Vào nội dung chính
HY LẠP - BẦU CỬ

Hy Lạp: Đảng Syriza và món nợ tài chính với thế giới

Thông tin này lần lượt được đưa tin dưới các dòng tựa : « Hy Lạp : Phe cực tả trước thử thách của thực tế » trên trang nhất tờ Le Figaro hay « Chiến thắng rõ ràng của Đảng chống chính sách khắc khổ tại Hy Lạp » trên Les Echos. Các nhật báo Libération và L’Humanité thì tỏ ra vui mừng khi lần lượt nhận định : « Hy Lạp : khuôn mặt mới của châu Âu » và « Syriza mở ra cánh cửa mới ».

Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng chống khắc khổ Syriza, nhận quyết định bổ nhiệm làm Thủ tướng, ngày 26/01/2015, tại phủ Tổng thống Hy Lạp.
Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng chống khắc khổ Syriza, nhận quyết định bổ nhiệm làm Thủ tướng, ngày 26/01/2015, tại phủ Tổng thống Hy Lạp. REUTERS/Yannis Behrakis
Quảng cáo

Trước chiến thắng của đảng chống đối chính sách khắc khổ do Liên Hiệp Châu Âu cũng như các tổ chức tài chính quốc tế áp đặt với Hy Lạp, câu hỏi về khoản nợ của Hy Lạp trở thành mối bận tâm hàng đầu. Bài xã luận trên tờ Le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu có nơi nào mà người vay nợ lại có thể đưa ra điều kiện cho chủ nợ của mình không, nhất là khi đã bỏ tiền vào túi ? ». Chuyên trang « Kinh tế » của Le Monde phân tích các tình huống có thể xảy ra dưới tựa đề : « Syriza nắm quyền : số phận các khoản nợ sẽ ra sao ? ».

Ngay sau khi giành chiến thắng, Đảng Syriza sẽ phải đàm phán với « Bộ Ba » (gồm Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế), chủ nợ của 70,5% tổng nợ của Hy Lạp, để nhận được khoản trợ cấp 5,3 tỉ euro cuối cùng vào tháng 2 tới. Tiếp theo, là phải đạt được thỏa thuận về độ an toàn cần thiết mà các chủ nợ muốn áp dụng với Hy Lạp để thoát khỏi chương trình hỗ trợ. Nhận định về mối quan hệ giữa hai bên, một chuyên gia kinh tế cho biết : « Trên thực tế, sự đối đầu giữa Syriza và « Bộ Ba » không đến mức nặng nề như người ta tưởng. Hiện nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng nhận thấy rằng chính sách khắc khổ quá hà khắc đối với người Hy Lạp ».

Về lý thuyết, giảm bớt nợ cho Hy Lạp có thể diễn ra dưới hai hình thức. Khả năng thứ nhất, thuyết phục hơn cả, là không chạm tới tổng nợ, nhưng sẽ kéo dài thời gian thanh trả và giảm bớt lãi suất. Việc này sẽ giúp thanh trả khoản nợ hàng năm. Khả năng thứ hai là xóa bớt một phần nợ. Thế nhưng, điều này khó có thể xảy ra vì một số nước nợ khác như Bồ Đào Nha và Ai Len, với khoản nợ lên tới hơn 120% GDP, cũng có thể vin vào để yêu cầu xóa bớt nợ.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận cũng được nghĩ tới. Song, theo nhận định của một chuyên gia, khả năng này khó có thể xảy ra nhưng không có nghĩa là không thể. Trong trường hợp này, Hy Lạp có thể đưa ra lựa chọn mất khả năng thanh toán. Như vậy, khu vực đồng euro sẽ mất tối đa 256,4 tỉ euro và các nước thành viên của khối lại phải gánh chịu.

