Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - QUỐC TẾ - NHẬP CƯ - ĐIỂM BÁO

Tổ chức vượt biên sang Châu Âu, hoạt động đầy lợi nhuận

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp tại Châu Âu là chủ đề được ba tờ Libération, La Croix và Les Echos phản ánh trong số ra ngày hôm nay 04/05/2015. Libération phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa cảnh sát Pháp và người nhập cư trái phép tại Calais, miền Bắc nước Pháp.

Các thuyền nhân may mắn được cứu vớt trên biển Địa Trung Hải.
Các thuyền nhân may mắn được cứu vớt trên biển Địa Trung Hải. AFP/Garde-côtes Italie
Quảng cáo

La Croix cho biết trong vòng hai ngày cuối tuần vừa qua, hải quân Ý đã cứu được 3.600 người. Dù nhiều vụ đắm tàu xảy ra vào trung tuần tháng Tư vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa đưa ra các hoạt động cứu hộ chung. Tờ Le Figaro phân tích hoạt động tổ chức vượt biên trái phép đầy lợi nhuận trong bài : « Tìm kiếm người nhập cư trên biển ».

Năm 2014, hơn 170.000 người nhập cư đã tìm cách vượt biển sang Châu Âu. Chỉ riêng đầu năm 2015, con số này đã tăng gấp 42% dù có hơn 1.700 người thiệt mạng, tính từ tháng Giêng năm nay. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế được số lượng tầu xuất phát tại đây, tuy nhiên, hiện tượng này lại nở rộ tại Libya, một quốc gia đang rơi vào tình trạng hỗn chiến.

Tổ chức vượt biên trái phép mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ và ít rủi ro cho những kẻ tổ chức. Thay vào những chiếc ca nô cao su hay những chiếc tầu cá bằng gỗ không an toàn là những chiếc tầu chở hàng bỏ đi được mua lại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ vậy, giá vận chuyển cũng tăng lên, 5.000 euro mỗi người. Ngoài ra, những con tầu này chứa được nhiều người hơn, cho phép thu lợi tối đa, lên tới 2 triệu euro. Đây là trường hợp đối với con tầu chở 400 người, bị bỏ rơi và được tầu tuần duyên phát hiện gần đây tại Địa Trung Hải.

Theo con số do cơ quan Frontex cung cấp, để có một chỗ trên tầu, người nhập cư phải trả trung bình từ 1.000 đến 2.000 euro. Những kẻ tổ chức không ngần ngại « chèn » tối đa, đến mức chỉ cần một cử động bất cẩn có thể khiến tầu bị chìm.

Các phương tiện thông tin hiện đại đóng vai trò quan trọng trong suốt hành trình. Ngoài các chi nhánh trải dài tại khu vực sa mạc Sahara, những kẻ tổ chức vượt biên dùng mạng xã hội để quảng cáo hoạt động. Người nhập cư sử dụng điện thoại vệ tinh để gọi trợ giúp, thậm chí, gọi trực tiếp cho các đội tầu cứu hộ hay thông qua gia đình tại Châu Âu. Những kẻ buôn người trơ tráo tận dụng quy định quốc tế buộc các tầu phải cứu trợ một tầu khác gặp nạn. Thậm chí, không cần đưa tầu tới tận bờ biển Châu Âu, chúng cho tầu ra khơi, sau đó chờ cứu hộ.

Bài phóng sự nhận xét cơ quan Frontex nằm giữa hai làn sóng chỉ trích. Những người ủng hộ vấn đề an ninh cho rằng cơ quan này đã góp phần đưa người bất hợp pháp lên lãnh thổ Châu Âu. Còn những người ủng hộ vấn đề nhân quyền thì cáo buộc tổ chức này phải chịu trách nhiệm về các vụ chìm tầu và đã không làm hết mình để cứu trợ.

Thế nhưng, ngoài các khó khăn về xác định vị trí và cứu trợ đúng lúc thuyền nhân kiệt sức, nhiều cuộc đụng độ với những kẻ tổ chức vượt biển có vũ khí đã xảy ra. Tuần duyên Châu Âu ở trong thế lưỡng nan. Vì không thể bỏ mặc người nhập cư chết đuối, họ buộc phải đưa những người này lên các đảo trên tại Ý và Hy Lạp. Như vậy, hành động này bị coi là đưa người nhập cư vào lãnh thổ Châu Âu một cách bất hợp pháp. Thế nhưng, cũng không thể trả họ về nước nơi tầu xuất phát, nếu đó là một quốc gia vô chính phủ, như trường hợp của Libya.

