Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Boris Nemtsov : Nhà đối lập lãng mạn, sống và chết vì nước Nga tự do

Đăng ngày:

Putin muốn bịt miệng tôi : đó là lời tâm sự của Boris Nemtsov, cựu phó thủ tướng Nga, lãnh đạo đối lập dân chủ bị nhiều kẻ lạ mặt bắn chết ngay sát điện Kremli ngày 27/02/2015. Những người chống chế độ độc tài quy cho tổng thống Vladimir Putin là thủ phạm. Tổng thống Nga vội vã phân trần với thân mẫu người quá cố trong khi cảnh sát Nga điều tra hướng Tchesnya.

Chân dung Boris Nemtsov ngay tại nơi ông bị ám sát ở Mátxcơva. Ảnh chụp ngày 06/03/2015.
Chân dung Boris Nemtsov ngay tại nơi ông bị ám sát ở Mátxcơva. Ảnh chụp ngày 06/03/2015. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Boris Nemtsov sống và sinh tranh đấu như thế nào mà cái chết của ông đã gây xúc động cho nhiều người? Đầu mối Tchechen mang ý nghĩa gì ? Phóng viên Pháp Vincent Jauvert của tuần báo l’Obs, Người quan sát, tường thuật và phân tích. 

Nhà báo Vincent Jauvert đã gặp Boris Nemtsov nhiều lần, lần đầu vào năm 1993 khi nhà vật lý 34 tuổi này (sinh năm 1959) mới được tổng thống Boris Yelsin bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Nijni Novgorod, cách Matxcơva 400 km. Là một ngôi sao chính trị đang lên, Boris Nemtsov mơ ước xây dựng một nước Nga non trẻ vừa thoát ra khỏi chế độ Cộng sản thành một nền dân chủ như các nước Tây phương.

Cũng như giới trẻ tây phương cùng thế hệ sớm thành công trong sự nghiệp, Boris Nemtsov cũng vừa trẻ, vừa có học thức và với dáng vóc thu hút, ông là khối nam châm thu hút không ít phụ nữ đẹp. Sở thích của Boris Nemtsov là quần vợt, quyền lực, thuốc lá Mỹ và rất yêu người vợ đầu tiên Raissa… sau đó ông có thêm nhiều người đàn bà khác.Người cuối cùng là cô người mẫu Ukraina 23 tuổi, mà trên đường về nhà sau khi ăn tối hôm 27/02 vừa qua thì nhà đối lập bị ám sát .

Giấc mơ nước Nga dân chủ

Trở lại năm 1993, nước Nga nghèo nàn vừa lật qua trang sử 70 năm độc tài chuyên chế, tin tưởng và hy vọng một tương lai tươi sáng, tự do, dân chủ. Tổng thống Boris Yelsin, lúc ấy chưa phải là một bợm rượu sáng say chiều xỉn, mà là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và kỳ vọng vào nhà chính trị trẻ tuổi Boris Nemtsov.

Tổng thống Nga trao cho Boris Nemtsov sứ mệnh cực kỳ quan trọng : biến Nijni Novgorod ,một vùng lãnh thổ lớn bằng ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg thành một « thí điểm » cải cách để sau đó áp dụng cho toàn nước Nga hậu Cộng sản. Cả thế giới đều tập trung nhìn về nhà vật lý trẻ tuổi Boris Nemtsov và dự đoán sẽ là lãnh đạo tương lai của Nga.

Cũng vào thời điểm đó, Vladimir Putin, lớn hơn Boris Nemtsov 7 tuổi, âm thầm làm việc trong bóng tối và bên cạnh thị trưởng Saint Petersbourg .

Ngược lại, Boris Nemtsov là một ngôi sao sáng. Ông từ phòng nghiên cứu vật lý bí mật, bước vào chính trường. Ba năm trước, ông tiết lộ với nhà báo Pháp : Tôi tìm hiểu tại sao mỗi lần một vệ tinh đi vào bầu khí quyển thì mất liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát. Tôi thích công việc này lắm.

Tuy nhiên, nhà vật lý Boris Nemtsov không phải là kẻ chỉ biết khép mình trong phòng thí nghiệm mà là một con người tranh đấu. Khi tai nạn nổ lò điện nguyên tử Tchernobyl xảy ra, ông tổ chức một cuộc biểu tình chống hạt nhân. Trong cơn sốt phong trào xã hội công dân, nhà vật lý đắc cử đại biểu nghị viện Nijni Novgorod năm 1990.

