Vào nội dung chính
NGA

Nga: Stalin phủ bóng lễ hội 70 năm chiến thắng Phát xít Đức

Stalin, nhân vật lịch sử đầy mâu thuẫn giữa công và tội đang xuất hiện trở lại với nước Nga trong những ngày lễ hội kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít Đức 1945. Dường như người dân Nga ngày nay vẫn muốn giữ lại hình ảnh ở Stalin như một lãnh tụ dẫn dắt Liên Xô đến chiến thắng vĩ đại hơn là một nhà độc tài phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người dân Liên bang Xô Viết.

Các cựu binh của cuộc Thế chiến thứ 2 xúc động bên tượng  Joseph Stalin trong bảo tàng về Cuộc chiến tranh ái quốc Vĩ đại ở Ngoại ô Matxcơva
Các cựu binh của cuộc Thế chiến thứ 2 xúc động bên tượng Joseph Stalin trong bảo tàng về Cuộc chiến tranh ái quốc Vĩ đại ở Ngoại ô Matxcơva REUTERS/Sergei Karpukhin
Quảng cáo

Anh Mikhail Kosirev, một sinh viên luật 29 tuổi bày tỏ với AFP : « Trong năm năm qua, tôi vẫn thường xem trên truyền hình những phim tài liệu về Stalin, và tôi đã biết thêm nhiêu điều về ông.... Tôi không còn có ác cảm với ông. Ông ta là người đã có thiện ý ».

Đó cũng là tình cảm của 39% người dân Nga vẫn tỏ thái độ ngưỡng mộ và kính trọng hay thiện cảm đối với nhân vật lãnh đạo Liên Xô, từng đóng vai trò nhất định trong chiến thắng Phát xít Hitler, theo một thăm dò dư luận do trung tâm nghiên cứu độc lập Levada thực hiện hồi tháng 3 vừa qua.

Gần đến ngày kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ 2, hình ảnh của Stalin, với hàng ria mép đặc trưng xuất hiện ngày càng nhiều ở nước Nga. Trong khi đó trên thực tế, bóng dáng nhà độc tài này đã bị loại ra khỏi đời sống của Liên bang Xô Viết ngay từ năm 1956, tức là 3 năm sau khi ông ta qua đời.

Gần 60 năm sau, Stalin đang xuất hiện trở lại ở nước Nga. Mới gần đây, trong một khu làng nhỏ nằm ở phía tây thủ đô Matxcơva, một bảo tàng về Staline đã được mở cửa. Tháng trước, người ta còn cho trương một chân dung lớn của ông trong một trường trung học tại Saint Petersbourg.

Hồi tháng Hai vừa rồi, tại Yalta, trên bán đảo Crimée vừa bị sáp nhập về Nga, người ta vừa khánh thành một tượng đài, tái hiện bức ảnh nổi tiếng tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử năm 1945 giữa Staline, Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt. Trong đó đáng chú ý là, bức tượng Staline cao hơn 10 cm so với tượng Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ, ngược lại với tỷ lệ thật của bức ảnh chụp.

Truyền hình Nga những ngày qua phát đi phát lại các phim tài liệu về « Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại », trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và công lao của Liên Xô trong việc chấm dứt Thế chiến thứ 2.

Một nửa người dân Nga coi những hy sinh của nhân dân Liên Xô theo tiếng gọi của Stalin là vì « mục tiêu cao cả » của Liên bang Xô Viết. Trong khi đó theo một cuộc thăm dò dự luận cũng của Viện Levada năm 2008, tức là khi nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống V. Putin kết thúc, chỉ có 1/3 người Nga nghĩ như trên.

Nhà sử học Nga Nitika Petrov nhận thấy ở Nga hiện nay xu hướng phục hồi Stalin đang trỗi dậy mạnh mẽ. Ông nhận định : « Đây là một dấu hiệu muốn quên đi bài học lịch sử. Người ta ngần ngại tự xét mình, không dám thẳng thắn nhận mình đã mắc sai lầm và đã phạm tội ác đối với chính nhân dân mình, đối với cả các láng giềng của mình ».

Theo nhà sử học này, chính quyền Nga, vốn vẫn nuôi hoài niệm về vị thế siêu cường của Liên Xô dưới thời Staline nay đã cố tình tô vẽ nhà độc tài như là một lãnh đạo đã có những lựa chọn đúng đắn đưa nước Nga đi vào kỷ nguyên công nghiệp hóa và chiến thắng Phát xít Đức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thì lại tỏ lập trường lập lờ mâu thuẫn : Một mặt ông lên án những hành động reo rắc sợ hãi của chế độ Stalin là « điều ô nhục ». Thế nhưng trên truyền hình Putin lại khẳng định « chế độ Staline không hề muốn tiêu diệt các nhóm sắc tộc thiểu số », thế nhưng các nhà sử học đã chứng minh chính Staline là người chịu trách nhiệm trong chiến dịch bắt hàng loạt người dân tộc Tartar và Tchetchenia đi đày năm 1944.

Đánh giá  về Stalin, Vladimir Putin luôn lập luận hai mặt : Stalin là một nhà « độc tài » « bạo chúa », nhưng « chính dưới sự lãnh đạo của ông ta mà đất nước đã thắng trong Thế chiến thứ 2 ».

Còn về sai lầm của Stalin  và cái giá đắt phải trả cho chiến thắng bằng sinh mạng của hàng chục triệu người dân Liên Xô thì sao ? Ông Putin đã lý giải : « Người ta có thể trách cứ bất kỳ thế nào họ muốn về những chỉ huy quân đội và Staline nhưng ai dám khẳng định có thể giành được thắng lợi theo cách khác ? »

Những tổn thất vô cùng lớn về người của Liên Xô còn được giải thích là vì quân Đức dồn lực lượng về mặt trên phía đông nhiều hơn về phía tây. Nhiều nhà sử học còn đưa ra nhận định rằng, số người Liên Xô thiệt mạng trong Đại chiến thế giới 2 sẽ không lên đến có số hàng chục triệu nếu như Staline trước đó không tiến hành một chiến dịch thanh trừng nội bộ hàng loạt và nếu ông ta không mắc phải nhiều sai lầm quân sự.

Trái lại, về thời kỳ đầu của cuộc Chiến tranh lạnh và sự ra đời của khối xã hội chủ nghĩa ở đông và trung Âu, thì Putin lại đánh giá dứt khoát đó là sai lầm của Stalin. Tổng thống Nga từng thừa nhận : « Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, chúng ta đã cố gắng áp đặt mô hình của mình đối với những nước đông Âu, và chúng ta đã làm việc này bằng sức mạnh. Đó là điều không tốt cần phải thừa nhận điều này ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.