Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - VĂN HÓA - ÂM NHẠC - QUỐC TẾ

Eurovision 2015: Giới phân tích dự đoán Thụy Điển thắng cuộc

Tầm giờ này tối mai (thứ Bảy 23/05/2015) tại thủ đô Vienna của nước Áo sẽ bắt đầu đêm chung kết cuộc thi ca nhạc Eurovision nổi tiếng hàng năm. Khán trường Wiener Stadthalle có sức chứa 16.000 khán giả được trang bị một hệ thống máy móc hiện đại để phát trực tiếp đến hàng triệu người xem trên thế giới. Thời gian gần đây chương trình này ngày càng kém thu hút khán giả nhưng vẫn được các nước đổ tiền vào đầu tư, tạo ra một hiện tượng lạ trong ngành giải trí.

Ca sĩ Melanie Rene đại diện cho Thụy Sĩ tại Eurovision 2015.
Ca sĩ Melanie Rene đại diện cho Thụy Sĩ tại Eurovision 2015. REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Eurovision chạy theo thị hiếu người nghe nhạc

Nếu chỉ là một cuộc thi âm nhạc bình thường thì có lẽ chương trình Eurovision nổi tiếng hàng năm đã phải đóng cửa từ lâu. Không chỉ khán giả Châu Âu mà ngay cả ở Việt Nam là một thời từng say mê đến nỗi truyền tay nhau những cuộn video để xem đi xem lại, thì nay cũng không mấy người còn quan tâm. Trước hết là do sân khấu ca nhạc có thêm rất nhiều cuộc thi hào hứng và được nhà sản xuất biên tập để tạo ra kịch tính trong chương trình, từ X Factor cho đến The Voice hay là nhiều format khác nữa. Tiếp theo là công nghệ lăng xê bằng fan-club đã tạo ra những thị hiếu nghe nhạc hoàn toàn khác trong giới trẻ mới lớn, không còn đặt nặng vào chuyện màu cờ sắc áo hay văn hóa dân tộc, mà đi vào những sở thích rất riêng tư và cá nhân.

Ngay cả các bài hát trong cuộc thi Eurovision năm nay cũng vậy, hầu hết là bằng tiếng Anh, và ca sĩ cũng như nhạc sĩ sang Anh hay Mỹ và nhất là thủ đô Dublin của Ireland để học và luyện tập, cho nên văn hóa của mỗi quốc gia không còn quá đậm đà và đặc sắc trong mỗi bài nhạc mà họ đại diện nữa. Có một gian đoạn cuộc thi Eurovision cũng bị chỉ trích là bắt đầu nhàm chán, thì bỗng nhiên có thêm nhiều nước Đông Âu vào tham gia, tạo ra một làn sóng mới và những sắc thái hoàn toàn mới cho chương trình, cùng với lượng khán giả hâm mộ đến từ các nước đó.

Nhưng đến nay, theo như đánh giá của giới chuyên gia, thì các nước Đông Âu đã đạt mục tiêu quảng bá, cho nên không còn đầu tư nhiều công sức vào tiết mục đại diện nữa, và chất lượng bài hát cũng kém đi rất nhiều. Và có lẽ hiện tượng chung ở các nước là ca sĩ được chọn nay không còn là ngôi sao số một ở nước mình nữa, mà thường chỉ là những ca sĩ hạng hai, hoặc thậm chí những ca sĩ hạng hai đã về hưu, như nước Anh từng có lần bị chê cười.

Eurovision : Nơi phản ảnh tư tưởng địa chính trị khu vực

Thực sự ra để xét về chất lượng âm nhạc thì các tiết mục đều thuộc loại hay, nhưng không quá hay, không quá đặc sắc đến nỗi thu hút người xem. Trước đây người ta xem Eurovision là để biết thêm chút ít về hình ảnh của một quốc gia khác, vài lời ca điệu múa và ngôn ngữ hay trang phục của nước đó, và điều mong đợi không phải là một bài nhạc hợp gu. Ngay cả chuyện bỏ phiếu cũng vậy – ngày xưa chỉ có một cặp hai nước chuyên môn bỏ phiếu cho nhau, thì nay có rất nhiều cặp đôi như vậy. Cho nên vấn đề chính ở đằng sau chương trình này không phải là âm nhạc, mà là tinh thần dân tộc.

Tại mỗi nước, đơn vị tổ chức thường là đài truyền hình quốc gia và sống bằng ngân sách nhà nước, cho nên việc chi tiền để tham gia một chương trình mang tính củng cố tinh thần dân tộc quốc gia luôn nằm trong nghị trình làm việc hàng năm. Nguy cơ bị khiển trách chỉ xuất hiện khi nào trong các bài hát có điều gì đó khiến giới chính trị trong nước phản đối. Ví dụ như năm 2009 nước Nga đăng cai tổ chức và loại tiết mục của Gruzja vì lời bài hát nghe giống như là phản đối Putin – « We don’t wanna Put In ».

