Vào nội dung chính
CHÂU ÂU-NGOẠI GIAO

Châu Âu xét lại chính sách lân bang sau sai lầm Ukraina

Vào hôm 04/03/2015, Liên Hiệp Châu Âu đã khởi động việc duyệt xét lại « chính sách lân bang » của mình đối với 16 quốc gia có biên giới với Châu Âu. Chính bà Federica Mogherini, nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu đã loan báo quyết định trên nhân một cuộc họp báo tại Bruxelles.

Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini, trong buổi họp báo ngày 05/03/2015.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini, trong buổi họp báo ngày 05/03/2015. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Chính sách lân bang là cách thức quản lý các mối quan hệ của Liên Hiệp Châu Âu với các láng giềng khác nhau, từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở phía đông cho đến các nước xung quanh Địa Trung Hải.

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, dù không thú nhận một cách rõ ràng, nhưng việc duyệt xét lại này bắt nguồn từ việc rút tỉa kinh nghiệm sai lầm trong chính sách áp dụng với Ukraina, vốn đã động chạm đến Nga, dẫn đến cuộc chiến hiện nay.

"Châu Âu muốn áp dụng một chính sách linh hoạt hơn, thích ứng hơn với đặc thù của từng nước, trên cơ sở một mối quan hệ bình đẳng, không chỉ tập trung vào thương mại và nhập cư, mà còn chú ý đến các vấn đề an ninh và năng lượng.

Nhưng nói rằng cách tiếp cận dùng cho đến nay không tốt, thì đó là điều mà giới lãnh đạo Châu Âu không thừa nhận, cũng như là họ không công nhận là chính cách thức đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu với Ukraina trước đây – bắt nguồn từ chính sách lân bang hiện hữu - đã có những tác động tiêu cực.

Theo các quan sát viên phê phán nhất, chính các thỏa thuận với Ukraina, làm khủng hoảng bùng lên vào tháng 11/2013, là một ví dụ điển hình về cách áp dụng chính sách lân bang một cách máy móc, không chú ý đến các tác động địa chính trị, cụ thể đến quan hệ Nga-Ukraina.

Việc duyệt lại chính sách lân bang có thể là bước đầu của tiến trình công nhận sai lầm trong quá khứ, nhưng cần phải xem là liệu điều đó có giúp phục hồi các công trình hợp tác cho đến nay thường bế tắc, chẳng hạn như với một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.