Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đàm phán hạt nhân Iran trong thế trận Trung Đông

Đăng ngày:

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran bước vào giai đoạn ba với mục tiêu đạt được thỏa thuận khung vào ngày 20/03/2015 tại Thụy Sĩ. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên thỏa hiệp với một chế độ Hồi giáo muốn trang bị bom hạt nhân. Hai câu trả lời đối ngược nhau : Theo phía Mỹ thì đã đến lúc phải đem Iran vào thế cờ địa chiến lược. Nhưng Israel và các nước Ả Rập, vì lý do an ninh, không muốn Mỹ nhượng bộ Iran Shi-a. RFI đặt câu hỏi với giáo sư Assadi Djamshid, giáo sư kinh tế - chính trị đại học Dijon, Pháp.

Hạt nhân Iran : Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Zarif trước khi ngồi vào bàn họp ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2015.
Hạt nhân Iran : Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Zarif trước khi ngồi vào bàn họp ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2015. Reuters
Quảng cáo

Sau 12 năm căng thẳng, 18 tháng thương lượng gay go, chính quyền Hồi giáo Iran và các cường quốc trong nhóm 5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ấn định phải đạt được một văn kiện thỏa thuận trong vòng đàm phán « sau cùng » từ ngày 16/03 đến 20/03 tại Lausanne, Thụy Sĩ.

Tất cả giới phân tích đều thống nhất : một thỏa hiệp với Iran về lâu về dài, chậm lắm là 10 năm, sẽ đủ cho Teheran, với các trang thiết bị ly tâm, tinh lọc đủ uranium chế bom nguyên tử. Không riêng Isreal lo ngại, qua tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu ngày 03/03/2015 tại quốc hội Mỹ, chống lại mọi thỏa thuận « tồi » giữa Mỹ với Iran, cường quốc Hồi giáo số một lãnh đạo hệ phái Sunni Ả Rập Xê Út, đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đã thắt chặt quan hệ với Pakistan. Islamabad hứa sẽ giúp Ryad chế tạo bom nếu Iran thành công.

Nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử đe dọa địa cầu sẽ khó tránh được nếu Hoa Kỳ của Obama nhượng bộ quá nhiều. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây, sau hai thập kỷ cấm vận Iran, có nhu cầu chiến lược lâu dài, chủ trương hâm nóng quan hệ với chính quyền Hồi giáo Shi-a.

Bản chất chế độ Iran vẫn thuộc loại độc tài tôn giáo sẽ không dễ gì thỏa hiệp hay dung hòa với Tây phương. Nhưng tình hình khách quan thúc đẩy phương Tây phải chuyển hướng. Nguy hiểm đầu tiên đe dọa Tây phương Thiên chúa giáo là tổ chức Thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Sun-ni đang tiến hành một chiến lược bao vây : đánh chiếm lãnh thổ Irak, Syria, can thiệp vào Lybia, bắt tay sang Châu Phi với Boko Haram.

Iran, trở thành đồng minh khách quan. Từ nhiều tuần qua, lực lượng đặc biệt Iran can thiệp bên cạnh quân đội Irak phản công lên phía bắc. Iran cũng là nước đỡ đầu cho Bachar al-Assad ở Syria và lực lượng Huthi vừa chiếm thủ đô Sanaa tại Yemen.

Nói cách khác, theo quan điểm các chính phủ Mỹ và Châu Âu, cần phải giúp phe « ôn hòa » tại Iran để kéo Teheran vào ván cờ quốc tế, nhanh chóng triệt hạ thánh chiến cực đoan, bình ổn Trung Đông. Nhưng cũng vì thế mà đàm phán hồ sơ hạt nhân Iran đã kéo dài đến vòng thứ ba, với kỳ hạn thứ ba nhưng không có dấu hiệu thành công.

Theo một chuyên gia Mỹ thuộc xu hướng lạc quan thì hy vọng tại Thụy Sĩ, hai Ngoại trưởng Mỹ và Iran có thể đạt được thỏa thuận khung. Nhưng một hiệp ước chính trị chỉ có cơ may 40%. Giáo sư Assadi Djamshid, đại học Dijon, Pháp, có nhã ý phân tích các thách thức mà Hoa Kỳ lẫn Iran đang phải đối đầu. Tình hình phức tạp vì chính phủ đôi bên không có quyền tự do định đoạt.

RFI : Kính chào GS Assadi Djamshid, câu hỏi đầu tiên, xin ông cho biết nhu cầu chiến lược của Mỹ, của chính phủ Obama khi muốn đạt thỏa thuận với Iran là như thế nào ?

Giáo sư Assadi Djamshid : Khi nói đến mục tiêu của Hoa Kỳ thì cần phải phân biệt các xu hướng khác nhau nhất là sự khác biệt giữa chính quyền Barack Obama và Quốc hội Mỹ mà đặc biệt là đảng Cộng hòa. Do vậy nói là Mỹ nhưng có những thái độ khác nhau.

