Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HẠT NHÂN

Ba kịch bản cho đàm phán hạt nhân Iran

Đàm phán quốc tế về hạt nhân Iran không đạt kết quả, sau mốc dự kiến 31/03/2015, và thậm chí sau một đêm thương thuyết quyết liệt tại Lausan hôm qua, 01/04. Sự việc này đặt các nhà ngoại giao trước một tình thế mới. Báo Libération có bài “Thỏa thuận về hạt nhân Iran : ba kịch bản” do thông tín viên gửi về từ Vienna.

Tổng thống Barack Obama (T) theo dõi cuộc đàm phán tại Lausanne, từ Nhà Trắng, 01/04/2015.
Tổng thống Barack Obama (T) theo dõi cuộc đàm phán tại Lausanne, từ Nhà Trắng, 01/04/2015. REUTERS/White House/Handout via Reuters
Quảng cáo

« Thừa nhận thất bại » là giả thuyết thứ nhất. Thời hạn đạt thỏa thuận đã được triển hạn hai lần, kể từ 24/12/2013, thời điểm một tạm ước được ký kết tại Genève, mà không đạt kết quả. Hai bên thương lượng chính, phái cải cách Iran và chính phủ Hoa Kỳ, ngày càng đuối lý trong việc biện minh cho việc đàm phán kéo dài. Hiện tại, theo Libération điều căn bản trong các đàm phán đã lộ rõ : vấn đề thuần túy là quyết định chính trị, chứ không còn là các phức tạp về mặt kỹ thuật. Teheran cần phải trả lời rõ có muốn từ bỏ tham vọng hạt nhân quân sự hay không. Và nếu như đàm phán thất bại, Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới, và điều này càng khiến Iran có thêm lý do để tái khởi động các máy ly tâm. Đây là một vòng xoáy tồi tệ, điều kinh khủng nhất trong một bối cảnh vốn đã khủng khiếp tại Trung Đông, với một thủ tướng Israel có quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan vừa tái đắc cử, và khối các nước Ả Rập vừa bắt đầu công khai tấn công chống lại các lợi ích của Iran ở Syria và Yemen (cụ thể ở Yemen qua chiến dịch nhắm vào phe Houthi theo Shia, đang tràn xuống phía nam chiếm căn cứ địa cuối cùng của Tổng thống dân cử Hadi).

Giả thuyết thứ hai mang tính lạc quan, đó là « một thỏa thuận sẽ đạt được trong những ngày tới ». Nếu xảy ra, kịch bản này cho thấy hiệu quả của các trừng phạt chống lại những chế độ lạm dụng quyền lực tác oai tác quái. Lúc đó cần phải xem xét kỹ rất nhiều « hệ quả địa chính trị ». « Tại Teheran, phái cải cách – nhờ trừng phạt được dỡ bỏ - có thể bảo đảm với dân chúng là đời sống của họ sẽ được cải thiện nhanh chóng. Trong mọi trường hợp, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA sẽ phải kiểm tra lần nữa để xem chính quyền Iran có biến lời nói thành hành động hay không.

Kịch bản cuối cùng, ít lạc quan hơn, là « một thỏa thuận sẽ đạt được, nhưng chỉ trên hình thức ». Thực chất của giả thuyết này là các bên tiếp tục nguyên trạng. Tuy nhiên, theo Libération, « chẳng thà chưa đạt thỏa thuận, còn hơn đạt một thỏa thuận tồi », hay « hoàn toàn không có thỏa thuận ». Tờ báo giải thích : « Tình hình hiện nay là an toàn nhất, với một chương trình hạt nhân đã bị đóng băng và được kiểm soát, cho dù các thanh tra của AIEA không được quyền vào tất cả các địa điểm » bị tình nghi. Các tin tức rò rỉ ra bên ngoài cho thấy Iran đã có nhiều nhượng bộ đáng kể. Như vậy, « người ta có thể dỡ bỏ một số trừng phạt » và chuẩn bị hẹn nhau « tiếp tục thêm một vòng đàm phán nữa ».

Nigeria : Nền kinh tế lớn nhất Châu Phi chuyển sang dân chủ thành công

Kết quả bầu cử Tổng thống Nigeria, nền kinh tế lớn nhất Châu Phi, là tâm điểm chính của nhiều báo Pháp. Trang nhất Le Monde chạy tựa « Nigeria thành công cuộc chuyển đổi dân chủ », trên nền bức ảnh tân Tổng thống, tướng Muhammadu Buhari, 72 tuổi.

Le Monde có một loạt hồ sơ về chủ đề này. Bài « Tại Nigeria, đăng quang dân chủ của Tổng thống Buhari » mô tả cuộc mừng chiến thắng của tướng Buhari, từng lãnh đạo chính quyền quân sự những năm 1980, nay thắng cuộc sau một cuộc bầu cử mẫu mực. Bài « Người Nigeria chuyển từ sợ hãi sang hy vọng » ghi nhận cuộc chuyển đổi dân chủ đầu tiên tại « nước cường quốc Châu Phi ».

