Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH - MÔI TRƯỜNG

Phim ‘‘Băng giá và Bầu trời’’ khép lại Liên hoan Cannes

Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 68 khép lại với « Băng giá và Bầu trời » (La glace et le ciel). Bộ phim tài liệu kể về cuộc phiêu lưu của nhà khí hậu học người Pháp Claude Lorius, người đầu tiên đưa ra các bằng chứng cho thấy hoạt động của con người làm Trái đất bị hâm nóng. Claude Lorius đến Nam Cực lần đầu tiên trong những năm 1950, vào thời điểm ít ai biết tới lục địa lạnh giá này.

Một cảnh trong phim "Băng giá và Bầu trời" của Luc Jacquet, Cannes lần thứ 68. (DR)
Một cảnh trong phim "Băng giá và Bầu trời" của Luc Jacquet, Cannes lần thứ 68. (DR)
Quảng cáo

Nam Cực - nơi các chàng trai vừa ra trường đặt chân tới - mênh mông và bí hiểm, chỉ có chim cánh cụt và hải cẩu. Nhà khoa học trẻ người Pháp thoạt tiên đã ở lại một năm tại trạm khoa học, cùng với hai đồng nghiệp khác, trong một không gian 24 mét vuông. Ngoài trời là gió mạnh đến 200 km/ giờ và nhiệt độ ấm nhất cũng là - 20°C.

Theo AFP, bộ phim « Băng giá và Bầu trời » của đạo diễn Luc Jacquet, dựa trên nhiều tư liệu riêng của nhà khoa học Claude Lorius, nay đã 83 tuổi, cùng nhiều tài liệu của CNRS và các viện nghiên cứu Hoa Kỳ và Nga. Phim đưa người xem ngược về lịch sử các khám phá quan trọng về mối quan hệ giữa con người và khí hậu, được điểm xuyết với cảnh nhà khoa học trong bộ áo xanh da trời, đang trầm tư trước chân trời băng trắng.

Luc Jacquet cũng chính là đạo diễn bộ phim « La Marche de l’empereur/Hành khúc chim cánh cụt » (March of the Penguins), đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2006.

Claude Lorius, khi cùng với các nhà khoa học Nga - những chuyên gia hàng đầu về băng - đào sâu xuống lòng Nam Cực, đã vén lên bức màn bí ẩn che phủ ký ức về khí hậu của Trái đất. Các giới hạn dần dần bị vượt qua : 150 nghìn năm, 400 nghìn năm, rồi 800 nghìn năm... Không gì có thể cản được những kẻ khát khao khám phá tìm kiếm sự thật, kể cả thời kỳ Chiến tranh lạnh…Claude Lorius đã dành tổng cộng mười năm trong cuộc đời mình để làm công việc nghiên cứu tại Nam Cực.

Kết luận mà nhà khoa học Pháp đưa ra vào những năm 1970, rồi sau đó được phổ biển rộng rãi trên thế giới, về mối liên hệ mật thiết giữa nhiệt độ Trái đất và các hoạt động của con người trong xã hội hiện đại, thoạt tiên đã bị phản đối rất mạnh, rồi dần dần chinh phục được công chúng, với nhiều nghiên cứu bổ sung. Tuy nhiên, từ nhận biết đến hành động chính trị kiên quyết để ngăn chặn đà tự hủy diệt của nhân loại là cả một bước hết sức dài.

Với phim « Băng giá và Bầu trời », đạo diễn Claude Lorius hy vọng : tiếng nói của các nhà khoa học về môi trường, một lần nữa sẽ được công chúng thực sự lắng nghe, gần 10 năm sau bộ phim gây chấn động « Một sự thật khó chịu/An Inconvenient Truth » về các hoạt động cảnh báo nguy cơ Trái đất bị hâm nóng hết sức nhanh chóng của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore.

« Băng giá và Bầu trời » sẽ được công chiếu ngày 21/10 tới, ít tuần lễ trước Thượng đỉnh Khí hậu toàn cầu tại Paris, một sự kiện có ý nghĩa hết sức hệ trọng đối với tương lai của nhân loại. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từ hơn một năm nay đã thừa nhận, nguy cơ Trái đất nóng lên nhanh chóng còn đáng sợ hơn cả hiểm họa vũ khí hạt nhân (ngày 14/02/2014, tại Jakarta, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định cần coi "biến đổi khí hậu là vũ khí hủy diệt hàng loạt", có thể còn đáng sợ hơn bom nguyên tử). 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.