Vào nội dung chính
HY LẠP - CHÂU ÂU

Hy Lạp đề nghị Châu Âu kéo dài thỏa thuận cấp tín dụng

Chính phủ Hy Lạp, hôm nay, 18/02/2015, khẳng định sẽ đề nghị triển hạn thỏa thuận cấp tín dụng mà nước này đã ký với các đối tác trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis họp báo tại Bruxelles, 16/02/2015.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis họp báo tại Bruxelles, 16/02/2015. AFP PHOTO / EMMANUEL DUNAND
Quảng cáo

Theo phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, trong ngày hôm nay, sẽ đưa ra đề nghị này.

Chính quyền Athenes nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa thỏa thuận cấp tín dụng và bị vong lục được ký năm 2010, liên quan đến chương trình tài trợ cho Hy Lạp, đi kèm với các biện pháp khắc khổ.

Trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone, ngày 16/02 vừa qua Hy Lạp muốn đàm phán về việc cơ cấu lại nợ công, trong khi đó, các nước khác chỉ chấp nhận thương lượng kéo dài thời hạn chương trình tài trợ, vốn có hiệu lực đến ngày 28/02. Do bất đồng, Châu Âu đưa ra tối hậu thư là đến thứ Sáu, 20/02, Hy Lạp phải cho biết ý kiến về chương trình kéo dài tài trợ.

Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras, thuộc cánh tả cấp tiến, cho rằng không thể tiếp tục chương trình tài trợ trong khuôn khổ bị vong lục được ký năm 2010 vì các biện pháp khắc khổ đang gây ra một cuộc « khủng hoảng nhân đạo » tại Hy Lạp.

Từ Athenes, thông tín viên Charlotte Stiévenard tường trình :

« Trên quảng trường Hiến pháp tại Athenes, tối hôm đó, gió thổi rất lạnh. Cô Irini Serdeva, trước đây làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh và bị thất nghiệp từ 3 năm nay. Theo cô, việc các đối tác Châu Âu từ chối mọi thay đổi, có thể đẩy Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. Cô rất lo ngại về nguy cơ này, nhưng nếu như vậy thì vẫn còn tốt hơn là duy trì tình trạng tồi tệ như hiện nay. Cô nói : 5 – 6 năm qua là một địa ngục. Tôi không có việc làm. Nạn nghèo khó ở khắp nơi. Cần phải thay đổi. Tôi không biết làm như thế nào, nhưng phải thay đổi. Hệ thống cũ không vận hành được nữa.

Cạnh quảng trường, trong một cửa hàng gần như trống rỗng một nửa, anh Giorgos Pitsikakis, 22 tuổi, sinh viên kiến trúc, thì dứt khoát hơn. Khi được hỏi là chính phủ cần phải làm gì để đưa đất nước thoát khỏi tình cảnh này, anh không thấy có giải pháp nào cả. Anh nói : Tôi không nghĩ rằng chúng tôi cần phải ở trong khu vực đồng euro theo kiểu này, một khu vực không có triển vọng phát triển và chỉ có một điểm ổn định duy nhất, đó là nền kinh tế tiếp tục đi xuống, một tình hình thường xuyên khó khăn.

Không phải tất cà người Hy Lạp đều chia sẻ quan điểm này. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Marc thực hiện, hơn hai phần ba số người được hỏi mong muốn có một sự thỏa hiệp trung thực, thay vì cắt đứt quan hệ với các đối tác của Hy Lạp ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.