Vào nội dung chính
NGA

Cái chết của Nemtsov : Những giới hạn của đối lập Nga

Sự kiện nhân vật đối lập hàng đầu của Nga Boris Nemtsov bị bắn chết giữa thủ đô Matxcơva cách nay 3 ngày vẫn là đề tài để bàn luận nhiều của báo chí Pháp cũng như của nhiều nhà bình luận, chuyên gia về Nga. Nhật báo La Croix có bài về thực trạng đối lập Nga dưới thời Tổng thống Putin. Bài viết của Anna Colin Lebedev, nhà nghiên cứu chính trị tại Trường cao học khoa học xã hội Pháp (EHESS) đặt câu hỏi làm tựa : "Còn lại gì trong đối lập Nga?"

Biểu tình chống chiến tranh tại Matxcơva vào thời điểm quân đội Nga can thiệp tại bán đảo Crimée, 15/03/2014.
Biểu tình chống chiến tranh tại Matxcơva vào thời điểm quân đội Nga can thiệp tại bán đảo Crimée, 15/03/2014. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Mặc dù hình ảnh các cuộc tuần hành lớn tại Matxcơva thu hút hơn 50 nghìn người tham gia hôm Chủ nhật đã gây ấn tượng mạnh, nhưng theo đánh giá của chuyên gia Anna Colin Lebedev, đối lập Nga chỉ có ảnh hưởng hạn chế đối với công luận nước này.

Tác giả điểm lại những gương mặt đối lập Nga kể từ khi ông Putin lên làm tổng thống. Tất nhiên Boris Nemtsov là người nổi bật nhất, bởi trước khi trở thành đối lập ông từng nằm trong tốp đầu của bộ máy quyền lực Nga dưới thời Boris Eltsin. Nhiều chính khách cùng thế hệ của Nemtsov như Mikhail Kassianov và Vladimir Ryzhkov từ những năm 2000 đã tách ra trở thành đối lập với V. Putin. Rồi gần đây khi ông Putin chuẩn bị trở lại nắm quyền lần thứ hai thì nổi lên nhân vật Alexis Navalny. Tác giả bài viết cho biết, bên cạnh những nhân vật đối lập nêu trên, người ta còn thấy ở nước Nga nhiều tên tuổi lớn trong giới trí thức hay truyền thông….

Trở lại cuộc biểu tình hôm Chủ nhật tại Matxcơva, tác giả ghi nhận đây là một thành công của đối lập Nga. Thế nhưng có điều chắc chắn là tiếng nói của đối lập chỉ đến được với người dân thành thị hay giới trí thức tiếp cận thường xuyên với internet. Theo tác giả, qua con số 80% dư luận Nga vẫn ủng hộ chính sách của V. Putin người ta có thể đo được sức nặng của đối lập Nga là thế nào.

Họ bị các đối thủ cầm quyền tại Kremlin chỉ mặt gọi là « đội quân thứ 5 làm tay sai cho Phương Tây », hoặc bị gán ghép với những ngôn từ lăng mạ.

Vẫn theo tác giả bài báo : Sau khi được khẳng định dưới thời Boris Eltsine, đối lập Nga đầu những năm 2000 bị đánh bật khỏi trò chơi dân chủ. Giờ đây đối lập đang gặp phải hàng loạt trở ngại : Bị kìm hãm về mặt thể chế, pháp lý cho đến quyền được tiếp cận thông tin đại chúng. Ở Nga, những nhà đối lập với chính quyền không bao giờ được mời lên phát biểu chính kiến hay trên truyền hình, phương tiên thông tin của 90% người Nga.

Trước các trở ngại như vậy, cộng với hình ảnh lu mờ dần, đối lập Nga đổi chiến thuật quay sang tìm cách cắm chân chính trị ở cấp địa phương và tập trung vào các chủ đề mang tính xã hội và kinh tế như đấu tranh chống tham nhũng.

Không khí hận thù , nguyên nhân dẫn đến cái chết của Boris Nemtsov

Vẫn trên sự kiện này, nhật báo le Monde cũng trở lại cuộc biểu tình của hơn 50 nghìn người Matxcơva để tưởng niệm Boris Nemtsov bị sát hại với khía cạnh khác. Tờ báo cho biết, người biểu tình đã lên án cách thức tuyên truyền của chính quyền Putin đã gây không khí thù hận và gián tiếp dẫn đến cái chết đáng ngờ của nhân vật đối lập hàng đầu ở Nga.

Le Monde dẫn lời một phụ nữ trong đoàn biểu tình nói rằng « Tổng thống Vladimir Putin là ngườu chịu trách nhiệm, bởi chính ông ta đã tạo nên bầu không khí thù hận », chính vì thế mà Boris Nemtsov bị giết hại.

