Vào nội dung chính
NGA - KHỦNG HOẢNG

Tổng thống Putin : Nga đã qua giai đoạn « khó nhất »

Hôm nay 16/04/2015, trả lời trực tiếp các câu hỏi của khán giả truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga đã vượt qua « đỉnh điểm » của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng nhất mà nước này biết đến kể từ năm 2000, do trừng phạt của Phương Tây vì can dự của Nga trong xung đột Ukraina, cũng như giá dầu sụt giảm. Chương trình truyền hình thường niên của Tổng thống Nga diễn ra đúng vào lúc đồng rúp đang phục hồi, vượt ngưỡng 50 rúp ăn một đô la hôm qua.

Tổng thống Nga Putin trả lời khán giả truyền hình, ngày 16/04/2015.
Tổng thống Nga Putin trả lời khán giả truyền hình, ngày 16/04/2015. REUTERS/Mikhail Klimentyev
Quảng cáo

« Trực tuyến với Tổng thống Putin » là một chương trình hỏi đáp kéo dài khoảng bốn giờ, được phát đi trên tất cả các kênh truyền hình quốc gia. Theo các nhà quan sát, ông Putin cố gắng sử dụng cơ hội này để trấn an người Nga về tình hình kinh tế khó khăn hiện tại.

Thừa nhận đời sống kinh tế khó khăn, do lạm phát phi mã, và nhiều lần nhấn mạnh đến sức mua sụt giảm, Tổng thống Nga ca ngợi khả năng kháng cự của xã hội Nga trong hoàn cảnh khó khăn. Ông Putin khẳng định : « Theo các chuyên gia, chúng ta đã vượt qua đỉnh điểm của các khó khăn » trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp, và « đồng tiên quốc gia đã bắt đầu hồi phục, không có tai biến ».

Trước đó, sau khi đồng rúp xuống giá đến mức kỷ lục hồi tháng 12/2014 (với 80 rúp/một đô la), chính quyền Nga dự kiến kinh tế Nga sẽ sụt giảm 3% trong năm 2015. Vào thời điểm này, Tổng thống Nga dự đoán phải hai năm nữa Nga mới ra khỏi khủng hoảng. Còn trong chương trình truyền hình hôm nay, ông Putin cho rằng hồi phục kinh tế « có thể diễn ra mau chóng hơn ».

Theo các nhà quan sát, tình hình hiện tại đã biến đổi nhiều kể từ cuộc họp báo của Tổng thống Nga tháng 12/2014. Nhờ xung đột tại Ukraina dịu xuống với thỏa thuận Minsk 2, và giá dầu tăng trở lại, đồng tiền Nga đã lấy lại được gần 40% giá trị so với đô la, kể từ đầu tháng 3/2015.

Trong cuộc trả lời khán giả truyền hình hôm nay, Tổng thống Nga cũng cho rằng không nên chờ đợi các trừng phạt nhắm vào Matxcơva sớm được dỡ bỏ, do « đây là một vấn đề chính trị ».

Nhóm G7 gắn việc bỏ trừng phạt Nga với xung đột Ukraina

Về vấn đề này, trong cuộc họp ngoại trưởng G7 hôm qua, các lãnh đạo ngoại giao Phương Tây tái khẳng định các trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga chỉ chấm dứt, nếu Matxcơva tôn trọng các thỏa thuận Minsk, giải quyết xung đột tại miền đông Ukraina bằng con đường hòa bình. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh bây giờ chưa phải là lúc để tái lập nhóm G8, với Nga là thành viên, cho dù theo ông « không ai có lợi gì khi cô lập nước Nga ».

G7 cũng tỏ rõ lập trường toàn nhóm « thống nhất trong niềm tin rằng khủng hoảng tại Ukraina chỉ có thể được giải quyết bằng các con đường ngoại giao ».

Trước đó, tối thứ Hai tại Berlin, các ngoại trưởng Đức, Pháp, Nga và Ukraina cùng bày tỏ « quan ngại rất lớn » về lệnh ngừng bắn tại miền đông Ukraina bị vi phạm, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở ra một tiến trình chính trị cho phép tổ chức bầu cử địa phương tại các khu vực tranh chấp ở miền đông Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.