Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Phương Tây bất lực với thách thức của Putin ?

Trong khi trang nhất hầu hết các tờ báo Pháp đều tập trung vào các chủ đề nóng trong nước như cuộc bầu cử dân biểu cấp vùng bổ sung vòng một với đà thắng thế của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) hay về phiên tòa lớn xử vụ dẫn gái mại dâm ở khách sạn Carlton, Lille trong đó có bị cáo nổi tiếng Dominique Strauss – Kahn cựu Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ thế giới (FMI) thì nhật báo Công giáo La Croix với tựa lớn : « Làm thế nào đối mặt với nước Nga của Putin ».

Tổng thống Nga, Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện ngày 04/12/2014.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện ngày 04/12/2014. REUTERS/Alexei Nikolskyi/RIA Novosti/Kremlin
Quảng cáo

Đây là câu hỏi cho một vấn đề rất thời sự khi châu Âu và Hoa Kỳ đang cố tìm cách kiềm chế chính sách hiếu chiến của Kremlin, đặc biệt tại Ukraina.

Mở đầu bài viết với tiêu đề : « Putin, sự cám dỗ đế quốc », La Croix đặt câu hỏi : Nước Nga sẽ đi tới đâu ? Năm 2008, chính quyền Nga đã tách Nam Osetia ra khỏi Gruzia trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Năm 2014, Nga chiếm Crimée bằng cách đưa đặc nhiệm rồi cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Giờ đây Matxcơva lại hỗ trợ các cuộc tấn công của phe nổi dậy đòi ly khai tại miền Đông Ukraina. Những diễn biến như vậy khiến các nước trong Liên hiệp châu Âu, đặc biệt là các nước Cộng hòa vùng Baltic đặt câu hỏi điều gì sẽ diễn ra sau Ukraina ?

Tác giả bài viết ghi nhận không khí của cuộc « chiến tranh lạnh » bao phủ lên thành phố Matxcơva. « Chính quyền Nga lúc này chỉ trông cậy vào sức mạnh, những phát biểu mạnh mẽ và cả những lời nói dối dân chúng ».

Theo La Croix, từ khi lên nắm quyền, không phải lúc nào Tổng thống Vladimir Putin cũng có lập trường chống phương Tây mạnh như bây giờ. Theo chuyên gia Arnaud Dubien, Giám đốc Viện quan sát chính trị Pháp – Nga thì năm 2000, « khi lên kế tục Boris Eltsin, tân lãnh dạo Nga hiểu là đất nước ông phải hiện đại hóa bằng cách xích lại gần châu Âu và đặc biệt là nước Đức ».

Cựu sĩ quan phản gián Liên Xô này còn muốn bình đẳng với Hoa Kỳ, mỗi bên giữ trường ảnh hưởng riêng của mình. Nhưng Putin đã nhanh chóng đổi giọng sau những sự kiện như Mỹ xâm lược Irak, NATO mở rộng đến các quốc gia vùng Baltic và nhất là từ khi các cuộc « cách mạng màu sắc » ở Ukraina và Gruzia hướng các quốc gia này ngả theo phương Tây. Ông Putin, bằng con mắt của một nhân viên tình báo đã nhìn thấy không gian hậu Xô Viết bị các thế lực nước ngoài xâm nhập. Sự rạn vỡ trong quan hệ với phương Tây bắt đầu từ năm 2008.

Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 này, ông Putin đã từng nhận định rằng sự « tan rã của Liên bang Xô Viết là tai họa lớn nhất của thế kỷ XX ». La Croix nhận định, có vẻ như cựu nhân viên phản gián đã bị choáng váng trước việc Liên Xô sụp đổ trong đầu thập niên 1990. Quyết tâm phục thù những kẻ đã thắng cuộc trong chiến tranh lạnh là ý tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại của Putin.

Theo la Croix, để thực hiện chính sách đó, chính quyền Nga dựa trên hệ tư tưởng cũ cũng như mới nhằm bảo vệ chủ nghĩa đế quốc Nga. Sự ủng hộ với thiểu số dân nói tiếng Nga tại Ukraina, Moldova, Kazakhstan thậm chí ở Litva hay Estonia, là lập luận của Kremlin để gây ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết. Cái quyền can thiệp nhân danh bảo vệ các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga đang được chính quyền Putin thực hiện cho mục tiêu trên.

La Croix đặt câu hỏi liệu Nga có ý đồ đẩy xa hơn nữa chính sách can thiệp hiện nay ?

Tờ báo dẫn lời chuyên gia Arnaud Dubien cho rằng : « Can thiệp vào Gruzia hay Ukraina, chiến lược của Nga là ngăn chặn các nước láng giềng ký hiệp định đối tác kinh tế hoặc quân sự với Liên hiệp châu Âu và NATO, chứ không phải là Nga muốn dùng sức mạnh chinh phục các nước này ».