Trong khi đó xã luận le Monde khẳng định thêm : « Bầu không khí bè cánh, không khoan dung, dối trá, trấn áp và bạo lực chính trị đã đần dần thiết lập nên ở Nga để cho đến giờ đối lập chỉ còn là một hình thức: Giờ đây, làm người đối lập ở Nga là phải hết sức can đảm và liều mạng. Những người chịu trách nhiệm thực sự trong vụ sát hại Boris Nemtsov là những người đã cố tình tạo ra bầu không khí hận thù đó ».

Hậu quả chính sách một con của Trung Quốc

Chính sách một con duy nhất, biện pháp khắc nghiệt để kiềm chế tăng dân số giờ đây đang để lại những hậu quả lâu dài về mặt kinh tế xã hội của Trung Quốc. Đó là nội dung bài viết trên Le Figaro mang tựa đề « Trung Quốc trong bẫy dân số ». Theo bài báo mặc dù chính sách một con duy nhất đã được điều chỉnh cho mềm dẻo hơn, nhưng chính sách đã để lại hậu quả nhãn tiền : Tình trạng lão hóa dân số đang ngày càng trầm trọng. Trong vòng 3 năm liên tiếp gần đây, số lượng người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã giảm 3,7 triệu người và cứ cái đà này đến năm 2050, theo ước tính sơ bộ của Liên hiệp quốc, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc thay vì 10% ở năm 2000. Đi kèm theo thực trạng này sẽ là những khó khăn chi phí cho chính sách xã hội và xa hơn có thể gây bất ổn chính trị. Le Figaro nhận định, hiện tượng này đang là một quả bom dân số nổ chậm đối với Bắc Kinh. Đến giờ thì chính quyền có khuyến khích thì cũng không mấy cặp vợ chồng dân thành thị muốn có thêm con thứ 2.

Ấn Độ : Triệt sản nữ , một chủ trương nhiều hệ lụy

Nhật báo Công giáo La Croix trên chuyên mục Khoa học và đạo đức, có bài viết mang tiêu đề : « Tại Ấn Độ, những chuệch choạc của chính sách triệt sản ».

Tờ báo đề cập đến tình trạng triệt sản ở phụ nữ vẫn là biện pháp tránh thai chủ yếu ở Ấn Độ nhằm giảm tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước có số dân đông thứ 2 hành tinh này. Nhưng cách làm chạy theo con số của các cấp chính quyền đã để xảy ra những biến thái tiêu cực về cả mặt đạo đức cũng như y học gây nguy hại đến tính mạng của nhiều phụ nữa, đặc biệt những phụ nữ vùng nông thôn nghèo khổ

Theo La Croix, đến năm 2018, Ấn Độ sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới. Chỉ trong thập niên từ 2001 đến 2011, dân số nước này đã tăng 17,6% đạt con số hơn 1, 2 tỷ người. Để kiểm soát tỷ lệ sinh đẻ, chính phủ Ấn vẫn tiếp tục khuyến khích áp dụng phương pháp hiệu quả và đơn giản là triệt sản. Trong xã hội còn nhiều định kiến trọng nam khinh nữ như xã hội Ấn Độ, đối tượng triệt sản vẫn chủ yếu nhằm vào phụ nữ dù phương pháp thắt ống dẫn tinh đơn giản hơn nhưng lại ít được áp dụng. Nguy hiểm hơn, trong điều kiện hệ thống y tế tồi tệ như ở nông thôn Ấn Độ, triệt sản đại trà đã và đang gây nhiều nguy hiểm cho tính mạng cho phụ nữ. Gần đây đã xảy ra nhiều vụ hàng chục phụ nữ Ấn Độ bị chết trong do bị huy động đi triệt sản để bảo đảm chỉ tiêu con số do chính quyền đề ra. Để đạt được tỷ lệ giảm sinh, chính quyền nhiều địa phương Ấn Độ không từ một cách thức nào từ cưỡng bức, khuyến khích bằng tiền ( thưởng ba chục đô la cho một người đi triệt sản), cho đến các hình thức phạt như các gia đình có hơn hai người con không được hưởng các trợ cấp xã hội.

Nhưng theo La Croix các biện pháp triệt sản như vậy không làm giảm tỷ lệ tăng dân số của Ấn Độ. Điều quan trọng là chính phủ phải cải thiện hệ thống y tế cùng các chính sách xã hội.

Trung Quốc tuyên chiến với các công ty công nghệ nước ngoài

Chuyển qua một đề tài khác liên quan đến Trung Quốc. Nhật báo Les Echo có bài đáng chú ý : « Bắc Kinh chọc gậy bánh xe công nghệ Mỹ ».

