Vào nội dung chính
HUNGARY

Hungary: "Mật hóa" dự án nhà máy điện hạt nhân và tham nhũng

Thứ Ba, 03/03/2015, mặc cho sự phản đối gay gắt của công luận, các tổ chức dân sự và các đảng đối lập, cũng như, sự không tán thành của cả một bộ phận chính khách đảng cầm quyền, Quốc hội Hungary đã thông qua một số sửa đổi liên quan tới việc mở rộng nhà máy điện nguyên tử ở TP. Paks, trong đó, quan trọng nhất là việc hồ sơ về dự án này sẽ bị mật hóa trong vòng 30 năm.

Một lò phản ứng hạt nhân.
Một lò phản ứng hạt nhân. lenergeek.com
Quảng cáo

Là một đại dự án đã bị chỉ trích ngay từ khi chưa được thông qua, và gần đây càng phê phán vì được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến Chính phủ Hungary theo đuổi chính sách thân thiện và gần gũi với Moscow, đi ngược lại đường lối ngoại giao chung của EU, nhưng điều khiến công luận để tâm không kém là chỉ bằng sự thiếu minh bạch này, cư dân Hungary sẽ phải trả giá cho sự "đội giá" đáng kể sau này.

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường thuật.

09:19

TTV Hoàng Nguyễn - Budapest - 05/03/2015

Một thương vụ đầu tư hết sức mờ mịt

Đầu năm ngoái, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký tại Moscow một thỏa thuận, theo đó tập đoàn Rosatom của Nga sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới - bên cạnh bốn lò cũ đã hoạt động từ vài chục năm nay - tại nhà máy điện nguyên tử ở TP. Paks. Kinh phí ước tính là 10-12 tỉ Euro, và sẽ do nguồn tín dụng Nga đảm bảo với thời hạn hoàn trả là 21 năm.

Được coi là dự án đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary, thương vụ này có nhiều cái "bất bình thường" và bị phê phán ngay từ đầu, chẳng hạn ở chỗ nó đã được "ký tắt" trong thực tế, và Quốc hội sau nhiều tháng chỉ thông qua "sự đã rồi". Bên cạnh đó, dường như quyết định đã được đưa ra mà không hề có những phân tích và nghiên cứu khả thi, và rất nhiều thứ đã được giữ bí mật trong suốt quá trình hơn 1 năm qua.

Do thiếu sự minh bạch ấy từ đầu đến cuối, nên nhiều câu hỏi do báo chí, công luận và các tổ chức dân sự Hungary đặt ra từ 2-3 năm nay đã không hề có hồi đáp thỏa đáng, như Hungary có thực sự cần lao vào một "thương vụ thế kỷ" đắt đỏ như thế không, tính khả thi và hiệu quả về mặt kinh tế - tài chính như thế nào, tác hại của nó đến môi trường ra sao, độ an toàn của công nghệ Nga đến mức nào, v.v...

Đối với phe đối lập, đại dự án mang tên "Paks 2" này được coi là sự lạm dụng quyền lực của liên minh cầm quyền, dựa vào ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội để đơn phương thông qua một quyết định đầy tranh cãi, tùy tiện, có thể dẫn tới sự phụ thuộc vào Nga một cách nguy hiểm và đẩy đất nước tới cảnh nợ nần khánh kiệt trong nhiều thập niên mà không hề có sự thảo luận hoặc tính toán sơ bộ.

Trong hơn một năm qua, mọi yêu cầu của truyền thông và công luận nhằm tìm hiểu hồ sơ Paks 2 đều bị khước từ với lý do "an ninh quốc gia". Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Seszták Miklós đề xuất "mật hóa" trong vòng 15 năm những văn bản có liên quan, nhưng vào thứ sáu tuần trước Ủy ban Lập pháp trực thuộc Quốc hội Hungary đã yêu cầu nâng gấp đôi khoảng thời gian này.

