Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Sự thất sủng của một nhà tài phiệt Nga

Những tỷ phú thế hệ đầu tiên của Nga lần lượt rơi rụng, phải bỏ xứ ra đi, bị tù đày hay phải chịu theo sự chỉ đạo của điện Kremli. Một điểm chung nữa là sản nghiệp của số người này hầu như đã bị trưng thu và quốc hữu hóa. Có những người đang từ là “bạn” của Tổng thống Nga hiện nay, bỗng chốc trở thành tội đồ và bị phát lệnh truy nã. Mục điều tra của nhật báo Le Monde ngày 20/01/2015, nói về “Sự thất sủng của một nhà tài phiệt”.

Sergueï Pougatchev(phải) với tổng thống Putine.
Sergueï Pougatchev(phải) với tổng thống Putine. Reuters
Quảng cáo

Đó là trường hợp của Serguei Pougatchev, một doanh nhân khắc khổ mà phóng viên Le Monde có dịp gặp gỡ và phỏng vấn tại Luân Đôn. Cũng như bao đồng nghiệp Nga khác cùng thế hệ với ông, Pougatchev bắt đầu phất lên từ cuối những năm 1980, xây dựng cả một đế chế với nhiều phân nhánh đa dạng: từ các xưởng đóng tàu tại Saint-Petersbourg cho đến các hầm than tại Siberia. Trung tâm của đế chế là Ngân hàng Mejprombank. Chính tại đây ông đã mở những tài khoản đầu tiên cho gia đình cựu tổng thống Boris Eltsine. Cũng chính vì điều đó mà ông có biệt danh là “nhà băng của Kremli”.

Đến những năm 2000 Pougatchev còn mở rộng hoạt động đầu tư sang cả Châu Âu. Trở thành công dân Pháp, ông sở hữu nhiều bất động sản ở miền nam nước này. Do rất am tường các quy tắc “doanh nghiệp” cũng như “chính trị” nên có một thời gian Pougatchev đóng vai trò cầu nối giữa điện Kremli với giới doanh nghiệp Nga, khi ông Vladimir Putin mới chập chững nắm quyền.

Theo lời thuật, Pougatchev và Putin quen biết nhau từ giữa những năm 1990. Họ trở nên thân mật và gặp nhau thường xuyên. Vào thời điểm đó, ông vừa là doanh nhân,  vừa là nghị sĩ Cộng hòa Touva, vùng Siberia. Ông nhớ lại thỏa thuận đầu tiên mà Putin đưa ra với chủ nhân lúc bấy giờ là: “Các ngài đừng làm chính trị và chúng tôi sẽ để cho công việc kinh doanh của các ngài được bình yên”.

Bị chấn chỉnh

Thế nhưng thỏa thuận đó đã không giữ được bao lâu. Hoặc người ta phản bội lại Putin, hoặc là vì các vụ làm ăn không làm ông ta hài lòng. Chẳng bao lâu sau, những nạn nhân đầu tiên bắt đầu rơi rụng, trong đó có tỷ phú đối lập sống lưu vong Mikhail Khodorkowski – kẻ thù số một của Putin.

Tổng thống Nga lần lượt đưa nhiều nhà tài phiệt ra hầu tòa, một số người buộc phải sống lưu vong. Mikhail Khodorkowski bị kết án 10 năm tù. Số khác bị buộc phải theo khuôn khổ, lái công việc kinh doanh theo những lợi ích của Kremli. Ông khẳng định rằng: “Putin muốn củng cố quyền lực của mình bằng cách hạ gục những kẻ cứng đầu nhất trong giới tài phiệt. Rồi đến những người bạn của ông ta ở Saint-Petersbourg, những cựu nhân viên KGB, ai cũng đòi chia phần. Họ cũng vậy, họ cũng muốn phất lên và cần phải lấy tiền ở đâu đó”.

