Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - KHỦNG HOẢNG NHẬP CƯ

Châu Âu bất lực trước làn sóng nhập cư

Le Monde giành hai trang đầu để phản ánh : « Libya, quả bom di cư ở miền nam Châu Âu ». Tình hình bạo loạn tại đây đã mở đường cho làn sóng di cư, với khoảng 300 đến 700 người trốn chạy mỗi ngày. Les Echos cho rằng « Châu Âu buộc phải hành động trước những thảm kịch diễn ra với người nhập cư Phi Châu ».

Người tỵ nạn từ Châu Phi đến Lampadusa, Ý, ngày 11/02/15
Người tỵ nạn từ Châu Phi đến Lampadusa, Ý, ngày 11/02/15 REUTERS/Antonio Parrinello
Quảng cáo

Libération chơi chữ trên trang nhất khi so sánh Địa Trung Hải là « Biển Chết ». Tuần trước, đã có hơn 400 người thiệt mạng cũng tại vùng biển này. Và mỗi ngày có khoảng 500 đến 1 000 người đặt chân lên bờ biển nước Ý.

Hiện tượng vượt biên bùng nổ có thể được giải thích qua hai nguyên nhân. Một mặt là do các cuộc khủng hoảng khu vực, đặc biệt là tại Trung Đông và Libya, đã khiến lượng người chạy trốn chiến tranh ngày càng nhiều. Mặt khác, do Châu Âu từ bỏ chương trình « Mare Nostrum » cho phép tuần duyên và cứu trợ tới tận vùng biển giáp ranh với Libya và thay vào đó là chương trình « Triton ». Các tầu tuần duyên Châu Âu chỉ được hoạt động trong phạm vi 55 km từ bờ biển nước Ý và Malta.

Bài xã luận trên tờ Le Figaro đánh giá vụ chìm tầu hôm qua là « Sự thất bại của Châu Âu ». Trong vòng 16 tháng gần đây, 5 500 người chết, nạn nhân của các xung đột đang diễn ra tại Trung Đông và Châu Phi, 1 650 người thiệt mạng khi vượt biển, cùng với khoảng 280 000 người nhập cư bất hợp pháp vào năm 2014. Đây là bảng tổng kết của một cuộc chiến, mà theo bài viết, nạn nhân có mặt ở khắp nơi. Trước hết là những người trốn chạy bạo lực, sát hại hay nạn đói. Họ là người Syria, Somalia hay Eritrea. Tiếp theo là những người tiếp nhận, đặc biệt là nước Ý. Lòng nhân từ của họ không thể bù đắp được tình trạng thiếu thốn phương tiện. Bị giằng xé giữa nhu cầu cứu người vượt biên gặp nạn và nghĩa vụ bảo vệ biên giới, Liên hiệp Châu Âu chỉ lượn vòng ngoài biển Malta và Libya mà không được ủy quyền cứu giúp nạn nhân, hay chẳng được trang bị đầy đủ để buộc họ chuyển hướng quay về.

Tối qua, trong buổi phỏng vấn truyền hình, tổng thống Pháp hứa cấp thêm « vài chiếc tầu ». Tháng 5 tới, Bruxelles chuẩn bị một « chiến lược phản công » nhằm tăng cường cho cơ quan Frontex. Thế nhưng, các biện pháp này chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Do không có người đối thoại từ phía Tripoli, Châu Âu phải được Liên Hiệp Quốc ủy quyền để canh tuần bên ngoài bờ biển Libya, nơi họ có cơ hội đẩy lùi người nhập cư bất hợp pháp và bắt những kẻ tổ chức vượt biên trái phép. Khi đã hoàn thành ưu tiên trên, cũng là lúc phải xem xét lại các nguyên tắc tị nạn và tự do đi lại trong Liên hiệp, để có thể đáp ứng về mặt chính trị và nhân đạo trước những thách thức của tình trạng nhập cư.

Người nhập cư phải chịu trách nhiệm về đói nghèo tại Nam Phi

Cũng liên quan tới vấn đề nhập cư, từ nhiều tuần nay, Nam Phi phải đối mặt với làn sóng bài ngoại của người dân tại các thị trấn nhỏ. Không việc làm, không thu nhập, nghèo đói, họ quay sang tấn công, đánh đập thậm chí giết hại người nước ngoài vì cho rằng những người này cướp công việc của họ. Tờ Libération phân tích hiện tượng này trong bài : « Người nhập cư gốc Phi phải chịu trách nhiệm về tình trạng đói nghèo tại Johannesbourg ».

Ngày 16/04, một cuộc biểu tình lớn, tập trung hơn 4 000 người, đã diễn ra tại Durban (Nam Phi) để phản đối bạo lực chống người nhập cư đang làm xáo trộn Nam Phi từ nhiều tuần nay. Hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ nước này lên tiếng đã đến lúc phải đoàn kết chống lại các vụ bạo lực ngày càng tăng. Tính từ đầu tháng Tư, đã có 307 người bị bắt do tấn công cộng đồng người Phi nước ngoài tại Nam Phi.

Bài viết nhận định Nam Phi là một quốc gia bài ngoại. Ngay từ năm 2008, hơn 60 người Zimbabwe, Mozambique và Somalia đã bị sát hại, đôi khi bị thiêu sống tại các khu ổ chuột trong cả nước. Họ phải trả giá cho tội « cướp » việc làm của người Nam Phi, vì họ chấp nhận đồng lương thấp hơn nhiều. Làn sóng bài ngoại xuất hiện trở lại từ tuần trước đã khiến 7 người thiệt mạng.

