Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Serbia và Croatia tố nhau "diệt chủng" : Tòa án Quốc tế xử hòa

Ngày 03/02/2015, Tòa Công lý quốc tế - có trụ sở tại La Haye - ra phán quyết cả hai bên Serbia và Croatia không phạm tội « diệt chủng » trong cuộc xung đột 1991- 1995. Tòa án Liên Hiệp Quốc kêu gọi hai bên hợp tác vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Balkans. Phán quyết này chấm dứt vụ kiện kéo dài từ năm 1999. Trước đó hai phía thông báo sẵn sàng tôn trọng phán quyết của tòa.

Phiên tòa xử tội ác chiến tranh Serbia La Haye. Ảnh ngày 30/01/2015
Phiên tòa xử tội ác chiến tranh Serbia La Haye. Ảnh ngày 30/01/2015 Reuters
Quảng cáo

Trong phần thông báo phán quyết của phiên tòa, người đứng đầu Tòa án Công lý Quốc tế, thẩm phán Peter Tomka, nhấn mạnh : « Diệt chủng là hành động có mục tiêu hủy hiệt một nhóm người, ít nhất cũng là một bộ phận của nhóm đó », nhưng nếu như hai phía đã phạm phải nhiều tội ác, những hành động này không có mục đích hủy diệt một nhóm sắc tộc khác, mà nhằm « cưỡng bức họ đi nơi khác ». « Diệt chủng » là tội ác nghiêm trọng nhất theo luật hình sự quốc tế.

Thẩm phán Tomka nhắc lại một trong những biến cố đen tối nhất trong cuộc chiến tranh tại Croatia, cuộc vây hãm Vukovar, nơi 1.600 người, trong đó có 1.100 thường dân đã bị lực lượng Serbia giết hại.

Các thẩm phán kêu gọi hai bên ngồi lại với nhau và nhận phần trách nhiệm của mình, đặc biệt đối với các nạn nhân chiến tranh.

Xung đột Serbia-Croatia là một trong nhiều xung đột khi Liên bang Nam Tư tan vỡ năm 1992. Năm 1991, Croatia tuyên bố độc lập với Nam Tư. Chiến tranh bùng phát giữa người Croatia và người ly khai Serbia, được chính quyền Belgrade ủng hộ. Vào thời điểm đó, Belgrade chủ trương xây dựng một nhà nước Đại Serbia trên đất Nam Tư cũ. Cuộc chiến khiến khoảng 20.000 người chết cả hai phía.

Năm 1999, Croatia kiện Serbia ra Tòa Công lý Quốc tế với cáo buộc « diệt chủng, cụ thể qua việc cưỡng bức di cư, giết hại, tra tấn hay giam cầm bất hợp pháp rất nhiều Croatia ». Zagreb yêu cầu Tòa buộc Belgrade « bồi thường tài chính ». Đến năm 2010, Serbia kiện ngược lại trong vụ này. Zagreb cũng bị cáo buộc « diệt chủng ». Theo Belgrade, khoảng 200.000 người Serbia đã phải bỏ chạy khỏi Croatia. Serbia đòi Croatia bồi thường cho nạn nhân và bỏ ngày Chiến thắng 05/08, ngày lễ chính thức của nước này.

Để bác bỏ cáo buộc của hai bên, các thẩm phán đã dựa vào các truy tố của Tòa Hình sự Quốc tế về Nam Tư, chống lại các thủ phạm chiến tranh Balkan trước đây. Tòa nhấn mạnh, không có bất cứ cá nhân nào, kể cả cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic bị truy tố về tội diệt chủng trên đất Croatia.

Kể từ khi thành lập năm 1946, Tòa Công lý Quốc tế - chuyên xét xử tranh chấp giữa các quốc gia – chỉ thừa nhận một vụ diệt chủng, tại Srebrenica, miền Tây Bosnia, quốc gia Nam Tư cũ. Gần 8.000 nam giới theo đạo Hồi, bao gồm người trưởng thành và trẻ em, bị lực lượng Serbia tại Bosnia tàn sát hồi tháng 7/1995.

Trong quá khứ, lãnh đạo hai nước láng giềng Croatia và Serbia từng có dự định từ bỏ việc khiếu kiện. Theo Bộ trưởng Tư pháp Croatia, riêng việc vụ này được xét xử tại Tòa án Công lý Quốc tế đã là một thành công : mục đích của khiếu nại là « cho thấy những gì xảy ra trong chiến tranh ».

Theo các nhà phân tích, giải pháp tốt nhất cho vụ kiện là một phán quyết không có một bên được, bên mất, và dù có kết quả thế nào, vẫn còn phải thêm nhiều thời gian nữa, quan hệ giữa hai quốc gia Balkan mới bình thường hóa thực sự.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.