Nếu chúng ta muốn nói đến chính phủ Mỹ thì tôi không tin là họ lạc quan. Tôi nghĩ là họ có nghị lực và quyết tâm chính trị để đi đến kết quả đàm phán. Tôi nghĩ đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sau khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ hai. Cơ may của phe Dân chủ sẽ xuống thấp, nếu Barack Obama « xử lý » không thành công một hồ sơ lớn như người Mỹ vẫn nói về một hiệp định hạt nhân với Iran. Do vậy chính phủ Obama làm nhiều nỗ lực để thành công.

RFI : Obama muốn thành công nhưng thế nào là đạt được một thỏa hiệp đúng nghĩa ?

GS Assadi Djamshid : Tất cả mọi người đều nói là cần một thỏa hiệp tốt và thà không có thỏa hiệp còn hơn là một thỏa hiệp tồi. Giáo chủ Ayatola Khamenei đã tuyên bố như thế trước khi điều chỉnh lại, Tổng thống Obama cũng đã nói như thế. Vấn đề là các bên đều không có cùng định nghĩa và diễn giải như nhau thế nào là thỏa hiệp tốt.

Đối với hành pháp Mỹ, Tổng thống Obama không thể không biết một thỏa thuận với Teheran mà không kiểm soát và chế ngự được tiềm năng chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran thì sẽ gây ra bất bình tại Mỹ. Trước hết là tranh cãi giữa quốc hội và chính phủ, và sau đó là có thể làm cho đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nếu như hiệp định hạt nhân không kiểm soát được Iran.

Chính phủ Obama đang ở một vị thế rất khó khăn. Cho nên đối với lãnh đạo hành pháp Mỹ là phải đạt được một thỏa hiệp hạt nhân. Tổng thống Mỹ đã đánh cược vào hồ sơ này, đã đưa vào cương lĩnh vận động tranh cử nhiệm kỳ một, đã hứa là sẽ thương lượng với Iran mà không đặt điều kiện tiên quyết. Do vậy, nếu sau hai nhiệm kỳ mà vẫn tay không thì đúng là một thất bại to lớn đối với ông.

Do vậy, thỏa thuận hạt nhân với Iran vừa là quyền lợi của Hoa Kỳ vừa là quyền lợi của chính quyền Obama và nhất là quyền lợi của đảng Dân chủ. Nếu ông khoan nhượng nhiều quá để đạt thỏa thuận nhằm giữ lời hứa với cử tri thì thỏa thuận đó sẽ làm hại cho quyền lợi nước Mỹ hoặc sẽ được đối thủ Cộng hòa trình bày như vậy.

RFI : Là một chuyên gia độc lập, GS phân tích thế nào là thỏa hiệp tốt nhìn theo quan điểm của từng bên ?

GS Assadi Djamshid : Một lần nữa phải phân biệt những phe trong nội bộ của Mỹ và của Iran. Mỗi bên đều có những xu hướng khác biệt nhau. Nhìn theo quan điểm của chính quyền Obama, một thỏa hiệp tốt sẽ bao gồm những điều kiện ngăn chận Iran xây dựng tiềm năng chế tạo bom hạt nhân.

Điều này rất quan trọng đối với Washington. Tại sao ? Nếu không chận được quả bom của Iran thì đồng minh Israel bị đe dọa. Nhưng không phải chỉ có Israel mà tất cả các nước Ả Rập trong vùng đều lo sợ Iran làm được vũ khí hạt nhân. Theo tôi, đó là « đường ranh đỏ » đối với Mỹ không để Iran vượt qua.

Trong nội bộ Iran, một phe tương đối thực tiễn và một phe cực đoan. Phe cực đoan tìm cách đạt tới một thỏa thuận với phương Tây nhưng cùng lúc duy trì được tiềm năng phát triển vũ khí sau này. Ngược lại, chính quyền của Tổng thống Rohani có thể hy sinh khả năng chế tạo vũ khí để đạt thỏa thuận.

Bởi vì, chính phủ Rohani thuộc xu hướng chính trị quan trọng trong chính trường Iran. Xu hướng thực dụng này nghĩ rằng sự tồn tại của chế độ Cộng hòa Hồi giáo bị đe dọa sụp đổ nếu cứ khư khư bám lấy lập trường cố hữu, không thể hòa giải với Hoa Kỳ và do vậy tiếp tục bị cấm vận, trừng phạt dồn dập.

Tóm lại, đối với phe cứng rắn thì họ muốn một thỏa thuận cho phép họ duy trì tiềm năng chế tạo bom. Tôi nói « tiềm năng » chứ không phải để làm bom. Còn phe Tổng thống Rohani thì sẵn sàng bỏ tiềm năng này nhưng đòi phương Tây phải để cho Iran theo đuổi công nghiệp năng lượng nguyên tử, ứng dụng vào y khoa trị liệu và nghiên cứu khoa học.

RFI : Như vậy, liệu sức ép của các phe cứng rắn có ảnh hưởng thế nào tại bàn hội nghị. Một viên chức trong phái đoàn Mỹ tại Lausanne khi được hỏi về xác suất thành công đã nhận định là « chưa biết được ».