Đây không phải là điều gì quá mới mẻ bởi vì từ năm 1968 nước Áo đã không ngại cử một ca sĩ từ cộng hòa Séc đại diện cho mình tại Eurovision, một cách tỏ thái độ phản đối Liên Xô lúc đó đem xe tăng vào cộng hòa Séc để đàn áp người biểu tình. Hay như ngay chính chiến thắng ở Đan Mạch hồi năm 2014 đã đem quyền đăng cai tổ chức giải về cho nước Áo vào năm nay. Lúc đó hành động của Nga ở Ukraina đã khiến hai nữ ca sĩ đẹp và chương trình dàn dựng công phu của Nga bị khán giả ngay tại chỗ la ó chê bai, còn phiếu thì được dồn cho cô ca sĩ chuyển giới tính Conchita Wurst, vẽ mắt nhưng để râu, như một lời thách thức đối với quan điểm trừng phạt người đồng tính luyến ái của Putin.

Đó là một vài kết luận từ nghiên cứu mới được công bố của Gs Dean Vuletic từ Đại học Vienna, được hãng tin AFP tóm lược. Cho nên, nếu nhìn cuộc thi này từ góc cạnh địa chính trị thì quyết định duyệt chi ngân sách là điều dễ hiểu, cũng như chuyện lý giải tại sao chương trình vẫn còn khá nhiều người xem và bỏ tiền gọi điện thoại để bầu chọn cho một quốc gia nào khác. Cũng giống như là trong bóng đá có người ủng hộ cầu thủ giỏi và đẹp trai, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ một đội tuyển quốc gia vì màu cờ sắc áo hơn là thành phần cầu thủ ở trong đó. Eurovision thực sự là một cuộc thi giữa các quốc gia và âm nhạc chỉ là một trong số nhiều yếu tố khác nhau quyết định ai sẽ chiến thắng.

Thụy Điển sẽ chiến thắng trong cuộc thi năm nay?

Đó là câu hỏi đáng giá vài triệu euro trên các trang mạng đánh cá xem ai sẽ là người chiến thắng vào tối mai. Tờ nhật báo Guardian của Anh có riêng một bài phân tích để giúp độc giả tính toán xem ai sẽ thắng, dựa vào ca từ, hòa âm, và hình dáng bên ngoài của ca sĩ. Nhưng người thắng đầu tiên chính là nước chủ nhà đăng cai và năm quốc gia được vào thẳng chung kết do tài trợ rất nhiều tiền, đó là Anh, Pháp và Đức. Và có một nước không tham gia nhưng chắc chắn cũng thắng đậm là nước Mỹ vì đa số các bài hát đều bằng tiếng Anh và việc chiến thắng sẽ kéo theo một khoản lợi nhuận khổng lồ cho ngành show business của nước này, với chân rết tỏa khắp Châu Âu.

Từ năm 1999 luật thi được thay đổi không còn bắt buộc thí sinh phải hát bằng tiếng nước mình, và suốt 15 năm qua chỉ có duy nhất một bài hát thắng cuộc không phải là tiếng Anh vào năm 2007, bài Molitva của Serbia. Tiếp theo, phóng viên Chris Lochery của tờ Guardian nhận thấy rằng mặc dù khán giả thích những bài nhạc có âm điệu sôi động vui vẻ, nhưng họ lại dễ bị các khung nhạc tình cảm cưa đổ, đặc biệt là cung Rê thứ (Dm), chiếm hết bốn trong số bảy bài nhạc liên tiếp thắng cuộc trong những năm vừa qua.

Bài nhạc cũng không nên quá khó, đặc biệt là người ta tránh dùng kỹ thuật chuyển tông vì sợ ca sĩ gặp trục trặc là sẽ hỏng cả bài. Và những bài nhịp nhanh cỡ 127-128 luôn là lý do khiến ca sĩ thất bại. Ca từ còn là điều tế nhị hơn nữa, vì nếu bài hát nói về chuyện ôm trong vòng tay có nhiều cơ hội thắng, thì nói chuyện níu kéo bằng bàn tay thì rất dễ bị khán giả bỏ phiếu loại. Hát về trái tim thì dễ thua, còn hát về đôi mắt dễ thắng, và tả thời tiết xấu dễ lấy lòng khán giả hơn là trời đẹp.

Và từ hệ thống đó phóng viên Chris Lochery của tờ Guardian loại nước Pháp vì không hát tiếng Anh, nhưng cũng loại luôn nước Anh và một loạt các nước khác vì dùng gam Đô trưởng. Anh cho biết hiện các nhà cái đang đặt cửa vào Thụy Điển và Nga, cả hai đều hát tiếng Anh, nhưng Nga dùng gam trưởng (G) còn Thụy Điển dùng gam thứ (Abm). Nhà cái có vẻ cũng thiên vị Thụy Điển hơn, mà theo phân tích của phóng viên người Anh, thì bài hát Thụy Điển dùng chữ "son" – con trai, còn bài hát Nga thì sai lầm khi chọn chữ "sun" – mặt trời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.