Vào nội dung chính
THỤY SĨ - CHÂU ÂU

"SwissLeaks" : Ngân hàng HSBC Thụy Sĩ giúp 100.000 kẻ trốn thuế

Thông tin xuất hiện đầu tiên trên trang mạng báo Le Monde, và sau đó được toàn bộ báo chí Pháp và quốc tế hôm nay 09/02/2015 đăng lại và bổ sung : Danh sách tuyệt mật của hơn 100.000 khách hàng, trong đó có rất nhiều tên tuổi Pháp và quốc tế, đã nhờ Ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ che giấu tài sản để trốn thuế tại nước mình. Báo Kinh tế Les Echos chạy tựa lớn tóm gọn vụ việc : "SwissLeaks : 100.000 tín đồ trốn thuế của HSBC tại Thụy Sĩ".

Logo của ngân hàng HSBC, chi nhánh tại Geneve, Thụy Sĩ.
Logo của ngân hàng HSBC, chi nhánh tại Geneve, Thụy Sĩ. REUTERS/Pierre Albouy
Quảng cáo

Vụ tai tiếng được mệnh danh là SwissLeaks này - mặt trái bị giấu kín của nguyên tắc bí mật ngân hàng ở Thụy Sĩ, đã bị tờ báo Pháp Le Monde và nhiều phương tiện truyền thông quốc tế vạch trần từ hôm qua, sau khi các tờ báo này đã được tham khảo các dữ liệu trữ trên máy tính, mà Hervé Falciani, một cựu nhân viên của HSBC tại Genève đã đánh cắp được.

Trong nhiều năm qua, các thông tin mà ông Hervé Falciani đã sao chép được, đã được ngành tư pháp và một số cơ quan thuế hoàn toàn giữ kín, chỉ có một vài yếu tố bị rò rỉ cho báo chí. Thế nhưng báo Le Monde đã tìm cách có được chi tiết tài khoản của hơn 100.000 khách hàng của ngân hàng can dự vào vụ việc là HSBC Private Bank, trụ sở tại Thụy Sĩ.

Le Monde đã cung cấp các thông tin này cho hiệp hội quốc tế của các phóng viên điều tra The International Consortium of Investigative Journalists (ICIJ) trụ sở tại Washington, và hội này đã chia sẻ thông tin cho hơn 50 phương tiện truyền thông quốc tế khác, trong đó có tờ The Guardian ở Anh hoặc Süddeutsche Zeitung ở Đức.

Theo Le Monde, ngân hàng HSBC Private Bank đã đồng ý, thậm chí khuyến khích một "hành vi gian lận khổng lồ trên quy mô quốc tế", liên quan đến 180,6 tỷ euro, trong vỏn vẹn gần nửa năm, từ tháng 11 năm 2006 đến tháng 3 năm 2007. Số tiền khổng lồ này đã trung chuyển qua Genève, thông qua tài khoản của hơn 100.000 khách hàng và 20.000 công ty nước ngoài.

Theo tiết lộ của Le Monde và của The Guardian, ngân hàng HSBC đặc biệt giúp các khách hàng trốn một số loại thuế nhất định, bằng cách giúp họ giấu "tiền trong các công ty bình phong" ở các thiên đường trốn thuế như Panama và quần đảoVirgin Islands thuộc Anh. Ngân hàng này còn cho phép khách hàng "thường xuyên rút tiền mặt với khối lượng lớn, đặc biệt là bằng ngoại tệ mà họ không sử dụng ở Thụy Sĩ".

Cả vua cũng trốn thuế ? 

Tiết lộ lần này của báo Le Monde hấp dẫn ở chỗ đã nêu bật tên tuổi của nhiều kẻ trốn thuế. Tờ báo đã kể ra danh tánh chẳng hạn của diễn viên hài nổi tiếng Gad Elmaleh, của Jacques Dessange-người sáng lập cả một đế chế sản phẩm chăm sóc tóc, của người mẫu Elle McPherson, hay nhà tạo mẫu thời trang Diane von Furstenberg, nữ minh tinh Joan Collins hay vô địch đua mô tô Valentino Rossi.

Đáng chú ý nhất là trường hợp các nhân vật lãnh đạo chính trị như hai vị vua Mohammed VI xứ Maroc, và Quốc vương Jordani Abdullah II, Rami Makhlouf, anh em họ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Frantz Merceron - một cựu bộ trưởng nước Haiti hay Rachid Mohamed Rachid - cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ai Cập, người đã bị kết án năm năm tù vào tháng 6 năm 2011 về tội lạm dụng công quỹ dùng để phát triển của đất nước.

