Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Tin cậy : yếu tố cốt lõi thiếu vắng trong thỏa thuận hạt nhân Iran

Đăng ngày:

Đêm 02/04/2015, sau 12 năm khủng hoảng, một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân với Cộng hòa Hồi giáo Iran đã đạt được trong khi chờ đợi hiệp định chung cuộc vào cuối tháng 6 năm 2015. Ngoài những lợi ích chiến lược, Iran còn được cơ hội hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế, con đường trước mặt không phải thênh thang.

Ngoại trưởng John Kerry và đồng nhiệm Javad Zarif : Các bên đàm phán bắt tay nhau sau khi đạt thỏa thuận khung - REUTERS /C. Kaster
Ngoại trưởng John Kerry và đồng nhiệm Javad Zarif : Các bên đàm phán bắt tay nhau sau khi đạt thỏa thuận khung - REUTERS /C. Kaster
Quảng cáo

Sau 18 tháng đàm phán căng thẳng, lục cường Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc cộng với Đức đã đạt được một thỏa thuận khung với Iran về chương trình hạt nhân của chế độ Cộng hòa Hồi giáo, thủ lĩnh hệ phái Shi-ai trong khu vực Trung Đông. Thỏa thuận khung dài 4 trang chỉ là bước đầu để hai bên tiếp tục đàm phán một hiệp định chung cuộc dự trù ký kết vào cuối tháng 6.

Theo văn bản bằng tiếng Anh của phái đoàn Mỹ, Iran cam kết loại trừ hai phần ba số máy ly tâm dùng tinh lọc uranium, từ 19.000 xuống 6.000. Mặt khác, Iran phải dẹp bỏ hầu như toàn bộ (98%, theo thỏa thuận khung) kho uranium đã được tinh lọc. Nhà máy hạt nhân Arak sẽ được « điều chỉnh » để không còn khả năng chế tạo plutonium, sẽ do thanh tra cơ quan năng lượng nguyên tử AIEA kiểm soát. Đổi lại, quốc tế sẽ từng bước giải tỏa cấm vận Iran.

Vấn đề là thỏa thuận Lausanne này có nhiều « vùng tối » nói theo thuật ngữ báo chí đặt biệt là về lịch thi hành và cơ chế kiểm soát. Chuyên gia về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân Kelsey Davenport lưu ý thỏa thuận Lausanne không quy định rõ lịch trình để Iran phải chấp hành theo đòi hỏi của AIEA. Ngược lại, Tây phương cũng chỉ hứa sẽ bỏ cấm vận từng bước tùy theo thái độ chấp hành của Iran.

Những lời tuyên bố lạc quan của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, của đồng sự Iran Javad Zarif rồi sau đó là những cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama không làm nhiều nước trong vùng như Ả Rập Xê Út, lãnh đạo phe Su-ni và Israel, bị phe cực đoan tại Teheran đe dọa « xóa tên » trên bản đồ thế giới, yên tâm.

Tại Hoa Kỳ, bốn ngày sau khi đạt thỏa thuận Lausane, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ « chận đứng mọi hành động gây khuynh đảo của Iran » trong khu vực Trung Đông.Số nghị sĩ của đảng Dân chủ ủng hộ lập trường của đảng Cộng hòa chống thỏa thuận với Iran càng ngày càng đông.

Châu Âu, qua tuyên bố thận trọng « đừng vội mừng » của Ngoại trưởng Đức Franck Steinmeier và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius càng làm dấy lên những nghi vấn : liệu thỏa hiệp với Iran có mang lại hòa bình như Tây phương mong đợi hay không ? Một tuần đã trôi qua, kể từ khi đạt thỏa thuận Lausanne, giáo chủ Khameney, tiếng nói quyết định trong chế độ giáo quyền, chưa hề lên tiếng, càng củng cố mối lo ngại này.

Một cách chính xác hơn là liệu chính quyền Hồi giáo Iran có đáng tin cậy hay không ? Và ngược lại, Teheran có lý do gì để nghi ngờ Hoa Kỳ lật lọng ? Và cuối cùng, liệu Tây phương và Ba Tư có thể vượt qua những bất đồng để cùng phục vụ cho một mục tiêu chung mở đường cho một trang sử ngoại giao bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau ? RFI lần lượt nhờ các chuyên gia Pháp trả lời các câu hỏi này.