Ông bước lên sân khấu chính trị ở tuổi 31 không phải là ngẫu nhiên. Thực sự, Boris Nemtsov là một loại « công tử đỏ » , thế hệ trẻ của « hệ thống » quyền lực. Thân phụ của ông là thứ trưởng bộ dầu hỏa thời Leonid Brejnev làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô. Lúc còn thơ « tôi thường trèo lên bắp đùi của Thủ tướng » tương lai. ( Viktor Tchernomyrdin làm thủ tướng từ 1992-1998).

Theo lời kể của nhà báo Vincent Jauvert, trong văn phòng tỉnh trưởng, Boris Nemtsov giới thiệu và trình bày kế hoạch canh tân : bắt đầu là tư hữu hóa các công ty quốc doanh nhỏ, các nhà hàng , tiệm hớt tóc, uốn tóc, quốc doanh. Ông ước mơ tạo ra một tầng lớp doanh nhân mới, cột trụ của nước Nga mới, tư bản và dân chủ. Được hỏi ông không sợ những chủ nhân mới, những nhà « đầu tư » đầu tiên là đảng viên hay xã hội đen hay sao ? Tỉnh trưởng Nijni Novgorod, với nụ cười lạc quan trả lời: "Không sao cả, chỉ hai hay ba thế hệ là xong hết".

Boris Nemtsov yêu đời và quyền lực. Ông muốn lật qua trang sử chính quyền trung ương ở Matxcơva kiểm soát, áp đặt nặng nề vào sinh hoạt địa phương.

Xuất sắc, tài ba, được ô dù bảo vệ, tương lai nước Nga ở trong tay Boris Nemtsov . Mọi người nghĩ rằng ông sẽ là tổng thống tương lai nhưng bản thân ông không nói ra. 

Theo nhà báo Vincent Jauvert , Boris Nemtsov là một kẻ « rất chịu chơi ». Thấy phóng viên Pháp cũng cùng tuổi, tỉnh trưởng Nijni Novgorod mở cửa « thành phố bí mật Arzamas-16 », nơi chế tạo bom hạt nhân. Nhờ đó Vincent Jauvert là phóng viên quốc tế đầu tiên được viếng « cấm thành vũ khí ». Hai người gặp lại nhau hàng chục lần trong 20 năm kế tiếp. 

Putin là tổng thống của TV Show... 

Năm 1997, Tổng thống Yelsin bổ nhiệm Boris Nemtsov làm Phó Thủ tướng. Leo lên gần tận đỉnh cao quyền lực thì xảy ra vụ “khủng hoảng tài chính” buộc ông phải từ chức.

Năm 2006, Boris Nemtsov không còn một chức vụ chính thức nào nhưng ông vẫn tự tin, tuy có phần ít đi, vào ngôi sao chiếu mạng.

Tổng thống Yelsin đã chọn một cựu trung tá mật vụ làm người kế vị. Boris Nemtsov muốn trả hận nhưng biết nhẫn nại. Vì thiếu ủng hộ chính trị , ông phải rút khỏi cuộc đua vào điện Kremli.

Văn phòng làm việc của Boris Nemtsov vẫn lộng lẫy, nằm một trong bảy cao ốc của Matxcơva. Ông giải thích là ông có nhiều tiền lắm: Tôi giàu lắm.Tài sản đến từ cổ phần trong tập đoàn dầu khí Gazprom, trị giá 10 xu năm 1998 giờ đã nhân lên gấp 100. Tuy phải nuôi dưỡng ba bà vợ cũ rất tốn kém nhưng “không sao”.

Tính đến năm 2006, Vladimir Putin ngồi trong điện Kremli được 6 năm. Boris Nemtsov nhắc lại một số kỷ niệm cũ với Tổng thống Nga: Tôi biết ông ta rất rõ. Trong những năm 1990, tôi là “sếp” của Putin khi tôi là Phó Thủ tướng, còn ông ta chỉ huy mật vụ. Một hôm, Putin vào gặp tôi và xin cấp 500 căn hộ cho các nhân viên của KGB cũ, tên mới là FSB. Tôi chấp thuận liền. Putin không quên ơn. Trí nhớ tốt là một trong những phẩm chất của ông ta”.

