Vào nội dung chính
UKRAINA

Đông Ukraina : Vùng đất ly khai kinh tế khánh kiệt sau một năm nội chiến

Miền đông Ukraina từ một vùng đất giàu tiềm năng khoáng sản có công nghiệp phát triển nay trở nên hoang tàn khánh kiệt sau một năm nội chiến khốc liệt. Các vùng lãnh thổ ly khai như Donetsk và Lougansk giờ đây đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã : Ngân hàng, xí nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tràn lan, ngân quỹ trống rỗng. Cứu cánh có thể đến từ nước Nga nhưng cũng không có gì bảo đảm.

Một khu nhà dân bị tàn phá, ở TP Debaltseve, đông bắc Donetsk (ảnh chụp 17/03/2015)
Một khu nhà dân bị tàn phá, ở TP Debaltseve, đông bắc Donetsk (ảnh chụp 17/03/2015) REUTERS/Marko Djurica
Quảng cáo

Donetsk, khi chưa có cuộc chiến ly khai, từng là một trong những thành phố giàu có nhất của Ukraina, giờ đây cả thành phố là một đống đổ nát bởi cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt năm qua. Về hoạt động kinh tế, hầu hết tất cả các xí nghiệp lớn đều đã phải đóng cửa. Trong đó phải kể đến nhà máy luyện kim từng thuê tới 12 nghìn công nhân, hay các xí nghiệp của tập đoàn phương Bắc, chuyên sản xuất các đồ gia dụng, từng có 6800 lao động .

Thị trưởng Donetsk, ông Olexandre Loukiantchenko, bỏ chạy về Kiev sau khi phe ly khai chiếm thành phố, cho biết trước chiến tranh thành phố có 350 nghìn lao động làm việc thường xuyên trong các xí nghiệp vừa và nhỏ tại Donetsk. Còn bây giờ thì « một nửa số đó đã mất việc làm và không có nguồn thu nhập nào ».

Phe ly khai đã dựng lên một nước « Cộng hòa Donetsk » độc lập nhưng ngân quỹ trống không vì trong hoàn cảnh kinh tế như vậy thì còn tìm đâu ra nguồn thu, chủ yếu từ đánh thuế.

Trước tình cảnh đó, lãnh đạo của nước Cộng hòa tự phong Alexandre Zakhartchenko chỉ còn biết nhìn vào nguồn bán than để gây công quỹ. Thế nhưng lúc này phe ly khai chỉ có thể trông cậy vào đối tác duy nhất là Nga.

Ông Iouri Makagon, giáo sư kinh tế đại học Donetsk phân tích :  Phần xuất khẩu than của vùng Donbass vẫn chia làm 3 : Một phần 3 sang phía đông, chiếm 80% sang Nga, một phần ba khác sang hướng Liên hiệp châu Âu và một phần ba còn lại xuất đi khu vực Đông Nam Á hay Bắc Mỹ. Nhưng giờ đây « Cộng hòa Donetsk chỉ còn lại mỗi khách hàng Nga vì làm gì có nước nào trong Liên hiệp châu Âu, châu Á hay bắc Mỹ công nhận nước Cộng hòa này ». Thêm vào đó, nhu cầu nhập than của Nga không còn nhiều nữa khi họ đã tìm được nguồn rẻ hơn từ vùng Viễn đông và trong khu vực Kouzbass ở tây Siberi.

Vấn đề tiền đâu càng trở nên nghiêm trọng khi từ tháng 11 năm ngoái, cho rằng Nga cấp tiền cho phe nổi dậy, Kiev đã cắt mọi nguồn cung cấp tài chính cho các vùng ly khai, các ngân hàng tại những vùng này cũng được đóng cửa.

Một nhân viên chính quyền ly khai Donetsk, giấu tên, xác nhận Nga đã trực tiếp cung cấp tiền cho nước cộng hòa này hoạt động và « mọi nguồn tiền đều do phủ tổng thống Nga kiểm soát ». Trong khi đó « bộ trưởng » Ngân sách của nước Cộng hòa tự phong Donetsk, Alexandre Timofeev thì nói rằng : « nguồn thu của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk là thông tin tuyệt mật ».

Theo những người dân được AFP phỏng vấn thì, chính quyền mới đến nay mới chỉ có một lần phát lương hưu với mức 1000 hryvnias/ người, tương đương khoảng 39 euro. Nhiều giáo sư, bác sĩ khẳng định cả năm 2014 họ mới chỉ hai lần được lĩnh lương ở mức từ 39 đến 117 euro. Khá hơn một chút, các bác sĩ phẫu thuật, nhân viên chăm sóc thương binh, thì cho biết mỗi tháng họ được lĩnh từ 117 đến 195 euro.

Ngoài ra còn rất đông thợ mỏ, người làm công ăn lương khác chỉ nhận được mức lương của một tháng lương cho cả năm làm việc.

Cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraina sau một năm đã lấy đi sinh mạng của hơn 6000 người và để một đất nước Ukraina bị xé thành những mảnh lãnh thổ điêu tàn khánh kiệt, trong đó mọi khổ đau đều đổ lên đầu người dân vô tội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.