Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Khí đốt : Liên Hiệp Châu Âu đọ sức với Gazprom

Đăng ngày:

Ngày 22/04/2015 Ủy ban châu Âu chính thức cáo buộc tập đoàn dầu khí Nga Gazprom vi phạm luật cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu, bắt chẹt 8 thành viên trong khối. Mức phạt tối đa có thể lên tới 10 tỷ euro. Bruxelles và Gazprom, cánh tay nối dài của Matxcơva, đang lao vào một cuộc đọ sức mới. Châu Âu phạt Gazprom đơn thuần căn cứ trên những yếu tố kỹ thuật và kinh tế hay đó còn là một cuộc đọ sức mang màu sắc chính trị ?

DR
Quảng cáo

Ủy viên đặc trách về chính sách cạnh tranh vì quyền lợi của người tiêu dùng và các tập đoàn châu Âu, bà Margrethe Vestager, 47 tuổi, đang trở thành « cơn ác mộng » của Gazprom. Được mệnh danh là « Người đàn bà thép » chính khách Đan Mạch này, dù mới được chỉ định vào Ủy ban châu Âu từ tháng 11/2014 nhưng trong chưa đầy 6 tháng, bà đã mở hai mặt trận tấn công ở quy mô lớn, nhắm vào tập đoàn tin học Mỹ, Google và đại tập đoàn dầu khí của Nga, Gazprom. Cả hai cùng trong tầm ngắm của Margrethe Vestager vì vi phạm luật canh tranh của Liên Hiệp Châu Âu.

Ủy viên Châu Âu, Margrethe Vestager. Ảnh ngày 16/04/2015.
Ủy viên Châu Âu, Margrethe Vestager. Ảnh ngày 16/04/2015. Reuters

Vestager, cơn ác mông của Gazprom

Một tuần lễ sau khi thông báo sẽ kiện Google « lạm dụng thế độc quyền » thống lĩnh thị trường các dịch vụ tin học, bà Vestager bắn đi một mũi tên thứ nhì. Lần này nhắm vào nhà cung cấp khí đốt Nga, bảo đảm đến 30 % nhu cầu nhập khẩu của toàn khối 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu : Gazprom. Mới chỉ trong vài tháng ở cương vị Ủy viên Margrethe Vestager mở lại một hồ sơ từng được người tiền nhiệm, Joaquin Almunia, tạm gác sang một bên, tránh để làm xấu đi thêm quan hệ giữa Bruxelles với Matxcơva vốn đã rất căng thẳng kể từ khi Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina và bị phương Tây tố cáo yểm trợ cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraina.

Không chỉ mở lại hồ sơ gai góc này, mà tân Ủy viên châu Âu còn chọn giải pháp « đối đầu » : Ủy ban châu Âu đã gửi đến tập đoàn dầu khí Nga, Gazprom những cáo buộc chính thức tố cáo nhà cung cấp này lợi dụng vị trí độc quyền, gây trở ngại cho « sự cạnh tranh trên thị trường khí đốt của Liên Hiệp Châu Âu », áp dụng chính sách giá cả không đồng đều, bắt bí 8 thành viên trong Liên Hiệp gồm Bulgari, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungari, Latvia, Litva Ba Lan và Slovakia.

Trả lời đài phát thanh quốc tế Pháp, RFI chuyên gia về dầu khí Francis Perrin trước hết giải thích về thủ tục và cơ sở để Châu Âu kiện Gazprom : 

« Chúng ta phải lần ngược lại thời gian để hiểu rõ việc này. Khởi đầu là Litva đâm đơn kiện Gazprom lên Ủy ban Châu Âu, với lý do nhà cung cấp khí đốt này ‘lạm dụng thế độc quyền’ để ép giá khách hàng. Bước kế tiếp, vào mùa thu 2012, tổ phụ trách về vấn đề cạnh tranh trong Ủy ban Châu Âu đã cho mở điều tra. Trên cơ sở cuộc điều tra đó, với những thông tin và dữ liệu được cho là đáng tin cậy, Châu Âu mới chính thức gửi thư giãi bày nguyên nhân vì sao Bruxelles muốn kiện Gazprom. Hiện nay cuộc đọ sức giữa Liên Hiệp Châu Âu với tập đoàn dầu khí của Nga đang dừng lại ở mức độ này. Gazprom có thời gian 12 tuần để trả lời Ủy ban Châu Âu về từng điểm một mà tập đoàn này bị chỉ trích. Thế nhưng tôi xin lưu ý ở đây là việc Châu Âu ‘tiến hành thủ tục pháp lý’ nhắm vào Gazprom không có nghĩa là tập đoàn này đã bị kết tội và sẽ phải nộp phạt mà mức tối đa tương đương với 10 % doanh thu của Gazprom.

