Vào nội dung chính
HY LẠP - ĐỨC - CHÂU ÂU

Đức bác bỏ đề nghị của Hy Lạp muốn triển hạn hỗ trợ tài chính

Hôm nay 19/02/2015, Bộ trưởng Tài chính Đức tuyên bố bác bỏ yêu cầu của Hy Lạp đề nghị các nước khu vực đồng euro triển hạn hỗ trợ tài chính, sau đề nghị ngày hôm qua của Athenes.  

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (P) và đồng nhiệm Đức Wolfgang Schaeuble trong cuộc họp báo ở Berlin, ngày 05/02/2015
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (P) và đồng nhiệm Đức Wolfgang Schaeuble trong cuộc họp báo ở Berlin, ngày 05/02/2015 REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Trong thông điệp của người phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Đức có đoạn : « Thông điệp từ Athenes không phải là một đề xuất để đi đến một giải pháp thực thụ. (…) Trên thực tế, với đề nghị này, Hy Lạp một mặt muốn đạt được một khoản tài trợ trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng mặt khác, không phải thực hiện các đòi hỏi của chương trình tín dụng ». Người phát ngôn của Bộ Tài chính Đức kết luận : « Đề nghị của Hy Lạp không đáp ứng các đòi hỏi đã được các nước vùng euro xác định hôm thứ Hai vừa rồi ».

Ngay từ hôm qua, thứ Tư, Berlin đã cho rằng trợ giúp tín dụng và các cải cách – thường được gọi là các biện pháp thắt lưng buộc bụng – phải đi liền nhau. Đức nhấn mạnh tới năm điều kiện mà Hy Lạp phải thực hiện để thỏa mãn khu vực đồng euro, đặc biệt có cam kết không bàn lại các cải cách đã được cam kết trước đó, hay cam kết trả nợ tất cả các chủ nợ.

Về vấn đề này, Chủ tịch khối đồng euro Jean-Claude Juncker có lập trường mang tính hòa giải hơn, khi cho rằng đề nghị của Hy Lạp là « một dấu hiệu tích cực », mở đường cho một thỏa hiệp.

Nhóm Eurogroupe sẽ họp tại Bruxelles ngày mai để bàn về một câu trả lời chung cho vấn đề này.

Không lâu sau phát biểu nói trên của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, thuộc đảng bảo thủ, trong một cuộc họp báo ngắn, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, kiêm Bộ trưởng Kinh tế (thuộc đảng xã hội dân chủ), khẳng định đề nghị Hy Lạp đưa ra tuy « còn khuyết thiếu », nhưng « cần phải được sử dụng làm cơ sở cho thương thuyết ».

Nhân nhượng của Hy Lạp

Trong đề nghị được gửi đến ông Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch eurogroupe, sáng nay 19/02, chính quyền Athenes yêu cầu được « triển hạn » thêm 6 tháng « thỏa thuận tín dụng » với Châu Âu, nhưng không chấp nhận kéo dài « bị vong lục » (hay bản ghi nhớ), liên quan đến chương trình tài trợ cho Hy Lạp, đi kèm với các biện pháp khắc khổ. Theo nhiều chuyên gia, « bị vong lục » ký tháng 5/2010, giữa Hy Lạp và các định chế cấp tín dụng, buộc Athens phải áp dụng nhiều biện pháp « khắc khổ » khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng kiệt quệ.

« Triển hạn » hai kế hoạch trợ giúp quốc tế - ký kết vào năm 2010 và 2012 – (hết hạn vào ngày 28/02/2015) là điều mà thoạt tiên Athens bác bỏ. Chính quyền Hy Lạp đã từng muốn thay thế các kế hoạch này bằng một « thỏa thuận-chuyển tiếp » có tính tạm thời, từ 4 đến 6 tháng. Theo các nhà quan sát, việc chấp nhận đề nghị « triển hạn » nói trên là một nhượng bộ của Athens, dù Hy Lạp không muốn chịu tiếp các biện pháp khắc khổ đi kèm.

Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp bày tỏ sự kiên quyết của Athens « hợp tác chặt chẽ với với các định chế Châu Âu và IMF », cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ tiếp tục « bị giám sát » trong giai đoạn 6 tháng triển hạn này. Athens cũng cam kết tuân thủ quy định « cân bằng ngân sách ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.