Để đối mặt với thách thức nước Nga của Putin, La Croix cho rằng cần phải « tìm lại tính hợp lý ». Xã luận của tờ báo nhận định, trong vụ Ukraina, chắc chắn phương Tây đã mắc phải nhiều hành động vụng về. Họ đã đánh giá thấp sự phức tạp những thách thức lịch sử trong vùng, nơi mà trong nhiều thế kỷ qua đã phải chịu không ít đau khổ vì những phân tranh giới tuyến của nhiều đế chế. Đây là vùng đất mà ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo vẫn đan xen với nhau và thường là đối đầu nhau.

Liên hiệp châu Âu, một mô hình cùng tồn tại giữa các quốc gia lâu nay vốn đối kháng nhau có thể đề nghị với Nga một ý tưởng mới, kiểu như một sự đỡ đầu chung cho Ukraina, giúp nước này tái thiết và tìm được một vị trí ở giữa hai khối. Tờ báo đưa ra thí dụ như mô hình trung lập của Phần Lan. Nhưng La Croix nhận thấy giả thuyết trên chỉ có thể thực hiện nếu nước Nga của ông Putin có thiện chí hành động hợp tình hợp lý. Điều mà lúc này chưa có.

Nhật bản rơi vào cơn bão Trung Đông

Báo Le Monde trở lại với vụ con tin thứ 2 của Nhật bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo ra tay sát hại hôm 31/01/2015. Tờ báo nhận thấy vụ việc này không chỉ gây phẫn nộ cao độ trên toàn thế giới mà còn đang làm dấy lên các cuộc tranh luận ở Nhật Bản xung quanh chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bài báo của thông tín viên của Le Monde tại Tokyo có tựa : « Nhật Bản bị lôi vào vòng hỗn loạn của Trung Đông » nhận thấy, từ trước đến nay các cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn được người Nhật nhìn nhận như là « lửa cháy bên kia sông ». Thế nhưng sau vụ hai con tin Nhật trong vòng vài ngày bị tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo chặt đầu thì khoảng cách địa lý và chính trị với Trung Đông không còn bảo đảm cho sự an toàn của người Nhật nữa.

Sau nỗi xúc động cho số phận hai con tin và sự phẫn nộ đối với hành động cực đoan phi nhân tính của những kẻ bắt con tin, giờ là lúc dư luận Nhật quay sang soi vào trách nhiệm của chính phủ.

Thông tín viên Le Monde cho biết : Nếu như một bộ phận dư luận trong cơn sốc đã ủng hộ thái độ cứng rắn của Thủ tướng Abe, thì cũng có không ít tiếng nói chỉ trích ông Abe đã lôi đất nước vào trong cuộc xung đột ở nơi xa và đã không cứu được các con tin.

Le Monde nhận định, vụ con tin này có thể gây hậu quả đối với chính sách ngoại giao của Nhật tại Trung Đông và cả nội tình chính trị trên quần đảo này. Tức là Nhật Bản sẽ phải cụ thể hóa lập trường của mình trong vùng Trung Đông, nơi mà từ trước tới giờ chính sách của Tokyo được cho là thận trọng và kín đáo.

Đối với dư luận trong nước, thảm kịch con tin sẽ làm phân hóa công luận thành hai phe một bên ủng hộ ông Shinzo Abe đang đòi xem xét lại nội dung bản Hiến pháp chủ hòa nhằm cho phép Nhật gửi quân tham chiến ra nước ngoài. Một bên thì sẽ cho rằng những đóng góp như vậy của Tokyo chỉ gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Đến lúc này Tokyo khẳng định vụ con tin không liên quan gì đến tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe muốn tăng cường khả năng quân sự của nước Nhật.

Trung Quốc : Bài trừ giá trị phương Tây trong đại học

Vẫn liên quan đến châu Á, nhìn qua Trung Quốc mục « Câu chuyện trong ngày » của báo Le Monde có bài : « Trung Quốc, xua đuổi 'các giá trị phương Tây' trong giảng đường ». 

Bài báo cho hay các giáo sư đại học ở Trung Quốc không chỉ phải nhớ kỹ mà còn được yêu cầu « bằng mọi giá phải tránh phát tán những giá trị phương Tây trong các hội trường giảng đường » đại học. Đó là nội dung chỉ đạo của bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Viên Quý Nhân ( Yuan Guiren) ngày 29 tháng Giêng vừa rồi.

Trước một hội nghị với lãnh đạo các trường Đại học Trung Quốc về « công tác tư tưởng và tuyên truyền trong giáo dục đại học », ông bộ trưởng Giáo dục tuyên bố : « Không một nội dung nào đặt vấn đề hay bôi nhọ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và nói xấu chủ nghĩa xã hội được phép ở trong các lớp học ».

