Vào nội dung chính
NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO

Nhà nước Hồi giáo : giờ thất bại đã điểm

Tin tức chiến sự bất lợi cho tổ chức thánh chiến Sunni đang bị phản công tại Irak và Syria chiếm trang nhất các báo Pháp. Chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị thiệt hại nặng, đào ngũ, khó khăn tài chính và mất dần ảnh hưởng. Tuy nhiên, tham vọng địa chiến lược của các thế lực trong vùng có thể làm tình thế phức tạp hơn. 

Người Kurdistan, một trong những lực lượng kháng chiến tại chỗ chống EI. Trong ảnh, lực lượng Kurdistan (YPG) tại Ras al-Ain, ngày 10/03/2015.
Người Kurdistan, một trong những lực lượng kháng chiến tại chỗ chống EI. Trong ảnh, lực lượng Kurdistan (YPG) tại Ras al-Ain, ngày 10/03/2015. REUTERS/Rodi Said
Quảng cáo

Libération đưa ngay trang nhất : Giờ thua ngược đã điểm đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Sau khi lợi dụng tình hình hỗn loạn tại Syria trong 4 năm qua để áp đặt thế lực ở một phần rộng lớn lãnh thổ Syria và Irak, tổ chức thánh chiến bị đẩy lùi ở hầu hết các mặt trận trước sức phản công của bộ tộc Kurdistan và quân đội Irak với yểm trợ của không lực quốc tế.

Hầu như mọi yếu tố chính trị, kinh tế đều bất lợi cho phe thánh chiến. Trong khu vực ngay Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu hiểu là không có lợi gì khi để « các tên khủng bố cuồng điên » phát huy ảnh hưởng, kể cả dầu hỏa xuống giá đều bất lợi cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Vấn đề là có nên lạc quan dự báo lực lượng cực đoan này sẽ bị tiêu diệt hay không ?

Bài xã luận « Hiểm nguy » của nhật báo cánh tả khai phóng trả lời ngay là « không nên ».

Libération liệt kê một loạt nguy cơ : Daesh tan rã tạo cơ hội cho nhiều thế lực khác nổi lên. Hoặc là chính nhà độc tài Syria Bachir al Assad, vì mê say quyền lực, đã kéo cả dân tộc vào nội chiến, một cuộc xung đột đẫm máu nhất từ sau thế chiến thứ hai. Chính Bachar al Assad đã tạo điều kiện cho Nhà nước Hồi giáo củng cố lực lượng để đè bẹp phe đối lập dân chủ và từ đó tạo cho mình « thế chính đáng » đối đầu với thánh chiến cuồng tín. Hiện nay đã có những âm mưu theo chiều hướng này và nhất là Iran, đang trở lại bàn cờ khu vực với thế mạnh khi can thiệp vào Irak chống thánh chiến Sunni. Những giải pháp này đều không có tương lai. Theo Libération, chỉ có đối lập dân chủ mới xứng đáng như từ 4 năm nay họ kêu gọi.

Vai trò « đáng lo ngại » của Iran cũng được Le Figaro nêu lên qua bài phỏng vấn đại tướng Mỹ David Petraeus : « kẻ thù thực sự tại Irak không phải là Nhà nước Hồi giáo ».

Chiến lược của tướng David Petraeus chống nổi dậy ở Irak trong hai năm 2007 và 2008 thành công nhưng « kẻ thù trong bóng tối » nay đã công khai can thiệp vào Irak, bên cạnh quân đội Irak, đối phó với thánh chiến Sunni. Kẻ thù đó là Iran. Theo cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại Trung Đông và Afghanistan : Nhà nước Hồi giáo không phải là kẻ thù nguy hiểm nhất đe dọa toạn vẹn lãnh thổ Irak. Tổ chức này sẽ bị đánh bại không sớm thì muộn. Nếu chính quyền và quốc hội Irak thành công chinh phục được hệ phái Sunni, cho họ lý do chính đáng để ủng hộ một nước Irak mới thì hệ phái Sunni sẽ giúp chính phủ thanh toán phe thánh chiến.

Nhật báo Công giáo La Croix cũng đưa lên tựa chính : Nhà nước Hồi giáo bị thua tại Tikrit

Le Monde, dành ba trang báo để phân tích mối đe dọa của thánh chiến trong khu vực : Nhà nước Hồi giáo loan tải phim cổ vũ một cậu bé 10 tuổi cầm súng bắn con tin, Ai Cập lo sợ thánh chiến lan sang các quốc gia láng giềng. Tổng thống Al Sissi, bị đối lập mô tả là « tù nhân » của các lựa chọn chính trị quốc nội và địa lý chính trị cấp vùng : sợ sa lầy nên không dám gửi quân sang Libya mặc dù 21 công dân Ai cập bị thánh chiến hành quyết. Can thiệp bằng không quân thì không đủ máy bay. Theo Le Monde, vì thiếu một chiến lược xuyên suốt, Cairo phải phô trương gân bắp, kín đáo oanh kích thánh chiến ở Libya, mua chiến đấu cơ Rafale và tàu chiến của Pháp, đề nghị Liên đoàn Ả rập thành lập lực lượng chung để khẳng định quyết tâm quân sự.

Trong khi đó thì bản thân nước Pháp cũng đang đương đầu với khủng bố. Le Monde tổng kết những cuộc can thiệp của quân đội Pháp hiện nay trên các chiến trường từ Trung Đông cho đến Phi châu không kể phòng thủ trong nội địa với chi phí lên 2,3 tỷ euro và túc trực huy động 9 ngàn quân tác chiến. Theo Le Monde thì Pháp đúng là « hỏa lực » đơn độc trong khối châu Âu. Do vậy, tổng thống Hollande buộc phải tạm ngưng chương trình giảm biên chế trong quân đội, giữ lại dưới cờ 18.500 người trong số 24.000 dự trù cho giải ngũ từ nay đến 2019. 

