Vào nội dung chính
HOA KỲ - QUỐC TẾ - BẠO ĐỘNG

Mỹ dỡ bỏ thiết quân luật tại Baltimore

Hôm qua 03/05/2015, Thị trưởng Baltimore tuyên bố chấm dứt thiết quân luật tại thành phố, sau hai tuần dân chúng liên tục biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát, kể từ khi người thanh niên da đen Freddie Gray qua đời do các vết thương quá nặng trong thời gian bị giam giữ. Gần 3.000 binh sĩ thuộc lực lượng vệ binh quốc gia được lệnh rời Baltimore. Cuộc đấu tranh quyết liệt chống bạo lực cảnh sát tại Baltimore dường như đã có một bước ngoặt mang tính hòa bình rõ rệt trong những ngày gần đây, với sự tham gia của các sinh viên khoa luật, thuộc đại học Washington.

Người biểu tình vui mừng trước quyết định truy tố 6 viên cảnh sát. Baltimore, ngày 01/05/2015.
Người biểu tình vui mừng trước quyết định truy tố 6 viên cảnh sát. Baltimore, ngày 01/05/2015. REUTERS/Eric Thayer
Quảng cáo

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,

" Kể từ đầu phong trào chống bạo lực cảnh sát đến nay, các sinh viên luật của trường đại học Washington sôi sục trên các giảng đường. Họ hy vọng được đến tại chỗ để giúp đỡ những người biểu tình bị bắt giữ. Đề nghị này đã được Hiệu trưởng chấp thuận. Việc hỗ trợ đã biến thành một khóa học thực hành. Các sinh viên luật tới các trường học, nhà thờ, trụ sở cảnh sát, để dạy cho những người trẻ biết được các quyền của mình, các quyền mà cộng đồng người da đen ở các khu phố nghèo coi như đã bị chà đạp.

Jennifer Laskin tham gia vào nhóm tư vấn pháp lý này. Nhiệm vụ của cô là giúp đỡ những người biểu tình bị câu lưu được trả tự do. Cô cho biết các sinh viên đã tổ chức những buổi học nhóm, để các « học sinh » hiểu được phản ứng như thế nào là đúng cách trước cảnh sát, học cách bày tỏ quan điểm khi bị cảnh sát tra hỏi hay lục soát.

Sáng kiến nói trên của các sinh viên đại học luật Washington đáp ứng một trong các yêu sách của những người biểu tình tại Hoa Kỳ từ nhiều tháng nay, chống lại một hệ thống tư pháp hiện hành, đang khoét sâu các bất công xã hội. Khi chúng ta biết rằng, một phần ba thanh niên Mỹ gốc Phi Châu từng phải một lần đi tù trong đời, thì sáng kiến trên của đại học luật Washington rất có ý nghĩa.

Kể từ khi phong trào phản đối bùng phát, theo cảnh sát, có 113 cảnh sát bị thương, 486 người biểu tình bị bắt trong các đụng độ (kể từ 23/04/2015). Theo thống đốc tiểu bang Maryland, khoảng 200 cửa hàng đã bị đập phá trong thời gian này (trong đó có nhiều cửa hàng của những người thuộc cộng đồng thiểu số), thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu đô la. Tuy nhiên, cuộc biểu tình chủ nhật, hôm qua, và thứ bảy 02/05 trước đó, đã diễn ra trong ôn hòa, sau khi sáu cảnh sát có liên quan chính thức bị truy tố ngày 01/05/2015 ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.