Vào nội dung chính
LATVIA - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Châu Âu và những ảo tưởng của dự án « Đối tác phương Đông »

Điện ảnh Pháp thu hoạch tại Liên hoan phim Cannes 2015, Châu Âu và những chính sách với các nước Liên Xô cũ và chính sách can thiệp có giới hạn của Hoa Kỳ tại Irak là những chủ đề chính của mục điểm báo hôm nay (25/05/2015).

Ảnh chụp lãnh đạo Châu Âu trước  cuộc họp « thượng đỉnh phương Đông » tại Riga , Latvia, ngày  22/05/ 2015.
Ảnh chụp lãnh đạo Châu Âu trước cuộc họp « thượng đỉnh phương Đông » tại Riga , Latvia, ngày 22/05/ 2015. REUTERS/Ints Kalnins
Quảng cáo

Trong hai ngày 21-22/05 vừa qua đã diễn ra cuộc họp « thượng đỉnh phương Đông » tại Riga, Cộng hòa Latvia giữa 25 lãnh đạo quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu và lãnh đạo 6 nước Liên Xô cũ (Ukraina, Georgia, Moldavia, Azerbaidzan, Belarus và Armenia). Theo nhật báo Le Monde, « Châu Âu chôn vùi mọi triển vọng mở rộng sang phía Đông ».

Đối mặt với Nga, mục tiêu của dự án « Đối tác phương Đông » với các nước Liên Xô cũ bị giảm xuống còn ở mức vừa phải. Mục tiêu chính của thượng đỉnh lần này là dỡ bỏ hy vọng gia nhập vào mái nhà chung Châu Âu của những nước đó. Để trấn an Nga, Châu Âu thận trọng khẳng định mục tiêu của các hoạt động « Đối tác » là nhằm giúp cho Liên Hiệp và các nước Liên Xô xích lại gần chứ « không phải là một công cụ để mở rộng », như tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Do bởi Châu Âu cũng không thể nào đáp ứng được những hy vọng hão huyền đó.

Tuyên bố trên cũng cho thấy những tính toán sai lầm của Châu Âu khi đưa ra đề xuất trên. Trong bài xã luận đề tựa « Châu Âu và những ảo vọng của dự án Đối tác phương Đông », tờ báo nhắc lại ý tưởng « Đối tác » này đã được gieo mầm từ Thụy Điển, Ba Lan và tại các quốc gia vùng Baltic nhằm củng cố bước tiến sang Đông, ngay sau khi bùng phát cuộc chiến giữa Nga với Gruzia vào năm 2008-2009. Theo đó, Châu Âu mở rộng cửa thị trường cho các nước nào trong khu vực có mong muốn gia nhập dự án « Đối tác », nhưng đổi lại những quốc gia đó phải tiến hành một loạt các chính sách cải cách chính trị và kinh tế.

Thế nhưng, các tác giả của ý tưởng đó đã không ngờ tới hai thực tế khó khăn mà họ vấp phải. Thứ nhất, đó là phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga. Ngay khi một trong sáu quốc gia này đánh tiếng muốn gia nhập vào dự án « Đối tác », điện Kremlin đã có những hành động trả đũa tức thì dưới dạng trừng phạt kinh tế mà điển hình là Ukraina. Phong trào Maidan bùng nổ từ việc cựu Tổng thống Viktor Ianoukovitch nhượng bộ trước áp lực của Nga và từ chối gia nhập vào dự án « Đối tác », một dự án ngay từ đầu ông đã cam kết sẽ tham gia.

Từ đó, ba nước Liên Xô cũ - Azerbaidjan, Armenia và Belarus- mỗi nước đã chọn cho mình con đường đi riêng. Azerbaidjan chọn giải pháp trung lập, giữ quan hệ cân bằng giữa Matxcơva và Bruxelles. Armenia và Belarus chấp nhận nhượng bộ các áp lực từ Kremlin, gia nhập vào liên minh Á-Âu. Ukraina, cũng như là Gruzia – những nước bị Nga gậm nhấm lấy một phần lãnh thổ, lo âu về tình hình tài chính đất nước hy vọng Châu Âu sẽ tự do hóa nhanh chóng việc cấp visa, cho đến giờ chỉ dành riêng cho Moldavia.

