Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Hiệu quả của chính sách bơm 1.100 tỷ euro cứu nguy kinh tế ?

Đăng ngày:

Nên mừng hay lo khi các nhà lãnh đạo ở Bruxelles thay đổi chính sách, coi tăng trưởng và mục tiêu đẩy lui giảm phát là những ưu tiên hàng đầu ? Sau kế hoạch đầu tư 3150 tỷ euro được Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker thông báo, đến lượt Ngân hàng Trung ương Châu Âu, BCE nới lỏng định lượng tiền tệ lưu hành.

REUTERS/Ralph Orlowski
Quảng cáo

Cuối năm 2014, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker thông báo một kết hoạch đầu tư 315 tỷ euro cho ba năm 2015-2016 và 2017 để tạo hơn 1 triệu việc làm cho người dân châu Âu. Ba ngày trước cuộc tuyển cử quyết định tại Hy Lạp, Ngân hàng trung ương Châu Âu, BCE đưa ra cử chỉ ngoạn mục hơn khi quyết định kể từ tháng 3/2015 cho tới tháng 9/2016 sẽ mua vào hàng tháng 60 tỷ euro trái phiếu của nhà nước. Bơm một khối tiền khổng lồ 1.140 tỷ vào các hoạt động kinh tế của 19 thành viên khối euro.

Sau sáu năm liên tục đòi các thành viên giảm chi ngân sách và thanh toán nợ công, đẩy một số quốc gia vào nước đường cùng -nghiêm trọng nhất là trường hợp của Hy Lạp- chính BCE, một trong ba nhà tài trợ quốc tế của Athènes bất ngờ thông báo nâng mức lưu hoạt có định lượng, mà thuật ngữ tài chính ngân hàng gọi là « Quantitavie Easing (QE) », hay « Assouplissement Quantitatif », có nghĩa là nới lỏng định lượng tiền tệ lưu hành.

QE là gì và hiệu quả ?

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã hạ xuống còn có 0,05 % mà vẫn bất lực, tiêu thụ và đầu tư không cất cánh như mong đơi. Bruxelles lại dứt khoát không dùng biện pháp tăng chi ngân sách để kích cầu. Trước thất bại đó, BCE hướng tới giải pháp từng được các Ngân hàng Trung ương của Nhật Bản, Mỹ và Anh Quốc sử dụng : bơm tiền vào thị trường qua ngả mua lại các trái phiếu của nhà nước hay doanh nghiệp. Qua đó Ngân hàng Trung ương châu Âu rót tiền mặt cho các ngân hàng trong 19 nước tham gia đồng euro.

Hai hệ quả kèm theo sau : một là các ngân hàng dồi dào vốn sẽ dễ dàng mở van tín dụng cho tư nhân và doanh nghiệp. Hai là qua đó làm giảm giá đồng euro so với các ngoại tệ khác trên thế giới, đứng đầu là đồng đô la. Euro giảm giá có lợi cho xuất khẩu của các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Ai tài trợ ?

Chương trình bơm tiền cho thị trường của BCE kéo dài cho tới hết tháng 9/2016. Tổng trị giá lên tới 1.140 tỷ euro. Chương trình đó do ai tài trợ ? Trên thực tế, việc mua lại hàng tháng 60 tỷ euro trái phiếu của ngân hàng, BCE không xuất kho lấy một xu, mà chỉ ghi vào sổ sách kế toán của ngân hàng một khoản tiền nào đó. Rồi ngân hàng này dùng số tiền ấy để cấp tín dụng cho tư nhân.

Ở đây, BCE chỉ đơn thuần đứng ra bảo lãnh là trong trường hợp tổ chức phát hành trái phiếu bị vỡ nợ (đó có thể là một nhà nước hay một doanh nghiệp) thì Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ hứng chịu 80 % rủi ro đó. 20 % còn lại sẽ do Ngân hàng Trung ương của quốc gia liên quan gánh vác.

