Vào nội dung chính
CHÂU Â

Anh sẵn sàng rút khỏi Châu Âu miễn là có lợi

Về cuộc bầu cử Anh Quốc, nhìn từ phía Châu Âu, báo Libération có bài viết đáng chú ý : « Vương Quốc Anh sẵn sàng chuồn khỏi Liên Hiệp Châu Âu theo kiểu Anh », phơi bày những quan hệ phức tạp giữa đảo quốc và Châu Âu lục địa. Việc Anh đi hay tiếp tục ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu có rất nhiều hệ lụy đối với khối 28 nước – nền kinh tế đứng đầu thế giới.  

Quốc hội Anh-Luân Đôn.
Quốc hội Anh-Luân Đôn. REUTERS/Kevin Coombs
Quảng cáo

Bài viết của nhà báo Marc Semo, phụ trách ban chính trị quốc tế của Libération, cho thấy mặc dù xu thế ủng hộ giữ nguyên trạng quan hệ giữa Anh và Châu Âu có xu hướng tăng nhẹ so với cách nay hai năm, nhưng quan điểm đối kháng với Châu Âu được hưởng ứng rất mạnh trong chính giới, trong truyền thông, cũng như trong các giới doanh nhân và văn hóa, và điều đặc biệt đáng lo ngại là « cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư – vi trùng độc hại đối với nền dân chủ - đã bị trộn lẫn với vấn đề mối quan hệ mật thiết của Anh với Châu Âu », như phát biểu của Denis MacShane, cựu Bộ trưởng đặc trách về Châu Âu dưới thời Thủ tướng cánh tả Tony Blair.

Libération điểm lại lịch sử quan hệ giữa Anh và Châu Âu trong 40 năm qua, kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 1975, khi 67% dân Anh – trong giai đoạn đảng Bảo thủ cầm quyền - quyết định gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (CEE). Vào thời kỳ này, hoàn toàn khác với hiện nay, Công đảng có quan điểm chống lại việc hội nhập Châu Âu.

Theo Libération, dù gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng « những nỗ lực của 19 quốc gia thành viên khu vực đồng euro, vì một sự hội nhập sâu sắc của Châu Âu hoàn toàn không khiến Luân Đôn quan tâm. Anh Quốc vẫn giữ đồng tiền riêng và hưởng lợi từ một Châu Âu được tổ chức theo nhiều phương thức khác nhau, nhờ những ưu đãi tài chính từ Bruxelles ». Ít năm sau khi gia nhập Cộng đồng, Anh đã buộc Bruxelles phải hoàn lại hai phần ba số tiền đóng góp vào ngân sách chung, với lý do Luân Đôn không được hưởng lợi gì từ chính sách nông nghiệp của khối.

Thái độ hết sức thực dụng của Anh được nhà sử học Robert Toms – đại học Cambridge - tóm lược : « Khi chúng tôi gia nhập thị trường chung (Châu Âu), chúng tôi tự coi mình là một đất nước đang suy thoái ; việc tham gia có thể nói giống như được cứu vớt. Hiện nay, tình hình là ngược lại, (người Anh) chúng tôi có ấn tượng rằng Châu Âu kìm hãm chúng tôi ».

Libération nhấn mạnh đến bước ngoặt những năm 1980 khiến thái độ của Anh đối với Châu Âu thay đổi, trong bối cảnh bắt đầu một giai đoạn toàn cầu hóa mới, kinh tế Hoa Kỳ vọt tiến, Châu Âu thì chững lại, nước Đức chìm ngập trong quá trình tái thống nhất… Việc xây dựng một đồng tiền chung euro, với nhiều vấn đề tiêu cực của lục địa (thất nghiệp gia tăng, các đảng dân túy phát triển…), lại càng củng cố thêm thái độ chán ghét Châu Âu tại nước Anh.

Bài viết của Libération tóm lại thái độ hai mặt của Anh với Châu Âu, mà gốc rễ của nó đã được nhận ra từ hơn hai thế kỷ trước : Anh Quốc ủng hộ một thị trường chung Châu Âu, nhưng không cổ vũ cho một sự hội nhập về chính trị. Vẫn theo cựu Bộ trưởng Châu Âu Denis MacShane. « Chỉ riêng từ Liên bang đã khiến chúng tôi phải rùng mình », ông giải thích.

