Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hậu bầu cử Israel : Mỹ nhấn mạnh các bất đồng lớn với Netanyahu

Kết quả bất ngờ của bầu cử Quốc hội Israel, với thắng lợi của đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng mãn nhiệm Benjamin Netanyahu, đã được Nhà Trắng đón nhận một cách hết sức dè dặt. Phủ Tổng thống Mỹ tái khẳng định quan điểm ủng hộ giải pháp tồn tại hòa bình giữa hai Nhà nước, Israel và Palestine, mà Thủ tướng mãn nhiệm Israel vừa tuyên bố chôn vùi cách nay ít hôm, ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội 16/03/2015.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội  - Tel Aviv ngày 18/03/2015
Thủ tướng Benjamin Netanyahu thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội - Tel Aviv ngày 18/03/2015 REUTERS/Amir Cohen
Quảng cáo

Theo một số nhà quan sát, Nhà Trắng đã chào mừng chiến thắng của Benjamin Netanyahu trên đầu lưỡi. Người phát ngôn hành pháp Mỹ tuyên bố : « Tổng thống tiếp tục cho rằng một giải pháp hai Nhà nước (Israel và Palestine) là cách tốt nhất để trả lời cho các căng thẳng hiện nay ». Người phát ngôn Josh Earnest cũng cho biết Tổng thống Barack Obama không gọi điện tới Benjamin Netanyahu, nhưng Ngoại trưởng John Kerry đã làm việc này.

Quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và Israel đang đặc biệt căng thẳng, với chuyến công du Hoa Kỳ ngay trước bầu cử Quốc hội, của Thủ tướng Israel. Ông Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu, lên án quyết liệt các cuộc đàm phán của chính quyền Obama với Iran về vấn đề hạt nhân, trước Hạ viện Mỹ do đối lập kiểm soát. Về lập trường Iran của Thủ tướng Netanyahu, hành pháp Mỹ khẳng định việc ông Netanyahy tái đắc cử sẽ không tác độnc đến hồ sơ này, các thương thuyết vẫn sẽ diễn ra, bất chấp can thiệp của Thủ tướng Israel.

Nhận định « quan hệ với Hoa Kỳ (của Israel) chưa bao giờ xấu như hiện nay » của David Hartewell, giám đốc điều hành tạp chí về Trung Đông Middle East Insider, có trụ sở tại Luân Đôn, chắc chắn được sự đồng thuận của nhiều nhà quan sát. Ông David Hartewell dự báo, sau tuyên bố triệt để chống việc thành lập một nhà nước Palestine vào ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử Quốc hội Israel, Thủ tướng mãn nhiệm Netanyahu « sẽ rất khó trở lui, với việc biện minh rằng một quan điểm (bác bỏ Nhà nước Palestine) như vậy chỉ để phục vụ cho tranh cử ».

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nathan Thral, thuộc nhóm tư vấn chiến lược International Crisis Group, cũng còn cần phải chờ xem chính phủ của ông Benjamin Netanyahu sẽ có đường lối nào trong vấn đề Palestine, vì trên thực tế quan điểm chống Nhà nước Palestine chỉ được đưa ra « trong vòng 48 giờ cuối của cuộc tranh cử », và Benjamin Netanyahu đã từng nhiều lần thương thuyết kín với Palestine « trên cơ sở các đường biên giới 1967 ».

Bên cạnh lập trường cực đoan của Thủ tướng Israel về Nhà nước Palestine, Phủ Tổng thống Mỹ còn hết sức quan ngại trước những lời lẽ kỳ thị nhắm vào các cử tri Israel người Ả Rập, những phát biểu « gây chia rẽ » và « nhằm gạt ra bên lề các công dân Israel người Ả Rập ». Cụ thể là, vào đúng ngày bầu cử, Thủ tướng Israel đã đưa lên mạng Facebook một đoạn video với lời báo động : « Chính quyền cánh hữu đang gặp nguy hiểm. Các cử tri Ả Rập sẽ đổ dồn tới các phòng phiếu ». Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, các phát biểu như vậy « làm suy yếu các giá trị và các lý tưởng dân chủ, một phần quan trọng của những gì gắn bó Hoa Kỳ với Israel ».

Theo kết quả gần như chính thức được công bố hôm nay, đảng bảo thủ của ông Netanyahu giành được 30 ghế, Liên minh Do thái của đối lập đảng Lao động được 24 ghế, trong khi đó các đảng của người Ả Rập về thứ ba với 13 ghế. Thủ đoạn tung ra các quan điểm cực đoan gây không khí kích động trong ngày chót cuộc tranh cử của Benjamin Netanyahu rõ ràng đã mang lại cho đảng Likud một chiến thắng hết sức bất ngờ, vượt quá mọi dự đoán.

Cũng như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu chúc mừng Thủ tướng Israel tái đắc cử, nhưng nhấn mạnh đến việc cần phải « tái khởi động tiến trình hòa bình » với Palestine. Ngoại trưởng Pháp kêu gọi tân chính phủ Israel hành động có trách nhiệm và tái khẳng định sự ủng hộ của Paris đối với giải pháp một Nhà nước Palestine. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh hy vọng hòa bình tại Cận Đông với giải pháp hai Nhà nước.

Daniel Levy, chuyên gia người Israel về Trung Đông tại Hội đồng Châu Âu về các quan hệ quốc tế (European Council on Foreign Relations) dự đoán, Phương Tây sẽ không có lựa chọn nào khác là buộc phải làm việc với tân chính phủ tương lai của Thủ tướng đảng bảo thủ Israel, với lập trường hết sức cứng rắn « nếu các vị không làm việc với tôi, theo các điều kiện của tôi, thì tương lai sẽ là bạo lực, và điều này sẽ tồi tệ cho tất cả ». Giáo sư chính trị học Pháp Jean-Pierre Filiu, Viện Khoa học Chính trị Paris – tác giả cuốn « Lịch sử Gaza » - cảnh báo : « Hoặc Hoa Kỳ và Châu Âu can dự với một kế hoạch, một quyêt tâm, hoặc chúng ta đang tiến đến gần một cuộc chiến mới tại dải Gaza, có thể trong những tháng tới ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.