Les Echos đề cập đến việc gần đây Bắc Kinh liên tục đưa a các điều chỉnh chính sách nhằm gây khó dễ cho các tập đoàn nước ngoài. Tờ báo đặt câu hỏi liệu có phải đó là chỉ là sự cảnh giác chính đáng hay đơn giản chỉ là chủ nghĩa bảo hộ trá hình ?

Bài viết ghi nhận, nhiều tháng nay, Bắc Kinh liên tục điều chỉnh thắt chặt quy định gây khó cho nhiều công ty ngoại quốc trong lĩnh vực công nghệ mà nạn nhân hàng đầu là các tập đoàn lớn của Mỹ.

Lấy thí dụ như cuối tháng Giêng vừa qua, Bắc Kinh ra quy định mới yêu cầu các công ty bán thiết bị tin học cho các ngân hàng Trung Quốc phải giao mã nguồn của hệ thống máy tính. Đây là điều không phù hợp với nguyên tắc bản quyền sở hữu trí tuệ. Hay có những quy định buộc các nhà cung cấp thiết bị mở trung tâm nghiên cứu và phát triển trên lãnh thổ Trung Quốc …. Les Echos cũng nhắc lại gần đây hàng loạt các công ty nước ngoài đã phải nộp phạt hàng tỷ đô la vì bị quy kết vi phạm quy định cạnh tranh.

Nguyên nhân sâu xa của các quy định như vậy , theo les Echos, là Bắc Kinh muốn co hẹp thị trường công nghệ thông tin của các công ty nước ngoài để dành thị phần cho các công ty Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh sau nhiều năm nằm trong bóng các nhà đầu tư ngoại quốc. Nhưng lý do chính quyền đưa ra là để đối phó với hiện tượng gián điệp thông tin của Hoa Kỳ mà vụ Edward Snowden là điển hình. Người Trung Quốc cũng đưa ra lập luận rằng các công ty tin học của Trung Quốc như Hoa Vi cũng từng bị làm khó trong các dự án trên đất Mỹ thì ngược lại những gì đang diễn ra với các công ty Mỹ ở Trung Quốc hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

Les Echos thì nhận định đây chẳng qua là một hình thức bảo hộ mà nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin cao cấp thì chẳng cứ gì Trung Quốc, các nước như Hoa Kỳ, Anh Pháp đều có biện pháp, có điều cách làm của họ kín đáo hơn.

Trang nhất các báo Pháp

Các tờ báo chính ra sáng nay tại Pháp đưa lên trang nhất các đề tài đề khá tản mạng. Le Monde chú trọng vào chủ đề quốc tế với mối quan hệ rạn nứt giữa Israel và Hoa Kỳ : « Obama –Nétanyahou : Vụ ly dị lớn », nhân chuyến công du tới hoa Kỳ củaThủ tướng Israel theo lời của đảng Cộng hòa.

Tờ báo cũng trở lại cuộc tuần hành tại Nga sau vụ ám sát nhân vật đối lập nổi tiếng của Nga Boris Nemtsov với nhận định « biểu tình tại Matxcơva, giữa nỗi phẫn nộ và sự cam chịu ». Le Figaro quan tâm đến vấn đề trong nước với đề tài : Các trường học tại Pháp đang đối mặt với một thực tế khó khăn đó là sau các vụ tấn công khủng bố ngày càng có nhiều học sinh tin vào giả thuyết cho rằng đó là các vụ việc được dàn dựng phục vụ cho một âm mưu nào đó của một số người. Trung Quốc cùng những hệ lụy của chính sách một con duy nhất với hàng tựa : Trung Quốc trong cái bẫy của chính sách một con duy nhất. Chuyển qua La Croix, sự kiện của tờ báo Công giáo này ghi nhận : Người Pháp đã quen với Vigipirate, biện pháp thắt chặt kiểm soát an ninh đặc biệt để chống khủng bố, được đưa ra từ năm 2005. Có điều giờ đây, Vigipirate đã trở thành biện pháp quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Pháp.

Libération thì chạy tựa trang nhất : "Cái giá của can đảm” để đề cập đến một thực tế những người tiết lộ thông như kiểu như nhân vật Julian Assange, ở Pháp không thiếu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có điều, những người phát giác thông tin cảnh báo thường cô độc, không được bảo vệ, đôi khi họ phải trả giá đắt bằng chính cuộc sống của mình.

Xã luận báo Libération nêu thực tế đáng suy nghĩ : Ở Mỹ, người ta sẵn sàng bảo vệ những ai tố cáo các vụ lạm dụng tài chính để cơ quan thuế có thể thu lại hàng tỷ đô la. Nhưng khi động đến vấn đề an ninh Nhà nước, người phát giác trở thành ngay kẻ phạm tội. Ở Pháp, các trình tự bảo vệ người phát giác vừa phức tạp, nhưng lại không đầy đủ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.