Lấy trường hợp cụ thể là Đức và Hy Lạp : nếu Hy Lạp mất khả năng thanh toán, công trái phiếu do nhà nước Hy Lạp phát hành sẽ được BCE bảo lãnh đến 80 %. Khoản 20 % còn lại thuộc về trách nhiệm của Ngân hàng trung ương Hy Lạp, trụ sở tại Athènes. Điều đó có nghĩa là, ngoài khoản đóng của từng quốc gia cho BCE, công dân của cả khối euro không phải chia sẽ gánh nặng vì một thành viên- như Hy Lạp chẳng hạn- bị vỡ nợ.

QE và mục đích kích cầu

Về hiệu quả của biện pháp kích thích kinh tế này, ông Eric Delannoy, chuyên gia tài chính ngân hàng, phó chủ tịch cơ quan tư vấn về bảo hiểm, ngân hàng weave, cho rằng, trước hết đây là tín hiệu mạnh BCE gửi tới các tác nhân kinh tế và đó là một điều tốt. Nhưng hiệu quả thực thụ không bao nhiêu :

« Hiệu quả, theo tôi sẽ không bao nhiêu. Bởi biện pháp đó không nhằm hỗ trợ những quốc gia đang cần được giúp đỡ nhất. Đồng thời biện pháp đó cũng không đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Hiện tại châu Âu -hay nói đúng hơn làkhối sử dụng đồng euro- cần gì ? Tôi nghĩ là châu Âu đang cần hai chuyện : một là ngân sách nhà nước cần được nới lỏng, bởi có một sự mâu thuẫn giữa mục tiêu kích thích kinh tế với mục tiêu cân bằng ngân sách nhà nước, tức là phải giảm chi tiêu công cộng. Cái khó nằm ở chỗ, nới lỏng chi tiêu công cộng, tức là phải điều chỉnh luật chơi trong nội bộ của Eurozone, mà điều đó thì Đức dứt khoát không đồng ý.

Điểm quan trọng thứ nhì là châu Âu cần đẩy mạnh đầu tư với BCE là đầu tàu. Quyết định bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế để đẩy lui nguy cơ giảm phát, không cho phép thúc đẩy đầu tư. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư mang tên chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Junker thì chỉ rất khiêm tốn : 300 triệu euro là một khoản tiền quá ít ỏi, không đủ đề tiến hành những chương trình đầu tư quy mộ cho toàn thể 19 nước sử dụng đồng euro. Đầu tư là một chỉ số cho thấy chúng ta có tin tưởng vào tương lai hay không ».

QE để xua tan giảm phát ?

Trở lại với câu hỏi cốt lõi : vì sao Ngân hàng trung ương Châu Âu lại thay đổi chiến lược, nới lỏng định lượng tiền tệ lưu hành ?

Từ trước tới nay, mục tiêu của BCE luôn là kìm hãm lạm phát ở mức 2 %. Nhưng từ 2010 tới nay, tỷ lệ tăng trưởng của khối euro không ngoi lên được hơn 1 % một năm. Bên cạnh đó, thống kế của viện Eurosat cho thấy, trong tháng 10/2014 chỉ giá tiêu thụ CPI toàn khối 18 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng có 0,4 %. Để so sánh, cùng thời kỳ năm 2013, chỉ số đó là 0,7 % và so với năm 2012 thì lạm phát trong khu vực đồng euro là 2,5 %.

CPI tại 4 nước trong khối euro đã tăng ở số âm. Đó là trường hợp của Tây Ban Nha, Hy Lạp Slovenia và Slovakia. Đối với hai thành viên khác là Bồ Đào Nha và Chypre, thì lạm phát tăng 0 %.

Tại Đức, tỷ lệ đó trong cùng thời kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ 20 năm qua. Đối với Pháp chỉ số CPI trong tháng 11/2014 chỉ đạt 0,7 %. Nhiệm vụ duy trì lạm phát ở mức 2 % về trung hạn, là mục tiêu khó hoàn thành.