Trước tiên, theo nhà phân tích Thierry Coville, một chuyên gia Pháp về tình hình Iran, thì nội tình Iran không cho phép Tây phương lạc quan. Sân khấu chính trị của Iran chia thành ba phe : bảo thủ cực đoan, bảo thủ ôn hòa trong đó có Tổng thống Rohani, và phe cải cách. Ông Rohani đắc cử với lời hứa tranh đấu một hiệp định giải tỏa cấm vận, cải cách chính trị với nhiều quyền tự do hơn, cải thiện nền kinh tế đang bị cô lập.

Đạt được thỏa thuận với Tây phương, Rohani sẽ được ủng hộ chính trị để cải cách kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của ông, tức là phe bảo thủ cực đoan sẽ không để yên cho ông hành động. Tháng trước, một dân biểu thuộc xu hướng bảo thủ đã bị người cùng phe hành hung chỉ vì ông chỉ trích cánh cực đoan của phe này.

Hơn nữa, Hội đồng chuyên gia, với vai trò bầu chọn Giáo chủ Tối cao thay thế Ayatollah Khameney đang bị bệnh nặng, đã bầu một nhân vật bảo thủ cực đoan làm chủ tịch. Phe bảo thủ kiểm soát tư pháp, và được lực lượng « vệ binh hồi giáo » hậu thuẫn… Trong những điều kiện như thế, tổng thống Rohani không thể tự do hành động. Bản thân Ayatollah Khameney cũng là một người bảo thủ và nhiều thủ đoạn bảo vệ quyền lợi riêng

Là nhân vật lãnh đạo số một trong chế độ giáo quyền, Ayatollah Khameney bật đèn xanh cho Tổng thống Rohani đàm phán với Tây phương. Nhưng vị giáo chủ này là người cực bảo thủ trong phe bảo thủ và sẽ lợi dụng kết quả đàm phán để thủ lợi chính trị, tạo thêm uy tín cá nhân. Sau đó, Ayatollah Khameney sẽ tùy cơ ứng biến hoặc ủng hộ tiếp, hoặc chống lại chính sách cởi trói chính trị và kinh tế. Nhưng chúng ta đừng quên Ayatollah Khameney là một kẻ bảo thủ.

Hết cấm vận, liệu Iran có phương tiện để cải cách ?

Hầu như các thế lực bảo thủ tại Iran đều kiểm soát lãnh vực kinh tế dựa trên thế độc quyền ngồi mát ăn bát vàng. Doanh nghiệp tư nhân chờ đợi Tổng thống Rohani cởi trói kinh tế và ngưng ủng hộ các nhóm doanh nhân nhà nước không có tài nhưng có tiền cạnh tranh áp đảo lãnh vực tư một cách bất công.

Giới lãnh đạo, chỉ huy lực lượng võ trang « vệ binh hồi giáo » thuộc thành phần đặc quyền đặc lợi. Có người cho rằng phe này sẽ giàu thêm nếu kinh tế được tự do nhưng chính họ là yếu tố cản trở cải cách cần phải vượt qua.

Theo hai giáo sư Djamchid Assadi và Jean Guillaume Ditter, đại học Dijon, Pháp thì phe bảo thủ tại Iran có một chiến lược ngăn cản đất nước hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Những « vùng tối » trong thỏa thuận khung Lausanne không những chính trị hóa hồ sơ hạt nhân mà còn tạo cơ hội tốt cho những phe cứng rắn nhất biến điều kiện mù mờ thành vũ khí để ngăn chận thỏa hiệp chung cuộc.

Đây chính là chiến lược của phe bảo thủ tại Iran để « câu giờ ». Họ đòi quyền có « tiềm năng hạt nhân » để tiến gần hơn khả năng chế tạo bom nguyên tử.

Trong khi đó thì chính phủ thực dụng Rohani muốn làm sao đòi được tây phương bỏ cấm vận đang làm tê liệt kinh tế để cứu nguy cho đất nước không bị sụp đổ và thoát ra khỏi cô lập hệ quả của chính sách khiêu khích của cựu Tổng thống Ahmedinejad.