GS Assadi Djamshid : Tôi nghĩ rằng chính phủ Rohadi tiếp tục tìm một giải pháp với Mỹ, ít ra là có hai lý do : Một là kinh tế Iran đã bị tê liệt. Một quốc gia mà dầu hỏa chiếm đến 90% xuất khẩu. 10% còn lại liên quan đến khí đốt. Do bị cấm vận tài chính, mỗi tháng Iran chỉ thu về được vỏn vẹn 700 triệu đôla ngoại tệ từ tiền bán dầu khí, số tiền quá ít so với nhu cầu ngoại tệ của quốc gia. Do vậy, Rohani phải nhanh chóng tìm một giải pháp với Mỹ.

Lý do thứ hai là hai bên đang đàm phán đến lần thứ ba, đã ba lần ấn định kỳ hạn sau cùng. Nếu như trong tuần, tức trong đợt thứ ba này mà không đạt được kết quả gì thì cộng đồng quốc tế sẽ nghi ngờ Iran, hoặc ít nhất là chính quyền Rohani, không có thực tâm. Do vậy chính quyền Rohani phải gắng sức tìm ra một giải pháp.

Nhưng chính phủ Rohani cũng bị sức ép rất mạnh từ phe cực đoan. Phe này sẽ không chấp nhận chính quyền Rohani nhượng bộ « đế quốc Mỹ » theo cách nói của họ. Do vậy, tôi cho rằng, đàm phán sẽ rất khó khăn. Phái đoàn thương thuyết của Mỹ và Iran đều muốn đạt được đồng thuận nhưng chính những kẻ không có mặt ở bàn hội nghị mới chính là phe gây sức ép mà chúng ta không thể biết.

Tôi không có thói quen đưa ra những tiên đoán như « đinh đóng cột » nhưng thật tình tôi không tin hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán thứ ba này (tại Lausanne, Thụy Sĩ). Tuy nhiên tôi cầu mong họ thành công vì quyền lợi chung của tất cả mọi người.

RFI : Iran đã đưa quân và vũ khí vào Irak trong chiến dịch tái chiếm miền bắc Irak từ tay Nhà nước Hồi giáo, trực tiếp trợ lực với phương Tây phản công chống kẻ thù chung. Giáo sư giải thích sự kiện này ra sao ? Phải chăng là một thông điệp báo hiệu quan hệ giữa phương Tây và Iran đã thay đổi ? Nếu có thì tại sao ?

GS Assadi Djamshid : Tôi xin chia sẻ suy luận của riêng tôi. Phe thực dụng tại Iran trong đó có chính phủ Rohani và chính quyền Mỹ Barack Obama đang tìm một giải pháp theo mô hình thời chiến tranh lạnh trước đây. Nghĩa là Mỹ và Iran theo hai chế độ, hai hệ thống khác nhau. Chúng ta không thể xem nhau là bạn. Tây phương không thể chờ Cộng hòa Hồi giáo Iran biến thành một quốc gia thân hữu.

Ngược lại hai bên có thể thỏa thuận với nhau trong nhiều lãnh vực như thời chiến tranh lạnh với Liên Xô: các ông công nhận quyền lợi của chúng tôi trong khu vực, không phá, không cản trở chúng tôi, thì ngược lại, chúng tôi tôn trọng quyền lợi của các ông, không cản trở các ông.

Thực sự là hai bên có nhiều quyền lợi chung. Cụ thể Iran chiến đấu chống kẻ thù chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Teheran nói rằng Daesh chống phá quyền lợi Tây phương trong vùng, Iran chúng tôi có thể tiêu diệt họ. Đổi lại, phương Tây phương đừng phá chính sách của Iran trong khu vực: Irak, Syria và Liban phải tiếp tục là đồng minh của Iran.

Một dữ kiện có thể chứng minh suy luận của tôi là hợp lý : Khi Tổng thống Obama quyết định không oanh kích chế độ Damas mặc dù chính quyền Bachar al Assad đã sử dụng vũ khí hóa học giết dân, thì quyết định này nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Iran.

Cácnh đây không lâu, mọi người còn nhớ, trong một cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Pháp tuyên bố là Bachar Al Assad phải ra đi. Lập trường này đã thay đổi chứng tỏ Tây phương và Iran đã có một thỏa thuận ngầm.

Assadi Djamshid, professeur d’Ecomomie Politique- Université de Dijon, France

Cho dù Hoa Kỳ có vì lý do chính trị hay chiến lược sẽ “nhẹ tay” với Iran hay không thì tiến trình thương lượng hạt nhân với Iran cũng không phải chỉ có Washington chủ động. Lập trường và phản ứng của Pháp rất đáng được chú ý. Năm 2014, chính Paris đã chận đứng một dự thảo thỏa thuận đầu tiên với lý do là “thiếu trói buộc”.

Sau ngày thương thảo hôm 16/03/2015, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, cũng như đồng nhiệm Anh Philip Hammond, tuyên bố “con đường đến đích còn rất dài”. Trong khi đó, thì trưởng đoàn Iran, Ngoại trưởng Zarif đáp trả : « đối với một số người thì giải pháp đang nằm trong tầm tay, còn một số khác thì cho rằng vẫn còn nhiều bất đồng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.