Vào nội dung chính
UKRAINA - KHỦNG HOẢNG

Hội nghị Minsk về Ukraina: Đức - Pháp lên tuyến đầu

Vào lúc nguyên thủ bốn nước Nga, Ukraina, Pháp và Đức họp tại Minsk, thủ đô Belarus, để đưa ra một kế hoạch giải quyết khủng hoảng Ukraina, Giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS, Pascal Boniface, cho rằng, việc thuyết phục được Matxcơva và Kiev cùng đối thoại đã là một thành công. Vấn đề còn lại là Nga sẵn sàng nhượng bộ đến mức nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay đồng nhiệm Ukraina Porochenko, tại hội nghị Minsk, Belarus, ngày 26/08/2014
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay đồng nhiệm Ukraina Porochenko, tại hội nghị Minsk, Belarus, ngày 26/08/2014 REUTERS/Sergei Bondarenko/Kazakh Presidential Office/Pool
Quảng cáo

RFI : Xin chào ông Pascal Boniface. Ông nhận xét thế nào về thượng đỉnh Minsk ngày 11/02/2015 ?

P.Boniface: Chúng ta có cảm tưởng là đã tránh được kịch bản xấu nhất. Các bên đồng ý ngồi vào bàn thảo luận về một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraina và giải pháp chính trị đó áp đảo giải pháp quân sự đang được một số người đề xuất, trong đó có cả khả năng phương Tây và khối NATO cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Tuy nhiên không có gì chắc chắn là với cuộc họp ở Minsk, các bên sẽ tìm ra được đồng thuận cuối cùng về một lệnh ngưng bắn. Nhưng ít ra thì các bên cũng chấp nhận đối thoại với nhau và đó là một điều hết sức quan trọng.

RFI : Theo ông, Nga có thực tâm muốn một giải pháp hòa bình hay không ?

P.Boniface: Chắc chắn là từ lâu nay, phía Nga luôn nói một đằng, làm một nẻo. Matxcơva thường xuyên khẳng định chủ trương đối thoại, cùng lúc lại tỏ thái độ cứng rắn. Nhưng xét cho cùng, Nga không có lợi ích gì khi để cho khủng hoảng kéo dài hay là để cho tình hình nẫu nát thêm. Nga cũng muốn tìm ra một ngõ thoát, nhưng đó phải là một giải pháp khả dĩ mà Matxcơva có thể chấp nhận được.

Vậy Nga muốn gì ? Nga có thể chấp nhận lệnh ngưng bắn với điều kiện Matxcơva phải được bảo đảm phương Tây không lôi kéo Ukraina vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Bên cạnh đó nước Nga cũng đòi, về lâu dài, Ukraina phải là một Nhà nước liên bang.

RFI : Ông giải thích ra sao về sự vắng mặt của Mỹ trong tiến trình đàm phán tại Minsk ?

P.Boniface: Để giải thích cho sự im lặng của Hoa Kỳ trong tiến trình đàm phán lần này tại Minsk, trước hết, trái với suy nghĩ của Nga, nước Mỹ không kiểm soát tất cả. Thời kỳ mà nước Mỹ đơn phương áp đặt luật chơi cho toàn thế giới đã đi qua. Hơn nữa khủng hoảng Ukraina là hồ sơ liên quan đến nội bộ Châu Âu. Những quyền lợi chính trị, chiến lược, cũng như kinh tế của Châu Âu đối với Nga, cao hơn hẳn so với của Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ, việc Pháp với Đức phối hợp hành động, bước lên tuyến đầu để tìm cách tháo gỡ bế tắc là một điều rất tốt. Bởi chính Paris và Berlin mới có thể đóng vai trò trung gian giữa Nga với Ukraina. Cả hai quốc gia này cùng tin tưởng vào Pháp và Đức. Trong khi đó chỉ có Kiev tin tưởng vào Mỹ mà thôi, chứ Matxcơva thì vẫn rất thận trọng và dè chừng trước thái độ của Washington.

RFI : Ông nghĩ gì về khả năng Mỹ cấp vũ khí cho Ukraina ?

P.Boniface : Tôi nghĩ là cần phân biệt lập trường của Mỹ với lập trường của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ,NATO cần chứng tỏ một quan điểm cứng rắn để biện minh cho sự tồn tại của mình. Về cơ bản, NATO phải đề cập đến vấn đề an ninh, và nhu cầu cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina.

Trong khí đó, Hoa Kỳ không có lợi ích gì trong việc tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraina. Chúng ta thấy rõ Tổng thống Obama, dưới áp lực của đảng Cộng Hòa đã tỏ lập trường cứng rắn. Nhưng trên thực tế, lãnh đạo Nhà Trắng sợ rơi vào cái bẫy, mà rồi kinh nghiệm cho thấy, một khi sa bẫy rồi thì sẽ khó tìm được lối thoát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.