Nhưng về chính trị thì sao ?

Theo nhà báo Pháp thuật lại, Boris Nemtsov đã phác họa chân dung “lạnh như tiền” của Tổng thống Nga: Từ khi Putin vào Kremli, tôi có nhiều dịp thảo luận với ông ta về dân chủ. Rất rõ ràng là Putin không muốn một chế độ dân chủ. Ông ta chỉ muốn dân chủ hình thức. Chủng tử (gen) trong con người của một tay mật vụ KGB là như thế. 

“….phân tích đúng” 

Vào thời điểm 2006, nhiều người cho rằng nhà đối lập Boris Nemtsov phóng đại, bôi đen Putin vì lòng ganh ghét và muốn trả thù. Tuy nhiên, tương lai đã chứng minh ông tiên đoán đúng. Putin tìm đủ mưu lược để bám trụ.

Boris Nemtsov giải thích thêm: Putin là Tổng thống của “TV”. Trong văn phòng của ông ta không có một cây bút nào hết mà chỉ có “đồ bấm điều khiển từ xa ”. Putin bị TV ám ảnh vì ông ta nắm được quyền lực là nhờ TV. Ông ta hiểu rằng chỉ cần vài tháng quảng cáo, một màn ảnh nhỏ có thể đưa một nhân vật lên ghế tổng thống.

Một lần nữa Boris Nemtsov đoán đúng. Chỉ một thời gian sau là Putin tung ra một chiến dịch đánh bóng uy tín qua các phóng sự truyền hình mà chủ nhân điện Kremli là nhân vật chính.

Khi được hỏi về tương lai chính trị của phe đối lập, Boris Nemtsov cũng tỏ ra sáng suốt và kiên nhẫn. Ông phân tích: “Hiện giờ, công luận còn có nhiều định kiến đối với những nhà chính trị thời Yelsin, họ xem chúng tôi là những kẻ gây ra khủng hoảng tài chính 1998. Tuy nhiên, với thời gian, họ sẽ đánh giá lại những thành quả mà chúng tôi thực hiện được để canh tân nước Nga với những phương tiện hạn hẹp lúc bấy giờ. Cơ hội tốt nhất cho tôi là bầu cử năm 2012”. Tuy nhiên, Boris Nemtsov nghi ngờ khả năng thành công. Ông nhìn nhận Tổng thống Nga rất được cảm tình trong công luận…. công luận của những người “xô-viết” như ông ta.

Ở tù… 

Tháng giêng năm 2011, với tư cách là đặc phái viên, nhà báo Vincent Jauvert có dịp gặp lại Boris Nemtsov tại Matxcơva. Lần này nhà lãnh đạo đối lập mới vừa mãn án tù 15 ngày vì bị qui tội “biểu tình bất hợp pháp” chống chế độ độc tài, chống xu hướng gia tăng trấn áp.

Ông cũng có văn phòng làm việc nhưng rất thô sơ. Khá chán chường, ông thuật lại chính quyền tìm cách hạ nhục ông như thế nào: nhốt trong phòng giam 1mx3m, không có ánh sáng, không nước, không góc vệ sinh. Sau đó, ông bị chuyển sang giam chung với tội phạm hình sự nhưng mọi việc tốt đẹp. Nhưng khi mãn hạn tù, có kẻ ẩn danh gạ cho một người bị giam chung một số tiền 3000 đôla để vu cáo ông “hiếp dâm”.

Trong những người còn dám ủng hộ ông, có cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev: "Boris (Nemtsov) hãy cận thận. Bọn đó (giới thân cận của Putin) sẵn sàng làm mọi việc”.

Được hỏi có nên tin vào những lời cảnh báo của cự lãnh đạo Liên Xô hay không, câu trả lời của Boris Nemtsov báo trước điềm bất hạnh: Putin muốn làm tôi im tiếng. Tôi làm ông ta sợ. Tôi công bố những tài liệu về tham ô và được cả thế giới đọc. tài liệu cuối cùng liên quân đến người bạn thân nhất của Putin (Guenadi Timtchenko), một mình kiểm soát hai phần ba tổng lượng dầu khí trên toàn quốc.