Trong bối cảnh đó từng bước Thống đốc Ngân hàng BCE đã thuyết phục được hội đồng quản trị nới lỏng định lượng tiền tệ được lưu hành. Giáo sư đại học Strasbourg Michel Devoluy nói tới một sự thay đổi quan trọng trong chính sách tài chính và kinh tế của châu Âu :

« Khu vực đồng euro đang bị đe dọa giảm phát. Hậu quả trực tiếp là người tiêu dùng và các doanh nghiệp hoãn các dự án chi tiêu, dời lại các chương trình đầu tư. Do vậy Bruxelles cần phải can thiệp khẩn cấp. Ngân hàng Trung ương châu Âu, thoạt đầu đã giảm lãi suất chỉ đạo. Lãi suất đó ngày nay gần như là ở số không, chỉ còn, 0,05%. Dù vậy tiêu thụ và đầu tư vẫn không khởi sắc trở lại. Từ đó, BCE mới quyết định mua vào công trái phiếu, tức là tung tiền mặt cho các ngân hàng, mở van tín dụng cho tư nhân. Đồng thời, tôi xin lưu ý là lần đầu tiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu gián tiếp nhìn nhận : ưu tiên hàng đầu giờ đây của khối euro không phải là bằng mọi giá giảm chi tiêu công cộng để cân bằng ngân sách. Châu Âu cần dồn nỗ lực để tạo đà tăng trưởng và các hoạt động kinh tế ».

Quyết định bơm tiền hỗ trợ kinh tế và xua tan đe dọa giảm phát nói trên của ngân hàng BCE đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ nhất từ phía Berlin. Thứ nhất, Đức vẫn không tin rằng khối euro cận kề căn bệnh hiểm nghèo là giảm phát. Thứ hai là chính quyền của thủ tướng Merkel không muốn người dân châu Âu phải chia sẻ thêm nữa gánh nặng nợ nần của những thành viên yếu kém nhất, trong đó có Hy Lạp. Thứ ba, cho đến giờ Berlin vẫn lo ngại, một đồng euro thấp giá mà mầm mống gây ra lạm phát sau này. Như đã biết thì nước Đức vẫn còn bị nạn lạm phát ngựa phi cách nay đã cả trăm năm ám ảnh.

Cũng phải nhìn nhận là việc ngân hàng châu Âu bơm hơn 1.100 tỷ euro vào thị trường, nhìn từ góc độ tài chính, biện pháp đó không có lợi nhiều cho những thành viên của eurozone, như Đức hay Pháp, đang đi vay với lãi suất rất thấp. Nhưng đối với các quốc gia đang phải vay mượn trên thị trường tài chính, như Ý hay Tây Ban Nha,, Hy Lạp, thì lập tức lãi suất đi vay dài hạn 10 năm của những nền kinh tế này đã được hạ nhiệt ngay từ cuối tuần qua. Đây là một lợi thế, không nhỏ, cho phép các quốc gia đó thoát khỏi nanh vuốt của các nhà đầu cơ.

Một hiệu quả khác là đối với khu vực xất khẩu, quyết định của BCE đang làm đồng euro giảm giá và điều đó sẽ là cú hích cho xuất khẩu của các trong khu vực đồng euro.

Về phần mình, ông Pierre Schoeffler, chủ tịch S&Partners, cơ quan tư vấn tài chính, bất động sản thận trọng cho rằng, nếu không khéo, BCE lại vô hình chung mở ra một cơn sốt địa ốc, và tài chính khác :

« Quyết định của ngân hàng BCE nhằm xua tan mọi đe dọa giảm phát. Như đã biết, thoái lạm là một căn bệnh hiểm nghèo, một loại ung thư, đối với các nền kinh tế, nó giết chết tăng trưởng. Nhưng bên cạnh tác động tích cực đó thì cũng có nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Bơm tiền vào guồng máy kinh tế là một điều đáng khích lệ, nhưng đừng quên rằng biện pháp này dẫn tới hiện tượng mà tôi gọi là dồn sức mua của người nghèo sang cho người giàu.