Kết quả, Quốc hội Hungary đã thông qua dự luật trên với 130 phiếu thuận và 62 phiếu chống và như vậy, công luận và báo chí Hungary trong vòng ba thập niên sẽ không được biết đến những hợp đồng doanh nghiệp liên quan tới việc thực hiện dự án đầu tư, mà cả những chi tiết về thỏa thuận Nga - Hungary, cùng những nghiên cứu và dữ liệu khả thi trong quá trình chuẩn bị cho dự án cũng đều bị "mật hóa" hoàn toàn.

Khi đưa tin về quyết định này, báo chí Hungary bình luận ngắn gọn: chỉ có thể biết tới nội dung những cuộc thương lượng với người Nga để dẫn tới "thương vụ thế kỷ" này khi hai lò phản ứng hạt nhân mới đã trải qua gần nửa "tuổi thọ" của nó, và người ký thỏa thuận về phía Hungary, Thủ tướng Orbán Viktor đã vượt quá ngưỡng bát thập!

Phản đối đến từ mọi nơi

Đảng Xã hội Hungary (MSZP), chính đảng đối lập lớn nhất ở Hungary gọi dự án Paks 2 là "vụ tham nhũng lớn nhất của mọi thời đại". Đảng cực hữu JOBBIK cho rằng "để đạt được mục tiêu tốt cũng có thể ăn cắp một khoản tiền khồng lồ", còn "Chính trị có thể khác" (LMP), một đảng theo hướng Đảng Xanh thì gọi sự "mật hóa" trong ba chục năm là một "trường hợp phản quốc công khai".

Để lý giải cho quyết định của mình, đảng cầm quyền FIDESZ cho rằng dự án Paks 2 đảm bảo an toàn năng lượng cho Hungary, do đó chỉ trích dự án tức là tấn công đất nước, và việc "mật hóa" hồ sơ dự án là vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các dân biểu phe cầm quyền khi bị truyền thông chất vấn, đều không trả lời được là yếu tố an ninh quốc gia nảy sinh ở đâu khi họ che giấu nhân dân như vậy.

Một yếu nhân của FIDESZ, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ Lázár János thì viện dẫn Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu, cho rằng luật này buộc nhà nước Hungary phải "mật hóa" như thế. Có điều, như báo chí Hungary vạch ra, đạo luật kể trên chính là do các dân biểu FIDESZ thông qua, và trong đó không hề có điểm nào qua định rằng nhà nước Hungary phải giữ kín hồ sơ một thương vụ tầm quốc gia như Paks 2.

Một lý lẽ còn được phe chính phủ đưa ra, là các công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử trên thế giới cũng đều ít “minh bạch” như Paks 2. Để trả lời, mạng tin index.hu bình luận rằng, ngày nay đa phần chỉ còn Trung Quốc và Ấn Độ là còn hay xây nhà máy điện nguyên tử, cả hai nước này đều không phải là quán quân của sự minh bạch, nếu so Hungary với họ thì tệ hại quá.

Ngoài ra, ở Châu Âu thì Anh và Phần Lan gần đây có xây nhà máy điện nguyên tử, nhưng ở cả hai nơi các công trình đều do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và trong trường hợp đó, bí mật kinh doanh mang một ý nghĩa khác hẳn so với trường hợp Hungary, khi nhà nước quyết định xây dựng nhà máy điện nguyên tử từ tiền thuế của cư dân, nên dân cần được biết và kiểm tra.

Đáng nói là ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền cũng đã có những ý kiến phản đối. Mạnh mẽ nhất là ông Illés Zoltán, cựu Quốc vụ khanh phụ trách bảo vệ môi trường, cho rằng mô hình nhà máy điện nguyên tử của Nga không thỏa mãn được các yêu cầu của EU, trong thực tế sẽ đắt hơn khoảng 30% so với trên giấy tờ, và lượng điện thừa cũng chả bán được cho ai.

