Vào nội dung chính
IRAN - HẠT NHÂN

Hạt nhân Iran: Lục cường và Teheran đạt thỏa thuận « lịch sử »

Sau 8 ngày đàm phán liên tục, vào chiều hôm qua 02/04/2015, 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã đạt được một « thỏa thuận khung lịch sử » với Iran. Văn kiện quy định « những thông số then chốt » của một hiệp ước chung cuộc có giá trị trong 15 năm. Hiệp ước này sẽ được soạn thảo từ nay cho đến 30/06 : Giảm số máy ly tâm, không làm giàu hạt nhân.

Đại diện các cường quốc và Iran sau lễ ký kết thỏa thuận khung về hồ sơ hạt nhân, Lausanne, Thụy Sĩ, 02/04/2015
Đại diện các cường quốc và Iran sau lễ ký kết thỏa thuận khung về hồ sơ hạt nhân, Lausanne, Thụy Sĩ, 02/04/2015 REUTERS
Quảng cáo

Theo thỏa thuận khung, Iran đã chấp nhận giảm hai phần ba số máy ly tâm từ 19.000 xuống 6104. Thiết bị này dùng để tinh lọc uranium với tỷ lệ phóng xạ 90% có thể chế tạo bom nguyên tử. Teheran còn phải giảm lượng uranium tích trữ đến 98% trong vòng 15 năm, không làm giàu hạt nhân ở trung tâm Fordo nằm sâu trong núi đá, không xây thêm nhà máy tinh lọc uranium trong thời gian này.

Tất cả những trang thiết bị nằm ngoài thỏa thuận khung sẽ do Cơ quan Nguyên tử Quốc tế AIEA niêm phong, quản chế.

Từ Lausanne, Thụy Sĩ, đặc phái viên Nicolas Falez phân tích :

« Dường như đã có giải pháp cho từng vấn đề trong hồ sơ hạt nhân Iran vốn đầu độc quan hệ quốc tế trong hơn 10 năm qua.

Ví dụ, các bên liên quan đưa ra giải pháp cho cơ sở hạt nhân nhậy cảm Fordo mà phía Iran đã giấu diếm : Theo thỏa hiệp đạt được trong những ngày qua, thì cơ sở Fordo sẽ không bị đóng cửa, hay dỡ bỏ, mà được chuyển đổi thành một trung tâm nghiên cứu hạt nhân và Iran sẽ không tiến hành làm giàu uranium tại đây nữa.

Về việc bãi bỏ cấm vận, cũng đã có giải pháp. Như vậy, phía Iran có thể nói rằng thỏa thuận đạt được cho phép bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, còn phía các cường quốc, như nước Pháp, thì có thể tuyên bố là các trừng phạt sẽ được tái lập nếu Iran không thực hiện các cam kết.

Tuy nhiên, cần phải soạn thảo, viết thành văn bản các thỏa hiệp này. Còn rất nhiều việc phải làm trước khi ký được một hiệp định vào trước ngày 30/06, nhưng rõ ràng là các biện pháp ngoại giao, đối thoại đã thắng thế, các phái đoàn đã đàm phán thâu đêm suốt sáng trong tám ngày qua. Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Iran cho biết đó là những cuộc thương lượng dồn dập, hối hả và ông tuyên bố : Chúng ta đã làm nên lịch sử ».

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Obama chào mừng « một thỏa thuận lịch sử »

Dù trên danh nghĩa, đàm phán hạt nhân diễn ra giữa Iran với 6 cường quốc, gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức, vai trò của Hoa Kỳ rất quan trọng. Chính vì vậy mà ngay sau khi thỏa thuận đạt được tại Lausanne, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mau mắn lên tiếng ca ngợi « một thỏa thuận lịch sử », mở đầu trong một bài diễn văn rất dài.

Từ Washington, Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trinh :

« Thương lượng với Iran là một mục tiêu mà Barack Obama đeo đuổi từ khi được bầu lên, một mục tiêu được ông kiên trì theo đuổi cho dù vấp phải vô số trở ngại.

Ông Obama đã nhanh chóng lên tiếng ngay sau tuyên bố ở Lausanne, ông không nhắc lại chi tiết bối cảnh chính trị của thỏa thuận khung đạt được, mà chỉ giải thích đơn giản là nếu Iran thực hiện đầy đủ những điều kiện được đưa ra ( kiểm tra cơ sở, thời hạn...) thì đó sẽ là một thành công.

Ông Obama công nhận là phải bắt tay ngay vào việc để đi đến việc soạn thảo được thỏa thuận chung cuộc vào ngày 30 tháng 6 tới đây.