Bị Tây phương lạnh nhạt, Kremli làm bạn với Bình Nhưỡng

Theo Le Figaro, Tổng thống Nga tìm bàn tay an ủi của Kim Jong Un. Bị tây phương tẩy chai, điện Kremli quay lại sưởi ấm quan hệ với đồng minh cũ Bắc Triều Tiên của thời chiến tranh lạnh. Báo chí Nga theo phe nhà nước vẫn thường sử dụng ngôn từ chế diễu chế độ gia đình họ Kim, nay cũng thay đổi thái độ và dành cho Kim Jung Un những lời lẽ trân trọng nhất. Thí dụ như: Bắc Triều Tiên là một trong sáu nước thừa nhận Matxcơva sáp nhập Crimée (Afghanistan, Venezuela, Nicaragua, Cuba, Syria). Trong chiến thuật này, Nga chuẩn bị kèn trống đón tiếp Kim Jong Un nhân dịp kỷ niệm 70 năm thế chiến thứ hai kết thúc.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, dù  « bắt chước » Trung Quốc đem nghi lễ trọng thị ra để mua lòng Bình Nhưỡng nhưng Tổng thống Putin chỉ trúng lô an ủi vì lời mời tham dự này đã bị các lãnh đạo tây phương từ Mỹ, Anh Đức cho đến các nguyên thủ Ba Lan, Baltic từ chối. Pháp chưa trả lời.

Mặt khác, theo chuyên gia Nga Konstantin Asmolov, công luận không nên tin vào lời hứa của Nga đầu tư 25 tỷ đôla xây dựng hạ tầng cho Bắc Triều Tiên cũng không bán những loại vũ khí mới mà Bình Nhưỡng thèm « nhỏ dãi  »  vì Putin không dám vi phạm luật cấm vận của Liên Hiệp Quốc và vì một lý do thực tế hơn là …. Bắc Triều Tiên không có tiền.

« Vụ ám sát Boris Nemtsov: tra tấn nghi can để ép cung »

Thông tín viên của Le Monde từ Matxcơva cho biết vụ án ám sát nhà đối lập Boris Nemtsov đã trở thành rắc rối thêm. Zaour Dadaiev, một quân nhân thuộc lực lượng đặc nhiệm mà thẩm phán điều tra thông báo tự nhận là thủ phạm đã phản cung. Đúng như giới đối lập tiên đoán, đầu mối Tchetchenia là do có chỉ đạo.

Một ngày sau vụ ám sát lãnh đạo đối lập, Zaour Dadaiev giải ngũ, rời tiểu đoàn biệt kích. Vài hôm sau anh bị cảnh sát còng tay, bịt mắt tra vấn suốt hai ngày. Theo lời kể của nghi can thì anh bị ép cung, bị bỏ đói. Zaour Dadaiev, khi gặp đại diện của Uỷ ban nhân quyền Nga, một cơ quan trực thuộc điện Kremli, cho biết cảnh sát điều tra bảo anh « cứ nhận là thủ phạm thì sẽ được thả ». Zaour Dadaiev nghĩ rằng chỉ cần tạm thoát nạn, về đến thủ đô là anh sẽ có cơ hội tố cáo hết sự thật. Nhưng Zaour Dadaiev đã lầm, thẩm phán điều tra không cho anh nói. Để làm công luận rối mù thêm, hãng tin Interfax loan truyền theo một nguồn tin « ẩn danh » : không có chuyện nghi can đã phản cung.

Cũng theo Le Monde, không khí ở Nga hiện nay rất căng. Báo Novaia Gazetta cho biết có nhiều tay giết thuê từ Tchetchnia về Matcơva với một danh sách những kẻ thù cần phải thanh toán trong đó có giám đốc đài phát thanh độc lập Tiếng Vọng Matxcơva, Alexei Venediktov, nhà tỷ phú Mikhail Khodorkovski, khắc tinh của Putin, sau 8 năm ở tù đã ra nước ngoài lánh nạn. Nữ thư ký của Khodorkovski cho biết nhận được một « tràng hoa phúng điếu » đặt trước cửa nhà ở Matxcơva.

Miến Điện : đàn áp sinh viên như thời quân phiệt

Bruno Philip, thông tín viên của Le Monde từ Bangkok thuật lại sự kiện cảnh sát Miến Điện đàn áp mạnh mẽ cuộc tuần hành của sinh viên. Tính chất thô bạo này bị Washington và Liên Hiệp Châu Âu lên án còn công luận địa phương thì tự hỏi phải chăng tiến trình dân chủ hóa đã đổi hướng 180 độ.

Chính sách giáo dục bị sinh viên xem là phản tự do là lý do thúc đẩy hàng ngàn sinh viên Miến Điện tuần hành về Ragoun gây sức ép và đánh động công luận.

Học vấn cũng là mối ưu tư của phụ huynh mọi nước trên thế giới

Nhật báo kinh tế Les Echos để so sánh học phí và tốn kém cho một sinh viên tại các nước có trường đại học danh tiếng thế giới. Trong danh sách này, Pháp đứng hàng thứ 7 sau Úc, Singapore, Mỹ, Anh và Canada.

Học tại Úc, một sinh viên cần đến 38.000 euros, tiền học phí là 21.700 còn tại Pháp tuy rẻ hơn, ghi danh chỉ có 220 eurro nhưng tốn kém ăn ở không dưới 15.000 euros mỗi năm.

Les Echos đề ra nhiều biện pháp vừa túi tiền nhất cho những gia đình trung lưu trong đó có kế hoạch mở tài khoản tiết kiệm lúc « sinh viên » mới chào đời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.