Vào nội dung chính
NHẬP CƯ - CHÂU ÂU - KHỦNG HOẢNG

Làn sóng thuyền nhân: Nước Ý đứng mũi chịu sào cho châu Âu

Trong mấy ngày qua tình hình thuyền nhân từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào các đảo miền Nam Ý đang có những biến chuyển cực kỳ bi thảm. Nước Ý đang một mình chống đỡ với làn sóng thuyền nhân trong khi châu Âu bắt đầu cảm thấy sự cấp bách phải giải quyết thảm cảnh tỵ nạn.

Chiến tranh và bạo loạn tại nhiều nơi ở Châu Phi, nhất là Libya, khiến người tỵ nạn liều mình vượt biển sang Châu Âu. Trong ảnh thuyền Ý San Marco cứu người vượt biển tại phía nam đảo Sicile, ngày 05/02/2014.
Chiến tranh và bạo loạn tại nhiều nơi ở Châu Phi, nhất là Libya, khiến người tỵ nạn liều mình vượt biển sang Châu Âu. Trong ảnh thuyền Ý San Marco cứu người vượt biển tại phía nam đảo Sicile, ngày 05/02/2014. REUTERS/Marina Militare/Handout via Reuters
Quảng cáo

07:41

Thông tín viên Huê Đăng (Roma)

Thông tín viên Huê Đăng tại Roma tường trình:

Ngày 16 và 17/04 vừa qua, đã xẩy một vụ xung đột về tôn giáo giữa các thuyền nhân đang trên đường tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào các đảo phía Nam Ý, và đã có 12 thuyền nhân người Ghana và Nigeria theo đạo Công giáo đã bị một số thuyền nhân khác theo đạo Hồi giáo quăng xuống biển và chết mất xác. Theo báo chí Ý thì sự kiện trên xẩy ra từ hôm 14/04/2015 nhưng mãi đến ngày 16 tin mới được các mạng truyền thông phổ biến.

Những thuyền nhân Công giáo khác còn sống sót trên thuyền, và khi đã đặt chân được lên nước Ý, đã đứng ra tố cáo những thuyền nhân Hồi giáo đã quăng những thuyền nhân Công giáo xuống biển. Kết quả là nhà chức trách Ý, dựa theo các thông tin do những thuyền nhân khác cung cấp, đã tạm giam 15 thuyền nhân có đạo Hồi giáo vì bị tình nghi đã quăng 12 người Công giáo xuống biển.

Câu chuyện nói trên còn đang làm xôn xao công luận thì ngày hôm kia, một chiếc tàu đánh cá trên đó có hơn 900 người đã bị chìm vì quá tải ngay ngoài khơi của Libya. Theo các con số chính thức do chính phủ Ý đưa ra thì cho đến nay chỉ có 28 người được cứu vớt sống sót, còn lại đều mất tích dưới lòng biển. Trong suốt ngày hôm qua các mạng truyền thông Ý đưa con số 700 người thiệt mạng, nhưng nếu như theo lời kể của những thuyền nhân sống sót thì con số nạn nhân chắc chắn là hơn 700.

Kể từ khi có làn sóng thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải từ nhiều năm qua, có thể nói đây là lần đầu tiên con số nạn nhân cao nhất trong các tai nạn đắm tàu. Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã có khoảng 35 ngàn thuyền nhân, trong đó con số nạn nhân chết vì tai nạn đắm tàu đã lên đến 1600 người. Có người nhận xét rằng biển Địa Trung Hải đang trở thành một nghĩa địa khổng lồ chôn sống hàng ngàn con người thống khổ đang tìm cách trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói bệnh tật. Thậm chí có người còn so sánh rằng làn sóng thuyền nhân đang làm chết người nhiều hơn cả các cuộc tàn sát khủng bố của các lực lượng Hồi giáo quá kích cực đoan ISIS.

Thực ra thì vấn đề căng thẳng tôn giáo cũng đã có xẩy ra từ nhiều năm nay ở một số quốc gia có đa số người Hồi giáo: những xô xát làm chết người, những vụ khủng bố người Công giáo do một số lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra. Nhất là trong những tháng gần đây, ở một số vùng rơi vào tay các lực lượng ISIS, như ở Syria, ở Iraq, ở Libya chẳng hạn, các lực lượng Hồi giáo cực đoan này đã có những hoạt động khủng bố và tàn sát người Ả Rập theo đạo Công giáo.

Như vậy có thể hiểu là các kỳ thị tôn giáo do ISIS phát động trên đất liền đã lan rộng lên đến các con thuyền của những thuyền nhân thống khổ.