Trường hợp vua Maroc được nêu bật vì luật pháp nước này cấm người dân cư ngụ trong nước được quyền có tài khoản ở nước ngoài. Trong khoảng thời gian mà Le Monde có tài liệu, số tiền lớn nhất trung chuyển qua tài khoản mang ký hiệu BUP 5090190103 của vua Mohammed VI tại HSBC lên đến 7, 9 triệu euro, một con số tuy nhiên rất khiêm tốn so với tài sản kếch sù của vua Maroc.

Malaysia và Indonesia đi tìm cát đen

Cũng trên bình diện kinh tế, Le Monde trong bài phóng sự điều tra dài chú ý đến "Cuộc chạy đua đổ xô tìm cát đen" ở Malaysia và Indonesia. ‘Cát đen’ tức là chất cassitérite, biến thành thiếc được sử dụng trong các điện thoại thông minh, máy vi tính xách tay v.v...

Phóng sự của Le Monde nêu lên mặt trái của những mặt hàng hiện đại, được ưa chuộng trên cả hành tinh, đã biến ‘cát đen’ trở thành một thứ quý báu khơi dậy lòng tham, dẫn đến tham nhũng, bóc lột lao động, tàn phá môi trường. 

Ngoại thương Trung Quốc đi xuống, láng giềng lo âu

Les Echos dưới tựa đề ‘Châu Á e ngại trước tình hình ngoại thương Trung Quốc’, chú ý đến các thị trường chứng khoán Châu Á từ Hồng Kông, Seoul, đến Sydney, Úc, suy giảm sáng nay. Đây là hệ quả số liệu ngoại thương không tốt của Trung Quốc.

Đối với các nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của người láng giềng, số liệu về ngoại thương Trung Quốc trong tháng Giêng đã xác định tăng trưởng Trung Quốc đang chậm lại. Tuy cán cân thương mại Trung Quốc vẫn dư thừa 60 tỷ đô la, nhưng phần nhập khẩu đã tuột giảm nhanh hơn phần xuất khẩu, cho thấy nhu cầu của nền kinh tế thứ hai thế giới đã có gì không ổn lắm.

Tính về giá trị thì nhập khẩu đã giảm 19,9% trong khi giới chuyên gia theo tin từ báo chí, ước tính tối đa là 3%. Nhìn khối lượng hàng nhập người ta thấy rõ những mặt hàng cần thiết cho công nghiệp đã giảm đi: than đá nhập giảm 53%, dầu hỏa giảm 0,6%. Lượng đồng nhập cũng đã giảm 22,7% v.v.. Trước đà tuột giảm này, các chuyên gia thắc mắc về phản ứng của chính phủ Trung Quốc, vẫn lên tiếng trấn an về hoạt động kinh tế tại đây.

Trong bối cảnh nói trên, vấn đề đau đầu đối với chính quyền hiện nay là giá đồng nhân dân tệ, phá giá hay không để tăng sức cạnh tranh. Theo Les Echos một số chiến lược gia Trung Quốc thiên về kịch bản này. Tuy nhiên có một hiện tượng khác khiến Bắc Kinh phải cẩn thận đó là thất thoát vốn đầu tư. Đối với nước luôn thu hút đầu tư mạnh mẽ, Trung Quốc đã để thất thoát 91 tỷ đô la trong quý cuối cùng năm 2014, một kỷ lục.

Đây là hệ quả một phần do sự ngờ vực, mất tin tưởng mới của giới đầu tư và nhất là của những người tin tưởng vào đồng nhân dân tệ vững chắc, luôn tăng giá. Cho nên theo Les Echos, chính quyền Bắc Kinh trong những ngày qua đã luôn nâng giá đồng tiền của mình để trấn an các nhà đầu tư. Tờ báo nhìn thấy con đường khá chật hẹp đối với lãnh đạo Trung Quốc, giữa một bên trấn an giới đầu tư và một bên là thúc đẩy GDP. 

Pháp : Đảng Xã hội thắng cử trong nhọc nhằn

Thời sự nổi bật ngày 09/02/2015 đầu tuần trên trang nhất báo Pháp là thời sự trong nước với vòng hai cuộc bầu quốc hội bổ sung ở vùng Doubs, vào hôm qua, mà ứng viên của đảng Xã hội thắng rất khít khao ứng viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia FN. Le Figaro dành tựa lớn nói đến "Đảng Xã hội thắng sít sao". Ở trang trong tờ báo nhìn thấy đây là cuộc bỏ phiếu nặng tính đe dọa đối với đảng Xã hội.

Libération cũng trong hàng tít đầu ghi nhận : "Đảng Xã hội thắng trong cực nhọc", nhận định bên dưới : Cánh tả thắng không vẻ vang một cuộc bỏ phiếu đáng ngại cho tình hình sau này. Tờ báo cũng đăng lại kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Opinion Way đầu tháng Hai này, cho thấy 65% người Pháp đánh giá đảng cực hữu không có khả năng điều hành đất nước.

