Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Yemen : Từ thống nhất đất nước đến cuộc phân tranh Shia-a chống Suni

Đăng ngày:

Từ khi chiếm được thủ đô Sanaa ngày 21.09.2014, phiến quân Houthi, thuộc hệ phái Hồi giáo Shia-a lần lược tóm thu quyền lực tại Yemen với sự ủng hộ của nhà độc tài bị lật đổ Saleh và Iran. Cuộc cách mạng dân chủ 2011 bị giết trong trứng nước, chế độ cũ có khả năng phục hồi trong bối cảnh nửa nước bị Al Qaida (Suni) thao túng.

Dân quân Shi-a  lực lượng Houthi tại thủ đô Sanaa, ngày 21/01/2015.
Dân quân Shi-a lực lượng Houthi tại thủ đô Sanaa, ngày 21/01/2015. REUTERS/Khaled Abdullah
Quảng cáo

Từ một tuần nay, Yemen, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo đổi chủ. Tổng thống Hadi, thủ tướng và nội các từ chức. Toàn bộ thủ đô nằm trong tay lực lượng Houthi, tên của thủ lãnh sáng lập viên quá cố, thuộc hệ phái Shia-a.

Ngày 26.01, dân quân Houthi Shi-a, nổ súng giải tán một cuộc biểu tình gây thương tích cho 10 người. sau khi phong tỏa đại học Sanaa, điểm hẹn của các phong trào phản đối dân quân chiếm đóng thủ đô, dân quân Shia-a vũ trang súng và dao tràn vào đại học xá tìm kiếm những người biểu tình.

Ở Taez, một trong những tụ điểm xuất phát phong trào dân chủ cách nay 4 năm, hàng ngàn người xuống đường lên án nhà cựu độc tài Saleh dựa vào phe Houthi trong âm mưu trở lại chinh quyền.

Câu hỏi đặt ra là vì sao từ nhiều thập niên qua, quốc gia 26 triệu dân với diện tích gần bằng nước Pháp là nạn nhân của những xung khắc bộ tộc, hệ phái tôn giáo, độc tài chính trị và biến thành căn cứ địa của khủng bố Al Qaida ?

Căn nguyên nguồn cội nào dẫn đến tình trạng vô chính phủ và hổn loạn hiện nay khiến một bộ phận dân chúng muốn tại lập chế độ độc tài của tướng Saleh mà từ khi bị lật đổ vẫn bình yên như vại và tiếp tục khuynh đảo từ hậu trường ?

Trong một chương trình tranh luận do RFI quốc tế tổ chức hồi cuối tuần trước, ba chuyên gia của Pháp Marine Poirier, Laurent Bonnefoy và François Xavier Trezan phát họa một bức tranh ảm đạm : Yemen bị cấu xé, phía nam do Al Qaida, Suni, thao túng, phía bắc bị lực lượng Shi-a Houthi làm mưa làm gió.
Cách mạng Mùa Xuân Ả rập lật đổ chế độ độc tài Saleh nhưng do chủ trương ôn hòa, chính quyền mới không trừng phạt nhà độc tài và vây cánh. Vai trò của nhân vật này, theo giới phân tich, là một trong những nguyên nhân đưa đến rối loạn hiện nay nhưng « không phải là tất cả ».

Nhà báo Nguyễn Văn Huy, nguyệt san chính trị Thông Luận phân tích sau đây :

« Nhóm Houthi thuộc hệ phái Shi-a quen sống trong sa mạc xa xôi họ sống theo tục lệ hàng ngàn năm của họ. Họ đòi chính quyền trung ương phải cho họ vừa quyền lợi của nền cộng hòa vừa quyền lợi bộ tộc…. Yemen nhìn ra cửa ngõ vận chuyển dầu hỏa …hiện nay Yemen đã bị Al Qaida chọn làm địa bàn hoạt động. Nếu Yemen biến thành địa bàn của tất cả các tổ chức Hồi giáo quá khích thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Tình hình bất ổn ở Sanaa làm Hoa Kỳ lo âu vì việc chống khủng bố . Thật ra Hoa Kỳ bất cần Saleh hay Hadi làm tổng thống, miễn có một chế độ tương đối ổn định để cho phép không quân Hoa Kỳ có thể hoạt động tiêu diệt khủng bố… »

Ngược dòng thời gian về thập niên 1960 thời chiến tranh lạnh còn chia đôi thế giới qua chiến tuyến tư bản-cộng sản.