Một cách rất cụ thể, sau khi Ủy ban bảo vệ quyền tự do cạnh tranh trong Liên Hiệp Châu Âu đã gửi thư thông báo những lý do đòi kiện tập đoàn Nga, đôi bên sẽ bước vào giai đoạn thương lượng. Thứ nhất là Gazprom phải đáp lại những chỉ trích của phía châu Âu, chứng minh không lạm dụng thế độc quyền, không thao túng thị trường, không vi phạm luật cạnh tranh của châu Âu … Thứ hai là Bruxelles và Gazprom sẽ bắt đầu thương lượng và các cuộc thương lượng này, như chúng ta đã biết, sẽ diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, do căng thẳng giữa Liên Hiệp Châu Âu với Nga trên hồ sơ Ukraina.

Một khi quá trình đàm phán kết thúc, thì Châu Âu mới xem xét khả năng có trừng phạt Gazprom hay không. Biện pháp trừng phạt ở đây có nghĩa là Bruxelles sẽ bắt nhà cung cấp dầu khí của Nga thay đổi luật chơi, hoặc là sẽ đòi Gazprom nộp tiền phạt. Nhưng đây là một thủ tục pháp lý vừa phức tạp, vừa mất nhiều thời gian để giải quyết ».

Ỷ lớn ăn hiếp bé

Một cách cụ thể hơn, đâu là những nguyên nhân để tập đoàn Gazprom rơi vào tầm ngắm của cơ quan bảo vệ quyền tự do cạnh tranh trực thuộc Ủy ban Châu Âu ? Ông Francis Perrin giải thích thêm :

« Những nguyên nhân chính khiến cơ quan đặc trách về quyền tự do cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu đòi kiện Gazprom liên quan đến những điểm như sau : Tập đoàn của Nga bị chỉ trích gây trở ngại trên thị trường khí đốt của Liên Hiệp Châu Âu. Những khách hàng của Gazprom không được tự do bán lại hay chuyển nhượng một phần khoản khí đốt của mình cho một quốc gia thành viên khác của Liên Hiệp. Đó là điều quan trọng nhất trong tài liệu chính thức Bruxelles đã gửi tới Gazprom hôm 22/04/2015. Điểm thứ nhì là Gazprom bị quy trách nhiệm đã cản trở khách hàng đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Tức là một quốc gia trong Liên Hiệp phải mua trực tiếp khí đốt của tập đoàn Nga và với cái giá đã do Gazprom ấn định, chứ không thể thông qua trung gian của một quốc gian khác trong số 27 nước còn lại.

Điểm thứ ba liên quan đến chính sách giá cả của Gazprom. Chỉ riêng trên điểm này, có hai vấn đề : một là Gazprom neo giá khí đốt với giá dầu hỏa, thay vì để giá khí đốt tuân thủ luật cung cầu. Do vậy, đôi khi giá khí đốt quá đắt so với thực tế của thị trường. Vấn đề thứ hai là do tập đoàn Nga áp dụng hệ thống giá cả khác nhau tùy từng khách hàng, cho dù tất cả đều là những thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Giờ đây Gazprom phải trả lời một cách có hệ thống trước tất cả những điều đang bị Bruxelles chỉ trích ».

Về những khác biệt trong chính sách giá cả của Gazprom đối với các khách hàng cùng là những thành viên trong khối Liên Hiệp Châu Âu vừa nêu, thông cáo của Ủy ban Châu Âu ghi rõ : Gazprom lạm dụng thế mạnh để bắt bí một số quốc gia lệ thuộc đến gần 100 % vào nguồn khí đốt của Nga.

Chính sách giá cả của Gazprom thường được giữ kín như bí mật quốc gia. Dù vậy năm 2013 nhật báo tài chính Nga, Izvestia tiết lộ : Bulgari, và Cộng Hòa Séc hai quốc gia lệ thuộc gần như 100 % vào khí đốt của Nga phải nhập khẩu với giá trên dưới 500 đô la 1.000 mét khối. Ngược lại nước Đức, khách hàng lớn nhất của Gazprom trong Liên Hiệp Châu Âu, nhập vào hàng năm khoảng 30 tỷ mét, thì chỉ phải trả giá 379 đô la cho 1.000 mét khối mà thôi. Ba Lan dù ở không xa nước Nga nhưng phải mua vào khí đốt của Gazprom với giá cao gần gấp đôi so với nước Anh, cho dù về mặt địa lý, khoảng cách giữa Ba Lan với Liên bang Nga chỉ bằng một nửa so với hành trình từ Nga sang Anh Quốc.

