Vào nội dung chính
UKRAINA - KHỦNG HOẢNG

Ukraina : Kỷ niệm một năm chính biến Maidan

Trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn tại một số địa điểm chiến lược ở miền đông Ukraina, Kiev hôm qua, 20/02/2015, kỷ niệm một năm cuộc cách mạng đưa một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Trong khi đó, tại Matxcơva, phong trào chống Maidan cũng tổ chức một cuộc biểu tình lớn.

Ngày 20/2/2015, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko ( thứ 3 bên phải) cùng vợ và con thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân trong chính biến tại quảng trường Độc lập của Kiev đúng một năm trước.
Ngày 20/2/2015, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko ( thứ 3 bên phải) cùng vợ và con thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân trong chính biến tại quảng trường Độc lập của Kiev đúng một năm trước. REUTERS/Valentyn Ogirenko
Quảng cáo

Hàng nghìn người Ukraina đã tụ về quảng trường Độc lập ở trung tâm thành phố, được thế giới biết đến với tên gọi « Maidan ». Đường phố, nơi những người biểu tình bị cảnh sát bắn ngã, tắm trong ánh sáng màu đỏ, những màn hình khổng lồ cho thấy hình ảnh của một vài trong số khoảng một trăm người được coi là đã thiệt mạng trong những ngày cách nay một năm, trong phong trào phản kháng lật đổ Tổng thống Yanukovytch được Nga ủng hộ.

Bài diễn văn của Tổng thống Porochenko nhấn mạnh đến chính biến Maidan như một « cuộc cách mạng đầu tiên », « chiến thắng vinh quang đầu tiên » kể từ khi đất nước độc lập. Ông Porochenko cũng khẳng định chính Vladislav Sourkov, một trong các cố vấn có ảnh hưởng nhất đến Tổng thống Nga Putin, đã đưa « những tay súng bắn tỉa » đến hạ sát nhiều người biểu tình.

Tổng thống Ukraina lên án chính quyền Nga tiếp tục đưa xe tăng và tên lửa vào miền đông nhằm trói buộc Ukraina trong vòng ảnh hưởng.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Porochenko đã vinh danh « những anh hùng dân tộc » và nhắc lại các mục tiêu của cách mạng : Hiện đại hóa đất nước và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Ukraina. Tổng thống Ukrain Petro Porochenko cũng yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu để ngỏ các cánh cửa cho Ukraina để giúp cho dân chúng có những viễn cảnh tương lai.

Theo thông tín viên Sébastian Gobert từ Kiev, khi vừa tới trung tâm Kiev, ông Porochenko đã bị nhiều người trong đám đông la ó. Không khí hôm nay không có gì vui. Một năm sau cuộc cách mạng Maidan, các thay đổi vẫn còn xa vời. Một trong các ví dụ là thủ phạm của các bạo lực trong thời gian cách mạng vẫn chưa bị bắt giữ, xét xử và trừng phạt.

Cùng lúc với dịp kỷ niệm một năm chính biến Maidan, phong trào chống Maidan cũng tổ chức một cuộc tập hợp. Từ nhiều tháng nay, các phương tiện truyền thông nằm trong tay chính quyền không ngừng giải thích với người Nga là các cuộc « cách mạng màu » là nhân tố mang lại các thảm kịch, với những ví dụ như những biến cố đẫm máu tại Ukraina.

Thông tín viên Muriel Pomponne từ Matxcơva cho biết, những người lãnh đạo biểu tình hôm nay khẳng định cuộc biểu tình là do xã hội dân sự tự tổ chức. Tuy nhiên, theo một số báo chí Nga, chính quyền địa phương nhiều nơi đã cử người đến tham gia cuộc biểu tình. Nhiều viên chức, công chức cũng được yêu cầu tham gia. Về mặt chính thức, đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin không tham gia cuộc tuần hành, nhưng đảng này ủng hộ phong trào chống Maidan.

Kiev tố cáo Nga đưa xe tăng vào gần Marioupol

Theo người phát ngôn quân đội Ukraina Andryi Lissenko, hôm qua, hơn 20 xe tăng và nhiều xe chở binh lính Nga đã vượt biên giới tiến đến Novoazovsk. Đây là một địa điểm nằm sát Marioupol, thành phố cảng chiến lược miền đông, đô thị lớn duy nhất của vùng Donbass hiện còn nằm trong tay quân chính phủ. Marioupol rất có thể sẽ là đích tấn công sắp tới của phe ly khai.

Theo các nhà quan sát, nếu điều này là đúng, đây chắc chắn là dấu hiệu cho thấy sự tan vỡ của thỏa thuận đình chiến Minsk 2, ngày 12/02. Matxcơva không đáp lại cáo buộc này. Một phát ngôn viên khác của quân đội Ukraina cũng cho biết, hôm qua, trong vòng 24 giờ, phe ly khai đã tấn công 49 lần vào quân chính phủ.

Tại Debaltseve, tình hình được ghi nhận là rất thê thảm sau chiến sự, với nhà cửa đa số bị hủy hoại, phố xá đầy xe cộ cháy đen. Theo đặc phái viên của RFI Régis Genté, cứu trợ nhân đạo bắt đầu tới nơi, những thường dân bắt đầu rời khỏi nơi ẩn náu đi tìm thực phẩm. Trong nhiều ngày nay, các cư dân Debaltseve bị kẹt giữa hai làn đạn buộc phải sống trong tình trạng không điện, không khí đốt, không nước.

Hội kiến Paris về Ukraina thứ ba tới

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk hôm qua thông báo tham vấn ý kiến của các lãnh đạo Châu Âu về « các biện pháp sắp tới » của Liên Hiệp Châu Âu nhằm phản ứng lại việc thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông bị vi phạm. Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tái khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk, ba ngày sau khi phe y khai chiếm được Debaltseve. Thứ Ba tới lãnh đạo ngoại giao Pháp, Đức, Nga và Ukraina sẽ họp tại Paris để thảo luận về tình hình xung đột. Ukraina cũng là chủ đề trung tâm của cuộc hội kiến, hôm nay tại Luân Đôn, giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ với đồng nhiệm Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.