Vào nội dung chính
HOA KỲ - IRAN - QUỐC TẾ - HẠT NHÂN

Washington cần đạt được thỏa thuận về hạt nhân Iran hơn Teheran

Trong cuộc chạy đua nước rút giữa nhóm 5+1 và Teheran tìm thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân Iran, mọi chú ý đang dồn về phía Ngoại trưởng Kerry và Javad Zarif. Hai ông này đã liên tục đóng đô tại Lausanne từ 8 ngày qua, nhiều lần thức trắng đêm để tìm ra bằng được một đồng thuận trước khi đúc kết văn bản cuối cùng về hạt nhân Iran trước ngày 30/06/2015.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, ở Washington, ngày 01/04/2015..
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, ở Washington, ngày 01/04/2015.. REUTERS/White House/Handout via Reuters
Quảng cáo

Sau hơn một năm rưỡi đàm phán gay go, từ Genève đến Lausanne, Vienna hay New York sau nhiều vòng thương lượng ở cấp ngoại giao, chuyên gia, cho tới giờ phút này bất đồng sâu rộng giữa nhóm 5+1, gồm 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức, cùng với Iran vẫn gặp trở ngại trên hai điểm chính.

Một là quốc tế đòi Iran đưa ra những bằng chứng cụ thể là quốc gia Hồi giáo này từ bỏ tham vọng chế tạo bom nguyên tử, cam kết không nâng cấp các lò ly tâm, không làm giàu chất uranium để phục vụ cho các mục tiêu quân sự. Về điểm này, cho tới sáng nay, Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif vẫn trấn an nhóm 5+1 về thiện chí của chính quyền Teheran nhưng nói rõ là Iran không chấp nhận áp lực.

Bất đồng thứ nhì liên quan đến tiến trình bãi bỏ chính sách trừng phạt Iran. Bản thân Teheran thì đòi nhóm 5+1, nhanh chóng giảm các biện pháp cấm vận, bóp ngẹt kinh tế Iran. Nga và Trung Quốc sẵn sàng chiều theo ý của Iran, nhưng các nước Âu Mỹ vẫn chủ trương chỉ giảm nhẹ các biện pháp cấm vận từng bước.

Hạn chót để đạt được thỏa thuận chính trị cho hồ sơ Iran được ấn định vào ngày 31/03/2015 đã đi qua. Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama trấn an công luận khi cho rằng, quốc tế đã đàm phán với Iran trong hơn một năm trời ròng rã, « đợi thêm một vài ngày nữa không là điều gì quá đáng ». Chính Washington đã đề ra hạn định ngày 31/03/2015, một cột mốc quan trọng trước khi các bên chính thức đóng lại hồ sơ hạt nhân Iran vào cuối tháng 6/2015.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, hơn ai hết Nhà Trắng đang cần đạt được điều gì cụ thể với Iran trên hồ sơ này để thuyết phục công luận Mỹ trong bối cảnh chính quyền Obama đang bị Quốc hội lưỡng viện, trong tay đảng Cộng Hòa « chọc gậy bánh xe ».

Ngày 09/03/2015, 47 trong số 54 thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa công bố một bức thư ngỏ gửi đến các nhà lãnh đạo Iran, trong đó các tác giả nêu lên khả năng cản trở việc xóa bỏ cấm vận cho Iran. Thậm chí có nhiều chính khách Hoa Kỳ còn không loại trừ kịch bản đảng Mỹ sẽ xét lại những thỏa thuận mà chính quyền của Tổng thống Obama đã đạt được với Iran một khi đảng Cộng Hòa trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Giới quan sát cho rằng, lập trường của bên đảng Cộng Hòa đã gây ra một sự ngờ vực cho phía Teheran và đã làm chậm trễ tiến trình đàm phán tại Lausanne lần này.

Đối với bản thân Barack Obama thì ông không còn nhiều thời gian. Giải quyết dứt điểm khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài từ năm 2002 qua là một ưu tiên hàng đầu trước khi ông chấm dứt nhiệm kỳ. Về mặt đối nội, Nhà Trắng muốn Ngoại trưởng Kerry đem về những thỏa thuận cụ thể chứng minh cho thiện chí của Iran trên hồ sơ này trước khi các dân biểu Mỹ nghỉ lễ Phục sinh.

Theo phân tích của chuyên gia Suzanne Maloney thuộc viện nghiên cứu Brookings, ý thức được những khó khăn nội bộ trên chính trường Mỹ, ngoại trưởng Javad Zarif lại càng có cơ hội gây áp lực khi đàm phán với đồng nhiệm John Kerry. Nói cách khách đàm phán kéo dài ở Lausanne phần nào là lỗi của các dân biểu Cộng Hòa. Nhưng dù vậy theo bà Maloney, nếu như đàm phán ở Thụy Sĩ thất bại, phía Mỹ thiệt thòi hơn Iran và đảng Dân Chủ sẽ phải trả giá phải trả về mặt chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.