al-Nosra, hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Một chuyên gia về Syria, ông Thomas Perret, nhận xét : để tồn tại, chính quyền hiện nay phải giảm bớt tham vọng, và tập trung bảo vệ trục chính, nối thủ đô Damas, thành phố Homs (miền trung) với vùng duyên hải phía tây. Theo nhiều chuyên gia, đây chính là sự chuyển đổi chiến lược mà Iran – đồng minh của chế độ Damas – từng khuyến nghị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.