Xã luận « Bài học tốt của người khổng lồ Châu Phi » của Le Monde mô tả : « Trong bốn ngày chờ đợi hồi hộp, Nigeria chìm trong nỗi sợ chết chóc. Rồi trong một sự chuyển biến hoàn toàn […] một cuộc bầu cử tổng thống có nguy cơ bị tắm máu, rốt cục lại kết thúc trong hòa bình ». Đời sống chính trị của Nigeria, cũng như nhiều nước Châu Phi khác, không thiếu vắng vắng bạo lực. Le Monde nhận định về những thử thách mà các cử tri của quốc gia này vừa vượt qua, để lựa chọn người lãnh đạo của mình : giới tinh hoa tham nhũng đã không mua được phiếu bầu của công dân, « người ta đã không đưa được họ đến phòng phiếu, với lý do lo sợ bạo lực hay do động cơ tôn giáo và sắc tộc ». Le Monde hân hoan : Các cử tri « đã bỏ phiếu với sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc. Năng lượng này, ham muốn được tham gia vào các lựa chọn quốc gia này mang lại một bài học hy vọng cho những nền dân chủ mệt mỏi vì chính mình, tại những nơi khác trên thế giới. Điều quan trọng là bài học đó đến từ chính Châu Phi và Châu Phi không nợ ai cả. Không một cường quốc bên ngoài nào có thể chỉ cho Nigeria con đường phải đi ».

Le Monde cũng đánh giá cao việc Tổng thống mãn nhiệm Goodluck Jonathan chấp nhận sớm thất bại của mình và chúc mừng đối thủ ngay trong buổi tối thông báo kết quả chính thức. « Goodluck Jonathan đã giã từ vũ khí. Ông ta rời bỏ quyền lực trong tư thế kiêu hãnh. 170 triệu người Nigeria, thuộc hai đảng phái đối lập PDP và APC, đã từng ghét bỏ, chửi bới, chia rẽ, trong nhiều tháng. Kể từ giờ, họ có thể thống nhất lại với niềm tự hào rằng Nigeria không chỉ là một cường quốc kinh tế. Quốc gia này cũng có thể là một nền dân chủ thực sự ».

Nhật báo Công giáo La Croix cũng ca ngợi « cuộc bầu cử diễn ra trong ôn hòa, lực lượng khủng bố Boko Haram không reo rắc được không khí hỗn loạn và các kết quả được đưa ra nhanh chóng. Tổng thống mãn nhiệm thừa nhận thất bại một cách lịch thiệp ». La Croix nhận xét, thành công nói trên đã xảy ra tại một quốc gia « từng được mô tả là nơi đối đầu giữa người Hồi giáo và người Thiên chúa giáo ».

Mỹ và Nga thông báo cam kết giảm khí thải ngay trước hạn chót

Một sự kiện quan trọng khác của thời sự quốc tế là việc Hoa Kỳ và Nga thông báo cam kết mức giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Le Monde có bài « Mỹ và Nga cam kết vì khí hậu ». Như vậy, sau hạn chót 31/03, có 33 quốc gia trên tổng số 195 nước đệ nạp mục tiêu giới hạn khí thải cho ban thư ký Hiệp định khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (CCNUCC), định chế phụ trách các đàm phán đa phương. Le Monde nhấn mạnh nhiều quốc gia trong số này là những nước gây ô nhiễm hàng đầu, như Mỹ với 13,2% (đứng thứ hai thế giới), hay Nga 5,1%. Tổng lượng khí thải của 33 quốc gia, trong đó có 28 nước Châu Âu, chiếm 29% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Về quyết định của Washington và Matxcơva, Le Monde nhận định : « hiệu ứng bất ngờ từ phía Nga và nghệ thuật gây chờ đợi từ phía Mỹ. Ngày 31/03, hai tác nhân chủ chốt của việc gây rối loạn khí hậu, đã độc chiếm sân chơi », khi đưa ra các cam kết vài giờ trước khi hạn chót kết thúc.

Nga, quốc gia gây ô nhiễm thứ năm, cam kết đẩy lùi thời hạn giảm khí thải với mức 25%-30% (so với năm 1990) đến mốc 2030, tuy nhiên, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các cam kết đã được đưa ra với Trung Quốc, theo đó Mỹ, vào thời điểm năm 2025, sẽ giảm 26%-28% khí thải so với năm 2005, một trong những năm mà lượng khí thải của Hoa Kỳ đạt mức cao nhất.