Trước đó, Boris Nemtsov đã công bố nhiều bằng chứng về những người thân cận khác của Putin đã mua lại một công ty chi nhánh của Gazprom với giá rẻ mạt mặc dù trị giá thật lên đến 60 tỷ đôla. Sự thật này ngày nay ai cũng biết.

Trong cuộc đấu tranh mang lại dân chủ và chống tham nhũng tại Nga, Boris Nemtsov là cột trụ không thể thiếu. Chỉ có ông mới tìm và phát hiện được những thông tin chính xác về chính quyền Nga và công bố. Nhà đối lập biết rõ nếu ông lùi bước, nhượng bộ thì chế độ Putin sẽ được một bức màn sắt bao che.

Cho nên, dù lao tù, dù báo chí nhà nước kiểm soát im lặng và dù nhiều chiến hữu đã bỏ cuộc, Boris Nemtsov vẫn tiếp tục cuộc chiến vì tương lai dân tộc của ông. Ông muốn làm “sụp đổ Putin, thủ lĩnh một Nhà nước mafia xã hội đen, phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người”.

Putin sẽ “chết” vì nhân quả 

Ý thức là đối lập không thể thực hiện hoài bão cải cách nước Nga một cách dân chủ vì các cuộc bầu cử đã và sẽ bị gian lận, tất cả lãnh đạo đối lập đều bị cấm ứng cử tổng thống, Boris Nemtsov hoạch định mục tiêu mới. Mục tiêu trong tương lai xa hơn là làm một cuộc cách mạng : “cho Putin làm tổng thống đến 2014 như ông ta muốn. Nhưng lúc đó nước Nga sẽ rơi vào thảm họa. Điều chắn chắn là càng ngày càng có nhiều người hiểu ra chuyện này”. Đúng như dự kiến của Boris Nemtsov, các cuộc bầu cử quốc hội cuối năm 2011 và tổng thống 2012 đã bị công luận tố cáo gian lận. Mùa đông năm đó, hằng trăm ngàn người đã xuống đường ở quảng trường Bolotnaia làm chiếc ghế tổng thống của Putin bị lung lay nhưng chưa đủ sức đánh đổ ông. Tuy nhiên, Boris Nemtsov vẫn tự tin: một ngày kia, Putin sẽ kết thúc số phận như Ben Ali của Tunisie. Chỉ cần 100.000 ngàn người xuống đường tại quảng trường Pouchkin. Vì tham nhũng quá mức, Putin sẽ chẳng còn ai đứng ra bảo vệ”.

Theo nhà báo Pháp Vincent Jauvert, ở điểm này, Boris Nemtsov đã nhận định một cách ngây thơ và do không phải là một nhà chính trị có bản chất thâm độc, ông không đoán trước rằng sau khi đối đầu với những cuộc biểu tình năm 2012 của dân chúng yêu tự do và đòi hỏi một chế độ trong sạch, Putin đã dựa vào thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan để tồn tại . Đổi lại thành phần cực đoan này, thề ủng hộ thủ lĩnh Putin để “cứu nước Nga” bằng chính sinh mạng của họ. 

Từ Ukraina đến “đầu mối” Tchesnya

Hơn 6000 sinh mạng đã hy sinh từ khi Nga lấn chiếm Crimée của Ukraina và khuyến khích người nói tiếng Nga ở Đông Ukraina nổi dậy. Sau nhiều lần phủ nhận, ngày 08.03 vừa qua, đích thân Vladimir Putin đã thuật lại diễn tiến quyết định can thiệp vào Ukraina để cứu chế độ thân Nga trước những cuộc biểu tình ở Maidan. Theo tổng thống Nga, bằng mọi giá phải cứu tổng thống Ianoukovitch mà “sinh mạng” bị đe dọa.

Đến bây giờ, sau một năm lưu vong không biết nhân vật thân Nga này đang ẩn náu ở đâu.

Bằng chứng Nga can thiệp vào Ukraina đã được nhà đối lập Boris Nemtsov thông báo sẽ tiết lộ trong cuộc biểu tình dự trù diễn ra ngày 28.02. Đêm hôm trước, ông bị bắn chết.

