Vào nội dung chính
UKRAINA -CHÂU ÂU

Crimée, cái gai trong quan hệ giữa Nga và phương Tây

Sự kiện Nga thôn tính bán đảo Crimée, thu tóm lại thành phố cảng Sébastopol tháng 2/2014 gây ra một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong quan hệ giữa Matxcơva với các nước phương Tây từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Với cảng Sébastopol, hải quân Nga tăng cường hiện diện ở Hắc Hải và dễ tiếp cận với Địa Trung Hải hay Trung Đông.

Tàu chiến Nga tại cảng Sébastopol - Crimée. Ảnh ngày 09/05/2014.
Tàu chiến Nga tại cảng Sébastopol - Crimée. Ảnh ngày 09/05/2014. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Ngày 18/03/2014 tổng thống Putin ký hiệp định lịch sử, thâu tóm bán đảo Crimée của Ukraina. Crimée và nhất là cảng Sébastopol, mở ra những vùng biển ấm áp cho các hạm đội của Nga, vốn liên tục hiện diện trong vùng từ thế kỷ thứ XVIII.

Crimée nổi tiếng là một vùng đất thanh bình, trù phú, với những thành phố ven biển đã đi vào huyền thoại, như Yalta. Đây chính là nơi các nhà lãnh đạo của Liên Xô, Mỹ và Anh năm 1945 đã từng định đoạt vận mệnh của châu Âu sau Thế Chiến thứ Hai.

Năm 1954 chủ nhân điện Kremli Nikita Khrouchtchev, gốc Ukraina, đã trao lại mảnh đất này cho Kiev. Món quà tặng đó đã liên tục là cái gai trong quan hệ giữa Ukraina với các nhà cầm quyền tại Matxcơva sau ngày Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991. Ngày 27/02/2014 khi phe thân Nga chiếm đóng trụ sở Quốc hội Crimée, thì một lần nữa vùng đất yên bình này lại khuấy động quan hệ giữa nước Nga của tổng thống Putin với các đối tác phương Tây. Châu Âu và Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt Nga phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Nhìn từ Matxcơva, việc giành lại Crimée từ tay Ukraina là một điều dễ hiểu bởi quá khứ lịch sử, và bởi đó cũng là nguyện vọng của đại đa số dân cư tại bán đảo này.

Khi còn thuộc chủ quyền của Ukraina, Crimée là một vùng tự trị, có Hiến pháp riêng, có một chính phủ và Quốc hội riêng. Quy chế tự trị đó đã được chính quyền Kiev công nhận từ năm 1992, với mục tiêu dập tắt những ý đồ ly khai tại một vùng đất mà đa số là người nói tiếng Nga, 59 % dân số là người Nga. Người Ukraina chỉ chiếm 24 % trên tổng số hơn 2 triệu dân, và 12 % dân cư địa phương là người Tatar, theo đạo Hồi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.