Nhà quý tộc Palmerson, từng đảm nhiệm chức Thủ tướng Anh những thập niên 1850-1860, có một câu để đời : « Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của chúng ta là vĩnh viễn, và nghĩa vụ của chúng ta là theo đuổi chúng ». « Thái độ nghi ngờ Châu Âu hiện nay (ở Anh) là hồi quang nhợt nhạt của quan điểm xa xưa ấy tại một đất nước nay đã bị tụt hạng xuống hàng cường quốc trung bình, nhưng không muốn thừa nhận điều này », Libération kết luận.

Kinh tế khởi phát, nhưng xã hội bất công

Bầu cử Quốc hội tại Vương Quốc Anh là chủ đề thời sự lớn thu hút sự chú ý của các báo Pháp hôm nay. Đặc điểm nổi bật của cuộc bầu cử này là hai đảng chính, không đảng nào có khả năng dành được đa số ghế tuyệt đối trong Quốc hội mới, và tỷ lệ ủng hộ đối với cả hai đảng theo các thăm dò dư luận là gần như ngang bằng. « Vương Quốc Anh chuẩn bị cho một giai đoạn hậu bầu cử phức tạp » là tựa đề hồ sơ chính của Les Echos.

Còn Le Monde chạy tựa lớn « Một cuộc bỏ phiếu đầy bất trắc đối với David Cameron (Thủ tướng mãn nhiệm) », « Cameron đánh cược sinh mạng mình trong cuộc đọ sức với Miliband » là tựa chính của Le Figaro. Báo Libération thì mỉa mai : « Bầu cử Anh. Sự tan rã của Liên hiệp Jack (một tên gọi xưa của Vương quốc Anh) ». Báo La Croix nhìn thấy qua cuộc bầu cử tình trạng « Người Anh đang đầy ắp nghi ngờ ».

Theo La Croix, mặc dù « kinh tế Anh có chiều hướng tích cực, nhưng xã hội Anh, về phần mình, vẫn còn rất khổ sở. Các bất công về xã hội và vùng miền tăng cao. Tầng lớp trung lưu lo ngại bị bần cùng hóa. Việc dỡ bỏ các rào cản biên giới, đồng nghĩa với việc hội nhập Châu Âu và mở rộng cho nhập cư, gây sợ hãi tại một đất nước vốn thường được thịnh vượng nhờ tự do thương mại. Từ đó, xu thế co cụm gia tăng, không chỉ với Châu Âu, mà cả với các vùng lãnh thổ trong nước : từ xứ Scotland, đến xứ Walles và Anh Cát Lợi (England)…. Vương quốc dường như đang phân rã.

Xã luận tờ báo thiên tả Libération cũng cùng một quan điểm : « Ông David Cameron đã thành công. Ông ấy đã thành công trong việc tái khởi động nền kinh tế Anh Quốc, và giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng ông ấy cũng đã thành công khiến đất nước này trở nên vô cảm hơn và bất bình đẳng hơn ». Libération đưa ra một vài con số để tóm lại tình hình : « Tài sản tổng cộng của 1000 người giàu nhất Anh Quốc tăng 5,4% năm ngoái, đạt con số kỷ lục 547 tỷ bảng. Tổng số này là lớn hơn số tài sản của 40% các gia đình nghèo nhất, gồm khoảng 25,6 triệu cư dân ».

Bầu cử Quốc hội và sinh mệnh chính trị của David Cameron

Báo Le Figaro thì chú ý đến tính chất vô cùng bất trắc của cuộc bầu cử, được đánh giá là cam go nhất kể từ nhiều thập niên qua. Le Figaro dự báo kịch bản cả hai đảng – Công đảng và đảng Bảo thủ - về đầu, sẽ cùng tiến hành thương lượng để lập liên minh đa số trong Nghị viện mới, vì không bên nào dành được đa số tuyệt đối. Lãnh đạo đảng cánh trung Dân chủ Tự do Nick Clegg không loại trừ khả năng lập liên minh với đảng về thứ hai.

Le Figaro cũng dự đoán thêm kịch bản hai đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do lập liên minh nhưng vẫn không đủ đa số tuyệt đối, và buộc phải mời thêm nghị sĩ từ các đảng thiểu số khác, hoặc chấp nhận thành lập một « chính phủ liên hiệp thiểu số ». Theo một số chuyên gia, quá trình thương thuyết lập chính phủ liên hiệp mới có thể sẽ phải kéo dài nhiều tuần.

