Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Chống biến đổi khí hậu, thách thức ngày càng lớn

Chuyến viếng thăm Philippines của tổng thống Pháp François Hollande cũng chính là nhằm thúc đẩy công cuộc chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh vào tháng 12 năm nay, Paris sẽ đón tiếp hội nghị thề giới về khí hậu, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. Cuộc vận động này càng cấp thiết vì ngày càng có nhiều dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng nhiệt độ trên hành tinh chúng ta.

Reuters
Quảng cáo

Tháng 01/2015, tháng Giêng thứ hai nóng nhất từ năm 1880

Tháng 01/2015 đã là tháng Giêng thứ hai nóng nhất được ghi nhận kể từ khi người ta bắt đầu ghi các nhiệt độ Trái đất vào năm 1880. Đó là thông báo của Cơ quan đại dương và khí quyển của Mỹ ( NOAA ) đưa ra ngày 19/02 vừa qua.

Theo cơ quan NOAA, nhiệt độ trên toàn bộ bề mặt Trái đất, tức là trên đất liền cũng như trên đại dương, trong tháng Giêng vừa qua cao hơn 0,77 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Kỷ lục về nhiệt độ trong tháng Giêng trong khoảng thời gian 1880-2015 đã từng đạt được vào năm 2007.

Còn nhiệt độ trung bình riêng trên bề mặt đất liền tháng Giêng 2015 là nhiệt độ cao thứ hai, tức là cao hơn 1,43 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Trên bề mặt đại dương, nhiệt độ tháng Giêng 2015 là mức cao thứ ba tính từ năm 1880.

Như vậy là nhiệt độ tháng 01/2015 đã xác nhận xu hướng bầu khí quyển Trái đất đang nóng lên, được ghi nhận trong những tháng qua, bởi vì gần đây chính cơ quan NOAA cho biết là 2014 đã là năm nóng nhất kể từ năm 1880.

Kỷ lục về nhiệt độ nóng của năm 2014 càng khẳng định dự báo của các nhà khoa học theo đó, từ đây đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trên Trái đất sẽ tăng thêm từ 4 đến 5 độ C. Hậu quả là nhiều thiên tai dữ dội sẽ ập đến, mực nước biển sẽ dâng cao, an ninh lương thực của nhân loại bị đe dọa và nhiều đợt di dân ồ ạt sẽ diễn ra. Trước nguy cơ đó, nhân loại bắt buộc phải tìm đủ mọi cách để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất, chủ yếu bằng cách giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính.

Hội nghị Paris đối diện với nhiều thách đố

Hội nghị thế giới về khí hậu tại Paris cuối năm nay là nhằm đạt đến một hiệp định thay thế nghị định thư Kyoto cho thời kỳ sau năm 2020. Mục tiêu của hiệp định mới là làm sao cho nhiệt độ Trái đất tăng tối đa là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện giờ, so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ hành tinh của chúng ta đã cao hơn 0,8 độ C.

Nói chung, toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều nhìn nhận tính chất khẩn cấp của vấn đề và ai cũng đồng ý với dự báo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu GIEC trong báo cáo năm 2014. Nhưng hiện nay, các nước vẫn mặc cả gay go với nhau về các phương tiện huy động và về phân chia trách nhiệm trong việc chống biến đổi khí hậu.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Các nước đang phát triển phải chia sẻ gánh nặng đến mức nào ? Làm sao bảo đảm được nguồn tài chính đã hứa cho các nước này để vừa đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu, vừa hạn chế biến đổi khí hậu ? Phải yêu cầu những nỗ lực nào từ các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc hay Ấn Độ, những nước mà mức khí thải gây hiệu ứng lồng kính đang gia tăng nhanh chóng.

Các quốc gia đang được yêu cầu thông báo mức đóng góp tài chính cho việc giảm lượng khí thải. Liên hiệp quốc đã đề nghị là mức đóng góp này phải được thông báo trước cuối tháng 3, nhưng có thể sẽ có rất ít nước làm theo đề nghị đó, còn đa số sẽ đợi đến tháng 6. Dầu sao, thời hạn cuối cùng đã được quy định là 01/10/2015.

Kế hoạch của châu Âu giảm tiêu thụ năng lượng

Cũng để nhằm bảo đảm cho thành công của hội nghị Paris, Uỷ ban châu Âu ngày 25/02 vừa qua đã công bố những biện pháp nhằm giảm bớt hóa đơn mua năng lượng của Liên hiệp châu Âu và giảm bớt sự phụ thuộc vào nước Nga về mặt năng lượng.

Khi trình bày cho báo chí kế hoạch nói trên, ủy viên châu Âu đặc trách năng lượng và khí hậu Arias Canete cho biết là là mỗi năm Liên hiệp châu Âu chi ra 1 tỷ euro để mua nhiên liệu hóa thạch ( dầu và khí ).

Hiện giờ, Liên hiệp châu Âu phải nhập hơn phân nữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Hơn 90% phương tiện vận chuyển của khối này còn sử dụng xăng dầu, trong đó có đến 90% nhập từ nước ngoài. Trong năm 2014, Liên hiệp châu Âu vẫn còn nhập đến 53% lượng dầu khí tiêu thụ, với giá tổng cộng 400 tỷ euro. Một phần quan trọng lượng dầu khí này là do Nga cung cấp.

Để giảm bớt sự phụ thuộc này, một trong những kế hoạch đề ra là thành lập Liên hiệp Năng lượng. Cơ chế này sẽ bảo đảm sự an toàn của các nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu, bảo đảm sự lâu dài của các nguồn cung cấp này và nâng cao sức cạnh tranh của các công ty châu Âu.

Bò cũng phải giảm bớt khí thải

Tại Pháp, nông nghiệp được xem là nguồn thải ra 21% lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính và phân nữa lượng khí thải của nông nghiệp là từ những con bò, theo Trung tâm nghiên cứu về ô nhiễm không khí ( CITEPA ).

Bò là loài ăn cỏ và loài nhai lại. Sự lên men tự nhiên trong bụng của bò tạo ra chất méthane, và mỗi lần ợ lên, bò lại thải ra chất khí này. Trước đây người ta vẫn tưởng nhầm là khí này phát ra khi bò đánh rắm.

Hiện giờ thì không có cách gì làm thay đổi tiến trình tự nhiên đó trong cơ thể bò. Có người chủ trương là nên bớt ăn thịt, thậm chí đừng ăn thịt nữa, để giảm bớt lượng khí thải từ chăn nuôi bò. Nhưng các nhà chăn nuôi và các nhà khoa học đang tìm cách giúp cho bò tiêu hóa tốt hơn bằng cách đưa vào một số chất vào lương thực của bò, qua đó giảm lượng khí méthane.

Các nhà chăn nuôi cũng đang tính đến chuyện tăng lượng sữa vắt từ 5.000 lít mỗi con bò lên 7.500 lít, đồng thời đưa ngay vào lò mỗ những bò sữa nào không còn sản xuất nhiều sữa nữa, như vậy gián tiếp giảm số bò sữa.

Các nhà chăn nuôi bò của châu Âu vào năm 2013 đã khởi xướng một chương trình gọi là « Carbon dairy », với mục tiêu từ đây đến 10 năm nữa giảm 20% lượng khí thải từ loài gia súc này. Các nhà chăn nuôi bò thịt cũng đã ra một sáng kiến tương tự.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.