Ông Illés Zoltán cũng phê phán gay gắt dự án này ở chỗ nếu đã mua công nghệ Nga thì Hungary cũng phải mua nhiên liệu Nga và điều này sẽ khiến nước Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong những thập niên sắp tới. Là người bị buộc phải rời cương vị Quốc vụ khanh cách đây ít lâu, một phần vì không bỏ phiếu tán thành dự án này, ông Illés Zoltán còn cho rằng, Paks 2 có thể sẽ bị các nội các tiếp tới của Hungary hủy bỏ.

Thiệt hại lớn do thiếu minh bạch

Một công trình nghiên cứu mới đây đã xem xét hơn hai triệu bản hợp đồng đấu thầu của Châu Âu và đi đến kết luận, ở đâu thiếu sự minh bạch, ở đó không có cạnh tranh theo nghĩa thực của từ này, và giá cả trong thực tế của một dự án sẽ bị "đội" lên ở mức đáng kể. Trường hợp dự án Paks 2 của Hungary còn trầm trọng hơn: không hề có đấu thầu và công luận đã hoàn toàn bị gạt ra ngoài ngay từ quá trình chuẩn bị!

Trong thương vụ này, các chuyên gia thống nhất rằng khả năng "hồi vốn" là không đáng kể, vì nguy cơ tham nhũng là rất lớn, và chỉ riêng việc thiếu minh bạch đã khiến tổng giá trị đầu tư có thể tăng 8%. Đó là chưa kể những rủi ro khác trong quá trình thực hiện dự án, mà một số yếu tố đã được báo chí Hungary điểm qua.

Song song với việc chính phủ Hungary quyết định "mật hóa" hồ sơ Paks 2, có tin Bruxelles cũng có thể phủ quyết hoặc đưa ra những khoản tiền phạt lớn khiến Paks 2 sẽ bất thành. Cho dù trước đây Ủy ban Châu Âu không phản đối dự án Nga - Hungary này, nhưng Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu (Euratom) và Ủy ban Cạnh tranh Châu Âu thì vẫn chưa “gật đầu” cho bản hợp đồng, và có thể họ sẽ không cho phép.

Trong khi đó, tổ chức mang tên CLB Năng lượng Hungary thì cho rằng, Hungary chắc chắn được đảm bảo về điện từ nay cho tới năm 2030, mà không cần mở rộng nhà máy điện nguyên tử TP. Paks. Như thế, theo các tính toán, trong hoàn cảnh hiện tại, nước Hungary không hề bị buộc phải quyết định một cách vội vàng, mà vẫn còn quá đủ thời gian để bình tâm xem xét về hiệu quả kinh tế và để công luận có điều kiện trao đổi, thống nhất.

Xét về tổng thể, mới đây, một cuộc thăm dò dư luận do Viện Medián thực hiện cho thấy 60% số người được hỏi phản đối Paks 2 vì những lý do an ninh, an toàn năng lượng, nguy cơ tham nhũng và nỗi lo Hungary sẽ phụ thuộc vào Nga. Bên cạnh đó, 66% cho rằng Hungary nên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay cho năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên, Paks 2 được coi là một trong những điểm cốt yếu mà Hungary và Nga “cần đến nhau” trong chuyến công du Budapest vừa rồi của Tổng thống Vladimir Putin. Phía Hungary rất cần Nga cho đại dự án này vì những khả năng “làm ăn” béo bở, ngược lại, Nga cũng cần đến Hungary vì đây là quốc gia EU duy nhất nhờ đến tín dụng của Moscow và dùng tiền ngân sách trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Chính phủ Hungary sẽ xoay sở ra sao để hóa giải những mâu thuẫn ấy, và để tránh cho nước Hungary những nguy cơ, những rủi ro mà không ít người cho là "nhỡn tiền"? Câu hỏi đó, chắc sẽ được trả lời trong vòng vài năm tới, khi dự án thực sự được đưa vào tiến hành ở khâu thi công xây dựng...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.