Chính bản thân Đức Giáo Hoàng Francesco trong thời gian qua đã nhiều lần lên tiếng báo động về sự kiện người Công giáo đang bị hãm hại ở một số khu vực có các lực lượng Hồi giáo quá khích cực đoan, thậm chí Đức Giáo Hoàng còn ta thán rằng thế giới hầu như bất động trước sự việc người Công giáo đang bị hãm hại.

Làn sóng thuyền nhân từ đầu năm 2015 gia tăng mạnh và nước Ý đã quá tải ?

Vấn đề thuyền nhân từ các khu vực Bắc Phi nhập cư bất hợp pháp lên đất Ý là một trong những vấn đề đang trở nên trầm trọng từ nhiều năm nay, và hiện nay, với tình trạng chiến tranh và bất ổn ở một số quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, thì con số thuyền nhân trốn chạy lại càng gia tăng ghê gớm, với những rủi ro chết chóc vì thời tiết xấu, vì các con thuyền quá tải, bây giờ lại thêm các xung đột công giáo. Chỉ từ tháng giêng đến nay đã có khoảng 1600 nạn nhân bỏ xác trên biển Địa Trung Hải.

Như ta đã biết là trước đây chính phủ Ý đã có chương trình nhân đạo “Mare Nostrum” cứu vớt thuyền nhân. Chương trình này kéo dài một năm bắt đầu từ tháng 10/2013 và đã chấm dứt hồi tháng 12/2014 vừa qua, và theo tin của Bộ Quốc phòng Ý thì trong thời gian đó Ý đã cứu vớt được hơn 160 ngàn thuyền nhân. Và hiện nay đã có chương trình “Triton” thay thế, đây là một chương trình cứu vớt thuyền nhân của chính Liên Hiệp Châu Âu (chứ không phải của riêng Ý như trường hợp “Mare Nostrum” trước đây), và do cơ quan Frontex, một tổ chức của Liên Hiệp Châu Âu đặc trách về vấn đề nhập cư đến từ các quốc gia ngoài Châu Âu.

Khác biệt đầu tiên giữa hai chương trình “Mare Nostrum” và “Triton” là “địa bàn hoạt động”: “Mare Nostrum” đã mở tầm hoạt động ra đến vùng lãnh hải quốc tế, trong khi đó “Triton” chỉ giới hạn tầm hoạt động của mình ở 30 dặm từ bờ biển của Ý. Lý do mà chương trình “Triton” thu hẹp địa bàn hoạt động là dựa trên lý thuyết “răng đe”, có nghĩa là nếu rút ngắn phạm vi cứu hộ thì những thuyền nhân sẽ thấy tánh mạng bị đe dọa nhiều hơn khi vượt biển, và do đó “tự động” con số thuyền nhân sẽ giảm. Nhưng trên thực tế, kể từ đầu năm nay từ khi “Triton” thay thế “Mare Nostrum”, con số thuyền nhân lại càng gia tăng, do dó giả thuyết “răng đe” mà những người thiết lập chương trình “Triton” đã thất bại.

Khác biệt khác giữa hai chương trình nói trên là vấn đề trang bị phương tiện: các phương tiện kiểm soát và cứu hộ của chương trình “Triton” giảm rất nhiều cho với thời của “Mare Nostrum”, chẳng hạn như từ 4 trực thăng nay chỉ còn 1 trực thăng, từ 3 phi cơ nay chỉ còn 2 phi cơ. Việc giảm các phương tiện cũng đã ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tuần tra và cứu hộ.

Như ta biết là từ lâu chính phủ Ý đã liên tục kêu gọi toàn thể Châu Âu phải cùng nhau đưa ra một chính sách để giải quyết vấn đề thuyền nhân, nhưng cho đến nay, ngoài những tuyên bố động viên và một số hứa hẹn của Châu Âu, chính phủ Ý gần như vẫn bị bỏ rơi một mình phải đối phó với vấn đề thuyền nhân.

Vả lại, chính chính phủ Ý cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng đối với đại bộ phận phần lớn những thuyền nhân nhập cư thì Ý chỉ là một “trạm trung chuyển”, vì phần lớn đều tìm cách chạy sang các quốc gia khác như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan …. Do đó, việc kêu gọi hợp tác chung của các chính phủ Châu Âu là điều cần thiết.

Vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp và hệ lụy xã hội chính trị với Ý ?

Vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp vào Ý cũng đã tạo ra những hệ lụy về mặt an ninh xã hội, và nhất là có rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp, do tình thế kinh tế khó khăn, đã rơi vào lưới của các băng đảng mafia xã hội đen để trở thành những “lao động rẽ tiền” cho các hoạt động bất hợp pháp của các băng đảng này.

Một bên là vấn đề nhân đạo, một bên là vấn đề an ninh xã hội. Cho đến nay các chính phủ Ý đều đã cố gắng theo đuổi tư tưởng nhân đạo, và cũng phải nói là Tòa thánh Vatican cũng đã không ngớt kêu gọi nhân đạo, và đó cũng là một thứ “quyền lực mềm” tác động lên các quyết định của chính phủ Ý. Nhưng cũng phải thấy rằng vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp cũng đang trở thành những “chiêu bài mị dân” mà rất nhiều lực lượng chính trị đang áp dụng để hy vọng có được sự đồng thuận dễ dãi đến từ phía cử tri.

Đó là những lực lượng kỳ thị bài ngoại xưa nay như đảng Liên đoàn phương Bắc (Lega Nord) hay của các lực lượng hữu khuynh, theo đó thì biện pháp hữu hiệu nhất là ngăn chận làn sóng nhập cư bằng vũ lực, đẩy các thuyền nhân trở về Bắc Phi thay vì cứu vớt họ, thậm chí còn có những tiếng nói đòi dùng không quân oanh tạc các con tàu của các thuyền nhân.

Thực ra cũng có thể hiểu là làn sóng thuyền nhân đang ồ ạt tràn vào các đảo miền Nam Ý là do các băng đảng xã hội đen mafia ở Bắc Phi tổ chức, đó là những tuyến đường buôn người với giá trung bình trên dưới 5 ngàn Euro mỗi thuyền nhân. Đã nhiều lần các chính phủ Châu Âu cũng có lên tiếng là cần phải đánh vào các tổ chức buôn người này, chỉ có cách đó mới ngăn chận được làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu xuyên qua nước Ý. Nhưng trên thực tế vấn đề không đơn giản. Tình hình chiến tranh và bất ổn xã hội, cùng đói kém là những nguyên nhân đẩy những con người thống khổ này chấp nhận luôn cả nguy hiểm tính mạng với hy vọng là xa lánh được những khu vực có chiến tranh nghèo đói.

Châu Âu đã có những phản ứng như thế nào?

Theo các thông tin báo chí đưa ra sáng nay thì trước nhất là chính phủ Ý đã lớn tiếng một lần nữa kêu gọi các tổ chức, cơ chế Châu Âu phải cùng hợp tác với Ý để đối phó lại làn sóng thuyền nhân. Một lần nữa chính phủ vẫn khẳng định rằng giải pháp đứng đắn không phải là xô đuổi hay thậm chí đàn áp thuyền nhân. Cần phải có một chính sách nhân đạo song song với những phương hướng giải quyết những căng thẳng chiến tranh và đói kém trong khu vực thì mới mong làm giảm được làn sóng thuyền nhân.

Trước mắt là Thủ tướng Ý, Matteo Renzi, đã có những cuộc nói chuyện với các lãnh đạo chính phủ của các quốc gia thành viên trong Hội Đồng Châu Âu như Holland, Merkel, Cameron, và với Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Junker.

Ủy viên đặc trách Ngoại giao và An Ninh của Ủy Ban Châu Âu, bà Federica Mogherini, đã tìm cách vận động với các lãnh đạo Châu Âu, trong đó có Chủ tịch Hội Đồng Châu ÂU, Donald Tusk, với hy vọng là trong nội tuần này có thể sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh bất thường của Châu Âu để bàn về vấn đề thuyền nhân. Mục tiêu là tìm cách đưa ra một chính sách Châu Âu nhằm kiểm soát và ngăn chận các tuyến đường buôn người tổ chức nhồi nhét các thuyền nhân lên các con thuyền đánh cá bấp bênh trên biển cả để trục lợi.

Người ta hy vọng rằng trước tình trạng bi thảm của thuyền nhân, lần này Châu Âu sẽ có những động thái cụ thẻ hơn là những hứa hẹn suông mà từ nhiều năm qua Châu Âu vẫn làm.

Vả lại, có lẽ chính các chính phủ Châu Âu cũng nhận thức ra rằng nếu không có một phương án giải quyết vấn đề thuyền nhân thì chính làn sóng thuyền nhân sẽ là một thứ bom nổ chậm mà tác hại của nó lên tình hình chính trị xã hội của Châu Âu sẽ không thua gì những bom đạn thật đang nổ ra ở Trung Đông và Bắc Phi. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.