An ninh Nga lập tức “hướng “cuộc điều tra về hướng hồi giáo Tchesnya và chỉ trong vòng 7 ngày đã bắt một loạt kẻ tình nghi trong đó có một thành viên của tiểu đoàn lực lượng đặc biệt Tchesnya: Zadour Dadaiev, 31 tuổi.

Cảnh sát Nga khẳng định Zadour Dadaiev đã nhận tội giết người nhưng tại sao anh ta giết nhà đối lập? Cảnh sát Nga không giải thích.

Một chi tiết liên quan đến “thủ phạm” đáng được chú ý : tên tuổi của Zadour Dadaiev được hoan nghênh trên mạng thông tin của chính quyền thân Nga tại Tchesnya và từng được Vladimir Putin khen thưởng. Đích thân bộ trưởng bộ Nội vụ Nga gắn huy chương “anh dũng” năm 2010. Lãnh đạo Tchesnya thân Nga Ramzan Kadyrov, ngay sau khi Zadour Dadaiev bị bắt, vẫn khen ngợi nghi can này là “anh hùng, yêu nước, niềm hãnh diện của trung đoàn”. Nhân vật lãnh đạo tôn thờ Putin cho rằng: Zadour Dadaiev bất bình vì Boris Nemtsov bênh vực các nhà báo Charlie Hebdo bổ báng đạo Hồi.

Cả tuần nay, bộ máy tuyên truyền của Putin tung ra hàng loạt giả thuyết: nào là Boris Nemtsov gây thù kết oán với Hồi giáo Tchesnya vì lên án vụ thảm sát tuần báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo, nào là ông bị người cùng phe sát hại để bôi nhọ tổng thống Putin…hoặc là lập trường chống Nga can thiệp vào Ukraina đã bị mật vụ Ukraina lợi dụng sát hại ông để đổ trách nhiệm lên chính quyền Nga …

Nhưng “đầu mối” Tchesnya đã bị những người thân cận của nhà đối lập bác bỏ. Bà Ilia Iachine, đồng sáng lập phong trào “Đoàn Kết” với Boris Nemtsov tuyên bố : đầu mối Tchesnya do cảnh sát điều tra thông báo là “phi lý”, là theo lệnh của Kremli. Theo nhà nữ đối lập Ilia Iachine, Boris Nemtsov không bao giờ đưa ra những lời tuyên bố khinh bạc đạo Hồi. Nhiều nhân vật Nga cũng đã lên án Hồi giáo mạnh mẽ sau vụ khủng bố. Nhà nữ đối lập Ilia Iachine kết luận: điều đáng lo ngại nhất đã trở thành sự thật. Kẻ thừa hành lệnh giết người đã bị bắt nhưng kẻ chủ mưu thì vẫn an toàn. Kịch bản Tchesnya do Kremli chỉ đạo.

Nhận định của nhà đối lập này có lẽ không phải là hoàn toàn do cảm tính.

Một tuần trước khi Boris Nemtsov loan báo sẽ công bố bằng chứng Nga đưa quân vào Ukraina, một nhân vật Tchesnya đặc biệt khác đã đe dọa sẽ “tiêu diệt” những người chống Putin. Nhân vật này được mô tả là “con quỷ độ mệnh” của tổng thống Nga, tên Alexander Zaldostanov, thủ lĩnh phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan “chó sói” , mặc áo da, để tóc dài, đi mô-tô phân khối mạnh và nhất là được Putin xem là bạn, một người bạn đáng ngại.

Theo chính Alexander Zaldostanov kể lại với đặc phái viên tuần báo l’Obs của Pháp, anh ta thường được mời ăn chung với Putin và các “nhà lãnh đạo quốc tế” khi tổng thống Nga cần sử dụng chiến thuật áp đảo tinh thần. Alexander Zaldostanov có quyền đến gặp Putin bất cứ lúc nào vì, theo đương sự, tổng thống Nga biết rằng một ngày kia sẽ cần đến “đàn chó sói” để cứu chế độ: “Bất kỳ ai chống tổng thống là kẻ thù của nước Nga. Do vậy, họ sẽ là kẻ thù của chúng tôi”.

Đầu mối Tchesnya hay chính Kremli giựt dây vụ ám sát ? Mục tiêu của kẻ chủ mưu vẫn là một: Những người bạn của Boris Nemtsov đã được cảnh cáo bằng bạo lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.