Về phần Ayatollah Khameney, ông vẫn tiếp tục tấn công chỉ trích mọi tuyên bố công khai của các nhà thương thuyết Tây phương, lên án họ là bọn da trắng áp bức và là đồng minh của Do Thái xâm lược

Chính sách lừa đảo của chính quyền Hồi giáo Iran không phải là chuyện tuyên truyền của Israel. Nước Pháp từng là nạn nhân của lòng ham muốn « ăn trọn gói » của Teheran bất chấp thái độ thân thiện của Paris. Bản thân Ngoại trưởng Laurent Fabius là nhân chứng và nạn nhân.

Nhà phân tích chiến lược Olivier Ravanello nhắc lại và tháng 11.2013, Ngoại trưởng Pháp đã gây bất ngờ cho công luận thế giới ; Nhân danh nước Pháp, ông từ chối ký vào dự thảo thỏa thuận hạt nhân với Iran. Văn kiện này, không đủ « chắc chắn » theo quan điểm của Ngoại trưởng Pháp.

Ông không bao giờ quên bài học « xương máu » theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng kinh qua thái độ lừa đảo của Iran mà chỉ có các Ayatollah Shi-a mới dám làm bất chấp những nguyên tắc tối thiểu về quan hệ quốc tế.

Năm 1974, nước Pháp của Tổng thống Giscard d’Estaing ký với quốc vương Iran một thỏa thuận hợp tác năng lượng bao gồm nhiều lãn vực từ dầu khí đến hạt nhân. Hai nước thành lập tập đoàn liên doanh Eurodif, trong đó Iran đóng góp 1 tỷ đôla để tinh lọc uranium. Iran có quyền làm chủ 10% uranium tinh lọc tức một phần ba lượng uranium có độ phóng xạ cao trên thế giới thời bấy giờ.

Cách mạng hồi giáo xảy ra. Chính quyền mới tại Iran do Ayatollah Khomeini cầm đầu muốn chiếm trọn gói. Để gây sức ép với Pháp, lúc đó do Tổng thống François Mitterrand lãnh đạo, Iran sử dụng đủ mọi phương tiện : khủng bố được điều khiển từ xa, tấn công các cửa hàng nổi tiếng của Pháp ở Paris có đông du khách như Galeries Lafayette, Printemps, Tati…. và nhất là ám sát qua trung gian nhóm khủng bố Palestine Ali Saleh, bắc cóc nhà kỹ nghệ Georges Besse, cựu Chủ tịch Tổng Giám đốc Eurodif, Chủ tịch Tổng giám đốc công ty xe hơi Renault, do Thủ tướng … Laurent Fabius bổ nhiệm. Nhiều nhà báo Pháp bị bắt cóc làm con tin ở Liban kéo dài mấy năm.

Tại Pháp, năm 1986, Thủ tướng Laurent Fabius đối đầu với những vụ khủng bố xảy ra gần như mỗi tháng. Vị thủ tướng 38 tuổi lên tuyến đầu đối phó với Iran và am tường từng chi tiết , từng thủ đoạn , từng diễn biến thăng trầm qua báo cáo của các cơ quan tình báo, phản gián Pháp, trực diện với khả năng phá rối của Iran hồi giáo.

30 năm sau, tại Lausanne, ông tham gia vào đám phán …hạt nhân với Iran. Chế độ Hồi giáo tiếp tục đòi hỏi những gì mà họ chưa đạt được sau những loạt bom và ám sát tại Pháp. Trong số 6 Ngoại trưởng trực diện với đồng sự Iran trong phòng đàm phán, có Laurent Fabius. Ông không quên một chi tiết nào cũng như phương châm « những ai không có ký ức sẽ không có tương lai ».

Giai đoạn hận thù giữa Iran và Mỹ có trôi qua ?

Có lẽ trừ các nhà chiến lược của hai nước, có lẽ không ai trả lời được câu hỏi này. Trên Le Monde Diplomatique tháng 3, nhà báo Trita Parsi phác họa một tương lai tươi sáng cho khu vực. Iran hội nhập vào cộng đồng thế giới vừa cải thiện bang giao với siêu cường số một vừa trở thành một « cường quốc cấp vùng phú cường » như tuyên bố của Barack Obama. Chưa bao giờ một Tổng thống Mỹ tuyên bố minh bạch như thế.