Ukraina : Pháp Đức ráo riết vận động ngoại giao

Sự kiện thứ hai cũng chiếm tựa đập mắt trang đầu là Ukraina với cuộc vận động ngoại giao ráo riết của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp.

Le Figaro dành ảnh trang đầu cho Thủ tướng Đức và chạy dòng tựa ở bên trên : "Ukraina : Angela Merkel ở trung tâm các cuộc đàm phán kế hoạch hòa bình", và nhắc lại trong phần chú thích : "Giai đoạn mới trong cuộc vận động là cuộc gặp Tổng thống Mỹ Obama tại Washington ngày thứ Hai này, trước cuộc họp thượng đỉnh 4 bên ở Minsk vào thứ Tư 11/02/2015. Đây là cuộc hẹn mới mà Paris và Berlin cố bám vào".

Libération trong một hàng tựa trang nhất, nhìn thấy "một cuộc họp thượng đỉnh để tránh tình trạng tồi tệ nhất". Tờ báo nhắc lại là rốt cuộc Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã giành được nơi ông Putin một cuộc họp 4 bên cùng với Tổng thống Ukraina Porochenko và nêu câu hỏi phải chăng đây là giai đoạn đầu, tiến đến một thỏa thuận và kết thúc chiến tranh ?

Phần báo La Croix thì dành tít đầu cho Ukraina và nêu một cách bi quan : "Làm sao ngăn chặn một cuộc chiến ‘toàn diện’ ?".

Báo Le Monde ra trước từ thứ Bảy, cững dành tít đầu cho Ukraina, khi hai lãnh đạo Pháp Đức đến Matxcơva vào cuối tuần, nói đến nhiệm vụ chưa hoàn thành ở Matxcơva, bên trên bức ảnh Merkel, Hollande và Putin. Theo Le Monde, cho đến tối thứ Sáu, hai lãnh đạo Pháp Đức rời điện Kremli nhưng tay không, không có thỏa thuận gì với ông Putin, 3 người phải họp lại vào Chủ nhật.

Merkel và Obama căng thẳng vì Ukraina ?

Ở trang trong, Le Monde cũng chú ý đến cuộc gặp hôm nay tại Washington giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama mà Le Monde nhìn thấy trước là có nguy cơ căng thẳng, vì như tờ báo nêu trong hàng tựa : "Berlin và Washington phơi bày bất đồng". Giới lãnh đạo Mỹ trách Thủ tướng Đức thụ động trước Putin.

Chủ trương của Đức không giao vũ khí cho Kiev, cùng Nga tìm biện pháp, ngồi vào bàn phán, tìm những kênh đối thoại mới với Matxcơva, chiến lược này trong con mắt của nhiều người Mỹ, thật ra là một sự thừa nhận yếu đuối trước Matxcơva. Sự bất đồng quan điểm giữa hai đồng minh rất có lợi cho Putin như báo Les Echos nêu bật trong bài xã luận : "Putin lợi dụng sự chia rẽ".

Đồng minh chia rẽ, Putin hưởng lợi

Les Echos ghi nhận là ông Putin đã ghi được một loạt điểm, 5 tháng sau khi đứng ra bảo đảm ngưng bắn ở Đông Ukraina. Không những ngưng bắn vỡ tan dưới những cuộc tấn công của lực lượng ly khai được Nga hỗ trợ vũ khí, mà nhất là Matxcơva tiếp tục tiến các con tốt của mình trong cuộc chiến đã làm hơn 5000 người chết.

Khi tiếp tục thảo luận với Kiev, Paris và Berlin, ông Putin đã tranh thủ được thời gian quý báu trước khi chốt lại đường chiến tuyến ở Đông Ukraina. Trong tình hình này, thì nguy cơ đối với ông Hollande và bà Merkel khi đến Matxcơva để tìm ‘cơ may cuối cùng’ cho Ukraina là để Nga ngưng cuộc chiến trên cơ sở những lãnh thổ mới mà phiến quân giành được.

Điểm thắng lợi khác của Nga là đã chia rẽ thành viên NATO. Đức, Pháp cương quyết không dấn thân về quân sự vì muốn tránh cho Châu Âu một cuộc chiến toàn diện, và bên kia là Mỹ muốn hỗ trợ vũ khí cho quân đội Ukraina. 

Les Echos có vẻ thiên về quan điểm của Washington, vì theo tờ báo những lời cam kết suông như lời hứa Ukraina không vào NATO, sẽ không làm cho Nga chùn bước trong việc gia tăng ảnh hưởng. Điều có thể kềm hãm Matxcơva là một sự cân bằng về mặt quân sự ở hiện trường, vì quân đội Ukraina yếu thế, không đối chọi lại được với lực lượng ly khai và Nga. Tác động lớn khác là hệ quả các trừng phạt ở Nga. Nhưng vấn đề là làm sao biết được ông Putin có thể đi đến đâu trước sự chia rẽ của Châu Âu và Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.