Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Anh : Sư tử đang thành cừu

Đăng ngày:

Bóng đá Anh không biết đến khủng hoảng tài chính, nhưng tiền bạc vẫn không bảo đảm đẳng cấp của giải ngoại hạng Anh ( Premier League), giải đấu lâu nay vẫn ngạo nghễ với danh tiếng là chất lượng và hấp dẫn nhất thế giới. Đấu trường châu Âu mùa bóng năm nay đánh dấu sự thất bại thê thảm của các câu lạc bộ Anh khi đến vòng tứ kết họ không còn giữ lại một đại diện nào ở Cúp C1 cũng như ở League Europa.

Giải Champions League, nơi các đội bóng Anh Quốc từng ngự trị trong một thập kỷ.
Giải Champions League, nơi các đội bóng Anh Quốc từng ngự trị trong một thập kỷ. Reuters
Quảng cáo

Trong tuần, sau khi lần lượt các đại gia của Premier League Chelsea, Arsenal và Manchester City bị các đại diện của làng bóng Pháp và Tây Ban Nha loại không thương tiếc ra khỏi tứ kết Champions League, đến lượt Everton, hy vọng cuối cùng của bóng đá Anh ở đấu trường châu Âu mùa này, cũng phải rời cuộc chơi sau khi thất bại thảm hại trên sân Dinamo Kiev với tỷ số 5-2, mặc dù ở trận lượt đi họ đã có chiến thắng 2-1.

Còn nhớ trong thập kỷ trước, các đại diện đến từ ngoại hạng Anh vẫn có thói quen xuất hiện ở đấu trường châu Âu với số lượng áp đảo như một thế lực bóng đá mạnh nhất châu Âu. Từ năm 2005 đến 2012, các câu lạc bộ Anh đã 8 lần vào đến chung kết của Champions League, có mùa giải họ còn biến trận chung kết bóng đá châu Âu thành trận đấu nội bộ 100% của bóng đá Anh.

Premier League vẫn luôn là nơi hội tụ của các cầu thủ hàng đầu thế giới. Theo thống kê, có 59 cầu thủ quốc tế của 12 làng bóng đá hàng đầu thế giới chơi tại Anh. Ngoại hạng Anh đè bẹp mọi cạnh tranh về mặt tiếp thị. Khắp nơi từ Âu sang Mỹ qua châu Á, người ta vẫn thấy sắc áo của các câu lạc bộ Anh xuất hiện nhiều hơn của các câu lạc bộ Tây Ban Nha hay Đức. Thành công ở đấu trường châu Âu đã góp phần làm lên danh tiếng của các câu lạc bộ Anh cũng như Premier League trên khắp thế giới. Thế nhưng vài mùa giải trở lại đây bóng đá Anh bắt đầu bị đẩy ra xa dần khỏi đấu trường châu Âu.

Cách đây vài năm, Chủ tịch UEFA Michel Platini đã từng nhận xét, các cầu thủ Anh là « những con sư tử ở mùa đông, sang xuân họ trở thành những chú cừu ».

Điều gì đã khiến các câu lạc bộ hàng đầu của xứ Tam sư đang đi xuống như vậy ? Đâu là cái gót Achille của những người hùng bóng đá đến từ Premier League?

Nhân các giải châu Âu Cúp C1 và League Europa bước vào tứ kết không còn bóng dáng một đại diện nào của Anh, điều chưa từng có từ 20 năm qua. Cùng với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui tại Sài Gòn, chúng ta thử lý giải cho thất bại nặng nề của bóng đá Anh mùa này.

 Không còn tranh cãi, Qatar 2022 sẽ diễn ra vào mùa đông

FIFA đã ấn định Cúp bóng đá thế giới 2022 tại Qatar , lần đầu tiên trong lịch sử sẽ diễn ra vào mùa đông trong vòng 28 ngày với trận chung kết vào ngày 18/12.

Sau nhiều năm cân nhắc nâng lên hạ xuống, cuối cùng thì phán quyết cũng phải có dù không thể thoả mãn được hết mọi người. Ban chấp hành FIFA họp tại Zurich hôm thứ Năm (19/3) đã quyết định ngày hội bóng đá thế giới Qatar 2022 sẽ diễn ra vào mùa đông, trong vòng 28 ngày và trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật 18 tháng 12, đúng ngày lễ quốc khánh của Qatar, Giám đốc truyền thông của FIFA Walter de Gregorio đã thông báo.

Ngày 2/12/2010, cũng tại Zurich, Qatar giành quyền đăng cai Cúp thế giới 2022, ngay lập tức sự lựa chọn này đã là một bất ngờ lớn và ngay sau đó đã gây nhiều tranh cãi, cho dù đó là kết quả bầu chọn bằng phiếu kín của các thành viên Ban chấp hành định chế bóng đá quốc tế này.