Khả năng Hy Lạp rút khỏi Liên hiệp cũng được các chuyên gia nêu lên, cho dù rất khó có thể xảy ra. Vì thứ nhất, 73% người Hy Lạp muốn nước mình ở lại trong khu vực đồng euro. Tiếp theo, nếu rút khỏi khối, đồng tiền Hy Lạp sẽ được tái định giá. Các khoản nợ của Hy Lạp hiện đang được tính theo đồng euro, sẽ chiếm tới 200% GDP của nước này. Như vậy, mất khả năng thanh toán là điều không thể tránh được. Và khu vực đồng euro sẽ bất ổn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ít có khả năng tình hình tại Hy Lạp lây lan sang các nước nam Âu khác, như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, so với cách đây ba năm. Vì trước hết, do các ngân hàng của các quốc gia này đã vững chắc hơn. Ngoài ra, nếu có vấn đề, Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ mua lại công nợ của các nước này, thông qua chương trình OMT được thành lập vào năm 2012.

Cũng có bài nhận định về tình hình nợ của Hy Lạp dưới tựa đề : « Syriza, hậu duệ của nỗi đau Hy Lạp và Châu Âu », tờ Libération cho rằng giải pháp mà các nước đang tính tới sẽ gây tốn kém cho khu vực đồng euro và cho công dân của khối này. Nhưng, chấp nhận Hy Lạp trong khối đồng tiền chung duy nhất, các chính phủ Châu Âu, cũng như Athènes, đều phải chịu trách nhiệm cũng như hậu quả. Châu Âu phải ý thức rằng cứu Athènes là củng cố Liên hiệp bằng cách chứng minh sự tương ái bền vững giữa các nước thành viên, chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ thị trường. Chiến thắng của Syriza cho phép mỗi bên thoát khỏi tính đạo đức hiện nay và cùng gánh trách nhiệm.

Theo dấu mafia môi trường

Sau buôn bán chất gây nghiện, làm hàng nhái và buôn người, tội ác phá hoại môi trường được xếp vào hàng thứ 4 thế giới về buôn bán bất hợp pháp. Loạt phóng sự gồm 5 số về tội ác phá hoại môi trường được báo Le Monde lần lượt đăng từ số ra ngày hôm nay.

Sau một thời gian dài điều tra trên nhiều lãnh thổ phóng viên của báo đã đúc kết được một hình thức tội phạm mới, tội phạm môi trường, được nhiều tổ chức mafia theo đuổi. Không còn ngồi chỉ ra những tác hại tới môi trường, các tổ chức liên quan muốn miêu tả tại sao và làm thế nào những tổ chức tội phạm lại quay sang môi trường để tăng thêm nguồn thu thông thường có được từ buôn bán ma túy và vũ khí.

Chúng có những mục tiêu khai thác cụ thể như gỗ quý, nguồn khoáng sản, động vật… Bên cạnh đó, nhu cầu cũng ngày càng lớn do bộ phận người giàu Châu Á ngày càng nhiều, luôn tìm kiếm hàng xa xỉ, đồ vật quý hiếm, vật mang lại may mắn hay những phương thuốc thần diệu.

Năm 2014, có 1215 con tê giác bị giết hại tại Nam Phi, như vậy mỗi ngày có 3 con bị giết. Trên thị trường Mỹ, mỗi kí bột sừng tê giác được bán với giá cắt cổ, 70 000 đô la (khoảng 62 000 euro), đắt gấp 2,5 lần một kí cocaine. Sừng tê giác được người Trung Quốc và người Việt Nam săn lùng vì họ tin rằng loại sừng này chứa kératine, một chất có trong tóc, móng tay hay móng chân, chữa được bách bệnh, thậm chí cả ung thư. Gần đây, bọn tội phạm đã nhắm tới cá ngựa vì, theo một ý tưởng lan tràn trên internet, thịt cá ngựa chữa được bệnh si đa.

Chính vì lợi nhuận khổng lồ trên, mà doanh thu của thị trường buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã lên tới 19 tỉ đô la (khoảng 17 tỉ euro) vào năm 2013. Tội ác sinh thái không chỉ là cỗ máy kiếm tiền mà còn đe dọa tới an ninh của các cộng đồng và toàn khu vực. Ví dụ như việc buôn bán ngà voi, hay kim cương từng tài trợ cho nhiều nhóm vũ trang tại Châu Phi.