Đơn giản là vì, khi mà lãi suất đã gần như số không, cộng thêm là dư thừa tiền mặt, thì lãi suất trả cho những người gửi tiền tiết kiệm cũng rơi xuống số không. Nói cách khác những người có một chút vốn để giành thì không được trả lãi một cách xứng đáng. Ngược lại khi mà ‘tiền rẻ’ thì người giàu không ngần ngại đi vay để đầu tư vào địa ốc, mua chứng khoán với hy vọng kiếm lời nhiều hơn. Ở đây sẽ tạo ra một loạt các quả bóng, từ địa ốc, đến tài chính, hay bong bóng đầu cơ. Hệ quả là giá nhà đất, chỉ số chứng khoán … sẽ tăng lên cao. Và rồi chúng ta lại đứng trước một thảm họa như ở vào những năm trước khủng hoảng tài chính 2008-2009. Về mặt xã hội, biện pháp của BCE sẽ khiến khoảng cách giàu- nghèo càng thêm nghiêm trọng ».

Marc Antoine Collard, ngân hàng Rothschild không quá bi quan như Pierre Schoeffler chủ tịch S&Partners mà lại tập trung vào những viễn cảnh tươi sáng chờ đợi châu Âu

« Tôi cho rằng hơn 1.000 tỷ euro là một bước đầu rất đáng khích lệ. Điển hình là giá đồng euro giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của châu Âu. Thêm vào đó, lãi xuất đi vay của một số nước trong khu vực, nhất là lãi suất dài hạn, đã giảm đi đáng kể trong những ngày qua. Những yếu tố đó đem lại một làm gió mới cho kinh tế châu Âu. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng để có hiệu quả hơn, tức là để chóng đem lại tăng trưởng cho khu vực, bên cạnh những biện pháp tiền tệ của BCE, Bruxelles cần nới lỏng các điều khoản về ngân sách. Nói cách khác eurozone cần thúc đẩy một lúc hai động cơ : tiền tệ và ngân sách để tiếp sức cho kinh tế, tạo thêm công việc làm. Một điểm thứ ba nữa, là song song với hai vế đầu, chúng ta phải tiến hành các biện pháp cải tổ về mặt cơ cấu, để phát huy khả năng cạnh tranh của khu vực đồng euro ».

Cân nhắc giữa tất cả những tác động vừa được các chuyên gia nêu trên, dường như có nhiều hiệu quả tích cực hơn. Kinh nghiệm của Mỹ, Anh Quốc cho thấy biện pháp bơm tiền vào thị trường cho phép hai nền kinh tế này phục hồi. Trong trường hợp của Nhật Bản, mục tiêu chính là nhằm đẩy lùi giảm phát.

Về điểm này, nội các của thủ tướng Shinzo Abe cần có thêm thời gian để chứng minh với công luận là Tokyo có thanh công hay không. Dù vậy, những tín hiệu ban đầu cho phép chúng ta nghĩ rằng, nước Nhật có cơ hội thoát khỏi con bệnh đã kéo dài gần 20 năm qua.

Đối với châu Âu, nếu nhìn vấn đề một cách tích cực thì có thể nói với quyết định bơm hơn 1.100 tỷ euro để cứu nguy kinh tế của toàn khối là bằng chứng cho thấy eurozone vừa tiến thêm một bước quan trọng trên con đường hội nhập tiền tệ và tài chính. Nhưng những người bi quan thì lo ngại, đây sẽ là nguyên nhân gây căng thẳng giữ nước Đức chủ trương khắc khổ với phần còn lại của khu vực đồng euro.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.