Dù biết nguy hiểm tới tính mạng, người nhập cư không thay đổi ý định. Với họ, vượt biên là lựa chọn hợp lý để thoát khỏi số phận. Trốn chiến tranh hay tìm một tương lai sáng lạn hơn, vài chục ngàn người vẫn nung nấu ý định vượt Địa Trung Hải trong năm nay.

Nepal quá tải với trợ giúp quốc tế

Sau thảm họa động đất, làm thế nào để điều phối và quản lý hàng cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới ? Đặc phái viên của Le Monde phân tích những bất cập trong vấn đề quản lý dưới tựa đề : « Nepal quá tải với trợ giúp quốc tế ».

Điều phối là một vấn đề khó khăn cho các nhà cứu trợ. Hàng viện trợ từ khắp nơi đổ về Nepal nhưng nhiều đồ không phù hợp với nhu cầu tại chỗ. Hàng cứu trợ tập trung tại sân bay chỉ chờ được phân phát đi khắp nơi.Trong khi đó, các làng hẻo lánh chỉ nhận được sự giúp đỡ một cách nhỏ giọt, khiến người dân tức giận. Ngoài ra, do không có chương trình làm việc chung, công tác cứu hộ quốc tế chồng chéo lên nhau, như nhiều nhóm cứu hộ cùng kiểm tra một tòa nhà sụp đổ chỉ cách nhau vài giờ mà không hay biết.

Đằng sau lòng hảo tâm, các lợi ích địa chính trị cũng nhanh chóng xuất hiện tại đất nước mà cả Ấn Độ và Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng. Hai quốc gia láng giềng này có mặt ngay sau khi thảm họa xảy ra, nhưng không hoạt động chung với nhau. Người Trung Quốc thường cắm cờ tại nơi họ đang làm việc, nên người Ấn Độ muốn tránh xa. Ngoài ra, thủ lĩnh của một đảng tại khu vực Bắc Ấn Độ chở yếu phẩm tới giúp người dân, đồng thời cho 70 xe buýt hồi hương hàng ngàn người lao động Ấn Độ tại Kathmandu. Mục đích là kiếm thêm số lượng phiếu bầu từ những cử tri này.

Chính phủ Nepal bị chỉ trích thiếu kinh nghiệm quản lý. Thực tế, bên cạnh hàng cứu trợ liên tục tới, rất nhiều làng mạc có cảm giác bị bỏ rơi. Thủ tướng Nepal chỉ biết tới thảm họa khi đọc một tin tweet của người đồng nhiệm Ấn Độ trong khi đang công du tại Thái Lan.

Quốc gia Nam Á này mới thoát cảnh nội chiến từ năm 2006 và đang trải qua thời kì bất ổn chính trị. Từ khi bãi bảo chế độ quân chủ năm 2008, Quốc hội lập hiến vẫn chưa thông qua được một Hiến pháp mới. Các đảng phái thường xuyên bị lôi cuốn vào các cuộc tranh luận về chế độ liên bang hay nền cộng hòa và không có khả năng quản lý các vấn đề thường ngày.

Dù được cảnh báo về nguy cơ động đất, Nepal không có một tổ chức quản lý thiên tai. Các bộ ngành đồng quản lý khủng hoảng nhưng thường không phối hợp với nhau. Việc tổ chức cứu trợ tại các vùng hẻo lánh bị chậm lại vì không có đại biểu địa phương do các cuộc bầu cử liên tục bị trì hoãn. Chính việc này giải thích sự tức giận của người dân tại các vùng nông thôn và cảm giác bị bỏ rơi tại Katmandu.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đương đại của Nepal nhận xét : Một trong những bài học cho thảm họa lần này là quốc gia không có chính phủ ». Còn một giáo sư tại đại học Tribhuvan hy vọng trận động đất lần này sẽ buộc các đảng phái vượt qua các mối hiềm khích, tiến tới đoàn kết để phát triển đất nước và quan tâm tới người dân hơn.

