Vào nội dung chính
NAM PHI - QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

Nam Phi : Trang bị súng máy để chống săn trộm

Tại trường đào tạo nhân viên gác rừng Vaalwater, nằm ở phía bắc Nam Phi, học viên không chỉ học cách nhận dạng con thú qua dấu chân mà còn phải học cả cách sử dụng súng máy tiểu liên. Mục đích không phải là để nhắm vào những du khách dễ mến mà là để đối đầu với những tên săn lậu. AFP thuật lại một ngày học của học viên như thế nào.

Năm 2014, 1300 con tê giác đã bị hạ sát tại Châu Phi chỉ để lấy sừng.
Năm 2014, 1300 con tê giác đã bị hạ sát tại Châu Phi chỉ để lấy sừng. Getty Images/Juergen Ritterbach
Quảng cáo

Trên bàn tay phải rắn chắc, Simon Rood 50 tuổi, giảng viên chính và cũng là phụ trách của trường, huơ huơ trước mặt học viên một vũ khí bán tự động, nói oang oang : « Cái thứ này nè, cũng giống như vợ của các vị. Do đó, cần phải đối xử với nó thật tử tế với cả sự tôn trọng ! ».

Đầu cạo trọc, khẩu súng ngắn Glock giắt lưng, Simon giống như là nhân vật Rambo, sống nơi hoang dã đang giảng bài : « Nếu các vị không đối xử tốt với một khẩu súng, các vị không thể nào làm người bảo vệ rừng được ». Hỗ trợ với ông là 19 người đàn ông lực lưỡng, trong đồng phục kaki và mang giầy đinh quân đội.

Thời gian đào tạo là một năm, trong một trang trại cô lập cách thủ đô kinh tế Johannesburg ba giờ đi đường và chi phí đào tạo là 60.000 rand/năm (tức khoảng 6.500 euro). Một khi đã qua đào tạo, người học có thể kiếm được một chân bảo vệ rừng trong các khu bảo tồn tư nhân hay công viên quốc gia, nơi ưu tiên hàng đầu là bảo tồn loài tê giác với mức lương 4.000 rand/tháng (310 euro).

Ông Simon Rood là một trong nhiều doanh nhân lao vào mở trường đào tạo nhân viên bảo vệ rừng có vũ trang, một lãnh vực nhu cầu tuyển dụng nhảy vọt , đôi khi tuyển luôn cả nữ giới. Tuy nhiên, đây cũng là một nghề nguy hiểm. Ông Rood cảnh cáo các học viên: "Bất hạnh thay, đây cũng là lãnh vực người ta phải lấy súng chọi súng. Chúng ta phải đối đầu với những tên khủng bố đến từ bên kia biên giới được trang bị vũ khí nhắm bắn vào di sản quốc gia của chúng ta. Rất nhiều tên săn lậu đến chủ yếu từ Mozambique lân cận".

Một cuộc chiến không cân sức. Theo giải thích của ông Kevin Bewick, điều hành hiệp hội chống săn lậu tại Durban diện tích cần bảo vệ quá rộng, chẳng hạn như khu công viên quốc gia Kruger, có diện tích bằng gần nước Bỉ. Đây cũng là nơi có đông du khách đến tham quan nhất. Chắc chắn các nhân viên bảo vệ đều đụng độ với những tên săn lậu được trang bị vũ khí hiện đại hơn như súng máy lớn hay các loại vũ khí tự động. Do đó mối nguy hiểm là có thật.

Tại Vaalwater, các học viên còn phải học cách tồn tại trong rừng nhiều tuần liên tiếp. Ngày học bắt đầu từ sáng sớm bằng cuộc chạy bộ 5 cây số, tập các bài rèn thể lực, trước khi bước vào học về động vật hoang dã và các kỹ thuật để truy lùng những tên săn lậu.

Trong cái nóng ngột ngạt, dưới một tấm bạt che nắng, giờ học về các quy định an toàn trong sử dụng vũ khí do một cảnh sát đảm nhiệm. Anh ta nói: "Khi các vị đang làm nhiệm vụ, nếu thấy một kẻ nào nguy hiểm, nguyên tắc đầu tiên phải gọi ứng cứu, chúng ta không phải là những anh hùng đâu nhé!".

Bài giảng về kỷ luật do anh Wilfred Radebe, một trong những giảng viên nổi tiếng của trường phụ trách. Nụ cười vẻ ranh mãnh, anh nói: " Bây giờ, tôi sẽ làm cho họ (học viên) phải đau khổ đây. Họ phải nhận thức được rằng vì sao họ có mặt ở đây. Người ta cần những con người có cá tính ". Thông điệp đó dường như thông suốt. Một học viên, 34 tuổi, cha của một gia đình, đang theo học để đổi việc làm do chính phủ trấn an: "Không nên sợ hãi, cần phải can đảm".

Dự án của anh: kiếm được một công việc trong công viên Kruger, nơi phần đông loài tê giác đang bị tiêu diệt, với một hy vọng thầm kín loài tê giác tồn tại nhiều hơn. Anh nói: "Tôi luôn hài lòng khi nhìn thấy chúng (tê giác). Con cái của chúng ta cũng phải thấy được chúng".

Theo thống kê, Nam Phi hiện là quốc gia có đông loài tê giác nhất, chiếm đến 80% của cả thế giới (khoảng 20.000 con). Quốc gia này đang phải đối mặt với nạn săn lậu bùng phát: 1215 con tê giác đã bị giết trong năm 2014 - một con số kỷ lục - chỉ vì một chiếc sừng. Bột sừng tê giác được cho có các đặc tính y học do đó rất được ưa chuộng trên thị trường lậu tại Châu Á. Theo ước tính, giá bán một chiếc sừng trên thị trường là 65.000 đô-la.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.