Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG UKRAINA

Quân đội Ukraina rút khỏi Debaltseve

Sau đợt tấn công dữ dội của phiến quân thân Nga vào Debaltseve, hôm nay, 18/02/2015, quân đội Ukraina đã buộc phải rút khỏi thành phố này, một thất bại mới đối với chính quyền Kiev. Trước diễn diễn mới này, tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Ukraina Petro Porochenko sẽ có cuộc điện đàm với nhau tối nay, theo thông báo của chính phủ Pháp.

Một phương tiện quân sự Ukraina, gần Debaltseve, ngày 17/02/2015.
Một phương tiện quân sự Ukraina, gần Debaltseve, ngày 17/02/2015. REUTERS/Gleb Garanich
Quảng cáo

 Đích thân tổng thống Porochenko, trong bộ quân phục, từ sân bay Kiev đã thông báo việc rút khỏi Debealtseve, trước khi ông bay đến vùng chiến sự để gặp gỡ những quân nhân đã buộc phải di tản khỏi thành phố này.

 Chính quyền Kiev đã yêu cầu phương Tây có hành động « nghiêm khắc » đối với Matxcơva, sau khi phiến quân thân Nga tiến vào Debaltseve, một thành phố có vị trí chiến lược, vì là chốt chặn quan trọng nằm giữa hai « thủ đô » của hai vùng Donetsk và Lugansk. Tối hôm qua, khi điện đàm với phó tổng thống Mỹ Joe Biden, tổng thống Porochenko đã một lần nữa yêu cầu Washington cung cấp vũ khí sát thương phòng thủ cho Ukraina.

Cuôc tấn công này diễn ra vào ngày thứ ba của lệnh ngưng bắn ở miền Đông Ukraina theo thỏa thuận ở Minsk giữa các lãnh đạo Ukraina, Nga, Pháp và Đức vào tuần trước. Hôm qua, Hoa Kỳ đã lên án việc phiến quân ly khai, với sự phối hợp của lực lượng Nga vi phạm lệnh ngưng bắn.

Về phần khối NATO đã yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi Ukraina và ngưng yểm trợ phiến quân ly khai. Trong khi đó, cũng hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi một giải pháp hòa bình cho Ukraina. Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau gởi về bài tường trình :

 Có thể gọi đây là một nghị quyết mang tính « tình thế » do Hội đồng Bảo an phải chứng tỏ sự tồn tại của họ trên hồ sơ Ukraina và tạo một sức nặng chính trị cho định chế này. Phái đoàn Ukraina thậm chí còn gọi đây là một nghị quyết « vớt vát thể diện ».

Các thành viên Hội đồng Bảo an có thể nói là bắt buộc phải thông qua nghị quyết này vì không có sự chọn lựa nào khác. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Samantha Power đã tóm lược tình hình như sau : « Trong khi chính Nga gây hấn và tiếp tục kích động bạo lực ở Ukraina, đề nghị một nghị quyết kêu gọi một giải pháp hòa bình quả là một điều mỉa mai cay đắng ».

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an thừa nhận chủ quyền của Ukraina và toàn vẹn lãnh thổ của nước này, nhưng không nhắc đến vùng Crimée, đã bị sát nhập vào Nga. Nghị quyết kêu gọi hai bên tôn trọng các thỏa thuận ở Minsk.

Sau cuộc biểu quyết, hai đại sứ Ukraina và Nga tố cáo lẫn nhau là đã gây xung đột và diễn giải sai các thỏa thuận ở Minsk. Matxcơva thì biện hộ : « Chúng tôi không hề giả vờ. Chúng tôi đã chọn con đường bảo vệ các biên giới của chúng tôi ». Về phần Kiev thì tố cáo : « Nga vẫn muốn liên tục xen vào công việc nội bộ của chúng tôi và buộc chúng tôi làm theo ý của họ ». Ở cách xung đột Ukraina đến 8000 km, chưa bao giờ một giải pháp hòa bình lại xa vời như thế. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.