Vào nội dung chính
SYRIA - IRAK - NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO - QUỐC TẾ - ĐIỂM BÁO

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thách thức, Tây phương bất lực

Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, hay đúng hơn là chiến thắng của đối phương, là thời sự nổi bật nhất trên báo chí Pháp hôm nay 22/05/2015. Biệt kích Pháp tiêu diệt hai thủ lĩnh thánh chiến ở Mali trong số này có thủ phạm giết hai phóng viên của RFI (Đài phát thanh Quốc tế Pháp) năm 2013. Chiến thắng này đăng trên trang nhất của Le Monde trở nên nhỏ bé, vô nghĩa bên cạnh những chiến thắng liên tục của khủng bố : Thành phố cổ Palmyra của Syria rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo.

Du khách tham quan thành cổ Palmyra 2000 năm tuổi tại Syria. Ảnh chụp ngày 14/04/2007.
Du khách tham quan thành cổ Palmyra 2000 năm tuổi tại Syria. Ảnh chụp ngày 14/04/2007. REUTERS/Nour Fourat
Quảng cáo

Cổ thành Palmyra, di sản thế giới, lọt vào tay chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo gây xúc động trên thế giới. Cũng như quân đội Irak rút bỏ Ramadi vài hôm trước, lực lượng phòng thủ của Syria, ngày 20/05/2015 cũng tháo lui không chiến đấu bỏ thành phố chiến lược cho Hồi giáo cực đoan. Chế độ Bachar al Assad bị đe dọa trầm trọng nhưng Tây phương cũng hoang mang vì vô kế khả thi.

" Trước đà tiến của quân thánh chiến, Washington hoài nghi chiến lược của mình ", tựa của Le Monde. " Daesh ( tên tiếng Ả Rập của Nhà nước Hồi giáo) luôn chiến thắng " , nhận định của La Croix. " Làm chủ Palmyra, Nhà nước Hồi giáo thách thức cả Damas lẫn Tây phương ", tựa của Le Figaro. Bên cạnh bức ảnh chụp khu di tích xây dựng từ thế kỷ thứ 18 trước Công nguyên, nhật báo Le Figaro nhận định : chiếm được ngã tư chiến lược này, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát phân nửa lãnh thổ Syria và nối liền với lãnh thổ Irak. Trước đó, tổ chức cực đoan này đã đánh chiếm thành phố chiến lược Ramadi chỉ cách thủ đô Bagdad có 100 km.

Theo Le Figaro, tại Syria, chế độ Bachar al Assad suy yếu, bị ép buộc phải lui về cố thủ vùng « hữu ích » gồm thủ đô Damas, khu vực sát biên giới với Liban, thành trì của lực lượng Hezbollah, do Iran hậu thuẫn và đang tiếp tay với quân đội Syria trên chiến trường. Tại Damas, chế độ tin chắc là những nước đứng sau phe nổi dậy muốn sử dụng áp lực chiến trường để buộc lãnh đạo thương lượng một giải pháp chuyển nhượng quyền lực và Bachar al Assad sẽ từ chức.

Cũng theo nhật báo cánh hữu Pháp thì ở Matxcơva, Vladimir Putin và cơ quan tình báo FSB không muốn bỏ rơi lãnh đạo Syria nhưng Bộ ngoại giao Nga không loại trừ khả năng này theo như một số nhà đối lập « chính thức » tham dự đàm phán với chính quyền Syria tại Matxcơva. Đối lập Syria chống cả Damas lẫn thánh chiến cho biết họ được Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ « bảo trợ » và Ryad đã hứa sẽ cung cấp « tên lửa kể từ tháng sáu ».

Trong khi đó, các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ không giấu hoang mang. Nếu bản thân Tổng thống Obama tuyên bố « chúng ta không thua nhưng đánh Nhà nước Hồi giáo là chiến lược dài hạn » thì tướng Mỹ Michael Barbero, một trong những chỉ huy trấn áp phong trào thánh chiến nổi dậy tại Irak năm 2007-2008 khẳng định với Le Figaro là chiến lược của Mỹ đã thất bại. Ông nói : chiến lược đó sử dụng bộ binh Irak để tái chiếm lãnh thổ còn Mỹ chỉ yểm trợ trên không. Theo tướng Barbero, Hoa Kỳ cần phải cho phép cố vấn quân sự đi kèm với các đơn vị Irak để khuyến khích tinh thần đồng minh và cần phải gia tăng hoạt động tình báo để nắm vững địch tình.