Thời hạn 31/03 là một cái mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho một hiệp ước toàn cầu hạn chế nhiệt độ Trái Đất gia tăng sắp tới. Các quốc gia chưa công bố mục tiêu sẽ còn có thể công bố mục tiêu của mình, từ nay cho đến trước Hội nghị COP 21 tại Paris. Le Monde nhận xét, trong khi các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ Brazil đã có các quá trình tham vấn nghiêm túc, thì nhiều nước gây ô nhiễm quan trọng khác, như Úc, Nhật hay Canada « có thể sẽ còn cố thủ ở vị trí đội số ». Còn mục tiêu có vẻ như tham vọng của Hoa Kỳ, khi so sánh với Châu Âu trong cùng các tiêu chí, thì chỉ bằng non nửa.

Cũng về đề tài này, Les Echos có bài « Các nước tiếp tục chần chừ trong cam kết khí hậu », với nhận định các mục tiêu của Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia đứng đầu về khí thải, là « quá ít tham vọng ».

Nhật Bản : mua xe hơi chạy bằng hydro được tài trợ gần một nửa

Cũng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Libération có bài « Nhật Bản hào hứng với xe hơi chạy bằng hydro (H2) ». Hiện tại, Nhà nước Nhật Bản tài trợ 3 triệu yen (tương đương hơn 23.000 euro) cho người mua một xe hơi chạy bằng năng lượng được coi là « sạch » này, chiếm gần 40% giá mua chiếc xe. Điều Libération nhấn mạnh là năng lượng hydro không gây ô nhiễm, lại được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu hóa thạch (hơn 90% lượng hydro hiện nay). Theo dự án của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, phải đến 2030, năng lượng hydro mới « bắt đầu trở nên xanh » thực sự.

Theo người phụ trách vụ năng lượng tái tạo của Bộ Kinh tế Nhật Bản, để tạo được nhiên liệu hydro sạch, không thải CO2, nỗ lực của một mình nước Nhật không đủ.

Trang nhất các báo Pháp

Về thời sự quốc tế, thành công của cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên của Nigeria, quốc gia vượt qua Nam Phi trở thành nền kinh tế hàng đầu của châu lục, là chủ đề chính của nhiều tờ báo. Về chủ đề này Le Monde có bài xã luận « Bài học tốt của một cường quốc châu Phi », chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong phần tiếp theo.

Thời sự trong nước với nhiều chủ đề khác nhau chiếm nội dung chính trang nhất các báo Pháp. Đề tài thu hút nhiều chú ý là cuộc khủng hoảng của Đài phát thanh Pháp. « Đài Radio Pháp lún sâu vào khủng hoảng » là tựa chính của Le Monde. « Mùa xuân căng thẳng của ngành truyền thông nghe nhìn quốc gia » là tựa đầu của báo La Croix.

Cuộc bãi công của nhân viên đài Radio France – bao gồm bảy kênh truyền thanh lớn của nước Pháp – từ hai tuần nay, gây lo ngại. Le Figaro phê phán những hậu quả của « phương thức quản trị công theo kiểu Pháp », với nhiều đặc quyền được dành cho một bộ phận trong số 4.600 nhân viên làm việc cho Radio France. RFI – Đài phát thanh quốc tế Pháp – không thuộc Radio France.

Cũng Le Figaro trên trang nhất là hình ảnh một bức tường sơn phết hình, chữ loang lổ với tựa đề « Phá hoại không tha vùng nào của nước Pháp », để chỉ trích « nạn bôi bẩn và phá hoại các tài sản công tại các đô thị lớn, cũng như những vùng nông thôn ».

Trang nhất Les Echos có tựa đề « Chống gian lận thuế : Bộ Tài chính cảnh báo các doanh nghiệp ». Bộ Tài chính Pháp liệt kê một danh sách 20 thủ thuật tính thuế bị coi là gian lận. Biện pháp vừa được đưa ra được coi là để « cải thiện quan hệ giữa ngành thuế và các doanh nghiệp ».

« Quá đủ ! Hãy cởi trói cho chính trị » là tựa trang nhất của l’Humanité. Đây cũng là chủ đề có số đặc biệt dành cho các sáng kiến mang tính « cấp tiến », sau cuộc bầu cử hàng tỉnh với thất bại của cánh tả, đại thắng của cánh hữu và sự bành trướng ảnh hưởng của đảng cực hữu.

Trong khi đó « Bầu cử cấp tỉnh. Nguyên tắc bình đẳng. Thế còn người chị em của bạn ?... » trên Libération phê phán kết quả bầu cử cấp tỉnh vừa qua, khi chỉ có từ 6 đến 9% hội đồng dân cử cấp tỉnh do phụ nữ lãnh đạo, đa số trường hợp phụ nữ được bố trí vào vị trí cấp phó, cho dù nguyên tắc bình đẳng đã được đề cao. Nền của hàng tựa nói trên là bức ảnh biểu tượng Marianne của nền Cộng hòa Pháp, vốn là một phụ nữ, đã được gắn thêm vào một bộ ria mép lớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.