Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG - AI CẬP

Láng giềng vùng Vịnh hứa trợ giúp 12 tỷ đô la cho Ai Cập

Trong hội nghị quốc tế tại Charm-el-Cheikh, Ai Cập, hôm qua 13/03/2015, ba nước vùng Vịnh - Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Koweit – hứa sẽ trợ giúp 12 tỷ đô la cho Ai Cập, quốc gia được coi là thành trì chống khủng bố trong khu vực. 

Đại diện các nước Ả Rập giàu có trong vùng Vịnh tại Hội nghị quốc tế Phát triển Kinh tế Ai cập tại Cairo ngày 14/3/2015.
Đại diện các nước Ả Rập giàu có trong vùng Vịnh tại Hội nghị quốc tế Phát triển Kinh tế Ai cập tại Cairo ngày 14/3/2015. REUTERS/Amr Abdallah Dalsh
Quảng cáo

Lãnh đạo Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ả Rập Xê Út và Koweit lần lượt mỗi nước hứa viện trợ cho Cairo 4 tỷ đô la, phần chủ yếu của số tiền này là dưới dạng đầu tư, bên cạnh đó ba tỷ đô la được gửi tại Ngân hàng trung ương Ai Cập.

Sự hiện diện của đại diện 100 quốc gia, trong đó có các cường quốc vùng Vịnh, các nước Châu Phi, Châu Âu và Trung Quốc, là một thành công đối với chính quyền của Tổng thống al-Sissi, trong sự kiện ngoại giao đặc biệt nhằm khẳng định vị thế của Ai Cập, với mục tiêu thu hút nhiều đầu tư nước ngoài sau bốn năm xáo động chính trị, kể từ cuộc nổi dậy 2011 lật đổ nhà độc tài Mubarak.

Theo các nhà quan sát, cho dù đàn áp mọi phe phái đối lập, chính quyền của cựu tướng Abdel al-Sissi vẫn là một đồng minh trong khối Ả Rập, không thể thay thế được đối với Phương Tây, trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại nhiều nước trong khu vực, như Libya, Ai Cập, sau khi chiếm được nhiều vùng rộng lớn tại Irak và Syria.

Riêng Hoa Kỳ tới hội nghị quốc tế tại Ai Cập với bàn tay trắng. Washington không tuyên bố thêm một trợ giúp nào. Ngoại trưởng John Kerry cho biết Hoa Kỳ sẽ ra quyết định sớm về trợ giúp quân sự cho Ai Cập.

Hàng năm Hoa Kỳ viện trợ 1,5 tỷ đô la cho Ai Cập, trong đó 1,3 tỷ trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, một phần số tiền này bị đóng băng, sau khi quân đội lật đổ cựu Tổng thống Morsi năm 2013 và đàn áp biểu tình trong máu. Từ đó, Mỹ gắn việc nối lại viện trợ với việc Cairo có cải cách dân chủ, tuy nhiên mặt khác Washington cũng không thể từ chối giúp đỡ đồng minh trụ cột trong khu vực, quốc gia được vũ trang tốt nhất để đối mặt với lực lượng thánh chiến EI.

Tổng thống Ai Cập là nguyên thủ chủ chốt trong khu vực kêu gọi thành lập một lực lượng quân đội chung của các nước Ả Rập, để đối phó với đe dọa này, tại thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập cuối tháng 3. Giữa tháng 2/2015, Tổng thống Sissi đã đưa không quân tham gia chiến dịch tấn công EI tại Libya.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.