Và trong những năm tháng đó, chính ông Pougatchev cũng nhắm mắt làm ngơ, lợi dụng vị thế của mình ngay trong lòng hệ thống. Nhưng điều đó cũng không giúp ông thoát được cái vòi bạch tuộc. Tên của ông được thêm vào trong danh sách các doanh nhân bị thất sủng.

Gió đổi chiều

Vào tháng 11/2014, Nga cũng đã thuyết phục được Interpol phát lệnh truy nã “khẩn cấp” chống lại ông. Luân Đôn trở thành trại cố thủ. Việc đi lại giờ bị thu hẹp khi cần thiết: gặp gỡ các luật sư và vệ sĩ. Theo lời kể, Pougatchev cảm thấy gió đổi chiều vào cuối năm 2013 khi ngành tư pháp Nga mở điều tra chống lại ông với tội danh lừa đảo với quy mô lớn khi ngân hàng Mejprombank của ông bị phá sản vào năm 2010.

Ông bị nghi ngờ rút trộm hơn một tỷ euro trong các tài khoản gởi tại ngân hàng. Pougatchev khẳng định điều này hoàn toàn sai bởi vì ông không còn nắm quyền điều hành định chế này từ năm 2001. Hơn nữa khoản tiền đó do ngân hàng trung ương cho vay mượn đã được bù đắp bằng việc trưng thu các xưởng đóng tàu của ông với giá rẻ mạt. Theo ông, trình tự tố tụng này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: đảm bảo rằng ông sẽ không trở về Nga được nữa và hoàn thành việc chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp ngay từ năm 2009.

Ông cho hay Tổng thống Nga đã từng đề nghị ông bán lại các xưởng đóng tàu cho chính phủ. Pougatchev khẳng định ông sẵn sàng bán rẻ chúng để không làm mích lòng chính quyền. Theo ông, có lẽ Kremli sau đó đã quyết định là sẽ không trả tiền bằng cách sử dụng chiêu bài phá sản của Mejprombank. Vào năm 2010, chủ quyền của những xưởng quan trọng nhất được chuyển cho Ngân hàng Trung ương. Định chế này ngay sau đó đã chuyển nhượng quyền quản lý cho Igor Setchine, một thân cận của Tổng thống, chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft.

Pougatchev cho hay Igor Setchine cùng với nhiều người khác nữa, Alexei Miller – lãnh đạo tập đoàn Gazprom hay Vladimir Iakounine – lãnh đạo ngành đường sắt thuộc thế hệ tài phiệt mới và Putin dựng lên để thay thế những thế hệ cũ. Đó cũng là bạn bè của tổng thống, cố nhân Saint-Peetersbourg hay cựu nhân viên KGB. Họ chính thức trở thành chủ nhân của những tập đoàn nhà nước.

Trên thực tế, họ hành động như là cánh tay đắc lực của Kremly, gần như đứng tên hộ. Dưới sự điều hành của Vladimir Putin, nhà nước Nga bị biến thành một dạng tập đoàn mà Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ là Tổng thống. Chính ông ta sẽ đưa ra các định hướng, hòa giải các vụ tranh chấp và cho phép tất cả được làm giàu.

Gieo nhân nào hái quả ấy ?

Le Monde nhận định trường hợp của Pougatchev hay mới đây nhất là Vladimir Evtouchenkov hiện đang bị quản thúc tại gia và bị chiếm đoạt tập đoàn dầu khí Bachneft vào mùa thu 2014 cho phép hiểu rõ một điều nữa về hệ thống Putin : Lòng trung thành cũng không đủ để thoát khỏi sự thất sủng và sự thèm thuồng dã thú của những thế hệ chủ nhân mới.

Nhưng Le Monde cho rằng vụ Pougatchev còn có thể có một hướng giải thích khác. Nhà tài phiệt đã quá lộ liễu tình bạn của Putin và đã lợi dụng mối quan hệ đó cho công việc làm ăn của mình. Điều đó đã gây khó chịu cho Tổng thống Nga. Cáo buộc “lừa đảo” mà ngành tư pháp Nga đưa ra cũng có phần đúng.