Sau khi được Anh Quốc trao trả độc lập vào năm 1967, bán đảo Ả rập từng có mỹ danh là « Arabie hạnh phúc », chiếc nôi theo truyền thuyết của nữ hoàng Saba chia làm hai nước :  Miền nam Yemen tách ra thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân theo Liên Xô. Nhưng do Liên Xô suy yếu, đến năm 1990, Nam Yemen đàm phán hiệp ước thống nhất với Cộng Hòa Yemen. Năm sau, Yemen thống nhất ủng hộ Irak của Saddam Husein tấn công Koweit đã gây hậu quả tai hại cho nền kinh tế èo uột vì hàng trăm ngàn nhân công, lao động ở các nước vùng Vịnh thân Mỹ, bị trục xuất về nước.

Tình trạng nghèo khó và thái độ hống hách thống trị toàn diện của chính quyền trung ương ở Sanaa đã làm cho miền nam Yemen nổi loạn nhưng bất thành. Năm 1994, quân đội Yemen, phối hợp với các tổ chức thánh chiến rất ghét chủ nghĩa xã hội và lo sợ các chiến binh từ Afghanistan sau khi đánh thắng Liên Xô trở về, đã trấn áp thô bạo phe nổi dậy.

Trong thập niên 1990 và 2000, tổng thống Saleh cầm quyền từ năm 1978 tại miền bắc và sau đó trên toàn cõi Yemen kể từ 1990, không ngừng củng cố và tập trung quyền lực. Nhà độc tài, trong suốt 33 năm cầm quyền cho đến khi bị lật đổ trong bối cảnh Mùa Xuân Ả Rập năm 2011, liên tiếp thi hành những thủ đoạn chính trị lũng đoạn xã hội theo kiểu dung dưỡng bè phái, kích động hận thù giữa các bộ tộc, tiêu diệt đối lập, giựt dây các hệ phái đạo Hồi.

Trên thực tế, dù có bạo loạn hay không, thẩm quyền của chế độ chỉ dừng lại ở ngoại ô thủ đô. Tệ nạn bắt cóc nhân viên chính phủ, du khách nước ngoài xảy ra thường xuyên.

Ở phía bắc, các sắc tộc nổi dậy. Ở phía nam, phe ly khai bùng lên lợi dụng lòng câm phẩn và tuyệt vọng của dân chúng. Cuối cùng là phong trào thánh chiến, đối thủ về an ninh nhưng là đồng minh « khách quan » của nhà độc tài Saleh vì nhân danh chống khủng bố chế độ Sanaa được Mỹ viện trợ hàng tỷ đôla.

Dưới áp lực của đường phố và Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh mà Ả rập Xê Út đứng đầu, tướng Saleh chấp nhận từ chức vào tháng 11 năm 2011 nhưng đất nước đã bị phân hóa trầm trọng, quá nhiều chứng bệnh. Tân tổng thống Hadi, dù đắc cử vẻ vang, không thực hiện được « đối thoại hòa giải dân tộc » như ở Nam Phi của Mandela.

Theo nhận định của Le Monde, trong tình huống Yemen suy thoái mọi mặt từ chính trị đến kinh tế và an ninh, phong trào Houthi kéo quân về thủ đô. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Iran Shia-a đã làm các nước láng giềng theo hệ phái Suni như Ả Rập Xê Út lo sợ và làm tăng căng thẳng giữa các bộ tộc tại Yemen.

Chính trong bối cảnh « nước đục » này mà nhóm khủng bố Al Qaida ở Yemen, theo hệ phái Suni phát triển mạnh mẽ. Tổ chức này, qua báo mạng Inspire, tuyên truyền tuyển quân. Tờ báo này gọi đích danh nhà báo Charb, của Charlie Hebdo là kẻ thù phải tiêu diệt. Ngày 07.01, một toán khủng bố đã tấn công vào tòa soạn ở Paris, hạ sát 12 người trong đó có nhà báo Charb.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.