Nhận định tương quan lực lượng trên chiến trường, bài xã luận của nhật báo cánh tả Libération nhấn mạnh thế mạnh của Nhà nước Hồi giáo là biết thích nghi với địa hình, lẫn lộn với dân chúng, di chuyển kín đáo và khai thác nhược điểm của đối phương. Trong khi đó thì cả Damas, Paris và Washington không cùng một “tần số” đối đầu với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Pháp muốn Al- Assad phải ra đi vì lãnh đạo Syria sử dụng lá bài chống thánh chiến để củng cố chế độ. Khi trận Palmyra diễn ra, trong suốt 8 ngày cho đến khi thất thủ, không quân Syria không yểm trợ cho quân phòng thủ mà tập trung oanh kích có phe đối lập võ trang ở các thành phố khác. Mỹ ngược lại, oanh kích ở Syria nhưng thật sự chỉ lo bảo vệ chế độ Irak và qua bộ chỉ huy hành quân Irak, điều hợp với quân đội Syria.

Tây phương phải làm gì ?

Theo chuyên gia Pierre Filiu, giải pháp tạm ổn nhất là ủng hộ đối lập dân chủ, thành lập vùng cấm bay để tạo điều kiện cho lực lượng đối lập lấy lại thế thượng phong trên chiến trường đối với quân đội chính phủ lẫn Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Vấn đề là trong liên quân đối lập này có những thành phần liên hệ với Al Qaida. Còn chương trình huấn luyện lực lượng đối lập do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức thì chỉ ở bước đầu.

Thất bại này, theo nhật báo Les Echos, có thể làm cho Tây phương xét lại chiến lược vào ngày 02/06/2015 tới đây, tại Paris, trong cuộc họp thẩm định tình hình của liên quân chống Daesh (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo) dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Irak và hai Ngoại trưởng Mỹ - Pháp.

Tuy nhiên, chỉ có Mỹ mới đủ khả năng hoạch định chiến lược toàn diện lâu dài. Vấn đề là Tổng thống Obama, theo nhận định của La Croix, không muốn đưa quân tham chiến. Chủ nhân Nhà Trắng cũng không còn đủ trọng lượng lôi kéo đồng minh Ả Rập và Châu Âu vào một liên minh quốc tế hiệu quả. Đối với trường hợp Syria, nhiều nhà lãnh đạo Tây phương đánh cược chiến tranh sẽ kết thúc vì « hết người cầm súng » hoặc vì các bên sức cùng lực tận. Lợi dụng đối phương không có chiến lược mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đánh thắng như chẻ tre.

Xã hội Châu Âu tiến hay lùi ?

Từ thập niên 1980 đến nay, Châu Âu đã tiến những bước dài trong lãnh vực nhân quyền, bỏ án tử hình và xóa dần phân biệt đối xử với người đồng tính. Sự kiện được xem là biến cố lịch sử diễn ra vào ngay ngày hôm nay 22/05/2015 : trưng cầu dân ý tại Ailen, xứ Công giáo, về vấn đề hôn nhân đồng giới tính. Người đồng tính tại Ailen « mừng như điên » . "Giáo Hội Công Giáo vận động kín đáo chống hôn nhân đồng tính". Đây là tựa của Le Monde.

Nếu thăm dò ý kiến chính xác thì Ailen sẽ trở thành nước thứ 14 tại Châu Âu cho phép người đồng tính làm đám cưới hợp pháp. 23 nước còn thận trọng cho phép làm khế ước dân sự và chỉ còn 8 nước có truyền thống ảnh hưởng mạnh của công giáo như Ba Lan, Ý hoặc Chính thống giáo như Hy Lạp và các nước Baltic là chưa công nhận. Nhật báo Công giáo La Croix nhấn mạnh Ailen là quốc gia đầu tiên tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề gây tranh cãi này, Giáo hội Công giáo chống lại cải cách do bốn chính đảng chủ xướng. La Croix dự báo kết quả sẽ rất « sát sao » trong khi Libération đánh cược 60% cử tri sẽ trả lời thuận.

Nếu Châu Âu đi tới trong nỗ lực cải thiện quyền bình đẳng giữa con người thì cũng có những lãnh đạo muốn đi ngược trào lưu. Những động thái khiêu khích của Viktor Orban, Thủ tướng Hungari, gây khó khăn cho phe bảo thủ Châu Âu. Le Monde nhắc đến vụ Thủ tướng Hungari bảo vệ ý định tái lập án tử hình và lập lại tại Nghị viện Châu Âu những lý lẽ mà nhà lãnh đạo cánh hữu cho là « đạo đức » : xử tử không phải là biện pháp man rợ mà là để bảo vệ mạng sống của người khác.

Điện ảnh Châu Á lên ngôi tại liên hoan Cannes

Bên cạnh những thông tin và bình luận về địa chính trị và xã hội nặng phần tranh cãi, hình ảnh Thư Kỳ cầm đao trủy thủ chận lưỡi kiếm của kẻ thù chiếm ngay trang nhất của nhật báo Liberation. Bộ phim kiếm hiệp « The Assassin » hay Nhiếp Ẩn Nương của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền được hầu hết các báo chú ý. La Croix ngợi khen hình ảnh tuyệt đẹp của bộ phim kiếm hiệp mới nhất của thể loại phim gây ấn tượng lâu dài trong mắt khán giả. Le Figaro chấm điểm « Tuyệt đẹp và bí hiểm ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.