Theo một nhà tỷ phú Nga khác, trong quá khứ ông Pougatchev phất lên được là cũng nhờ vào hệ thống quyền lực để chiếm đoạt các xưởng đóng tàu tại Saint-Petersbourg. Nhưng đối với nhật báo, tại một nước Nga hiện nay, một khi nền tư pháp độc lập chỉ là chuyện ảo tưởng thì không thể xác định thực tế của những cáo buộc chống lại một cá nhân.

Câu hỏi đặt ra: “Vì sao Vladimir Putin đã cho phép, nếu không đã đẩy nhanh hơn nữa sự sụp đổ của cố nhân?” Theo ông Pougatchev, ngoài sự thèm thuồng của các đối thủ của ông, có điều gì đó “phức tạp” ở con người Putin. Bởi vì “trong số những người biết quá rõ và đôi khi là tác nhân của sự chuyển tiếp từ một người chẳng có gì lên thành một tổng thống, giờ chỉ còn có mình tôi. Ông ta muốn rằng mọi người phải quên giai đoạn đó”.

Người giàu ngày càng giàu hơn

Ngày mai (21/01/2015) Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 45 sẽ chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, và kéo dài trong ba ngày. Cuộc họp quy tụ các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị trên toàn thế giới nhằm bàn thảo các vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Trong số các hồ sơ quan trọng, có vấn đề về hiện tượng gia tăng bất bình đẳng kinh tế theo như báo cáo do Oxfam công bố ngày hôm qua.

Báo cáo của Oxfam nhấn mạnh: 1% dân số thế giới chiếm giữ đến 48% sự giàu có của cả hành tinh. Tài sản tích lũy của số người này sẽ vượt qua mức tài sản của 99% người còn lại có được vào năm 2016. Như vậy là “Người giàu sẽ còn giàu hơn nữa” theo như tựa đề nhận định bài xã luận trên La Croix. Bài viết cho rằng một sự gia tăng bất bình đẳng như thế sẽ chẳng có gì đáng chê trách giả như tình hình của người nghèo cũng được cải thiện. Nhưng tình hình này không như thế: trong khi người giàu ngày càng giàu, vị trí của những người kém may mắn không được cải thiện là bao.

Nhưng điều đầu tiên bản báo cáo của Oxfam muốn lên án đó là cách những người giàu đó làm sinh lợi tài sản của họ nhờ vào vận động hành lang được lèo lái bởi những doanh nghiệp do họ kiểm soát để đạt được những quy định về thuế khóa và ngân sách có lợi cho họ. Một phần tài sản của họ có được là nhờ vào khả năng định hướng những nguồn tài nguyên công về phía có lợi cho số người này trong khi những nguồn tài sản đó phải được chia cho nhiều số đông hơn nữa.

Tuy nhiên theo tổ chức phi chính phủ Oxfam thì tình hình đó không phải là không giải quyết được. Oxfam kêu gọi các quan chức chính trị thông qua một dự án chống bất bình đẳng bằng cách chống lại nạn trốn thuế, đánh thuế nhiều hơn lên vốn tư bản và ít hơn trên việc làm, thiết lập mức lương tối thiểu hay thực hiện các chính sách xã hội cho người nghèo. Sao cho nền kinh tế được phục vụ vì cái tốt chung.

Người giàu áp đặt luật chơi

Để minh họa cho báo cáo của Oxfam, Libération trong bài viết đăng trên mạng lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Theo đó, 5% người Mỹ sở hữu đến 85% sự giàu có của cả nước. Theo nhật báo có rất nhiều lý do để giải thích.

