Vào nội dung chính
XÃ HỘI

« Một cha, hai mẹ » cho trẻ em Anh Quốc ?

Ngày 03/02/2015, Quốc hội nước Anh phải quyết định có cho phép một bé sơ sinh ra đời do sự phối hợp giữa hệ gen di truyền của một người bố và hai người mẹ hay không. Kỹ thuật can thiệp vào quá trình thụ thai này, có mục tiêu sửa chữa một số khuyết tật về gen - là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật hiểm nghèo – gây phản đối trong một bộ phận lớn công luận, lo ngại mở đường cho đủ loại công nghệ chọn lọc gen để cho ra đời trẻ sơ sinh đúng theo « ý muốn ».

Trụ sở Nghị viện Anh.
Trụ sở Nghị viện Anh. David Castor
Quảng cáo

Hàng năm khoảng 125 trẻ sơ sinh ra đời tại Anh Quốc có sự trục trặc trong di truyền ti thể (Mitochondrie), phần gen phụ trách chuyển hóa năng lượng của tế bào. Khuyết tật di truyền này có thể gây ra những bệnh nặng như tiểu đường hay suy cơ. Trục trặc nói trên do gen của người mẹ truyền cho bào thai.

Để giải quyết vấn đề này, một kỹ thuật đã được phát triển nhằm ngăn chặn việc mẹ truyền cho con phần gen bị khuyết tật. Cụ thể là, phần ti thể mắc lỗi được rút ra khỏi trứng của mẹ để thay thế bằng gen lành của một phụ nữ khác, mà tông tích không được công bố. Sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm, trứng sẽ được đưa vào dạ con của người mẹ. Đứa trẻ tương lai ra đời sẽ mang đủ các gen của bố và mẹ, nhưng còn mang thêm một phần gen của một phụ nữ khác.

Thay đổi nói trên sẽ mang tính ổn định và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo những người chủ trương kỹ thuật này, đây là một tiến bộ quan trọng trong y học, cho phép các gia đình « niềm hy vọng có được một đứa con không phải sống với nỗi đau đớn », như thư của một tập thể các hiệp hội quốc tế gửi đến các nghị sĩ Anh. Đối với nhà khoa học Robert Winston, một trong những người tiên phong về thụ thai nhân tạo, kỹ thuật này đơn giản như lấy máu.

Tuy nhiên, theo những người phản đối, việc can thiệp gen như trên đụng đến vấn đề đạo lý y học. Ông David King, hiệp hội Human Genetics Alert, cảnh báo : « một khi ranh giới này bị phá bỏ, một hành động như vậy được chấp thuận, các ranh giới tiếp theo cũng sẽ dễ dàng bị vượt qua, để đi đến một thế giới, nơi trẻ con được sinh ra (với các phẩm chất) theo ý muốn của người lớn. Đây là kịch bản mà tất cả mọi người đều muốn tránh ».

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại báo động về nguy cơ ung thư đối với các em bé ra đời theo con đường này, và lấy làm tiếc về một can thiệp có hệ lụy « khó lường » như vậy đã được xem xét một cách quá dễ dãi.

Theo một thăm dò dư luận của Viện ComRes, 41% người trả lời phản đối việc sửa đổi luật về bào thai và thụ thai nhân tạo, chỉ có 20% ủng hộ. Tuy nhiên, chính phủ Anh muốn thay đổi luật và Hạ viện có thể làm theo chính phủ. Nếu luật được thông qua, những bé sơ sinh đầu tiên của « hai phụ nữ và một người đàn ông » sẽ có thể ra đời kể từ mùa thu 2016.

Theo tin giờ chót, nghị viện Anh bỏ phiếu thông qua dự luật. Như vậy, Anh Quốc là nước đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa một kỹ thuật như vậy. 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.