Tổng thống Mỹ cũng đã cố gắng trấn an các đồng minh hoài nghi nhất của Mỹ, bắt đầu bằng Israel : ông Obama sẽ gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu trong ngày hôm nay. Kế đến là Ả Rập Xê-Út. Tổng thống Mỹ thông báo là 6 quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh sẽ được mời đến Washington để bàn về hồ sơ hạt nhân Iran.

Cuối cùng trên bình diện đối nội, ông Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ, vốn rất chống đối thỏa thuận khung với Iran, là hãy đọc lại văn kiện và suy nghĩ về hậu quả của thái độ phản đối của họ. Đối với chính quyền Obama, một giai đoạn khó khăn mới đã bắt đầu từ hôm nay : Đó là giành được sự tin tưởng của các nghị sĩ. »

Iran : Dân chúng vui mừng

Về phần Iran, trong những giờ tiếp theo sau tuyên bố đạt thỏa thuận khung, một trong những đại lộ lớn nhất của thủ đô Téhéran tắc nghẽn xe cộ. Những người lái xe bấm còi inh ỏi và hô vang : ‘‘Chúng ta chiến thắng !’’. Trả lời AFP, một trong những người chào mừng sự kiện này giải thích : chúng tôi đã thắng, bất kể kết quả thương lượng chung cuộc sẽ như thế nào, bởi Iran đã chứng tỏ khả năng đàm phán và biết tham gia cuộc chơi ngoại giao.

Những người chào mừng sự kiện này trong đêm đưa ra hai lý do quan trọng đối với họ. Thứ nhất là, việc quốc tế bãi bỏ cấm vận kinh tế, điều này rất được mong đợi, vì cấm vận đã khiến đời sống của người Iran vô cùng khó khăn trong nhiều năm qua. Lý do thứ hai là thỏa thuận này cho phép Iran mở ra với thế giới. Một người Iran nói với AFP : ‘‘kể từ giờ, chúng tôi có thể sống một cuộc đời bình thường’’.

Tất nhiên, không phải ai ở Iran cũng đón nhận tin này một cách nồng nhiệt. Tối qua, phe bảo thủ tỏ ra rất kín tiếng. Các kênh truyền thông chính thức phát trực tiếp diễn văn của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là một điều ngoại lệ.

Nhiều người Iran đưa lên mạng các bức ảnh để chào mừng sự kiện này, và hoan nghênh một ‘‘biến cố’’, mà theo họ là có tính ‘‘lịch sử’’ đối với Iran ».

Phản ứng các nước Châu Âu không đồng nhất

Tại Pháp, phản ứng đối với thỏa thuận vừa được công bố là rất chừng mực. Trả lời đài Europe 1 hôm nay, Ngoại trưởng Laurent Fabius cho biết vấn đề lịch trình dỡ bỏ trừng phạt là « một điểm còn rất phức tạp ». Mặt khác, Paris thông báo « các trừng phạt sẽ được tái lập, nếu thỏa thuận không được thực thi ».

Ngược lại, đối với nước Anh, thỏa thuận nói trên vượt quá mọi mong đợi. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói « chúng ta chưa bao giờ gần như vậy, với một hiệp định ngăn cản Iran có được vũ khí nguyên tử ».

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhận định đây là một « bước tiến đi đến hòa bình và ổn định » tại Trung Đông.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne cho biết, đối với Nga đây là một thành công lớn, cho dù họ không nói ra như vậy. Bộ Ngoại giao Nga nhìn nhận trong thỏa thuận này một nguyên tắc do Tổng thống Putin đưa ra, cụ thể là việc thừa nhận quyền của Teheran được tiến hành một chương trình hạt nhân hòa bình, kể cả việc làm giàu uranium. Matxcơva nhấn mạnh mọi trừng phạt dự kiến đối với Iran, trong trường hợp nước này không thực thi thỏa thuận, đều phải tiến hành trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Nga cũng đòi hỏi phải có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về các giai đoạn thực thi thỏa thuận.

Israel : Thỏa thuận là một "sai lầm lịch sử"

Duy nhất có Israel là bất bình. Một giới chức chính quyền Tel Aviv, đề nghị không nêu tên, đánh giá thỏa thuận tại Lausanne là một « sai lầm lịch sử khiến thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm hơn ». Còn Thủ tướng Israel Netanyahu, người quyết liệt chống một thỏa thuận, dù là tổi thiếu, với Iran, nhận xét : Thỏa thuận được ký kết hôm qua « sẽ đe dọa sự sống còn của nhà nước Israel ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.