Cúp bóng đá thế giới từ giải đầu tiên năm 1930 đến giờ vẫn theo thông lệ được tổ chức vào trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 7 dù giải đấu được tổ chức ở châu Âu, châu Á, bắc Mỹ , nam Mỹ hay châu Phi thì thời điểm trên đã thành truyền thống. Nhưng vấn đề nảy sinh ngay từ sau khi Qatar được trao quyền đăng cai Cúp thế giới là nếu duy trì lịch tổ chức theo truyền thống thì các đội bóng sẽ phải thi đấu dưới cái nóng kinh khủng của mùa hè Trung Đông, với nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 50°c. Trong điều kiện như vậy thì không chỉ cầu thủ mà cả khán giả trên sân cũng không thể chịu nổi. Nước chủ nhà Qatar thông báo họ sẽ xây dựng 12 sân vận động, trong vòng bán kính 50km, có hệ thống điều hoà không khí hiện đại chưa từng có. Dự án như trong phim khoa học viễn tưởng của vương quốc dầu mỏ thừa tiền này đã thuyết phục được các thành viên FIFA tham gia bỏ phiếu bầu nhưng với dư luận quốc tế thì không. Giới quan sát vẫn phát hiện một vấn đề đó là các tổ hợp thể thao nơi luyện tập cho 32 đội bóng tham dự giải đấu không có hệ thống điều hoà nhiệt độ, chưa kể với cái nóng như vậy thì việc bảo đảm an toàn sức khoẻ cho hàng trăm nghìn cổ động viên đổ đến mảnh đất chỉ có 11 nghìn km2 và 2 triệu dân như Qatar cũng là vấn đề nan giải.

Trong lúc những nghi vấn tham nhũng hối lộ trong việc trao quyền đăng cai đang ngày càng rộ lên, cùng với nhiều vụ tai nạn chết người, cáo giác sử dụng lao động như nô lệ trên các công trường chuẩn bị cho Cúp thế giới liên tục xuất hiện, FIFA cam kết sẽ thay đổi lịch tổ chức giải và phải mất vài năm mới đưa ra được quyết định nói trên.

Từ ông Sepp Blatter đến Michel Platini, chủ tịch UEFA, cho đến Salman bin Ebrahim Al-Khalifa, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á và nhiều tên tuổi lớn trong làng bóng đá cuối cùng đều đã nhất trí với giải pháp chuyển Cúp thế giới 2022 vào cuối năm như đề xuất của nhóm công tác do FIFA lập riêng cho công việc này.

Ngay từ khi mới có thông tin chưa chính thức của nhóm công tác, các giải vô địch quốc gia ở châu Âu đã phản ứng dữ dội vì như vậy lịch thi đấu của họ bị đảo lộn. Hiệp hội các câu lạc bộ bóng đá châu Âu do cựu danh thủ Đức Karl-Heinz Rummenniger làm chủ tịch đòi FIFA bồi thường vì mùa thi đấu bất thường của Cúp thế giới 2022. Đòi hỏi này cũng đã được đáp ứng trong phiên họp tại Zurich trong tuần. FIFA đã thông báo sẽ bồi thường tổng số 418 triệu đô la Mỹ cho các câu lạc bộ, chủ yếu là của châu Âu có các cầu thủ tham dự vào đội tuyển quốc tại hai giải Cúp thế giới 2018 và 2022, tức là gấp 3 lần so với Cúp thế giới 2014 tại Brazil, các câu lạc bộ liên quan đã được FIFA bồi thường 70 triệu đô la.

Pháp được trao quyền tổ chức Cúp thế giới bóng đá nữ 2019

Trong phiên họp hôm 19/3 tại Zurich, FIFA đã quyết định trao quyền tổ chức Cúp bóng đá nữ thế giới 2019 cho Pháp. Một quyết định khẳng định vị thế quan trọng của bóng đá nữ Pháp.

Cạnh tranh với Hàn Quốc, Pháp đã giành quyền đăng cai với sự ủng hộ của đại đa số các thành viên ban chấp hành FIFA. Có thể coi đây là một phần thưởng cho kế hoạch quảng bá phát triển bóng đá nữ do Liên đoàn bóng đá Pháp phát động từ năm 2011.

Vào năm đó người hâm mộ Pháp được thấy đội tuyển quốc gia bóng đá nữ của họ có những tiến bộ ngoạn mục : Các cô gái áo Lam đã giành vị trí thứ tư tại vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới nữ tại Đức. Một năm sau đó họ vẫn giữ được vị trí này ở Olympic Luân Đôn . Từ sau những thành công đó, số lượng nữ tham gia chơi bóng đá tăng liên tục ở Pháp, 35% trong vòng 4 năm. Mục tiêu đặt ra cho năm tới là nước Pháp sẽ có 100 nghìn nữ cầu thủ.

Vào tháng 6 năm 2019, đại diện của bóng đá nữ của 24 nước sẽ tới nước Pháp thi đấu trong 4 tuần. Trận khai mạc và chung kết sẽ diễn ra tại sân vận động Lyon có 60 nghìn chỗ ngồi, hiện đang trong quá trình xây dựng để chuẩn bị cho giải Euro 2016 bóng đá nam. Ngoài ra còn có 10 thành phố khác trên khắp nước Pháp cũng xin được đóng góp cho ngày hội bóng đá nữ thế giới.

Về cơ sở hạ tầng cũng như trình độ tổ chức không phải là vấn đề vì Pháp là nước đã tổ chức nhiều sự kiện lớn và nhất là 2016, nước Pháp sẽ là chủ nhà đón tiếp giải Vô địch bóng đá nam châu Âu .

Được trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2019 sẽ tạo một động lực rất có ý nghĩa cho đội bóng đá nữ Pháp vươn lên thứ hạng cao hơn ở Cúp thế giới tổ chức tại Canada vào tháng 6 tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.