Hạn hán ở Sao Paulo

Nước trở thành một vấn đề gây bất bình cho người dân tại các thành phố lớn ở Brazil. Quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong lịch sử. Hạn hán tại Sao Paulo là chủ đề kinh tế trên tờ Libération.

Từ năm ngoái, Sao Paulo đang chịu cảnh hạn hán chưa từng có trong lịch sử từ 80 năm nay. Dù lượng mưa khá nhiều trong các tháng Hai và Ba vừa qua, nhưng vẫn không đủ để giải quyết tình hình khá nghiêm trọng. Trong khi đó, vào mùa khô, kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười, lượng mưa còn giảm đi rất nhiều.

Nước chỉ được cung cấp vài tiếng mỗi ngày, thậm chí nhiều ngày không có. 120 triệu dân Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, phụ thuộc vào lượng nước còn lại tại lưu vực Cantareira, giờ chỉ còn 15,5% dung tích. Tại các khu vực dân cư xa trung tâm, tình trạng cắt nước luân phiên có thể kéo dài tới 11 ngày. Người dân Sao Paulo tích nước trong các loại bình chứa họ có, thường không được che đậy cẩn thận. Trong khi đó, muỗi sinh sản trong nước là nguồn truyền nhiễm dịch sốt xuất huyết và cúm nhiệt đới.

Một vấn đề khác là tình trạng rò rỉ nước do hệ thống dẫn nước hư nát. Tại Sao Paulo, khối lượng nước thất thoát có thể chiếm tới 1/3 tổng số phân phối, tương đương với số lượng cung cấp cho 6 triệu người. Thế nhưng, công ty cung cấp nước không bảo trì để giảm bớt lượng nước thất thoát.

Một giáo sư đại học nêu lên một lý do khác giải thích tình trạng thiếu nước, đó là thói quen lãng phí của người dân. Thay vì khuyến khích người dân tái sử dụng nước, thống đốc bang lại thực hiện chính sách tăng cung cấp nước sạch, do lo ngại cơ hội tranh cử của mình bị ảnh hưởng.

Tại 53 khu phố ở Sao Paulo, tình trạng cắt nước có thể kéo dài tới tận 19h30 hàng ngày. Một tờ báo quan trọng tại đây nhận định : « Đây là cuộc khủng để người Brazil hiểu nước không phải là một nguồn vô hạn ».

Chiến đấu cơ Rafale chinh phục thị trường xuất khẩu

Le Figaro và Les Echos thông báo tổng thống Pháp François Hollande tham dự lễ kí kết hợp đồng bán chiến đấu cơ Rafale giữa Dassault và vương quốc Qatar. Dẫn lại lời của tổng giám đốc tập đoàn, Le Figaro đăng tựa : « Rafale tiến tới thành công ». Còn Les Echos, ngoài những thông tin liên quan tới sự kiện trên, phân tích : « Những lý do cho thành công ».

Tác giả bài báo nhấn mạnh lý do thứ nhất là chất lượng của chiến đấu cơ Rafale, và không ngần ngại đánh giá đây có thể là máy bay tốt nhất trong mọi lĩnh vực, từ không chiến, tới tình báo hay tấn công mặt đất…

Lý do thứ hai, là do nhu cầu của các quốc gia đối tác. Đối mặt với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Ai Cập cần loại máy bay chiến đấu hiện đại mà không cần sự đồng ý của Hoa Kỳ. Trường hợp của Qatar cũng tương tự. Vương quốc này đang phải đối mặt trước sự bùng nổ của hai cuộc chiến trong khu vực. Thứ nhất, là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Teheran và Riyad. Tiếp theo là các cuộc xung đột tại Bắc Phi mà chỉ cách Qatar ba giờ bay.

Về phía Ấn Độ, quốc gia này đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận Rafale là máy bay tốt nhất để thay các chiến đấu cơ MIG từ thời Liên Xô trong việc phòng thủ chống Pakistan và Trung Quốc.

Lý do cuối cùng là những nỗ lực của chính phủ François Hollande, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian. Các chuyến công du, phần lớn là ngoài lịch làm việc, cùng với những mối quan hệ mà ông có và sự bền bỉ đã mang lại thành công cho các hợp đồng xuất khẩu Rafale.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.