Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU PHI

Trung Quốc ngăn chặn dự án trừng phạt Sudan của Mỹ tại LHQ

Trung Quốc vào hôm qua, 27/02/2015, đã chống lại một dự án nghị quyết của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, muốn trừng phạt Nam Sudan. Trung Quốc giải thích rằng việc trừng phạt sẽ phản tác dụng trong lúc các phe lâm chiến thương lượng hòa bình.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khai mạc phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại New York ngày 23/2/2015.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khai mạc phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại New York ngày 23/2/2015. REUTERS/Mike Segar
Quảng cáo

Hôm thứ Ba, Hoa Kỳ đã đưa ra Hội đồng Bảo an một văn bản dự trù trừng phạt những phe lâm chiến ở Nam Sudan đang bị nội chiến tàn phá. Văn bản đề xuất việc phong tỏa tài sản và cấm xuất cảnh thủ phạm các vụ truy bức, giết hại dân chúng, cản trở trợ giúp nhân đạo. Nhưng danh sách những kẻ bị trừng phạt sẽ do một ủy ban lập ra.

Đối với ông Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi), Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, các cuộc thương lượng hòa bình giữa hai phe tranh chấp ở Nam Sudan, phe của Tổng thống Salva Kiir và phe cựu Phó Tổng thống Riek Machar đang trong một giai đoạn tế nhị, do đó việc trừng phạt hay đe dọa trừng phạt sẽ làm tình hình phức tạp thêm.

Phát biểu trước báo chí, Đại sứ Trung Quốc nêu câu hỏi : « Họ đang đàm phán. Áp đặt trừng phạt là gởi đến họ tín hiệu gì, tốt hay xấu, trong khi hai bên đã giải quyết đến 90% các bất đồng. 10% còn lại là trên vấn đề phân chia quyền hạn, rất tế nhị ».

Theo AFP, từ hơn một năm qua hai phe lãnh đạo nói trên ở Nam Sudan đã mở một cuộc chiến tàn khốc để tranh giành quyền lực. Hội đồng Bảo an đã nhiều lần đe dọa trừng phạt, Mỹ cũng đưa ra trừng phạt song phương, nhưng mọi nỗ lực đều vô hiệu.

Từ hôm thứ Hai đầu tuần này, đàm phán hòa bình được nối lại ở Addis Abeba (Ethiopia), các nhà trung gian hòa giải xem đấy là cơ may cuối cùng. Hai phe có thời hạn đến ngày 05/03 để chia sẻ quyền hạng trong một chính phủ chuyển tiếp.

Trung Quốc đã đầu tư khai thác dầu hỏa ở Nam Sudan và bị thiệt hại không ít do cuộc nội chiến tại đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.