Một thực tế khác còn mù mờ hơn, đó là Liên Hiệp Châu Âu làm cho những nước muốn gia nhập nghĩ rằng họ có thể là những ứng viên triển vọng. Trên thực tế lại không đúng như vậy. Bruxelles cứ để cho những tin tức như thế lan truyền, điều đó đã làm cho Nga cảm thấy lo lắng vì đối với Matxcơva, EU và NATO là một. Đồng thời cũng làm những nước muốn vào Châu Âu nuôi hy vọng hão huyền.

Bài viết cho rằng ý định đó lẽ ra là tốt khi đề nghị những nước này điều gì đó không mang tính chất « hôn nhân » lẫn « lạnh lùng » hoặc như tự mình đối phó với Nga. Điều tai hại lại là đề nghị họ phải chọn giữa Nga và Châu Âu, thay vì phải cho Nga biết rõ ràng về những tham vọng cũng như hạn chế của những dự án. Tức là phải làm cho Matxcơva hiểu rằng dự án « Đối tác » không phải là một chính sách « bao vây » nước Nga vĩ đại. Đương nhiên điều đó không làm thay đổi được thái độ của Vladimir Putin, nhưng ít ra cũng hạn chế được bộ máy tuyên truyền.

Cuối cùng, tờ báo nhìn nhận thượng đỉnh Riga đã có lý khi nói rằng dự án « Đối tác » không phải là chính sách mở rộng Liên Hiệp Châu Âu. Thông điệp này phải được hai đích đến thấu hiểu : những hàng xóm phương Đông của Châu Âu và xa hơn nữa là nước Nga.

Nga kiên quyết khóa mõm đối lập

Liên quan đến Nga, Le Figaro có bài nhận định về tình hình xã hội dân sự Nga qua bài viết « Putin xiết chặt luật lệ nhắm vào các tổ chức phi chính phủ ‘không mong muốn’ ». Theo đó, Nga đã ban hành một đạo luật cho phép đóng cửa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động trong nước.

Bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, chính phủ Nga thông qua đạo luật quy định « những tổ chức phi chính phủ nước ngoài nào có các hoạt động đe dọa đến nền tảng cơ bản hiến pháp của đất nước hay an ninh chính phủ » sẽ bị xem như là « không thể dung nạp ». Tòa án có thể ra quyết định đóng cửa những tổ chức trên. Nhân viên của các tổ chức đó có thể lãnh án 6 năm tù và bị cấm đặt chân vào lãnh thổ Nga.

Nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng như Hội đồng Nhân quyền tại Kremlin đã lên án đạo luật, lo ngại điểm mập mờ xung quanh thuật ngữ « không thể dung nạp ». Theo họ, điều đó cho phép chính quyền đưa ra những quyết định « võ đoán ». Tổ chức Giám sát Nhân quyền HRW cho rằng đạo luật thứ hai « nhắm vào những đấu tranh Nga bằng cách ngăn chặn họ với các đối tác quốc tế và cách ly họ ».

Obama kiên quyết không thay đổi chiến lược tại Trung Đông

Ramadi rơi vào tay quân khủng bố, một thất bại của chính người Irak hơn là của Hoa Kỳ. Đó chính là nhận định của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi trả lời phỏng vấn cho tạp chí The Atlantic. Chủ đề này được Le Monde phản ảnh lại qua hàng tựa « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiến, Obama bình chân như vại ».

Nhà Trắng kiên định với học thuyết can thiệp có giới hạn, Le Monde nhận xét. Nghĩa là thành lập một liên minh quốc tế và hỗ trợ chính quyền tại chỗ lên tuyến đầu. Do đó, trong cuộc chiến chống thánh chiến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, Washington chỉ cam kết hỗ trợ không kích ồ ạt và huấn luyện binh sĩ Irak chiến đấu chống lại quân thánh chiến.

Theo giải thích của ông Obama với The Atlantic, « Nếu người Irak không có ý chí chiến đấu cho chính nước họ thì ta cũng không thể làm được gì được để thế họ ». Cuối cùng Le Monde cho biết mối bận tâm hàng đầu của Tổng thống Mỹ trong khu vực là vấn đề hạt nhân Iran, trên cả vấn đề Irak (và Syria) và Yemen.

California hạn chế cung cấp nước

« Đối mặt với nạn khô hạn, California phân phối định mức nước » là hàng tít thông báo trên trang nhất Le Monde. Bị khô hạn, bang phía Tây của Hoa Kỳ buộc phải tiến hành các biện pháp hà khắc để hạn chế tiêu dùng nước. Tắm « theo kiểu nhà binh », bể bơi không, cấm tưới cây… thậm chí là người dân California buộc phải hy sinh thảm cỏ thiêng liêng trong vườn nhà.