Sự phân biệt đối xử với các quốc gia cùng trong Liên Hiệp Châu Âu đó là một trong số những nguyên nhân khiến Bruxelles chĩa mũi dùi vào tập đoàn dầu khí Gazprom. Câu hỏi đặt ra là liệu tập Gazprom có sự lựa chọn nào khác hay không ? Hay theo như phân tích của một số các nhà quan sát, Gazprom chỉ là một công cụ chính trị trong tay các nhà cầm quyền ở Matxcơva.

Gazprom kiểm soát 72 % dự trữ khí đốt của toàn quốc- tương đương với gần 17 % trữ lượng của toàn cầu, và là tập đoàn khí đốt số 1 của thế giới sản xuất hơn 487 tỷ mét khối một năm, gần 50 % trong số đó là để xuất khẩu.

Thu nhập từ khí đốt đem về 12 % tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Với doanh thu trên dưới một trăm tỷ đô la một năm, về mặt đối nội Gazprom bảo đảm nguồn cung cấp với giá phải chăng cho người tiêu dùng, cho mạng lưới công nghiệp, sản xuất ở Nga, qua đó đóng một vai trò quan trọng để giữ ổn định trong xã hội, trút bớt gánh nặng cho Kremly.

Về mặt địa chính trị, Gazprom là một công cụ chiến lược để nước Nga kềm tỏa các nước chư hầu cũ của Liên Xô cũ trong vòng ảnh hưởng. Đó chính là lý do vì sao 8 nước Trung và Đông Âu phải trả giá đắt hơn so với Tây Âu khi mua vào khí đốt của Nga và trong hợp đồng bán khí đốt cho 8 quốc gia này, Gazprom ghi rõ, họ không được quyền bán lại khí đốt đã mua vào cho các nước bạn trong cùng một gia đình châu Âu hay bất kỳ một quốc gia thứ ba nào khác như là trường hợp của Ukraina chẳng hạn.

Chuyên gia người Pháp về dầu hỏa, Francis Perrin phân tích :

« Trên tổng cộng 28 thành viên Liên Hiệp có 8 nước trực tiếp liên quan đến công cuộc điều tra do Ủy ban châu Âu tiến hành từ tháng 9/2012. Không một ai ngạc nhiên khi thấy, 8 quốc gia đó đều là những nước Đông và Trung Âu. Cả 8 đều là những nước mà trong quá khứ từng chịu ảnh hưởng lớn của Liên Xô cũ. Trong số này có 3 quốc gia tỏng vùng biển Baltic – Litva, Latvia và Estonia, kế tới là các nước Đông Âu như Bulgari, Cộng Hòa Séc, Hungari, Slovakia và Ba Lan.

Cần lưu ý rằng, những nước Tây Âu lớn, như Đức, Pháp, Anh hay Ý là những khách hàng quan trọng của Gazprom và tương quan lực lượng giữa tập đoàn Nga với Tây Âu khác hẳn so với những nước từng nằm trong quỹ đạo của Liên Xô trước kia. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Gazprom bán khí đốt với cái giá đắt hơn cho các nước ở Đông và Trung Âu cho dù về mặt địa lý, thì họ gần Nga hơn. Tôi muốn nói là trên nguyên tắc, khách hàng càng ở xa Gazprom và xa nước Nga, thì giá chuyên chở lại càng đắt, vậy mà Anh, Pháp hay Đức, mua khí đốt của Gazprom với giá rẻ hơn là so với các nước ở sát cạnh Nga. Những quốc gia nào càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga, thì lại càng phải trả giá đắt bởi vì họ không có nguồn cung cấp nào khác. Trong khi đó với những nước Tây Âu, thì Gazprom thừa biết là nếu đòi hỏi quá nhiều, khối này sẽ quay sang những tập đoàn sản xuất khác. Tóm lại Gazprom dễ ép giá, dễ lạm dụng thế độc quyền của mình với 8 nước Đông và Trung Âu nói trên nhiều hơn ».

Tương lai cuộc đối đầu

Về câu hỏi cuộc đọ sức giữa Gazprom với Liên Hiệp Châu Âu sẽ đi về đâu, Francis Perrin cho rằng trước mắt, Gazprom khó tìm được đồng thuận với Bruxelles, và chính sách chống các thế lực muốn chiếm động quyền trên thị trường Châu Âu đang trở nên khắt khe hơn :

« Trong quá khứ, Gazprom cũng như là chính quyền Nga luôn chủ trương dàn xếp một cách êm thắm với Ủy ban Châu Âu. Kể từ khi Châu Âu bắt đầu mở cuộc điều tra nhắm vào tập đoàn dầu khí của Nga này, vào tháng 9/2012, đôi bên đã nhiều lần trao đổi với nhau. Đương nhiên là Bruxelles đã không gạt bỏ tất cả những luận điểm của phía đối tác Nga.