Dù Nam Phi là nền kinh tế hàng đầu của khu vực Châu Phi Nam Sahara, nhưng người dân sống tại các thị trấn nhỏ không được hưởng một chút lợi nào. Nam Phi vẫn là nước có khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng nhất từ khi tham gia nền kinh tế thế giới. Và sự bất bình đẳng này còn đào sâu thêm hố ngăn chủng tộc. Một thành viên của hội Africa Diaspora Forum phẫn nộ : « Chính phủ hậu Apartheid hứa cấp nhà cho người nghèo, cấp điện miễn phí và nước… Nhưng đều không thực hiện. Đảng ANC (African National Congress), đang cầm quyền, không còn trách được người da trắng. Thế nên, họ đổ lỗi lên người nước ngoài ». Trong khi Châu Âu đóng cửa biên giới, Nam Phi là miền đất mới đối với rất nhiều người nhập cư Châu Phi. Họ luôn là mục tiêu đầu tiên trên chính trường, một kẻ thù thầm lặng và dễ tấn công.

Trung Quốc mơ xe hơi điện

Các nhà tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc muốn gia nhập lĩnh vực xe hơi. LeTV, Foxconn hay Tencent (Đằng Tấn) muốn phát minh xe hơi điện tương lai. Đây là một thách thức lớn vì các thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường. Le Monde phân tích sự kiện này dưới dòng tựa : « Công nghệ Trung Quốc mơ tới xe hơi điện ».

Trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành mối bận tâm chính trị hàng đầu, các nhà công nghệ mong thay đổi mọi việc, cải thiện môi trường, chất lượng không khí tại Bắc Kinh và thậm chí trên toàn Trung Quốc. Đây là mục tiêu của tỉ phú Giả Dược Đình (Jia Yueting), nhà sáng lập trang giải trí LeTV, hay Terry Gou, ông chủ của Foxconn, Robin Li, nhà sáng lập trang tìm kiếm Baidu và tập đoàn Tencent.

Nếu sản phẩm xe hơi sạch thành công, người tiêu dùng sẽ biết ơn các tập đoàn công nghệ và các tỉ phú trên. Nhưng quan trọng hơn hết đối với các nhà sản xuất ô tô chính là sự ghi nhận của "Đảng và Nhà nước". Chính quyền Trung Quốc không ngừng cổ vũ sự hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ và các nhà sản xuất xe hơi truyền thống để sản xuất loại xe gây không thải khí CO2. Riêng năm 2014, đã có hơn 500 000 chiếc được bán ra thị trường Trung Quốc, vượt qua cả chỉ tiêu đặt ra cho tới cuối năm 2015, cũng là 500 000 xe.

Các nhãn hiệu Trung Quốc nhận thấy lợi nhuận tại thị trường nội địa, trong khi mới chỉ chiếm được khoảng 1/3 thị trường. Họ vẫn chưa vượt qua được sự nổi tiếng của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Hơn nữa, còn nhiều bất cập cần phải giải quyết, như một số tập đoàn công nghệ thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này và dự án cần tới những khoản tiền đầu tư khổng lồ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho xe hơi điện vẫn chưa được hoàn tất, đặc biệt là các trạm sạc pin điện cho loại xe này. Đây chính là điều khiến nhiều khách hàng ngại sử dụng loại xe hơi không gây ô nhiễm.

Dùng nhiều thuốc : Mối nguy cho người lớn tuổi

Chuyên mục « Sức khỏe » của Le Figaro phân tích « Mối nguy hiểm cho người lớn tuổi khi dùng nhiều loại thuốc ». Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 10-20% các ca nhập viện đối với những người trên 65 tuổi.

Từ năm 60 tuổi trở đi, dùng thuốc trở thành một việc bình thường và không thể tránh được. Hàng ngày, một người Pháp từ 65 tuổi uống trung bình 3,6 loại thuốc. Và người già 85 tuổi uống khoảng 4,6 loại. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc là nguyên nhân gây ra 10 đến 20% các ca nhập viện, với nhiều lý do khác nhau : thành phần thuốc không tương thích, hay uống nhầm liều.

Bài viết cho biết, rất nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc ngủ có thành phần benzodiazepine gây ngã hay bệnh mất trí cho người cao tuổi, phải được sử dụng một cách cẩn thận vì nó làm giảm khả năng hoạt động của thận. Khi có tuổi, các loại thuốc bị tích tụ lại trong tế bào và máu.

Một mối nguy hiểm khác, hiện nay, số lượng người mắc nhiều chứng bệnh khá cao, như vừa mắc bệnh tiểu đường, vừa có huyết áp cao hay thấp khớp… Sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc sẽ làm tăng nguy cơ tương tác giữa các phân tử. Chính vì thế, người cao tuổi nên tránh tự điều trị mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ. Còn các bác sĩ điều trị, mỗi năm một lần, phải xem xét lại danh sách các loại thuốc đã kê cho bệnh nhân và có thể dừng lại nếu cần thiết.

Một số tin khác

Thời sự Pháp nổi bật trên các nhật báo Pháp là cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống François Hollande trên kênh Canal+ nhân kỉ niệm ba năm đứng đầu điện Elysée. Tờ Le Figaro nhận xét : « Hollande cố cải thiện hình ảnh của mình ». Libération nói : « François Hollande, một tổng thống khôn ngoan như một nhà hiền triết ». Les Echos cho rằng : « François Hollande đang tìm cách kết nối liên lạc với giới trẻ ».

Thời sự quốc tế nổi bật với việc các nhà cho Hy Lạp vay vốn đang thúc ép chính phủ nước này thông qua các cải cách. Le Monde chỉ trích chế độ đa thê tại Maroc sau việc Bộ trưởng Maroc phụ trách quan hệ với Quốc hội cưới vợ hai, là một đồng nghiệp trong chính phủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.