Sự phát triển trên được giải thích bởi « lợi nhuận cao mà rủi ro ít ». Các nhóm phạm tội đều biết rằng án tù dành cho tội phá hoại môi trường nhẹ hơn nhiều so với tội buôn bán vận chuyển ma túy. Tại Mỹ, bị bắt với 1 kg ma túy trên người có thể lãnh án 10 năm tù, trong khi đó, với 1 kg bột sừng tê giác, chỉ có một năm. Từ vài năm nay, cảnh sát quốc tế sát cánh cùng với các lực lượng địa phương của 190 nước đã hiểu được tầm quan trọng của mối nguy hiểm mới này và đã tăng cường nhiều cuộc điều tra và chiến dịch đa phương.

New Delhi chìm trong khói than

Được xếp vào hàng thành phố khó thở nhất thế giới, thủ đô New Delhi đang đón Tổng thổng Mỹ. Một trong những chủ đề đàm phán trong chuyến thăm của mình, Barack Obama nhấn mạnh vào đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Tờ Libération phản ánh vấn đề môi trường, đang ở mức báo động, tại thủ đô của Ấn Độ dưới tựa đề : « Ô nhiễm môi trường : New Delhi chìm trong khói than ».

Dù năm 2010, New Delhi đã có những nỗ lực để giảm bớt tình trạng hiệu ứng nhà kính như : di dời nhà máy khỏi thủ đô, dùng khí tự nhiên cho các trung tâm năng lượng, xe mô-tô và taxi, nhưng việc lượng xe mới bùng nổ, khoảng 1400 xe mới đăng kí mỗi ngày, đã khiến kế hoạch thất bại.

Trên quy mô quốc gia, tình hình cũng không sáng sủa hơn : 60% điện của nước này là nhiệt điện. Ấn Độ là nước tiêu thụ than lớn thứ ba trên thế giới. Và quốc gia này cũng đứng thứ ba trên thế giới về thải khí CO2.
Hai nhà gây ô nhiễm lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giảm lượng khí thải của mình. Đến lượt Mỹ thuyết phục Ấn Độ cùng chung hướng. Trước hết, cả hai tổng thống tìm cách dung hòa hai tham vọng trái ngược nhau : vừa là cường quốc có trách nhiệm về môi trường, vừa phải đối mặt với thách thức phát triển vũ bão.

25% dân Ấn Độ (hơn 300 triệu người) vẫn không có điện. Chính phủ cam kết sẽ chấm dứt tình trạng này trong vòng 10 năm tới. Chương trình này buộc phải tăng gấp ba sản lượng điện quốc gia. Để đáp ứng được kế hoạch trên, chính phủ cũng thể hiện nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp, trong đó có điện từ năng lượng mặt trời, từ các nguồn năng lượng sạch và chỉ 50% còn lại là từ than.

Thế nhưng, nhiều ý kiến lên án sự vô trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc. Theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên, vào năm 2030, mỗi bên cam kết mỗi năm lượng khí thải chỉ đạt từ 12-14 tấn/trên mỗi đầu người. Trong khi đó, trái đất chỉ hấp thụ được 2 tấn. Cho dù Ấn Độ không làm gì thì mức độ khí thải cũng chỉ tăng từ 1,8 tấn lên tới 4 tấn, còn thấp hơn nhiều so với hai cường quốc trên.

Trang nhất các báo

Luật Macron được trình bày ngày hôm nay tại Hạ viện là một trong những tiêu đề được các nhật báo Pháp tập trung đưa tin. Ngoài ra, thời sự Pháp còn nổi bật với vụ kiện Bettencourt với việc xét xử 10 người liên quan bắt đầu từ ngày hôm nay.

Liên quan tới thời sự quốc tế, ngoài các thông tin về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo đòi trao đổi con tin người Nhật, phe ly khai Ukraina tấn công thành phố Marioupol, các nhật báo Pháp đều đăng trên trang nhất chiến thắng của liên minh cực tả Syriza (Hy Lạp) tại cuộc bầu cử Nghị viện diễn ra ngày hôm qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.