Với các trung tâm nghiên cứu hỗn hợp Trung Quốc và nước ngoài đặt tại trong nước, việc mời các diễn giả phương Tây về chính trị giờ cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Theo một nguồn tin của Le Monde thì việc mời những giảng viên ngoại quốc giờ đây phải có 10 chữ ký và được chi bộ đảng trường đại học chấp nhận.

Thế nhưng có điều chính ông bộ trưởng, từng là hiệu trưởng đại học này, năm 2013 đã từng kêu gọi các trường đại học « không nên sợ mở cửa với phương Tây » để hệ thống giáo dục Trung Quốc có được tính cạnh tranh cao hơn.

Hôm 25 tháng Giêng, tạp chí của trường Cầu thị, trường đảng Trung ương Trung Quốc đã đăng tải trên mạng bài viết tấn công vào một giáo sư nổi tiếng về luật Hiến pháp của Đại học Bắc Kinh, tố cáo ông « vu khống xúc phạm hệ thống tư pháp Trung Quốc bằng cách quảng bá Nhà nước pháp quyền của phương Tây ». Các đồng nghiệp của giáo sư trên đã phản ứng nhắc lại rằng chủ nghĩa Mác-Lê cũng là một sản phẩm ngoại nhập...

Mỹ : Đòi giải mật 28 trang báo cáo về vụ khủng bố 11/9

Trang quốc tế báo Le Figaro có bài viết đáng chú ý lôi cuốn sự tò mò của độc giả : « 28 trang đe dọa trục Washington – Riyad ». Bài báo đề cập đến một phát giác của cựu nghị sĩ Mỹ Bob Graham liên quan đến một tài liệu tối mật chứng minh Ả Rập Xê Út đóng vai trò cung cấp tài chính trong vụ khủng bố 11/9 nhắm vào nước Mỹ. 

Tài liệu đặt vấn đề về vai trò của Ả Rập Xê Út trong việc tổ chức các vụ khủng bố vào World Trade Center, nằm trong bản báo cáo về vụ 11/9/2001 do Tiểu ban tình báo Thượng viện Mỹ chỉ đạo thực hiện với chủ tịch tiểu ban lúc đó là thượng nghị sĩ Bob Graham. Nhưng khi công bố vào năm 2002, vị thượng nghị sĩ tiểu bang Florida đã kinh ngạc phát hiện thấy 28 trang trong bản báo cáo đã bị xóa và xếp vào diện tối mật theo đề nghị của chính quyền Bush. Lý do mà Tổng thống Bush đưa ra lúc đó là vì « lý do an ninh quốc gia ».

Cựu Thượng nghị sĩ Bob Grahma cho Le Figaro biết : « Bản báo cáo này cho thấy chính phủ Ả Rập Xê Út tham gia vào việc cung cấp tài chính cho các vụ khủng bố 11/09/2001. Chúng tôi được biết 19 kẻ khủng bố liều chết đã nhận được sự hỗ trợ tài chính của nhiều tổ chức Ả Rập Xê Út, trong đó có cả chính phủ.... những thông tin này đã bị bịt, không cho dân Mỹ biết ».

Vị cựu Thượng nghị sĩ này nói thêm : « Người ta nói với chúng tôi rằng việc đó là vì lý do an ninh quốc gia , nhưng chính xác thì là ngược lại như vậy ». Ông còn khẳng định « chính phủ Ả Rập Xê Út vẫn tiếp tục ủng hộ al-Qaida, rồi gần đây nữa vẫn hậu thuẫn về kinh tế và tư tưởng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chính từ chối nhìn thẳng vào sự thật như vậy đã tạo ra làn sóng cực đoan mới, tấn công vào Paris vừa qua ».

Theo Le Figaro, Ả Rập Xê Út phủ nhận mọi trách nhiệm đồng thời kêu gọi giải mật 28 trang hồ sơ liên quan để bảo vệ danh dự của Riyad

Phát giác của cựu Thượng nghị sĩ Mỹ giờ đây đang khiến cho Hoa Kỳ khá lúng túng vì lo ngại nếu được giải mật, tài liệu trên sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ đồng minh đang trong giai đoạn mật thiết giữa Washington và Riyad.

Le Figaro nhân sự kiện này nhắc lại : « Việc Tổng thống Obama rút ngắn chuyến thăm Ấn Độ tuần trước để đến chào tân Vương Ả Rập cùng với đoàn tùy tùng 30 quan chức chính trị cao cấp, trong khi mà không một ai trong họ đoái hoài đến cuộc tuần hành tại Paris sau các vụ khủng bố vừa rồi. Điều này đã nói lên nhiều về ưu tiên của Washington ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.