Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - KINH TẾ

Ngân hàng Thế giới đặt mục tiêu một nền kinh tế ''không khí thải''

Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới - một định chế vốn bị giới bảo vệ môi trường chỉ trích - công bố một báo cáo khá bất ngờ, theo đó, nền kinh tế thế giới cần hướng đến không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2100, để bảo đảm nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C.

DR
Quảng cáo

Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới mang tên « Decarbonizing development », công bố ngày 11/05/2015, nhấn mạnh đến ba phương diện chủ yếu để hướng đến một thế giới không cacbon : xây dựng một chính sách khí hậu dài hạn, đánh thuế cacbon và hỗ trợ các nước nghèo chuyển đổi mô hình năng lượng.

Theo AFP, Kinh tế gia Stéphane Hallegatte, đồng tác giả báo cáo, khẳng định bản báo cáo này « không phải là một phát ngôn nhằm mục tiêu tuyên truyền. Mục tiêu này là có thể đạt được và chúng ta biết cần phải làm như thế nào ». Các tác giả Ngân hàng Thế giới đã sử dụng kết luận chính của báo cáo mới nhất của GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, về tính thiết yếu của mục tiêu một thế giới không có khí thải vào cuối thế kỷ này.

Điều đó có nghĩa là các quốc gia cần phải chuẩn bị một tầm nhìn dài hơn, vượt xa cái mốc 2025-2030, mà mục tiêu phấn đấu cho đến cái ngưỡng này, tại hội nghị COP 21, đang được thảo luận.

Theo kinh tế gia Stéphane Hallegatte, « việc ấn định một giá cacbon - thông qua thuế cacbon hay một thị trường cacbon – là cần thiết, nhưng điều này cũng phải đi kèm với các biện pháp khác như tiêu chuẩn phát thải của các phương tiện vận tải, hiệu quả năng lượng, quy hoạch điện, giao thông đô thị ». Và để đối phó với việc giá cả năng lượng cacbon tăng cao, do bị đánh thuế hoặc do việc xóa bỏ trợ giá đối với năng lượng hóa thạch, cần phải tài trợ cho các nước nghèo. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh đến việc các vùng đất đai tự nhiên phải được bảo vệ hoặc tác động để trở thành các « giếng hút cacbon ».

Vẫn theo kinh tế gia Ngân hàng Thế giới, « thất bại hay thành công của các chính sách khí hậu sẽ phụ thuộc vào khả năng đóng góp của các chính sách này đối với sự phát triển kinh tế và chống nghèo đói ».

« Một ước nguyện » ?!

Được công bố ít tháng trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu tại Paris (COP 21) (từ 30/11 đến 11/12), báo cáo của Ngân hàng Thế giới có một ý nghĩa tích cực. Người phụ trách chính sách quốc tế của mạng lưới môi trường RAC (Réseau Action Climat), Alix Mazounie, hoan nghênh những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới « đi theo chiều hướng tốt, cho phép hướng một số đầu tư vào tiến trình chuyển đổi mô hình năng lượng » (theo Le Monde). Tuy nhiên, theo RAC, không nên cả tin vào một định chế vốn bị nhiều tai tiếng này, « Ngân hàng Thế giới có thể đưa ra mọi ý định tốt đẹp trên đời, nhưng chừng nào người ta vẫn tiếp tục các trợ giá cho năng lượng hóa thạch, việc phi cacbon hóa nền kinh tế toàn cầu vẫn chỉ là một ước nguyện ».

Vẫn theo Le Monde, trong báo cáo nêu trên, Ngân hàng Thế giới chỉ nêu ra hơn 25 quốc gia đã « cải cách » chính sách trợ giá cho năng lượng hóa thạch (giữa 2013 và 2014), nhưng không nói gì về các luồng đầu tư từ các nước công nghiệp vào các dự án khí đốt, dầu lửa, than đá tại các nước đang phát triển, mà Ngân hàng Thế giới cũng là một kênh môi giới. Theo tổ chức Oil Change International, năm 2014, chính Ngân hàng Thế giới đã gia tăng đầu tư vào các dự án khai thác năng lượng hóa thạch, với tổng số tiền 3,3 tỷ đô la, so với 2,5 tỷ hai năm trước.

Theo ông Thomas Spencer, giám đốc chương trình Năng lượng và Khí hậu thuộc Viện phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (Iddri) Pháp, báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã nêu ra « một định hướng đáng quan tâm, tuy nhiên, việc làm chuyển hóa triệt để nền kinh tế không thể chỉ quy vào các cơ chế liên quan đến giá cacbon », « một loạt các vấn đề khác liên quan đế cách tân công nghệ, hiệu quả năng lượng, cơ sở hạ tầng ».

Ông nhấn mạnh : « Tín hiệu mà Ngân hàng Thế giới gửi đi cần được các định chế khác góp thêm, ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế chẳng hạn. Định chế tài chính này cho đến nay vẫn chưa đưa biến đổi khí hậu trở thành một trục chính trong hoạt động của mình ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.