Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

G20 : Bằng mặt mà không bằng lòng

Trong cuộc họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/02/2015, Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 đều đồng ý đẩy mạnh tăng trưởng và ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố. Tuy nhiên, ở hành lang, các nước lại bất đồng trên nhiều chủ đề, như hồ sơ Hy Lạp, hay dầu lửa.

Logo G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Logo G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ. DR
Quảng cáo

Trong bản dự thảo thông cáo chung mà AFP có được, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương nhóm G20 đã ghi nhận « triển vọng luôn luôn thuận lợi cho tăng trưởng và tạo việc làm tại một số nền kinh tế », nhưng lo ngại về việc phục hồi kinh tế chậm, thậm chí nguy cơ « đình trệ kéo dài » của một vài nước khác, đặc biệt là tại Nhật Bản và khu vực đồng euro.

Các Bộ trưởng và Thống đốc cam kết sẽ hành động « một cách kiên quyết » chống lại những nguy cơ này, trong lĩnh vực tiền tệ, ngân sách.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ, bản dự thảo thông báo cũng cho thấy những bất đồng. G20 nhấn mạnh « vai trò cơ bản của chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nhu cầu nội địa ». Đây là một lời chỉ trích đối với Đức không muốn có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong lúc nước này đạt mức kỷ lục về xuất khẩu và ngân sách cân bằng.

Bản dự thảo thận trọng đề cập việc dầu lửa giảm giá. Theo G20, hiện tượng này cho phép các nước xem xét lại chính sách về ngân sách.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trong nhóm G20 cũng kêu gọi tạo thuận lợi cho đầu tư, giảm đáng kể các trợ cấp không có hiệu quả.

Tuy nhiên, G20 cũng thừa nhận, giá dầu giảm gây ra những hệ lụy khác nhau, tùy theo nước đó là nhà sản xuất, xuất khẩu hay nhập khẩu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, G20 dường như đồng thuận cam kết tăng cường hợp tác ngăn chặn các nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố, đặc biệt là sau loạt khủng bố tại Paris, hồi tháng 1/2015.

Bản dự thảo thông cáo cũng cho biết là G20 khuyến khích các nỗ lực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OCDE – để hoàn tất các quy định mới chống lại tình trạng các tập đoàn siêu quốc gia tìm cách giảm thuế, trao đổi thông tin để phát hiện các cá nhân trốn thuế.

Lĩnh vực này được đặt biệt chú ý trong bối cảnh báo chí tiết lộ vụ ngân hàng Thụy Sĩ HSBC đồng lõa giúp nhiều tác nhân trốn thuế.

Hồ sơ Hy Lạp cũng gây tranh luận nhiều ở hành lang G20. Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, thuộc đảng cánh tả cấp tiến Syriza, muốn gạt bỏ những thỏa thuận cũ được ký kết với các chủ nợ, các biện pháp khắc khổ và đòi các đối tác tài trợ khẩn cấp để Athenes có thời gian và phương tiện thực hiện chương trình cải cách, giảm bớt nợ công.

Nếu không có quốc tế hỗ trợ tài chính, thì từ tháng Ba trở đi, Hy Lạp có nguy cơ rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, Đức không chấp nhận đòi hỏi này của Hy Lạp và yêu cầu Athenes đưa ra một chương trình hỗ trợ tài chính, nếu muốn được quốc tế tiếp tục tài trợ thêm một thời gian nữa.

Giữa hai trường phái này, Hoa Kỳ kêu gọi Châu Âu nên có thái độ thực dụng còn Pháp thì muốn đóng vai trò trung gian.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.