Tương lai Iran vượt lên trên con số « máy ly tâm » gây căng thẳng từ 12 năm nay. Tuy vậy, con đường trước mặt còn đầy chông gai : những hành động sỉ nhục nhau và phản bội nhau trong quá khứ rất khó mà xóa tan một sớm một chiều.

Sau khi cách mạng Hồi giáo lật đổ quốc vương Iran năm 1978, Teheran đã nhiều lần làm nhục Hoa Kỳ. Vụ Đại sứ quán Mỹ bị sinh viên tả phái tấn công , bắt làm con tin 52 nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ ngày 04/11/1979. Vụ khủng hoảng lẽ ra chỉ cần một vài hôm là đã giải quyết xong nhưng đã kéo dài 444 ngày gây xúc động trong công luận Mỹ. Phải qua một cuộc giải cứu bất thành, ba trực thăng Mỹ bị rơi, và chờ đến vị Tổng thống mới là Ronald Reagan vào Nhà Trắng mới tìm ra một thỏa hiệp.

Với tham vọng làm cường quốc khu vực, Iran của Ayatollah Khomeini tuy không theo Liên Xô, đã dựa vào hệ phái Shi-ai để phát huy ảnh hưởng đối đầu với Hoa Kỳ trong chính sách Trung Đông. Sự kiện bị một quốc gia thuộc loại chậm tiến ở Trung Đông bắt chẹt làm Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan tức giận và trả thù. Cơ hội đã đến khi Sadam Hussein của Irak tấn công Iran vào tháng 9/1980.

Cho đến nay, vẫn còn nhiều nhà lãnh đạo Iran cho rằng chính Washington đã « xúi giục » Irak ra tay. Trên thực tế, Mỹ chỉ hỗ trợ Bagdad về thông tin tình báo và CIA biết rõ Saddam Husein sử dụng vũ khí hóa học đánh Iran nhưng không nói. Về phần vũ khí, Irak mua của Nga và Pháp.

Sau chiến tranh, Iran cô độc và suy yếu trầm trọng, Ayatollah Khomeini qua đời mở ra một cơ hội để hai nước hòa giải. Tổng thống Iran lúc đó là Hachemi Rafsandjani muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, ông cho lập khu vực kinh tế chung để tạo bầu không khí hòa giải chính trị.

Năm 1994, Iran dành hợp đồng dầu khí đầu tiên ký với nước ngoài cho tập đoàn Conoco của Mỹ. Tuy nhiên, Israel đã gây áp lực với Tổng thống Bill Clinton và dự án dầu khí bị hủy bỏ. Tháng 3 và tháng 5 năm 1995, Tổng thống Clinton ban hành hai sắc lệnh cấm hợp tác dầu khí và trao đổi thương mại với Iran. Chính quyền Rafsandjani kinh hải không dè bị lãnh một cú đấm bất ngờ. Mối nghi kỵ càng sâu đậm thêm.

Qua thời Tổng thống George Bush, hai bên lại có cơ hội hâm nóng quan hệ. Iran đã hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến đánh Taliban tại Afghanistan. Khi Hoa Kỳ thúc đẩy các phe xung khắc thực hiện chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc tại Afghanistan, chính quyền Iran cũng đã ủng hộ Mỹ dành được hòa bình.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, 6 tuần sau khi các phe tranh chấp tại Afghanistan đạt được thỏa thuận bầu Quốc hội lập hiến ký tại Bonn ngày 05.12.2001, thì Tổng thống Bush xếp Iran vào « trục tội ác » bên cạnh Irak của Saddam Hussein và Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng, sau đó Tổng thống cải cách Mohammad Khatami , trước khi mãn nhiệm kỳ năm 2005, đã làm một cử chỉ hòa giải với Tổng thống George Bush, đề nghị « minh bạch hóa » chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng Mỹ lại xem nhẹ và đã từ chối.

Lo sợ Washington có ý đồ xem Iran là đối tượng tấn công sau khi đã lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Chính quyền hồi giáo quyết định bắt Hoa Kỳ trả giá đắt tại Irak và Afghanistan … Trên những vết thương chưa lành đó, Hoa Kỳ và Iran phải nhận trách nhiệm và cùng nhau đi tới. Nhà báo Trita Parsi kết luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.