Về ứng cử viên Thủ tướng mãn nhiệm, lãnh đạo đảng Bảo thủ, Le Figaro có bài phân tích « David Cameron : chuyên nghiệp nhưng không nhiệt huyết ». Theo Le Figaro, trong cuộc tranh cử lần này, lãnh đạo đảng Bảo thủ 48 tuổi « ở vào thế yếu », và ông chắc chắn sẽ là « lãnh đạo đầu tiên của đảng Bảo thủ không giành được cho đảng mình một đa số tuyệt đối ». Và nếu như sau cuộc bầu cử này, David Cameron không lập được chính phủ liên hiệp, thì xem như đường chính trị của ông sẽ chấm dứt. Le Figaro rất chú ý tới « một từ nói nhịu » của Thủ tướng mãn nhiệm trong cuộc tranh cử, khi ông tuyên bố cuộc bầu cử này là « có tính quyết định » đối với « sự nghiệp » của ông, trước khi sửa lại thành « có tính quyết định đối với đất nước ».

« Việt Nam : chiến lược đi dây »

Liên quan đến Việt Nam, báo Le Monde có bài tổng hợp trên trang « Địa chính trị », mang tựa đề : « Việt Nam : chiến lược đi dây », giới thiệu chính sách ngoại giao của chính quyền Việt Nam trong bối cảnh bị nước láng giềng khổng lồ Phương Bắc lấn át.

Le Monde điểm lại lịch sử Việt Nam thường bị Trung Quốc xâm lấn, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc sâu sắc, cho đến thời kỳ đương đại, « giới tinh hoa cộng sản Việt Nam vẫn rất phụ thuộc vào Bắc Kinh ». Tờ báo Pháp cũng nhấn mạnh đến sự ngờ vực ngày càng lớn của nước láng giềng phương Nam với người khổng lồ phía Bắc, đặc biệt liên quan đến vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Năm 1974, « lợi dụng chiến tranh Bắc-Nam », Trung Quốc đã chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, lúc đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa.

Sau biến cố Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí vào sát bờ biển Việt Nam năm 2014, khiến quan hệ hai láng giềng khủng hoảng nghiêm trọng. Để cân bằng lại quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam tìm kiếm sự hậu thuẫn của cựu thù Hoa Kỳ. Chuyên gia Úc Evelyn Goh gọi đây là « chính sách tam giác », có thể tóm lại với một câu sau : « nỗ lực hướng đến cái tốt nhất, nhưng cũng sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất… ». Le Monde giải thích, đây là « một chiến lược bao gồm nhiều biện pháp như tìm kiếm cân bằng, phòng thủ, cam dự và quan hệ chằng chéo ».

Le Monde kết luận, Việt Nam hiện nay đang « thách thức Trung Quốc », với việc phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, đàm phán tham gia Hiệp định TPP – mà Mỹ là đầu tàu -, mua tàu ngầm của Nga, hay tàu tuần duyên của Nhật, « nhưng không đi đến chỗ khiêu khích Bắc Kinh một cách công khai ».

Điện ảnh Pháp, một ngoại lệ của Châu Âu

Về văn hóa, Le Monde chú ý đến thành công của điện ảnh Pháp hồi năm 2014, được ghi nhận là « một ngoại lệ ở Châu Âu », qua bài viết : « Điện ảnh Pháp thể hiện một sức sống mạnh mẽ ». Theo Trung tâm điện ảnh quốc gia, phim Pháp trong năm ngoái thu hút 91 triệu lượt khán giả (chiếm gần một nửa khán giả xem phim tại Pháp). Đáng chú ý là ba bộ phim đứng đầu đều là phim Pháp « 100% ».

Với 213 triệu vé bán (và phát miễn phí) tổng cộng, Pháp là thị trường điện ảnh số một của Châu Âu, vượt Đức (122 triệu), Ý (100 triệu), Tây Ban Nha (87 triệu) hay Anh (57 triệu).

Đứng đầu bảng là bộ phim « Qu’est-ce qu’on a fait au bon Dieu ? » của đạo diễn Philippe de Chauveron, với 12,3 triệu người xem tại Pháp. Bộ phim về đề tài phân biệt chủng tộc và hôn nhân giữa những người khác dân tộc và đức tin này thu hút gần 20 triệu khán giả trên toàn thế giới. Đứng thứ hai là phim hài « Supercondriaque » của đạo diện Dany Boon, và thứ ba là bộ phim giả tưởng « Lucy » của đạo diễn Luc Besson.

Thành quả của điện ảnh Pháp 2014 sẽ chính thức được giới thiệu trước lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Cannes, mở ra từ ngày 13 đến 24/05/2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.