« Tại California, thảm cỏ bị nguyền rủa » là tựa đề bài phóng sự điều tra của đặc phái viên Corine Lesnes tại California. Ngay từ đầu tháng năm này, cơ quan cung cấp nước của bang ghi nhận mặc dù lượng tuyết rơi dầy trong năm nhưng cũng không đủ cho phép trải qua một mùa hè. Do đó, cơ quan trên đã cho công bố chi tiết quy định hạn chế cung cấp nước cho từng quận, phải giảm mức tiêu thụ xuống 8%, thậm chí có những nơi đến 36% như là những xã giàu có.

Làm thế nào để hạn chế mức dùng nước xuống 36% ? Chính quyền bang đã đưa ra hai quyết định : Thứ nhất, tạm đình chỉ phạt những hộ gia đình nào không bảo dưỡng tốt thảm cỏ. Thứ hai, cấm tưới cây (trừ khoảng thời gian từ lúc mặt trời lặn cho đến 10 giờ sáng hôm sau). Không được để nước chảy lan tràn trên vệ đường, thậm chí không được rửa xe. Tất cả những ai không tuân theo quy định giảm 36% mức tiêu thụ sẽ bị phạt tiền. Và mức tiền phạt có thể lên đến 10.000 đô –la cho những xã nào không tuân thủ, thậm chí cả hộ gia đình.

Cannes 2015 vinh danh điện ảnh nước nhà

Điện ảnh Pháp thắng lớn tại Liên hoan phim Cannes 2015 là chủ đề thời sự nổi bật trên các trang báo Pháp. « Thắng lợi của điện ảnh Pháp », Le Parisien vui mừng đưa tít lớn. Liên hoan phim lần thứ 68 đã khép lại vào tối qua (24/05/2015) tại Cannes, điện ảnh Pháp ra về với ba giải thưởng lớn : Cành cọ vàng dành cho đạo diễn Jacques Audiard và hai giải thưởng dành cho vai nam và nữ chính.

Tờ báo phấn khởi tự hỏi : « Tại sao những đạo diễn hay nhất của Pháp lại cứ say mê với việc bám lấy những chủ đề nội tâm hay xã hội ? Bằng cách uốn nắn lấy cành cọ của mình, anh em đạo diễn Coen, đồng chủ tịch ban giám khảo và rất điêu luyện theo phong thái Hollywood, đã có những giải đáp hay nhất. Ở trong nước, các nhà sản xuất chán ngấy và đôi khi khó chịu. Ở bên ngoài, điểm nhấn Pháp gây ấn tượng. Đừng có giận dỗi với niềm tự hào của chúng ta ».

« Cannes : vinh hạnh dành cho Jacques Audiard », tít của Le Figaro. Tờ báo ví liên hoan phim như là một Thế vận hội Olypmic. Bởi lẽ, đây là sân chơi cho các nhà điện ảnh thế giới đến từ khắp năm châu. Đối với nhật báo « Điện ảnh, cũng là tấm gương soi của thế giới ». Người xem được dịp thưởng thức những món ăn tinh thần phong phú từ Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật Bản, Hy Lạp hay Mỹ. Ở đó, khán giả còn được trải nghiệm những cảm xúc mạnh mẽ nhất của nhân loại : hỉ, nộ, ái, ố. Bên cạnh những nhận định về sự thành công của liên hoan phim lần này cũng như của ngành điện ảnh Pháp, nhật báo còn dành nhiều lời ngợi khen diễn viên Vincent Lindon, giải nam chính hay nhất.

Ngược lại, tờ báo thiên tả Libération có vẻ không mấy thuyết phục về giải thưởng được trao. Đối với nhật báo, lẽ ra giải thưởng cao quý đó phải về tay đạo diễn Đài Loan, Hầu Hiếu Hiền, cho bộ phim The Assassin hoành tráng với những nét vũ đạo phản ảnh rõ nét một Trung Hoa cổ đại. Người ta có thể cảm thấy khôi hài khi thấy Cành cọ vàng đó vuột khỏi tay ông để rơi vào tay của một nhà điện ảnh khác tính toán và trung thành với những ám ảnh khiêu khích cũ kỹ như chính bản thân Jacques Audiard.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.