Nhiều lãnh đạo của Gazprom và các quan chức Nga đã nhiều lần bay từ Matxcơva tới Bruxelles để xem xét khả năng hàn gắn hai quan điểm rất trái ngược nhau và cùng thu xếp để có lợi cho tất cả các bên liên quan. Tôi nghĩ phía Matxcơva và Gazprom thiên về giải pháp đàm phán. Trước mắt Bruxelles có vẻ đòi ‘bánh chưng ra góc’, và Châu Âu cho rằng một số đề nghị của Gazprom để cải thiện môi trường cạnh tranh là chưa đủ và Gazprom vẫn vi phạm điều khoản 102 trong bộ luật cạnh tranh của châu Âu. Điều đó không cấm cản là trong tương lai Ủy ban Châu Âu và Gazprom sẽ đạt được những thỏa thuận khác, nhưng rõ ràng là Bruxelles đang gia tăng áp lực đối với Matxcơva trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu xấu đi rõ rệt kể từ sau khủng hoảng Ukraina » .

Chuyên gia về dầu khí người Pháp, Francis Perrin nhìn nhận quyết định của Liên Hiệp Châu Âu đưa ra trong một bối cảnh khá đặc biệt, nhiều người có thể gắn liền yếu tố chính trị với hồ sơ này, nhưng ông không tin là như vậy :

« Rõ ràng là có một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Gazprom với các nhà cầm quyền Nga, đặc biệt là với điện Kremly. Do vậy động chạm đến Gazprom lúc này là một điều khá tế nhị. Tôi nghĩ là phía Nga sẽ rất bực mình trước thái độ cứng rắn của châu Âu nhưng đây không phải là điều bất ngờ đối Matxcơva. Còn nhìn từ phía Bruxelles, chính xác hơn là từ phía cơ quan đặc trách về quyền tự do cạnh tranh, thì câu hỏi đặt ra khá đơn giản : Gazprom có vi phạm luật cạnh tranh của châu Âu hay không ?

Trong trường hợp câu trả lời là có thì tập đoàn Nga sẽ bị trừng phạt. Châu Âu căn cứ vào những yếu tố kỹ thuật và pháp lý để đưa ra quyết định sau cùng. Tôi cũng xin nhắc lại là cũng trong tháng 4/2015 Ủy ban châu Âu đã chính thức thông báo với tập đoàn tin học Mỹ Google về những nguyên nhân khiến ông khổng lồ tin học này có thể bị đưa ra tòa vì ‘lạm dụng thế độc quyền’ trên thị trường tin học Châu Âu.

Nếu như Matxcơva coi quyết định vừa qua của Ủy ban Châu Âu là một hành vi chống lại nước Nga, thì Washington cũng có thể chụp mũ Ủy ban này là đã có thái độ bài Mỹ. Trên thực tế, Châu Âu chỉ bảo vệ quyền lợi của mình, của các nước thành viên trong Liên hiệp mà thôi trước những hành vi lạm dụng của các đại tập đoàn, cho dù đó là tập đoàn của Nga, Mỹ hay của chính Châu Âu.

Ở đây tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, cơ quan đặc trách về luật cạnh tranh của châu Âu đã căn cứ trên những yếu tố kỹ thuật, trên cơ sở pháp lý để lập hồ sơ nhắm vào các tập đoàn như Gazprom hay Google. Sau cùng, khi mà Ủy ban Châu Âu bắt đầu điều tra về trường hợp của Gazprom, tức là vào tháng 9/2012, khi đó chưa nổ ra khủng hoảng Ukraina, chưa có căng thẳng trong quan hệ giữa Bruxelles với Matxcơva. »

Một nguồn tin ngoại giao xin được giấu tên cũng nêu ra nhận định tương tự và thậm chí còn cho rằng quyết định đòi phạt Gazprom được tung ra đúng 1 tuần sau khi đòi phạt Google là một sự tính toán hết sức khôn ngoan của bà Vestager. Ủy viên châu Âu này chứng tỏ bà đang làm chủ tình hình.

Thứ nhất Margrethe Vestager chứng minh bà là một người cứng rắn không sợ phải đương đầu với các đại tập đoàn, dù là Mỹ hay Nga. Ủy viên người Đan Mạnh này báo trước là sẽ không khoan nhượng khi quyền tự do cạnh tranh của Châu Âu bị đe dọa. Thứ hai, Margrethe Vestager cũng chứng minh rằng, bà đặt quyền lợi kinh tế của châu âu lên trên hết, và thậm chí không quan tâm đến yếu tố chính trị. Thông điệp ngầm bà nhắn gửi tới cả Google lẫn Gazprom là họ sẽ không dễ thương lượng với châu Âu.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.