Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Quyết định nhập gần 20 sản phẩm OGM của Châu Âu bị chỉ trích

Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu vẫn gần như là vùng cấm địa đối với các loại cây trồng biến đổi gen (OGM), còn các sản phẩm OGM cũng rất bị hạn chế. Ngày hôm qua, 24/04/2015, Ủy ban Châu Âu đơn phương thông báo cho phép nhập thêm 17 sản phẩm biến đổi gen dùng làm thức ăn cho gia súc và cho người, cùng hai loại hoa. Quyết định này bị Pháp và giới bảo vệ môi sinh phản đối mạnh mẽ. Bản thân Hoa Kỳ cũng lên án, nhưng với lý do hoàn toàn khác.

Một cuộc biểu tình chống sản phẩm OGM của Monsanto tại Paris năm 2013.
Một cuộc biểu tình chống sản phẩm OGM của Monsanto tại Paris năm 2013. Reuters/ Charles Platiau
Quảng cáo

Trong số 19 OGM mà Ủy ban Châu Âu cấp phép có 11 sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia Mỹ Monsanto, gồm đậu tương, ngô, cải dầu và bông. Chín sản phẩm khác của doanh nghiệp Mỹ Dupont và hai công ty Đức Bayer và BASF. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2013, hành pháp Châu Âu cho giấy phép trong lĩnh vực này. Với 17 sản phẩm OGM này, cho đến nay tổng cộng có 75 OGM được Ủy ban Châu Âu cho phép.

Ủy ban Châu Âu đưa ra quyết định nói trên trong bối cảnh trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, bên ủng hộ và bên chống thương mại hóa OGM không bên nào có được đa số tuyệt đối (40% ủng hộ, 35% chống, 25% vắng mặt). Quyết định của Ủy ban Châu Âu được đưa ra nhằm tạo ra một khả năng khác, tránh tình trạng bế tắc, để ngỏ khả năng mỗi quốc gia có quyền cấm sử dụng OGM trên lãnh thổ của mình.

Pháp, ngay lập tức thông qua đại diện tại Bruxelles, chính thức phản đối quyết định nói trên. Phó đại diện Pháp Alexis Dutertre nhận xét : « 17 OGM mà Ủy ban cho phép không đợi sự chấp thuận của Hội đồng và Nghị viện (…) cho thấy quyết định này không có giá trị, và đây là một giải pháp sai lầm».

Tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace cáo buộc Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, « không có ý định làm cho Châu Âu gần gũi hơn với các công dân, như ông từng hứa, mà hành động vì lợi ích của Hoa Kỳ và tập đoàn Monsanto ». Nhà tranh đấu môi trường Pháp, nghị sĩ Châu Âu José Bové, lên án « Jean-Claude Juncker quỳ gối trước các lobby biến đổi gen. Ông coi khinh người tiêu dùng Châu Âu, vốn phản đối ngay từ đầu các loại cây trồng biến đổi gen ».

Về phần mình, Hoa Kỳ tái khẳng định lập trường chống lại các quy định mới của Ủy ban Châu Âu về OGM, trong bối cảnh Washington và Bruxelles đang đàm phán về một hiệp định thương mại mới TTIP. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Michael Froman tại cơ quan thương mại quốc tế USTR, lên án, với quy định này, Ủy ban Châu Âu muốn chia Liên hiệp thành 28 thị trường khác biệt liên quan đến một số sản phẩm, « đi ngược lại cam kết về phát triển thị trường nội địa ».

Vui mừng nhất sau quyết định này là các doanh nghiệp OGM. Hiệp hội OGM Châu Âu EuropaBio khẳng định đây là mong mỏi của các nhà chăn nuôi Châu Âu, vốn đã sử dụng nhiều sản phẩm biến đổi gen trong thức ăn gia súc. Theo một số liệu của Hoa Kỳ, năm 2014, Liên Hiệp Châu Âu nhập 3,1 tỷ đô la thực phẩm chứa OGM từ Mỹ và một số nước Châu Mỹ khác.

Tranh cãi về tác hại của OGM và thuốc diệt cỏ

Ngoài tác động đối với hệ sinh thái, tác hại của sản phẩm OGM đối với sức khỏe là một vấn đề gây tranh cãi quyết liệt. Năm 2012, nghiên cứu của Giáo sư người Pháp Gilles-Eric Séralini về chuột ăn ngô OGM bị u bướu từng gây sốc và gây tranh luận dữ dội. Thời gian gần đây, một số nghiên cứu cảnh báo tính chất nguy hại hết sức nghiêm trọng của các thuốc diệt cỏ, trừ sâu, đặc biệt được sử dụng nhiều cho cây trồng OGM, và hàm lượng chất độc gây ung thư trong các loại thuốc này trên thực tế cao gấp bội so với số công bố chính thức.

Theo Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới) IARC/CIRC, có trụ sở tại Lyon, thuốc diệt cỏ glyphosate của hãng Monsanto được sử dụng rất rộng rãi cho cây trồng OGM là tác nhân có nguy cơ gây ung thư cao (kết quả nghiên cứu được công bố cuối tháng 3/2015), trước hết đối với những người làm nông. Nhận định này bị hãng Monsanto cực lực bác bỏ. Báo cáo 2010 của Cơ quan an toàn thực phẩm, môi trường và lao động Pháp (Anses) nhận định thuốc diệt cỏ glyphosate là một thủ phạm chính gây ô nhiễm các nguồn nước.

Theo Le Figaro, ngày 03/04/2015, Cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu (Efsa) cùng các cơ quan Mỹ, Canada đã yêu cầu Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế khẩn cấp cung cấp các dữ liệu điều tra, để xem xét. Hiện tại cơ quan an toàn thực phẩm Đức Bundesinstitut für Risikobewertung (BfR), được ủy nhiệm thay mặt Châu Âu, để đánh giá về nguy cơ của thuốc diệt cỏ glyphosate (Le Monde 25/03).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.