Vào nội dung chính
ĐAN MẠCH - KHỦNG BỐ

Khủng bố “nhái”, hiểm họa mới ở Châu Âu

Hiện giờ còn phải chờ kết quả điều tra để biết rõ động cơ của thủ phạm hai vụ nổ súng tại Copenhague cuối tuần qua, nhưng vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Đan Mạch có những điểm tương đồng với những vụ tấn công ở Paris vào đầu tháng Giêng, khiến các chuyên gia thêm lo ngại về nguy cơ các tay khủng bố bắt chước nhau hành động. Cảnh sát Đan Mạch cũng nghi hung thủ ở Copenhague đã bắt chước các vụ khủng bố ở Paris.

Ảnh do cảnh sát Đan Mạch cung cấp cho thấy Omar Abdel Hamid El-Hussein tại trạm tàu điện ngầm vào tháng11/ 2013.
Ảnh do cảnh sát Đan Mạch cung cấp cho thấy Omar Abdel Hamid El-Hussein tại trạm tàu điện ngầm vào tháng11/ 2013. REUTERS/Danish Police handout/Scanpix Denmark
Quảng cáo

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã ghi nhận những điểm tương đồng giữa các vụ tấn công ở Copenhague và Paris: Trước hết là tấn công vào một biểu tượng của tự do ngôn luận, tiếp đến là tấn công vào cộng đồng Do Thái, cuối cùng là chạm súng với lực lượng an ninh, thà chết chứ không đầu hàng.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng nhận thấy những kẻ khủng bố ở Copenhague và Paris đều nhắm vào cùng những mục tiêu, tuy không hẳn là trong cùng một mạng lưới, nhưng những kẻ này đều có cùng một quyết tâm.

Hai anh em Kouachi đã nổ súng vào tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris ngày 07/01/2015, giết chết 12 người, vì tuần báo này đã đăng các bức biếm họa Mohammed. Còn tại Copenhague tối thứ bảy 14/02/2015, hung thủ Omar El-Hussein đã tấn công vào một trung tâm văn hóa, nơi đang diễn ra một hội thảo với đề tài “ Nghệ thuật, báng bổ tôn giáo và tự do ”, giết chết một người. Trong số các khách mời hội thảo cũng có một nghệ sĩ từng châm biếm tiên tri của Hồi giáo.

Là một trong những người thoát chết trong vụ tấn công này, đại sứ Pháp tại Copenhague, François Zimeray nhận định rằng kẻ tấn công cũng có ý định như hai anh em hung thủ nổ súng vào tòa soạn Charlie Hebdo, chỉ có khác là anh ta không vào được bên trong.

Cũng giống như Amédy Coulibaly đã hạ sát 4 người Do Thái ngày 09/01/2015 tại Paris, hung thủ ở Copenhague sau đó đã tấn công vào một nhà thờ Do Thái Giáo, bắn chết một người Do Thái, trước khi bị cảnh sát Đan Mạch bắn hạ, chịu chung số phận với những kẻ tấn công khủng bố ở thủ đô Pháp.

Đối với chuyên gia về các vấn đề liên quan đến khủng bố Jean-Charles Brisard, có những xu hướng rất rõ mà họ quan sát được từ nhiều năm nay. Một trong những xu hướng đó là nhắm vào các mục tiêu có tính biểu tượng cao, thay vì tấn công một cách không chọn lọc. Những kẻ khủng bố nay sử dụng những vũ khí ít tối tân hơn, thay vì dùng đến chất nổ, rất dễ bị phát hiện.

Theo chuyên gia này, hình thức tấn công như trên không cần sự chuẩn bị nhiều như các vụ khủng bố trong quá khứ, cho nên càng khó bị phát hiện trước. Cho dù chưa biết động cơ nào đã thúc đẩy Omar El-Hussein hành động như vậy, nhưng hung thủ ở Copenhague có vài nét tương đồng với Coulibaly ở Paris: cả hai đều có tiền án tiền sự và vừa ra khỏi tù.

Các tay súng ở Paris tự nhận mình thuộc Al Qaida hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Các nhà điều tra Pháp không loại trừ khả năng những tên khủng bố này đã từng đi chiến đấu ở Syria và Irak. Còn về hung thủ ở Copenhague, các nhà điều tra nghĩ rằng anh ta có thể đã nghe theo tuyên truyền của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoặc của các tổ chức khủng bố khác. Dầu sao Đan Mạch là một trong những quốc gia mà tính về tỷ lệ dân số, có số người đi tham gia thánh chiến nhiều nhất.

Theo nguồn tin từ lực lượng đặc nhiệm Pháp, đối với các cơ quan chống khủng bố, nguy cơ khủng bố “ nhái ” là một hiểm họa thật sự. Ngay cả trước khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris, nhiều kẻ muốn tham gia thánh chiến đã từng có hành động tương tự, như Mehdi Nemmouche, công dân Pháp, đã hạ sát 4 người ở Viện Bảo tàng Do Thái tại Bruxelles vào tháng 05/2014, hoặc công dân Canada Michael Zehaf-Bibeau đã giết một quân nhân ở Ottawa tháng 10 năm 2014 hoặc Man Haron Monis, kẻ đã bắt con tin ở Sydney tháng 12/2014, với kết cuộc là thủ phạm và hai con tin thiệt mạng.

Cho dù hành động một mình hoặc tự nhận thuộc một tổ chức nào đó, tất cả dường như làm đúng theo chỉ thị của Al Qaida hoặc của tổ chức Nhà nước Hồi giáo: sống ở đâu thì ra tay ở đó, gây càng nhiều tiếng vang càng tốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.