Tờ báo nhắc lại nhận xét của giải Nobel Kinh tế Josph Stiglitz được đề cập đến trong quyển sách gây sốc « Cái giá của sự bất bình đẳng », đầu tiên hết mức thuế bình quân năm 2007 của 400 hộ gia đình giàu nhất chỉ có 16,6%, thấp hơn nhiều mức 20,4% phần đông phải trả. Tiếp đến, bởi vì họ nắm giữ guồng máy chính trị « Chính họ là những kẻ ấn định luật chơi chính trị, những luật họ dùng để phục vụ cho lợi ích của họ ».

Một phân tích của Center for responsive politics nhắc lại :phân nửa các đại biểu Quốc hội là tỷ phú. Cuối cùng, bởi vì làn sóng bãi bỏ quy định đã phục vụ cho số người này. « Trong vòng 30 năm, mức lương của 90% dân Mỹ chỉ tăng có 15%, trong khi mức lương của 1% trên cao nhảy vọt đến 150%. Còn lương của số 0,1% là hơn 300% ».

Libération ghi nhận chính điều này đã nuôi dưỡng một luồng chống đối từ New York cho đến Luân Đôn, đi qua cả Madrid, đẩy người dân xuống đường biểu tình. « Chúng tôi thuộc 99% », những người biểu tình hô to để phản đối lại số 1% những kẻ chiếm giữ quyền lực và sự giàu có.

Năm 2019 : Thế giới sẽ có hơn 200 triệu người thất nghiệp

Cũng liên quan đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Les Echos cho hay « Tổ chức việc làm Quốc tế dự báo sẽ có thêm 10 triệu người thất nghiệp trong 5 năm tới ».

Báo cáo thường niên được Tổ chức Việc làm Quốc tế công bố hôm nay cho thấy có nhiều tín hiệu đáng báo động : « Thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới, kinh tế thế giới đang đi vào một giai đoạn mới kèm theo là tăng trưởng chậm, bất bình đẳng tăng và biến động xã hội. Năm 2019, hơn 212 triệu người sẽ bị thất nghiệp, tăng thêm 10 triệu nữa so với con số 202 triệu người hiện nay ». Theo Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức : « khủng hoảng việc làm còn xa mới chấm dứt và cũng không có đủ chỗ để đáp ứng ».

Trang nhất báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp sáng nay 20/01/2015 khá dàn trải. Nhật báo kinh tế Les Echos và Le Figaro chú ý thấy rằng “Cải cách: làm thế nào Hollande muốn vượt lên trở lại” và “Hollande muốn tin vào một bước khởi đầu mới”. Theo kết quả thăm dò công bố chiều qua, điểm tín nhiệm của Tổng thống Pháp bất ngờ nhảy vọt từ 12% lên 21% trong vòng một tháng. Cả hai tờ báo nhận định dường như người đứng đầu nhà nước đang tìm lại được quyền hạn cho dù tình hình kinh tế và xã hội vẫn còn rất mong manh.

Le Monde, Libération và La Croix quan tâm đến các vấn đề xã hội; “Làm thế nào chống lại Hồi giáo cực đoan?” là câu hỏi lớn của Le Monde. Nước Pháp bị chỉ trích là chậm trễ trong công cuộc chống lại hiện tượng Hồi giáo hóa. Libération nhận thấy “Khủng bố: Internet, nạn nhân thế chấp”. Tờ báo tự hỏi “Do bị cáo buộc tiếp tay cho phong trào cực đoan hóa, liệu mạng net sẽ là lá chắn của những vụ tấn công khủng bố?”. Bởi lẽ xu thế kiểm soát, hạn chế tự do công chúng đang được thực hiện ngày càng mạnh.

Nhìn ra rộng hơn, nhật báo Công giáo cho biết “Bất bình đẳng không biết khủng hoảng”. Tờ báo cho hay theo báo cáo của Oxfam, mật độ giàu có trên thế giới tiếp tục gia tăng: 80 cá nhân giàu nhất thế giới sở hữu một khối lượng tài sản bằng của cả 3,5 tỷ người.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.