Vào nội dung chính
NHẬP CƯ- CHÂU ÂU

Nhập cư : Châu Âu đưa ra những giải pháp ngắn hạn

Trong cuộc họp Luxembourg ở cấp bộ trưởng ngày 20/04/2015 Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một kế hoạch cụ thể để chấm dứt thảm họa thuyền nhân. Nhưng theo Quentin Dickinson, đặc phải viên đài RFI theo dõi cuộc họp giữa bộ trưởng Nội vụ và Ngoại giao của 28 nước thành viên, Liên Hiệp vẫn chưa có một chính sách chung về nhập cư.

Những thuyền nhân may mắn cập bến Ý.
Những thuyền nhân may mắn cập bến Ý. Reuters
Quảng cáo

05:57

Quentin Dickinson_ngày 21/04/2015

Quentin Dickinson :  Phải nói là Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra những biện pháp cụ thể khi bộ trưởng các thành viên trong khối thông qua kế hoạch gồm 10 điểm được Ủy ban Châu Âu đề xướng. Một cách tổng quát thì Bruxelles chấp nhận nhân lên gấp đôi các phương tiện tài chính, tăng gấp hai số tàu tuần duyên trong khu vực Địa Trung Hải. Châu Âu đặc biệt tăng cường các phương tiện để phát hiện và cứu hộ thuyền nhân. Họ là những người nhập cư bất hợp pháp lênh đênh ngoài khơi phía đông Địa Trung Hải.

Các chiến dịch nhằm phát hiện và cứu hộ người nhập cư bất hợp pháp mang tên Triton và Poséidon, được đặt dưới sự điều hành của Cơ quan An ninh Biên phòng Frontex của Liên Hiệp Châu Âu. Với kế hoạch mới về người nhập cư, sẽ có tổng cộng 40 tàu tuần tra và Bruxelles đã đồng ý mở rộng khu vực tuần tra trên biển.

Một điểm mới khác là Châu Âu ra lệnh tịch thu và hủy tàu của các tổ chức đưa người vượt biên trái phép, lấy dấu tay những người nhập cư ngay khi họ đặt chân lên lãnh thổ Châu Âu.

Tính hiệu quả của kế hoạch nhằm ngăn chặn các làn sóng thuyền nhân đến từ Châu Phi vừa đề xướng hôm qua tùy thuộc rất nhiều vào những thông tin sẽ thu thập được từ quê gốc của những người vượt biên. Bruxelles dự trù điều một số nhân viên đến những quốc gia như Libya hay Somalia … để thu thập thông tin về những đường dây đưa người nhập cư sang châu Âu.

RFI : Khi nào thì kế hoạch của Châu Âu sẽ có hiệu lực ?

Quentin Dickinson : Cho dù đã được khoảng 50 bộ trưởng của các nước thành viên thông qua trong cuộc họp khẩn cấp tại Luxembourg, nhưng kế hoạch này sẽ được trình lên các nguyên thủ quốc gia nhân thượng đỉnh bất thường vào ngày Thứ Năm, 23/04/2015 tại Bruxelles. Trọng tâm duy nhất của thượng đỉnh lần này là hồ sơ người nhập cư từ Châu Phi tràn ra Địa Trung Hải.

Có nhiều khả năng 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thông qua kế hoạch vừa được các bộ trưởng đồng ý trong cuộc họp ở Luxembourg ngày hôm qua, với một vài thay đổi không đáng kể. Tuy vậy sẽ phải mất ít nhất 6 tháng kế hoạch này mới được thực thi toàn diện. Nhưng từ nay tới đó, một vài biện pháp có thể bắt đầu được áp dụng. Nói cách khách tình hình trong vùng biển Địa Trung Hải không có triển vọng khả quan hơn trong một vài tuần lễ tới. Tai nạn hay các vụ đắm tàu vẫn có nguy cơ xảy ra, ngày nào mà người tỵ nạn vẫn còn lao ra biển để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng không nên quên rằng, Liên Hiệp Châu Âu là một khối gồm 28 nước độc lập với nhau. Do vậy, thể thức vận hành phức tạp hơn. Mọi quyết định không thể nhanh chóng thông qua như trong trường hợp của Trung Quốc, Nga hay Hoa Kỳ.

RFI :  Bruxelles đề ra các biện pháp ngăn chặn người nhập cư trái phép tràn vào lãnh thổ Châu Âu bằng đường biển, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng ?

Quentin Dickinson : Đúng như vậy, Châu Âu tới nay có thái độ thụ động, chỉ quan tâm thực sự đến hồ sơ này khi vấn đề đã trở nên cấp bách. Và trong tình huống đó, thì Liên Hiệp Châu Âu lại chỉ đưa ra những biện pháp nửa vời, hay chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn mà thôi. Không mấy ai tin rằng, kế hoạch gồm 10 điểm vừa được đưa ra là nền tảng cho một chính sách chung về nhập cư. Thực ra tại Luxembourg các bên mới chỉ đề xướng những biện pháp để chăm sóc vết thương bề ngoài, nhưng không một ai đả động đến nguyên nhân gây ra thương tích hay tìm cách khắc phục hậu quả do vết thương đó gây nên.

Một số quốc gia công nghiệp phát triển khác như Canada, Mỹ, Úc hay New Zealand chẳng hạn từ cả chục năm nay đã có hẳn một chính sách nhập cư vừa hợp lý, vừa có tính cách chọn lọc và hợp pháp. Trong khi đó Châu Âu vẫn coi chính sách nhập cư và các biện pháp kiểm soát biên giới là thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia. Tới nay Châu Âu mới chỉ bãi bỏ biên giới ở trong không gian Schengen hay giữa các hải đảo của vương quốc Anh mà thôi. Một số các đảng phái chính trị tại Châu Âu có khuynh hướng chống nhập cư đang khai thác chủ đề này và điều đó càng khiến mỗi thành viên trong Liên Hiệp phải cân nhắc kỹ về hồ sơ nhậy cảm nói trên.

RFI : Vậy đâu là những biện pháp lâu dài cho vấn đề nhập cư Châu Âu ?

Quentin Dickinson : Trước mắt Nghị viện Châu Âu đang tiến xa nhất trên hồ sơ này. Các bên đồng ý là phải nhìn thẳng vào những nguyên nhân đẩy hàng trăm người ra biển. Những nguyên nhân đó bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế tại các nước Bắc Phi, từ thái độ vô trách nhiệm của nhiều chính quyền trong chính sách khai thác tài nguyên, từ các vụ mất mùa, từ hiện tượng sa mạc hóa thu hẹp lại các diện tích trồng trọt. Thêm vào đó yếu tố chính trị, an ninh. Nhiều khu vực đang lâm vào nội chiến.

Điều mà Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được là tìm cách tái lập ổn định, thịnh vượng tại các quốc gia ở bên kia Địa Trung Hải, để người dân Phi châu không có nhu cầu di tản. Nhưng mặt khác, dân số tại Châu Âu đang trên đà bị lão hóa, Châu Âu cũng cần người lao động nhập cư, với điều kiện đó phải là chính sách nhập cư có lựa chọn. Các dân biểu tại Nghị viện châu Âu đang ráo riết thảo luận về vấn đề nhập cư, về những mục tiêu cần hướng tới. Nhưng mục tiêu cần đạt được thì còn xa vời, nhưng những vấn đề thì đang hiện ra ngay trước mắt toàn khối Châu Âu.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.